Cantonese restaurant – Một Hồng Kông giữa lòng Anh Quốc

Công ty thiết kế kiến trúc Michaelis Boyd vừa hoàn thành xong nhà hàng Cantonese của Duddell – công trình được cải tạo từ một nhà thờ với niên đại 1960 tại London – một nhà hàng mang câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa đồng thau và những mảng hình học.

Vào năm 2013, một nhà hàng nổi tiếng đã mở cửa tại Hồng Kông và được xem như điểm đến ẩm thực dành cho những trái tim luôn quan tâm đến văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, nhà hàng cũng vinh dự sở hữu cho riêng mình một sao Michelin danh giá. Cantonese chính là địa điểm thứ hai của nhà hàng lừng lẫy ấy – bởi lẽ nhà hàng được cải tạo từ nhà thờ nên thật không quá khi nói rằng đây chính là một thánh đường ẩm thực tại Soutwark, London.

Cantonese restaurant 1

Mang vỏ bọc là một nhà thờ từ những năm 60, các nhà thiết kế đã lên ý tưởng để biến nơi đây thành một thánh đường ẩm thực giữa lòng thủ đô Anh Quốc. Ảnh: Ed Reeve.

Có thể nói, không gian tại Cantonese không đơn thuần là nơi phục vụ ẩm thực, nó còn là cả một phòng trưng bày nghệ thuật với những bộ sưu tập đương đại. Mang những ảnh hưởng từ địa điểm gốc tại Hồng Kông, không gian nhà hàng toát lên một hơi thở của những phòng trà những năm 60 qua những họa tiết và màu sắc trong nội thất.

Alex Michaelis – một trong những người tham gia thiết kế công trình chia sẻ: “Chúng tôi muốn nắm bắt tinh thần của nhà hàng Hồng Kông ban đầu theo cách nguyên bản nhất và thể hiện chúng theo một cách hoàn toàn mới”.

Cantonese restaurant 2

Không gian nội thất sử dụng kết hợp giữa màu sắc mang hơi hướng phòng trà những năm xưa cũ tại Hồng Kông, các vật liệu đồng thau sang trọng và tông gỗ tối sâu thẳm của châu Âu. Ảnh: Ed Reeve.

Với tông màu trắng chủ đạo tại trung tâm tầng trệt tầng trệt, nhà hàng đem lại cảm giác đặc biệt thanh thoát hơn với bốn hệ cửa sổ mái vòm lớn.

Đối diện với hệ cửa sổ là lối giao thông tự do với các quầy counter và quầy bar ốp gạch xanh lục bảo cùng mảng tường màu hồng phấn tạo nên sự tương phản đầy thú vị. Bên cạnh đó, không gian nhà hàng còn đan xen những chi tiết sử dụng vật liệu đồng thau như quầy rượu và đèn treo; tạo nên bầu không khí đa dạng, vừa màu sắc, rực rỡ, nhộn nhịp lại vừa thanh thoát, trong trẻo.

Cantonese restaurant 3

Sự tương phản ngọt ngào nhưng vẫn đằm thắm đậm đà. Ảnh: Ed Reeve.

Cantonese restaurant 4

Một không gian với nhiều thành tố hoài niệm, cổ kính nhưng vẫn toát lên bầu không khí thanh thoát, hiện đại. Ảnh: Ed Reeve.

Để giữ nguyên được hiện trạng sàn ban đầu, các nhà thiết kế đã chọn giải pháp miếng dán hoa văn linoleum để thay thế cho phương án cải tạo phần thô của sàn. Tuy nhiên, vẫn còn mốt số khu vực giữ nguyên hiện trạng nhằm phục vụ cho mục đích thiết kế cũng như tạo sự đa dạng cho bề mặt lát sàn.

Những băng ghế màu xanh thiên thanh được bố trí dọc theo các hệ gỗ sồi tối màu giữ nguyên từ hiện trạng xung quanh khu vực dùng bữa, tạo nên sự hài hòa về màu sắc trong không gian từ sáng, tối cho đến trung gian.

Cantonese restaurant 5

Sàn nhà được sử dụng miếng dán linoleum thay thế cho giải pháp cải tạo lát gạch, xen lẫn cùng hệ sàn hiện trạng theo ý đồ thiết kế. Ảnh: Ed Reeve.

Cantonese restaurant 6

Nổi bật với các hệ cửa sổ mái vòm lớn sẵn có của không gian nhà thờ, các nhà thiết kế đã tận dụng chúng triệt để nhằm đem lại ánh sáng tự nhiên cho công trình. Ảnh: Ed Reeve.

Bài toán nan giải trong công trình nhà hàng Cantonese có lẽ phải nói đến cao độ của trần nhà. Vốn dĩ là một nhà thờ, nên cao độ trần trong không gian được đẩy lên rất nhiều, nhưng, các hệ đèn trần lớn bằng đồng thau và thả dài xuống không gian đã giải quyết được trở ngại lớn ấy một cách tự nhiên mà vô cùng tinh tế, không gò ép không gian phải theo một khuôn mẫu xử lí cứng nhắc.

Cantonese restaurant 7

Các hệ đèn treo tinh tế, hiện đại đã giải quyết trọn vẹn bài toán khó về độ cao trần của nhà hàng. Ảnh: Ed Reeve.

Đôi khi, chính bản thân hiện trạng công trình đã ban tặng cho người thiết kế vẻ đẹp sẵn có của nó, và nhiệm vụ của họ là tôn vinh những điều nguyên bản đồng thời đưa tiếng nói đặc biệt của mình vào chốn không gian nghệ thuật ấy.

Thực hiện: Đức Nguyên – Theo: Dezeen – Ảnh: Ed Reeve.


Xem thêm:

Nhà nguyện giữa rừng với trụ kèo hình tán cây của Yu Momoeda

EL MAMA & LA PAPA: Cuộc chơi của sự tương phản