Như một bức họa đa sắc đầy tính thể hiện, chuyện về chủ nhân của nó, những chi tiết như màu sắc, chất liệu, và cách sắp xếp đồ đạc đều phản ánh cá tính và sở thích cá nhân. Khi bước vào một căn phòng, cảm giác thân thuộc sẽ xuất hiện khi mọi thứ trong không gian dường như gần gũi và thân quen. Một không gian sống ấm cúng không chỉ giúp chúng ta cảm thấy an yên mà còn tạo nên sự kết nối sâu sắc giữa con người và môi trường xung quanh.
Khái niệm “ấm cúng” không chỉ gói gọn trong câu chuyện thẩm mỹ; đó còn là thành quả của một sự đầu tư nghiên cứu để tạo ra không gian nuôi dưỡng các giác quan và lan tỏa cảm giác bao bọc an yên. Một không gian ấm êm không chỉ mang vẻ ngoài hấp dẫn mà còn tạo cảm giác ấm áp, riêng tư và yên bình. Việc tạo nên một môi trường như vậy đòi hỏi sự thiết kế có chủ ý và trang trí tinh tế. Trong các thiết kế kiến trúc, để đạt được mức độ dễ chịu này, ta cần có sự kết hợp hài hòa, tinh tế của các yếu tố như ánh sáng, vật liệu, kết cấu và bố trí không gian. Bài viết này sẽ khám phá những yếu tố thiết yếu góp phần tạo nên sự ấm cúng, đi kèm với các hướng dẫn thực tế và ví dụ thực tiễn để truyền cảm hứng cho dự án tiếp theo của bạn.
1. Yếu tố ánh sáng trong không gian
Từ thuở sơ khai, ánh sáng là thứ khai mở con đường tiếp nhận của ta về thế giới xung quanh đồng thời khuấy lên những xúc cảm sinh động. Và trong thiết kế kiến trúc, ánh sáng chính là nền tảng và chất xúc tác cho bầu không khí của căn phòng; ánh sáng làm nổi bật vẻ đẹp của nội thất và đặc biệt tạo nên sự ấm cúng dễ chịu. Ánh sáng tự nhiên có khả năng tiếp truyền năng lượng và hơi ấm mạnh mẽ nhưng chỉ “ghé lại” những thời điểm nhất định trong ngày. Trong khi đó, ánh sáng nhân tạo đa dạng, dễ kiểm soát hơn lại thiếu đi năng lượng sống. Một không gian kiến trúc thành công có thể phối hợp hai nguồn sáng này để duy trì sự ấm cúng trong không gian. Nhiệt độ màu và cường độ ánh sáng là hai yếu tố chủ chốt quyết định bầu không khí. Ánh sáng có nhiệt màu ấm từ 2700K-3000K (ngả vàng) tạo cho ta cảm giác ấm áp, gần gũi và xoa dịu. Trong khi đó, ánh sáng trung tính hoặc lạnh (4000K) trở lên lại đem đến sự sáng rõ, hiện đại nhưng cũng khá “đanh” dễ tạo cảm giác lạnh lẽo và khô khan.
Nhà ga King’s Cross – Anh Quốc KTS John McAslan + Partners Nhà ga King’s Cross ở London, sau khi được cải tạo, đã tích hợp ánh sáng nhân tạo để tăng tính thẩm mỹ và chức năng. Hệ thống đèn LED với ánh sáng ấm chạy dọc theo mái vòm, làm nổi bật cấu trúc thép và kính mà vẫn giữ được cảm giác thân thiện. Đây là nơi giao thoa giữa hiện đại và ấm cúng, khiến người đi lại cảm thấy dễ chịu hơn trong một không gian công cộng lớn. Ảnh: Fhufton Crow
Thư viện Oodi – Phần Lan KTS ALA Architects Thư viện Oodi tại Helsinki là một ví dụ tiêu biểu về cách ánh sáng có thể biến một không gian công cộng lớn thành một nơi gần gũi và ấm áp. Trần nhà được làm từ gỗ sáng màu kết hợp với hệ thống ánh sáng vàng dịu, tạo ra bầu không khí chào đón cho người đọc sách. Các cửa sổ lớn mang ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, trong khi đèn LED âm trần bổ sung ánh sáng mềm mại vào buổi tối, giúp không gian luôn thân thiện và dễ chịu. Ảnh: Tuomas Uusheimo
Cường độ ánh sáng cũng ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta: ánh sáng dịu nhẹ mang lại không khí thân mật, bình yên và thư thái. Ánh sáng mạnh, chói gắt ngược lại sẽ gia tăng căng thẳng và có thể khiến không gian như bị xóa trắng. Cách xử lý ánh sáng khéo léo cũng sẽ giúp gia chủ đạt được hiệu ứng mong muốn. Ví dụ tiêu biểu nhất là sử dụng ánh nắng tự nhiên lấy qua cửa sổ, giếng trời hoặc cửa chính. Sự đổ tràn hào phóng của thiên nhiên gia tăng cảm giác kết nối với môi trường xung quanh. Khi muốn tạo môi trường thư giãn, gia chủ có thể kết hợp rèm, tấm lam hoặc kính màu với vai trò của lớp màng lọc giúp ánh sáng đi qua dịu nhẹ hơn và đảm bảo sự riêng tư. Các KTS và NTK cũng có thể tận dụng nhiệm vụ chức năng của đèn để tạo nên sự đa tầng, giúp mỗi góc nhà lan tỏa sự ấm cúng theo cách riêng. Cụ thể, các không gian sinh hoạt chung như phòng khách và phòng ăn cần ánh sáng tỏa rộng để tạo bầu không khí sum vầy và phục vụ tốt nhiệm vụ chiếu sáng cho sinh hoạt. Trong khi đó, ánh sáng cho tranh ảnh, giá sách hoặc cây xanh chỉ rọi tập trung vào một điểm để nêu bật điểm nhấn. Còn ánh sáng cho nhiệm vụ cụ thể như đèn bàn, đèn đọc sách và đèn bếp cần cường độ chiếu sáng thích hợp để giúp gia chủ thực hiện tốt công việc mà không bị mỏi mắt khi tập trung. Tuy là yếu tố “vô hình” nhưng lại hữu ý, ánh sáng sẽ khắc họa những cảm xúc rõ ràng cho không gian nội thất. Khi được sử dụng đúng cách, ánh sáng tôn vinh thiết kế, đem lại sự thoải mái và ấm áp cho một không gian tràn đầy cảm hứng.
2. Bề mặt chất liệu tăng cường cảm giác
Trong trải nghiệm thị giác, kết cấu hay bề mặt chất liệu chính là thứ khơi gợi, tăng cường cảm giác khiến không gian trở nên phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn. Việc sử dụng đa dạng chất liệu là một cách hiệu quả để biến căn phòng trở nên ấm cúng, gần gũi nhưng không kém phần cá tính. Kết cấu chính là thứ làm nên chiều sâu của không gian, những bề mặt nhẵn mịn xuyên suốt tạo nên một không gian nhàm chán và thiếu hụt hơi ấm. Việc phối hợp các bề mặt chất liệu không chỉ giúp tôn vinh hình khối, bố cục không gian mà còn là sự mô phỏng tự nhiên, gợi nhắc từ trong tiềm thức con người về những không gian ấm áp và an toàn cho việc lưu trú. Từ đó hình thành nên định nghĩa của sự ấm cúng. Đặc và rỗng, dày mịn và tơi xốp, trơn phẳng và bông dày… khi các yếu tố trên được cân bằng, không gian có khả năng truyền tải những câu chuyện thu hút, gợi mở chào đón nhưng cũng vô cùng thân thuộc. Một yếu tố quan trọng khác đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự ấm áp và thoải mái trong không gian nội thất chính là cảm giác chạm. Từ sự mềm mại của chiếc ghế sofa đến độ mịn màng của bề mặt gỗ đánh bóng, mỗi chất liệu đều kể một câu chuyện và khơi gợi cảm xúc. Những vật liệu được lựa chọn cẩn thận, chẳng hạn như da thuộc mềm mại hay đá tự nhiên, mời gọi sự tương tác và mang đến chiều sâu cho không gian. Những yếu tố xúc giác này, kết hợp với thiết kế tinh tế, biến một căn phòng đơn giản thành một nơi trú ẩn ấm cúng, khắc tạc nên cá tính gia chủ, nơi mọi bề mặt đều khơi gợi cảm giác kết nối và hài hòa.
Vila Madalena Apartment được thiết kế bởi KTS Gui Mattos, là một không gian sống độc đáo nằm ở khu vực Vila Madalena sôi động tại São Paulo, Brazil. Căn hộ là minh chứng việc sử dụng các vật liệu tự nhiên để tạo nên một không gian sống ấm áp và tinh tế. Thiết kế của căn hộ tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên, với các cửa sổ lớn mở ra tầm nhìn quang cảnh thành phố. Nội thất được bài trí đơn giản nhưng tinh tế, sử dụng các vật liệu như gỗ tự nhiên, bê tông, và đá để tạo sự cân bằng giữa vẻ đẹp mộc mạc và hiện đại. Các chi tiết nội thất mang phong cách tối giản nhưng đầy cá tính, với bảng màu trung tính làm chủ đạo, nhấn mạnh vào sự hài hòa và ấm cúng. Ảnh: Lela Leme
Studio Cottage Studio Cottage, được thiết kế bởi KTS Christian Taeubert và NTK Sun Min, là một công trình nhà ở nổi bật mang lại cảm giác ấm áp và gần gũi nhờ cách sử dụng thông minh chất liệu tự nhiên. Công trình này tại Hàn Quốc và được thiết kế để tối ưu hóa sự kết nối giữa không gian nội thất và môi trường bên ngoài. Studio Cottage sử dụng gỗ làm vật liệu chủ đạo, từ tường, trần cho đến sàn nhà, mang lại cảm giác ấm cúng và mộc mạc. Các bề mặt gỗ sáng màu kết hợp với ánh sáng tự nhiên từ các cửa sổ lớn giúp không gian trở nên rộng rãi, thoáng đãng nhưng vẫn giữ được sự gần gũi. Ngoài ra, thiết kế tối giản với các đường nét sạch sẽ và sự sắp đặt hợp lý của đồ nội thất tạo nên một không gian sống hiện đại nhưng không kém phần thân thiện. Studio Cottage không chỉ là một ngôi nhà mà còn là một ví dụ tiêu biểu về cách phối hợp giữa kiến trúc, nội thất và thiên nhiên để tạo ra sự hài hòa và ấm áp trong không gian sống. Ảnh: Boris Shiu
Bạn có biết mỗi chất liệu lại nắm giữ chìa khóa mở ra những cảm giác khác nhau? Ví dụ như gỗ vững chãi đem lại sự ấm áp gần gũi đại diện cho trạng thái yên ổn, tĩnh lặng. Trong khi đó, đá thiên nhiên lại lan tỏa vẻ quyến rũ sang trọng, cái đẹp khó nắm bắt và vô cùng tinh tế. Vải tự nhiên như lanh, bông và đay mang đến cảm giác mộc mạc, nhẹ nhàng. Gốm và sứ lại linh hoạt, vừa có thể toát ra sự thanh tao mà cũng có thể thô mộc, êm ái. Kim loại sáng rỡ tuy chạm vào mát lạnh nhưng trong trò chơi cảm giác lại có thể khuấy động sự sắc sảo, đem đến nét hoàn thiện sắc nét “tăng nhiệt” cho không gian. Sự đối lập về cảm giác như ghế sofa hình khối và gối tựa nhung mềm, bàn cà phê gỗ đặt nằm trên tấm thảm len vừa bổ sung mà cũng cân bằng lại cho nhau. Tuy nhiên, câu chuyện chất liệu cũng cần đến những bản lề nhất định để đạt hiệu quả cao nhất. Một vài lưu ý bạn sẽ cần biết trong trò chơi chất liệu, đó là:
– Luôn có điểm nhấn chính: Chọn một hoặc hai yếu tố nổi bật về kết cấu (ví dụ thảm hoặc sofa) để làm trung tâm, sau đó phối hợp các yếu tố khác xoay quanh.
– Tạo sự cân bằng: Nếu sử dụng nhiều kết cấu mềm, hãy thêm một số yếu tố cứng như kim loại hoặc gỗ để tránh cảm giác rườm rà.
– Chọn tông màu phối hợp: Đa dạng về kết cấu không có nghĩa là lộn xộn; hãy đảm bảo các vật liệu và màu sắc bổ sung lẫn nhau để tạo sự hài hòa.
Với cách xử lý và sự phân bổ thích hợp, các chất liệu kết hợp cùng nhau sẽ kể nên một câu chuyện nội thất riêng tư và sâu sắc, những điểm nhấn then chốt về cảm giác gắn bó, ấm cúng được dệt vào từng chi tiết mà ở đó chỉ có gia chủ là người thấu hiểu nhất thứ ngôn ngữ cảm xúc này.
3. Bảng màu ấm áp tạo nên không gian nội thất ấm cúng
Màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng giúp định hình không gian sống, không chỉ về thẩm mỹ, màu sắc còn tác động trực tiếp đến cảm xúc và tâm trạng của con người. Những gam màu phù hợp giúp xoa dịu tâm trí và lan tỏa cảm giác ấm cúng gần gũi.
Một bảng màu ấm áp có thể biến một căn phòng lạnh lẽo thành một nơi chốn ấm cúng, thân thiện và đầy mời gọi. Các gam màu ấm như vàng, cam, đỏ hoặc nâu thường khơi gợi cảm giác gần gũi, thân thiện và lan tỏa sự ấm áp tự nhiên. Chúng gợi nhắc đến hình ảnh của ánh dương, đốm lửa trại, hoặc gỗ ấm áp, từ đó dẫn truyền cảm giác thư giãn và an yên vào không gian sống. Ngược lại, màu sắc trung tính như be, xám nhạt hoặc kem lại hướng đến sự cân bằng và hài hòa, giúp không gian trở nên thoáng đãng nhưng không kém phần ấm áp. Việc phối hợp màu sắc đúng cách, chẳng hạn như kết hợp giữa màu ấm với các màu trung tính hoặc màu trung tính cùng điểm nhấn đậm có thể tạo ra sự tương phản vừa đủ, làm tăng chiều sâu và sự thu hút cho căn phòng.
Pãvilosta Residence được thiết kế bởi Open AD (OAD), là một công trình kiến trúc ấn tượng nằm tại vùng duyên hải Pāvilosta, Latvia. Ngôi nhà là sự kết hợp tinh tế giữa phong cách tối giản hiện đại và việc sử dụng chất liệu tự nhiên để tạo ra không gian ấm áp, thoải mái, đồng thời hòa mình vào cảnh quan ven biển xung quanh. Công trình nổi bật với mặt ngoài được ốp gỗ tuyết tùng và các đường nét thiết kế tối giản nhưng đầy tinh tế, hài hòa giữa kiến trúc và môi trường. Nội thất bên trong sử dụng bảng màu trung tính, với gỗ tự nhiên, bê tông và kính làm chủ đạo, mang lại cảm giác thanh lịch và ấm cúng. Cửa sổ lớn được bố trí khắp không gian, cho phép ánh sáng tự nhiên tràn vào và tạo tầm nhìn rộng mở ra cảnh quan biển Baltic. Ảnh: Alvis Rozenbergs
Ngoài ra, ánh sáng tự nhiên và nhân tạo cũng có thể làm thay đổi cách màu sắc được cảm nhận, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến bầu không khí chung. Ánh sáng thiên nhiên có thể được điều chỉnh bằng cách sử dụng rèm cửa, trong khi đó ánh sáng nhân tạo từ đèn có thể được tăng giảm cho phù hợp với các thời điểm trong ngày. Một không gian được thiết kế với bảng màu hợp lý không chỉ mang lại cảm giác ấm áp mà xúc của con người với môi trường sống. Các gam màu đem lại sự ấm cúng không nhất thiết phải nghiêng về các gam “rực lửa” mà có thể là màu trung tính và điềm tĩnh. Ví dụ: Cho một không gian dịu nhẹ tinh tế, gia chủ có thể chọn màu chủ đạo be, kem, xám và nâu nhạt hoặc gam màu hơi ửng hồng để dễ phối hợp nội thất. Hoặc để có trải nghiệm gắn liền với sự xoa dịu thiên nhiên thì các gam màu dễ chịu như cam đất, vàng mù tạt, xanh ô liu, hoặc đỏ gạch có thể giúp gia tăng sự sống cho không gian, sự ôm ấp của thiên nhiên giúp gia tăng cảm giác gắn bó với không gian. Với những ai ưa chuộng cảm giác thanh nhẹ, an tĩnh thì gam màu trắng hoặc kem (trắng ngà, kem xám, trắng kem) sẽ là lựa chọn tối ưu bởi chúng phản chiếu ánh sáng hiệu quả, giúp mở rộng không gian mà vẫn “êm” như mây, giúp tâm trí được giải tỏa bớt áp lực.
– Phối màu tường và nội thất: Nếu bạn chọn màu tường làm nền trung tính ấm áp, hãy bổ sung các điểm nhấn màu sắc qua nội thất như ghế sofa, rèm cửa, hoặc thảm. Ví dụ: Một phòng khách với tường màu trắng ngà sẽ trở nên sinh động hơn khi kết hợp ghế sofa màu nâu ấm, gối tựa màu vàng mù tạt và chăn mỏng màu cam cháy. Ngoài ra, việc đưa các chất liệu tự nhiên như gỗ, da, vải lanh vào sẽ giúp tôn bật bảng màu mà không làm mất đi sự tự nhiên.
– Sử dụng màu nhấn tinh tế: Gam màu chủ đạo trung tính sẽ được tôn vinh và tô điểm cá tính khi đứng cạnh những sắc thái đậm hơn. Ví dụ, đảo bếp màu trắng có thể được tô điểm với hệ tủ màu gỗ óc chó hay ghế ăn đánh màu gỗ đậm, đồ dùng đa sắc như đỏ, xanh rêu, vàng kim. Tuy nhiên, những gam màu mạnh nên được sử dụng ở mức độ vừa phải để không tạo cảm giác nặng nề, nóng bức.
– Hiệu ứng chuyển màu: Kỹ thuật ombré (chuyển màu từ đậm sang nhạt) trong rèm cửa hoặc tường có thể tạo chiều sâu, làm tăng thêm cảm giác thư thái cho không gian. Cùng một gam màu nhưng với sắc thái chuyển đổi sẽ tạo nên luồng chảy không gian thú vị, mang đặc trưng ưa thích của gia chủ vào nơi ở sẽ gia tăng cảm giác gắn bó thân mật.
4. Điểm nhấn cá nhân
Mỗi căn nhà đều phản ánh sở thích, trải nghiệm của chủ nhân và linh hồn của chúng là sự đầu tư tâm huyết trong từng chi tiết nhỏ. Không gian sống lý tưởng chính là nơi kể câu chuyện về chủ nhân của nó. Những chi tiết như màu sắc, chất liệu, và cách sắp xếp đồ đạc đều là sự phóng chiếu của cá nhân. Khi bước vào một căn phòng, cảm giác thân thuộc sẽ xuất hiện khi mọi thứ trong không gian dường như “gần gũi” và “thân quen. Ví dụ: Một người yêu thích thiên nhiên sẽ luôn có cây xanh trong nhà và ưa chuộng sử dụng nội thất tự nhiên từ gỗ, đá hoặc chất liệu vải lụa, bông, sợi đay. Trong khi đó, gia chủ theo trường phái cổ điển sẽ ưa thích những vật dụng hoài cổ, những đồ trang trí cầu kỳ hoặc đồ sưu tập độc đáo. Một gia chủ đam mê nghệ thuật sẽ cầu kỳ trong việc lựa chọn nội thất mang chất “nghệ” hoặc dành một không gian xứng đáng để trưng bày những món sưu tầm nghệ thuật giá trị đối với bản thân.
Gale Apartment, được thiết kế bởi Memola Estúdio, là một dự án cải tạo căn hộ mang phong cách hiện đại và tinh tế, tọa lạc tại Brazil. Công trình này nổi bật nhờ sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế tối giản, chất liệu tự nhiên, và cách bố trí không gian thông minh nhằm tối ưu hóa ánh sáng và sự thoải mái cho cư dân. Dự án tập trung vào việc sử dụng các vật liệu ấm áp như gỗ tự nhiên cho sàn và nội thất, kết hợp với bê tông mộc và đá, tạo ra một không gian vừa hiện đại vừa gần gũi. Các chi tiết trang trí đều là đồ sưu tầm của gia chủ mang đến phong vị độc đáo, cá tính thu hút. Ảnh: Fran Parente
Sertão Portinari Installation được thiết kế bởi KTS Nildo José, là một không gian triển lãm nghệ thuật độc đáo lấy cảm hứng từ vùng Sertão của Brazil và các tác phẩm của danh họa Candido Portinari. Công trình được tạo ra nhằm tôn vinh văn hóa, lịch sử, và những gam màu đặc trưng của vùng đất Sertão, với cách sử dụng chất liệu tự nhiên như đất sét, gỗ, và đá để tái hiện vẻ đẹp mộc mạc và gần gũi. Các yếu tố trong thiết kế, từ đường cong mềm mại của tường cho đến cách bố trí ánh sáng, đều gợi lên hình ảnh những ngôi nhà đất truyền thống và cảnh quan rộng lớn của Sertão. Ảnh: Denilson Machado
Một cách để thể hiện dấu ấn cá nhân khác trong trang trí nội thất là thông qua việc sử dụng các vật dụng hoặc kỷ vật mang ý nghĩa đặc biệt. Ví dụ, một chiếc bàn gỗ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác không chỉ là một món đồ nội thất mà còn là biểu tượng của gia đình và truyền thống. Tương tự, việc trưng bày các bức ảnh gia đình, tranh vẽ tay của trẻ nhỏ, hoặc những món quà lưu niệm từ các chuyến du lịch không chỉ tạo nên sự ấm áp mà còn gợi nhớ những kỷ niệm đáng trân trọng. Những chi tiết nhỏ này làm cho không gian trở nên sống động, giàu cảm xúc và gần gũi hơn.
Hơn nữa, việc tự tay tạo ra các món đồ trang trí cũng là một cách để thêm dấu ấn cá nhân vào không gian sống. Những vật dụng handmade như gối thêu tay, tranh treo tường, tượng điêu khắc hoặc các vật dụng tái chế không chỉ mang lại cảm giác độc đáo mà còn thể hiện tâm huyết của người sử dụng. Những món đồ này có giá trị cảm xúc cao, giúp không gian trở nên gần gũi và đặc biệt hơn. Dấu ấn cá nhân là linh hồn của mỗi không gian nội thất, góp phần tạo nên sự ấm cúng và cảm giác thân thuộc. Bằng cách kết hợp những vật dụng mang ý nghĩa riêng, phong cách trang trí phù hợp và những chi tiết sáng tạo, mỗi ngôi nhà đều có thể trở thành một nơi chốn đầy ắp kỷ niệm và tình yêu thương.
Bài: Phương Nguyễn
Xem thêm
Curated Living – Kỷ nguyên mới cho không gian sống của giới siêu giàu toàn cầu