Bàn mặt kính là món đồ nội thất tạo nên điểm nhấn cho không gian hiện đại, nhờ đặc tính trong suốt của vật liệu thủy tinh. Trái ngược với vẻ trầm mặc của vật liệu gỗ truyền thống, bề mặt kính phản chiếu ánh sáng mạnh mẽ, tạo nên ngôn ngữ thiết kế đột phá. Những kiểu bàn kính hiện đại với đường nét hình học rõ ràng, kết cấu phức tạp hoặc tối giản triệt để, vượt qua giới hạn của công năng thuần túy để trở thành tâm điểm thị giác, nơi nghệ thuật và tính ứng dụng giao thoa.
Cùng ELLE Decoration Vietnam khám phá những thiết kế bàn mặt kính đặc sắc, nơi vật liệu trong suốt và đường nét hiện đại trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ của không gian sống.
1. SIR GIO của Kartell
Bàn ăn tròn Sir Gio, được sáng tạo bởi nhà thiết kế Philippe Starck cho thương hiệu Kartell, là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp hiện đại và công nghệ tiên tiến. Chân bàn với thiết kế bốn chân vững chãi, được chế tác từ nhựa chịu nhiệt (thermoplastic technopolymer). Mặt bàn kính hình tròn với đa dạng màu sắc, thích hợp với nhiều không gian nội thất.
Điểm nhấn đặc biệt của Sir Gio chính là phần chân trụ, được tạo hình bằng khuôn công nghệ cao. Chất liệu nhựa đúc đảm bảo hiệu suất vượt trội và sự ổn định tuyệt đối, nâng đỡ mặt bàn kính một cách vững chãi. Thiết kế giành được hai giải thưởng danh giá là NYC Design Awards Winner (2018) và Archiproducts Design Awards Winner (2017).
Ảnh: Kartell
2. LAGUNA 72 của Reflex
Laguna 72 có thể được ví như một tác phẩm điêu khắc đương đại bằng thủy tinh, nơi ánh sáng và sự chuyển động hòa quyện vào nhau. Toàn bộ chiếc bàn được chế tác từ thủy tinh nung chảy siêu trong suốt dày 40mm. Cấu trúc bàn tối giản, làm nổi bật kết cấu bề mặt, khơi gợi hình ảnh những con sóng biển nhấp nhô, tựa như biển cả đã hóa thạch trong từng lớp kính. Được chế tác bởi những nghệ nhân bậc thầy, chiếc bàn này là một tuyên ngôn về sự thanh lịch và nghệ thuật, một sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp tự nhiên và sự khéo léo của bàn tay con người.
Ảnh: Reflex
3. TAVOLO 2 của Pulpo
Chiếc bàn do Julia Chiaramonti thiết kế cho thương hiệu Pulpo, là sự hòa quyện giữa đường nét rõ ràng và hình khối đương đại, được khơi nguồn từ vẻ đẹp đặc trưng của vật liệu. Bàn ăn Tavolo 2 có phần chân làm từ nhôm sơn tĩnh điện hoặc sơn mài, tạo hình gợn sóng, nâng đỡ mặt bành kính hình bầu dục nhiều màu sắc.
Ảnh: Pulpo
4. PLATNER của Knoll
Bộ sưu tập Platner do Warren Platner thiết kế, ra đời năm 1966, đã nắm bắt tinh tế xu hướng mới đang dần len lỏi vào việc thiết kế không gian hiện đại thời bấy giờ. Điểm đặc trưng của chiếc bàn mặt kính biểu tượng này nằm ở cấu trúc chân đế – một tác phẩm điêu khắc tinh xảo được tạo thành từ hàng trăm thanh thép uốn cong được hàn tỉ mỉ vào khung tròn. Thiết kế này khéo léo kết hợp hai yếu tố tưởng chừng như đối lập: một cấu trúc vững chắc đảm bảo công năng và đồng thời là yếu tố trang trí đầy nghệ thuật, tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa tính thực dụng và vẻ đẹp thẩm mỹ.
Ảnh: Knoll
5. REALE của Zanotta
Vào giữa những năm 1980, Zanotta đã khám phá những tác phẩm của Carlo Mollino và bắt đầu sản xuất một số món đồ nội thất do ông thiết kế. Khước từ một cách quyết liệt các lý thuyết đã đi vào lối mòn, kiến trúc sư đề xuất một ngôn ngữ thiết kế mới giàu chất thơ, ưu tiên các hình dạng hữu cơ giàu cảm xúc.
Năm 1990, Zanotta tái phát hành chiếc bàn REALE được Carlo Mollino thiết kế vào năm 1947 cho văn phòng của công ty bảo hiểm Reale Mutua ở Turin, với những cải tiến và thay đổi trong vật liệu và kĩ thuật chế tác. Thiết kế với cấu trúc chân phức tạp, được lắp ráp từ nhiều bộ phận, mang đến một tuyên ngôn về tính bất hủ và tiên phong của kiến trúc sư đa tài.
Ảnh: Zanotta
6. DETROIT của Reflections Copenhagen
Bàn DETROIT là một tác phẩm điêu khắc sống động, khơi gợi những cung bậc cảm xúc khác nhau: hân hoan, ngạc nhiên và hoài niệm. Mỗi chi tiết được chế tác tỉ mỉ từ pha lê, tạo nên một trải nghiệm thị giác đa chiều.
Với lối diễn giải sáng tạo, DETROIT mang đậm hơi thở đương đại. Mỗi thành phần của chiếc bàn đều sở hữu sức mạnh và khả năng biểu đạt riêng biệt. Ba chân bàn hình học với màu sắc khác nhau, hòa quyện một cách duyên dáng với mặt bàn màu xanh lam, được chạm khắc những sọc viền sắc nét.
Ảnh: Reflections Copenhagen
7. LOOM của Baxter
Bàn Loom được thiết kế bởi Hannes Peer cho thương hiệu Baxter, thể hiện tính đột phá trong nghệ thuật chế tác đồ nội thất. Mặt bàn hình tròn hoặc oval được làm từ thủy tinh nung chảy với bề mặt gồ ghề, làm nổi bật cá tính riêng biệt của từng sản phẩm. Chiếc bàn gây ấn tượng mạnh mẽ bởi cấu trúc chân trụ đan cài sáng tạo, làm từ kim loại sơn mài và đánh bóng thủ công.
Ảnh: Baxter
8. URAGANO của Natuzzi Italia
Uragano là sự tôn vinh vẻ đẹp và sự trù phú tự nhiên của vùng đất Apulia, Ý. Mặt kính oval rộng lớn được nâng đỡ bởi phần chân làm bằng gỗ ô liu, tựa như thân cây cổ thụ vươn mình trong không gian. Cấu trúc bất đối xứng với những vân gỗ phức tạp biến chiếc bàn ăn thành một tác phẩm điêu khắc cho phòng ăn. Gần đây, bàn Uragano được vinh danh với giải Vàng Muse Design Award 2024 trong hạng mục Thiết kế Nội thất.
Ảnh: Natuzzi Italia
Thực hiện: Thiên Thư
Xem thêm:
8 Mẫu bàn gỗ thông cho không gian sống đương đại