Hoa phi yến thuộc họ mao lương (Ranunculaceae), có họ hàng gần với các loài như mao lương (ranunculus), phong quỳ (anemone) và cỏ chân ngỗng (akelei). Tên khoa học “delphinium” của nó bắt nguồn từ một từ Hy Lạp “delphinium”có nghĩa là “cá heo”, bởi nụ hoa có hình dáng giống loài động vật biển này. Hoa có nguồn gốc từ nhiều vùng thuộc Bắc bán cầu, bao gồm châu Âu, Bắc Mỹ và một số khu vực ở châu Á. Được trồng làm cảnh từ thế kỷ 16, loài hoa này đã xuất hiện trong các khu vườn châu Âu thời Trung cổ như một biểu tượng của sự quý phái và giàu có.
Vào thời Victoria, hoa phi yến được gọi là “Nữ hoàng của những bồn hoa” (Queen of the Border). Ảnh: Tư liệu
Hoa phi yến mọc thành từng chùm dọc theo thân cây, tạo thành những cành hoa cao và thẳng. Chiều dài cành hoa dao động từ 30cm-250cm, tùy thuộc vào từng giống. Hiện nay, có khoảng 300 loài với màu sắc đa dạng, phổ biến nhất là các tông xanh từ nhạt đến đậm, bên cạnh đó còn có trắng, vàng, tím, đỏ, hồng và cả những giống hoa hai màu. Hoa thường nở rộ vào tháng 6 và tháng 7, đôi khi có đợt nở thứ hai vào tháng 8 và tháng 9. Thời gian ra hoa kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy vào điều kiện chăm sóc.
Ý nghĩa từ thần thoại
Theo thần thoại Hy Lạp, delphinium là loài hoa yêu thích của thần Mặt Trời Apollo. Trong truyền thuyết, hoa mọc lên từ máu của Aias (Ajax), một người bạn của Apollo, sau khi anh bị sát hại. Xuất phát từ bi kịch này, phi yến mang ý nghĩa tưởng nhớ, tiếc thương nhưng đồng thời thể hiện vẻ đẹp sinh ra từ nỗi buồn. Ngoài ra, hoa phi yến còn gắn liền với thành phố Delphi – nơi đặt đền thờ thần Apollo và nổi tiếng với nhà tiên tri huyền thoại Pythia. Vì thế, loài hoa này vừa đại diện cho ánh sáng, sự bảo hộ, vừa mang ý nghĩa về trí tuệ và khả năng giao tiếp với thần linh.
Phi yến thường xuất hiện trong thơ ca với ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Chẳng hạn, bài thơ Delphiniums in a Window Box của Dean Young đã sử dụng hình ảnh loài hoa này để khai thác những chủ đề về cái đẹp, sự mong manh của cuộc sống và những cảm xúc phức tạp của con người. Ảnh: Tư liệu
Ý nghĩa qua màu sắc
Hoa phi yến xanh: Màu xanh là sắc thái phổ biến nhất của loài hoa này. Tùy vào mức độ đậm nhạt, hoa có thể mang những ý nghĩa khác nhau. Màu xanh đậm đại diện cho phẩm giá và sự duyên dáng. Đây cũng là màu phù hợp để tưởng nhớ những người đã khuất. Xanh nhạt tượng trưng cho tuổi trẻ và thành công, thích hợp để tặng bạn bè khi họ bắt đầu một hành trình mới trong cuộc sống.
Tập tục tặng hoa theo tháng sinh bắt nguồn từ La Mã cổ đại, khi mỗi tháng trong năm được gắn liền với một loài hoa mang ý nghĩa đặc biệt dành cho những người sinh trong tháng đó. Phi yến là một trong những loài hoa đại diện cho tháng Bảy, biểu tượng của những người sinh vào giữa mùa hè. Màu xanh dương tượng trưng cho sự thanh nhã, trang trọng và lòng trung thành – các phẩm chất được cho là gắn liền với những người sinh vào tháng Bảy. Ảnh: Tư liệu
Hoa phi yến hồng: Với vẻ đẹp nhẹ nhàng, nữ tính, phi yến hồng đại diện cho tình yêu và sự lãng mạn, có thể kết hợp cùng hoa hồng để bày tỏ tình cảm với người yêu thương vào dịp Valentine, sinh nhật, kỷ niệm hoặc đơn giản chỉ để thể hiện sự quan tâm. Ngoài ra, phi yến hồng còn gắn liền với ý nghĩa của sự khởi đầu mới và thường được tặng khi chúc mừng một bé gái mới chào đời.
Ảnh: Tesselaar
Hoa phi yến tím: Màu tím từ lâu đã gắn liền với hoàng gia, sự sang trọng và phẩm giá. Hoa phi yến tím là lựa chọn phù hợp để chúc mừng các cột mốc đánh dấu sự trưởng thành như lễ tốt nghiệp hay một thành tựu mới trong cuộc sống. Một bó hoa phi yến tím là món quà tinh tế, thể hiện sự tôn trọng và ngưỡng mộ dành cho người nhận.
Ảnh: Tim Walker
Hoa phi yến trắng: Trắng là màu sắc đặc trưng của sự tinh khiết và ngây thơ, thường xuất hiện trong các bó hoa cưới, lễ rửa tội hoặc chào đón một sinh linh mới. Phi yến trắng sẽ là lựa chọn lý tưởng khi bạn muốn tặng hoa cho một người bạn vừa sinh con hoặc dành tặng ông bà nhân một dịp quan trọng.
Hoa phi yến trắng được dùng để trang trí trong lễ cưới. Ảnh: Laurie Bailey Photography
Ảnh: Kirra Cheers Photography
Lợi ích và ứng dụng
Từ xa xưa, hoa phi yến đã được xem là một loại cây thần bí, xuất hiện trong các nghi lễ xua đuổi năng lượng tiêu cực. Người ta tin rằng hoa phi yến có thể bảo vệ con người khỏi vết đốt của bọ cạp. Vào thời Trung Cổ, hoa phi yến được sử dụng như một loại dược liệu, giúp loại bỏ giun sán, ký sinh trùng trong cơ thể, kích thích cảm giác thèm ăn, thư giãn và cải thiện giấc ngủ. Bên cạnh đó, nông dân còn sử dụng hoa phi yến như một loại thuốc trừ sâu tự nhiên để bảo vệ cây trồng khỏi côn trùng và các loài gây hại nhỏ.
Nhờ sắc màu rực rỡ, hoa phi yến thường xuất hiện trong các lễ hội, diễu hành và thảm hoa lớn. Trước đây, loài hoa này từng được sử dụng làm thuốc nhuộm. Cánh hoa có thể được chiết xuất bằng phèn chua để tạo ra mực xanh tự nhiên dùng trong viết lách và hội hoạ.
Trong thiết kế cảnh quan, loài hoa này là điểm nhấn đẹp mắt cho hiên nhà, vườn cây ăn quả hoặc sân vườn. Với vẻ đẹp trang nhã, chúng cũng được ưa chuộng để trang trí cho không gian sống.
Ảnh: Read McKendree
Hoa phi yến làm đề tài thiết kế cho giấy dán tường. Ảnh: Scandinavian Wallpaper
Cách cắm và chăm sóc
Trước khi cắm, dùng dao sắc và sạch để cắt chéo cành hoa theo góc 45 độ, giúp hoa hấp thụ nước tốt hơn. Loại bỏ những lá nằm dưới mực nước trong bình để tránh bị úng, đồng thời cắt bỏ những bông hoa đã héo để giữ cho bó hoa luôn tươi mới. Đặt hoa vào một bình sạch, chứa nước sạch ở nhiệt độ phòng. Vì hoa phi yến có thân khá dài, nên chọn một chiếc bình cao để hỗ trợ các chùm hoa, tránh tình trạng bị rũ xuống.
Ảnh: Tư liệu
Nếu chăm sóc đúng cách, hoa phi yến có thể giữ được vẻ tươi tắn từ 7-14 ngày sau khi cắt. Để kéo dài tuổi thọ của hoa, có thể thêm dưỡng chất dành cho hoa cắt cành. Thay nước định kỳ mỗi 2-3 ngày/lần để ngăn vi khuẩn phát triển và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hoa luôn có đủ nước. Bình hoa nên được đặt ở nơi mát mẻ, tránh gió lùa, ánh nắng trực tiếp và nguồn nhiệt cao như lò sưởi. Không nên đặt hoa gần trái cây chín như chuối, táo, vì khí ethylene từ trái cây có thể khiến hoa nhanh héo hơn.
Ảnh: Tư liệu
Cách trồng hoa phi yến trong vườn
Hoa phi yến bắt đầu được du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm về trước, có thể trồng ở khu vực có khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới, tùy vào giống cây. Thời điểm thích hợp nhất để gieo hạt phi yến là vào mùa xuân, từ tháng 3 đến cuối tháng 5, khi không còn nguy cơ sương giá nghiêm trọng. Nếu trong vườn đã có sẵn hoa phi yến, có thể thu thập hạt giống từ cây cũ bằng cách đợi đến khi vỏ hạt khô hoàn toàn, sau đó lắc nhẹ để hạt rơi ra, bảo quản chúng trong túi giấy ở nơi khô ráo và gieo vào mùa xuân năm sau.
Loài hoa này có cả giống cây lâu năm chịu lạnh tốt và giống cây một năm. Tùy theo điều kiện khí hậu và mục đích trồng, người làm vườn có thể lựa chọn phương pháp gieo hạt, trồng cây con hoặc nhân giống bằng cành giâm. Khi trồng hoa phi yến, cần đảm bảo khoảng cách thích hợp giữa các cây. Đối với các giống thấp, khoảng cách trồng nên từ 35cm, các giống cao cần cách nhau ít nhất 45-50cm. Hoa phi yến một năm có thể được trồng với khoảng cách 20-30cm. Nếu trồng cây con, thời điểm lý tưởng là vào mùa xuân hoặc mùa thu khi đất đủ ấm và ẩm để cây phát triển mạnh. Những ai muốn nhân giống bằng cành giâm nên chọn các giống Belladonna hoặc Elatum vì chúng có khả năng sống sót cao và màu sắc bền.
Cây có thân dài và mảnh, dễ bị gió mạnh làm gãy, do đó nên trồng ở nơi kín gió hoặc sử dụng cọc đỡ. Ảnh: Malgorzata Larys
Chăm sóc hoa phi yến đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Để thúc đẩy cây ra hoa đẹp và phát triển mạnh, cần bón phân hữu cơ vào đầu mùa xuân và bổ sung một lượng nhỏ vôi vào đất vào mùa đông. Khi tưới, nên tránh làm ướt lá và hoa để giảm nguy cơ nấm mốc. Ngoài ra, để cây khỏe mạnh lâu dài, nên di chuyển vị trí trồng mỗi hai năm nhằm tránh đất bị cạn kiệt dinh dưỡng và hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
Một trong những bệnh phổ biến của hoa phi yến là mốc sương, biểu hiện bằng các đốm trắng hoặc xám trên lá. Khi phát hiện bệnh, cần xử lý ngay bằng thuốc sinh học. Để phòng ngừa, nên trồng cây với khoảng cách hợp lý để tăng độ thông thoáng và chỉ tưới nước vào gốc cây thay vì lên lá.
Ảnh: John Glover
Sau khi hoa nở xong, có thể kích thích cây ra hoa lần thứ hai bằng cách cắt sát các cành hoa đã tàn xuống gần mặt đất, chỉ chừa lại chồi bên và lá ở phần gốc, sau đó bón thêm phân hữu cơ và tưới nước đầy đủ. Nếu thời tiết thuận lợi, cây có thể ra hoa đợt hai vào tháng 8 hoặc tháng 9. Vào đầu mùa thu, sau lần nở thứ hai, nên cắt cây xuống sát gốc để chuẩn bị cho mùa đông, giúp cây phục hồi và phát triển tốt hơn vào mùa xuân năm sau.
Hoa phi yến là một loài hoa đẹp nhưng có độc tính. Tất cả các bộ phận của cây đều chứa alkaloid – một hợp chất có thể gây ngộ độc nghiêm trọng cho con người và động vật nếu ăn phải. Triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, kích ứng da khi tiếp xúc trực tiếp với nhựa cây. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ trước khi trồng hoa phi yến và luôn giữ chúng ngoài tầm với của trẻ nhỏ và thú cưng trong nhà.
Thực hiện: Bảo Trân
Xem thêm:
Hoa sen: Biểu tượng của sự thuần khiết và kiên định