Nhìn lại chặng hành trình 10 năm gắn bó với gốm của họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường), không khó để nhận ra trong ngôn ngữ sáng tạo của người họa sĩ, hình tượng các con vật được khai thác ở nhiều góc độ khác biệt. Không sử dụng thủ pháp tạo hình mang tính tả thực, tất cả các con vật trong gốm Hiếu Mường chỉ dừng lại ở gợi hình thông qua đường nét vừa đủ, thậm chí là tối giản. Vừa thoạt nhìn thấy ở đó có thể là gà, là chim, là ngỗng… nhưng kỹ hơn thì lại càng suy tưởng thêm ra nhiều định danh khác nhau. Gà đấy nhưng hình như chẳng phải gà. Cái mơ hồ, không cụ thể ấy được nhận dạng dựa trên vốn sống, kinh nghiệm, trải nghiệm của từng người mà có được những đúc kết riêng khi đối thoại cùng gốm của Vũ Đức Hiếu.
Hình tượng rắn, linh vật của năm 2025 qua sáng tạo trên gốm của họa sĩ Vũ Đức Hiếu.
Quy chiếu hình tượng con giáp vào Bảo tàng không gian văn hóa Mường, thấy ở đó sự hòa hợp thân quen.
Nét tĩnh tại, nghiêm nghị của Mão thể hiện qua chất gốm mộc.
Con giáp, chất gốm, là phương tiện chuyển ý tưởng vào sáng tác của Vũ Đức Hiếu.
Cùng ngôn ngữ gốm ấy, khi biểu hiện qua đề tài 12 con giáp, lại thấy ở đó một góc khai phá mới trong nghệ thuật tạo hình. Từng con giáp được biểu hiện rõ hơn, các chi tiết diễn đạt cụ thể hơn, khiến cho linh vật được nhận diện dễ dàng và gọi đúng tên một cách cụ thể chứ không phải lăn tăn suy đoán, tưởng tượng.
Tác giả kể về câu chuyện chọn đề tài các con thú trong chế tác gốm cũng như đề tài 12 con giáp cho dịp Xuân Ất Tỵ 2025: “Xuất phát từ câu chuyện và mỹ thuật tạo hình những con thú cổ có niên đại từ thời nhà Lý ở chùa Phật Tích, rồi hình ảnh nhiều con thú trong các đình, chùa Bắc Bộ mà tôi có dịp tiếp cận, có người nhìn vào nhận ra ngay đó là con gì, nhưng cũng nhiều người không hề biết hoặc hiểu tí gì về nó. Tôi vận dụng cái biết và không biết ấy vào tạo hình các con thú nói chung, chỉ dùng nét, khối để gợi, không tả cụ thể là gì cả. Riêng với bộ 12 con giáp tôi muốn mang lại hình tượng thú được gần gũi hơn, rõ nét hơn, mượn con giáp kể chuyện về gốm, về ngôn ngữ biểu hiện thông qua các con linh thú trong dân gian”.
Tối giản trong chi tiết, Tuất xuất hiện với diện mạo gợi về sự an yên, thư thái.
Hóa thân vào con giáp, hình tượng khỉ gợi về no đủ, phồn vinh.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu đang sáng tác ở Mường Studio, lò gốm trong khuôn viên Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình.
Gốm có chân, dáng trụ, những chi tiết rõ nét trong gốm Vũ Đức Hiếu.
Tổng thể ở 12 con giáp của Hiếu Mường, thấy rõ sự căng đầy, phồn thịnh cùng những thần thái được biểu hiện qua nghệ thuật điêu khắc trên gốm. Nhờ thế, con giáp được chuyển nhập vào một không gian mới, khái niệm mới, ở đó yếu tố đặc thù của con vật cầm tinh được tiết giảm, người xem dễ dàng quên đi vai trò của con giáp để chú trọng vào chiêm ngưỡng tính thẩm mỹ trong tạo hình.
Nét gốm biểu đạt rõ sự duyên dáng của hình tượng Hợi trong 12 con giáp.
Mộc mạc cùng bộ tam hạp với Hợi – Mão – Mùi.
Rồng hiện nơi xứ Mường.
12 con giáp chung nhau ở sự giản đơn của cả đường nét lẫn chất liệu, định thành ngôn ngữ gốm đặc trưng mang phong cách Hiếu Mường.
Những đường cong, những kiểu dáng tròn đầy, những nét chấm phá tinh tế, biểu hiện qua chất liệu tối giản là gốm để mộc, không dụng men, biến những con giáp thân quen thành bộ tác phẩm đặc biệt. Ở 12 con giáp của Hiếu Mường, nét đẹp dân gian vẫn vẹn toàn, tính sáng tạo nổi trội, chất liệu phô diễn tối đa sự thô mộc mà tinh luyện, hợp thành một bộ tác phẩm đẹp để chơi xuân, định hình một ngôn ngữ sáng tạo thú vị, đầy hiện đại trên mạch nền dân gian.
Thực hiện: Nguyễn Đình
Xem thêm
Có một ngôn ngữ gốm phong cách Vũ Đức Hiếu