Thiết kế xanh – Sáng tạo là hy vọng chính cho tương lai

Khi cư dân hiện đại đang ngày càng quan tâm đến tính bền vững của các công trình, KTS và NTK – mắt xích quan trọng của chuỗi vận hành xây dựng – đều phải tận lực sáng tạo, đổi mới nhằm chứng minh họ có thể làm ra những thiết kế tuyệt vời, định hình rõ ràng cho quan điểm “xanh” của tương lai nhưng vẫn giữ trọn vẹn được vẻ đẹp và tính ưu việt của đường nét.

Một làn sóng ý thức về môi trường, sinh thái đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, khi mọi người trên thế giới nhận thấy tác động to lớn từ những lựa chọn tiêu dùng, tác phong sinh hoạt của chúng ta đến Trái đất. Hơn hết, các NTK và KTS là những người đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra những giải pháp thiết kế xanh nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường nhưng vẫn đảm bảo được tính sáng tạo, phong cách và cảm hứng trong các công trình của mình.

CÔNG TRÌNH “XANH”

Các tòa nhà cao tầng hiện nay đang là tác nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm môi trường và tiêu thụ quá tải các nguồn năng lượng trên toàn cầu. Trên thực thế, các NTK và KTS vẫn đang miệt mài tìm ra cách khắc phục tình trạng ấy qua các phương pháp xây dựng hiệu quả hơn, sử dụng nhiều nguồn nhiên liệu thay thế, giảm lượng chất thải, sử dụng vật liệu bền vững hoặc vật liệu tái chế tại địa phương.

Với ước muốn biến cuộc sống trở nên giá trị và bền vững hơn, xã hội đã lấy nguyên lý “less is more” làm cốt lõi, dẫn đến kỷ nguyên của những công trình có diện tích nhỏ hẹp. Một ví dụ điển hình cho thiết kế xanh trong không gian sống chính là công trình hình quả trứng với nguồn năng lượng mặt trời mang tên Ecocapsule tại Bratislava, Slovakia do KTS Nice thiết kế với hệ thống lọc nước mưa và tua-bin gió; hoặc hệ thống buồng xếp tầng của Thoreau được đặt để trong rừng, một bức tranh vẽ đầy mộng mơ giữa thế kỷ XXI.

thiết kế xanh 1

Một nhóm sinh viên kiến trúc tại đại học Kansas đã thiết kế nên ngôi nhà mang tính bền vững tại 1300 Brook Street trong một khu phố thuộc tầng lớp lao động ở Lawrence, Kansas.

thiết kế xanh 2

Lấy cảm hứng từ những ngôi nhà tiền chế được xây dựng bởi công ty Lustron Corporation dành cho các cựu chiến binh trở về từ Đệ nhị Thế chiến.

thiết kế xanh 3

Đây là công trình với thiết kế xanh được thi công từ những vật liệu đã qua sử dụng như tấm kim loại và những hàng rào ven đường, bên cạnh đó là các tấm pin mặt trời, hệ thống ống nước ngầm và ánh sáng đèn LED.

CHẤT THẢI TÁI CHẾ

KTS người Nhật Shigeru Ban đã đoạt giải thưởng Pritzker Prize cho công trình sử dụng một cách hiệu quả những tấm bìa các-tông tái chế để xây dựng nên những nơi trú ngụ khẩn cấp trên khắp thế giới được đặt tạm thời tại các gian hàng của những thương hiệu sang trọng như Hermès. KTS Chris Maurer của công ty Redhouse Studio có trụ sở tại Ohio đã cùng hợp tác với NASA, MIT, và Đại học Akron để phát triển một dự án nhà ở tự động với toàn bộ vật liệu tái chế. Họ nghiên cứu việc thêm các vi khuẩn sống vào các mảnh vụn, cho chúng sinh sôi và gắn kết với nhau tạo nên một vật liệu tổng hợp có thể ép lại thành các viên gạch xây dựng.

Công ty thiết kế Maximum Design có trụ sở tại Paris đã tạo nên những món đồ nội thất chất lượng tốt có giá hợp lý tại Pháp với những vật liệu tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp. Đây là một kế hoạch thông minh khi có thể giải quyết được lượng chất thải của những tòa nhà chọc trời tại Tour Montparnasse từ những năm 1970. Bằng việc biến đổi không gian công ty trở thành một “nhà máy tạm thời”, họ đã tạo ra những chiếc ghế, cái bàn từ chính rác thải của các công trình cải tạo rồi bán chúng ở tầng trệt. Dự kiến đến năm 2024, dự án này sẽ trở thành hình mẫu thiết kế xanh cho nhiều công trình trong tương lai. Các sản phẩm tái chế còn có thể sử dụng để trang trí. Sáu NTK trẻ người Hà Lan đã cùng nhau đến Zanzibar cộng tác với thợ thủ công địa phương để tạo nên các sản phẩm nội thất, sản phẩm gia dụng như bàn, ghế, chén đĩa, bình hoa với nguồn gốc từ mảnh vỡ của thủy tinh thu gom tại các bãi xử lý rác thải và nhiều khách sạn tại địa phương. Thủy tinh được tái chế bởi những người thợ thủ công địa phương, sau đó lồng vào những phiến đá vôi trộn xi măng tạo nên vật liệu với tính chất như đá mài. Dự án trở thành một hình mẫu cho việc đẩy mạnh các ngành nghề thủ công truyền thống để phát triển du lịch.

thiết kế xanh 4

ĐÁ MÀI SẢN XUẤT TỪ RÁC THẢI – BST với thiết kế xanh “Trending Terrazzo” – thiết bị gia đụng được tạo nên bởi các NTK người Hà Lan Super Local, và Klaas Kuiken với vật liệu được sử dụng từ thủy tinh, hỗn hợp đá vôi – xi măng tại Zanzibar do bàn tay của những người thợ thủ công nơi đây tạo nên.

thiết kế xanh 5

NHỰA THỰC VẬT – Nhà sản xuất đồ chơi Lego của đất nước Đan Mạch đã cho ra mắt bộ sản phẩm đầu tiên là các khối hình lắp ghép với nguyên liệu từ nhựa thực vật của nhiều loại cây, trong đó bao gồm lá và các bụi cây làm từ nhựa mía.

VẬT LIỆU TỰ NHIÊN

Một trong những phương pháp thiết kế xanh dễ dàng nhất, thân thiện với môi trường nhất là tạo ra các vật liệu tự nhiên có thể tái tạo được như gỗ, tre nứa, bần, cây gai dầu hoặc vải lanh với cách sử dụng truyền thống và sáng tạo.

Thế hệ những NTK mới thấm nhuần tư tưởng về sinh thái đã kết hợp nét thẩm mỹ tinh tế với khái niệm bền vững để đến gần với đại chúng hơn. Hai NTK người Hà Lan gồm Eric Klarenbeek và Maartje Dros đã cùng hợp tác với NTK Atelier Luma (Pháp) phát triển một loại nhựa sinh học hoặc được làm từ tảo có thể được dùng cho nhiều mặt hàng thực phẩm, chai lọ và một số ứng dụng khác. Một NTK người Đức tại trường Basse Stittgen đã tạo nên một BST các hộp đen trong như hộp trang sức có nguồn gốc từ 100% máu động vật dưới dạng bột – một sản phẩm tận dụng từ chất thải của ngành công nghiệp sản xuất thịt.

Nấm – một vật liệu tự nhiên cơ bản với cấu trúc rễ nhanh tái tạo đã trở thành một phát hiện mới và được các NTK sử dụng như một nguyên liệu trong ngành công nghiệp vật liệu, thiết kế sản phẩm nội thất bao gồm Eric Klarenbeek và Jan Berbee tại Hà Lan và Sebastian Cox tại London. Thậm chí, công ty Ecovative tại New York cũng đã phát triển một nền tảng thiết kế xanh thông qua sản phẩm bao bì dựa trên loại vật liệu nấm này nhằm biến chúng trở nên phổ biến hơn trong tương lai.

GIỮ TRỌN VẸN TÍNH ĐỊA PHƯƠNG – BẢO TỒN LỊCH SỬ

Hãy tôn vinh các tiềm lực sẵn có của địa phương và giữ gìn bản sắc truyền thống của các ngành nghề truyền thống nhằm nuôi dưỡng sự đa dạng và phong phú của nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới.

thiết kế xanh 6

Thay vì phá hủy ngôi nhà cổ tại Bắc Kinh, vị KTS người Nhật Kengo Kuma đã kết hợp những mảng tường gạch nguyên trạng cùng thủy tinh và hệ mặt tiền được ghép từ nhôm trên cơ sở các hoa văn, họa tiết truyền thống trên khắp Trung Quốc được tìm thấy trên cửa sổ và cửa đi.

thiết kế xanh 7

Các hệ thống gỗ hiện trạng trong công trình được tháo dỡ và phục hồi bởi các thợ mộc lành nghề tại địa phương trước khi được quy trả về vị trí ban đầu nhằm giữ lại tính nguyên bản của ngôi nhà.

MỘT TƯƠNG LAI BỀN VỮNG

Nhiều NTK hiện nay đang dần khẳng định phong cách cá nhân trong việc lấy những nguyên tắc về cấu trúc bền vững làm tôn chỉ cho mình. Bên cạnh đó, các thương hiệu lâu đời cũng đang tiến hành các bước xem xét lại phương pháp sản xuất nhằm phù hợp hơn với xu hướng thiết kế xanh của thế giới. Đơn cử là thương hiệu đồ chơi nổi tiếng LEGO đến từ Đan Mạch đã cho ra mắt vào cuối năm qua một sản phẩm mới được làm từ mía. Thậm chí, một thương hiệu lớn khác đến từ Thụy Điển là IKEA cũng đã có những nỗ lực nhằm thúc đẩy những tiêu chí “xanh” như chuyển sang sử dụng ánh sáng từ các bóng đèn LED và hợp tác với NTK hàng đầu như Tom Dixon để cho ra mắt các sản phẩm nội thất mới với tuổi thọ lâu hơn. Hai NTK Godefroy de Virieu và Stefania Di Petrillo tại Paris cũng đã hợp tác với “Petit h” của Hermès trong một hội thảo nhằm khắc phục những tàn dư trong quá trình sản xuất, tạo nên các sản phẩm sang trọng như búa, tua-vít cùng các loại đồ khui nắp chai bằng da phế liệu; cùng với đó, những tư tưởng này cũng nên được áp dụng để tạo ra một chiếc túi Birkin hay Kelly.

thiết kế xanh 8

NHÀ Ở TỰ DUY TRÌ – Mang hình dạng như một quả trứng, công trình thiết kế xanh Ecocapsule được tạo nên bởi KTS Nice của Slovakia là hình mẫu chuẩn mực nhất cho những sản phẩm mang xu hướng tường lai, vượt ra khỏi những khái niệm thông thường. Hệ thống tự duy trì với điểm nhấn là những tấm pin mặt trời, một tua-bin gió gây ít tiếng ồn và một hệ thống thu – lọc nước mưa. Đặc biệt hơn nữa, chúng ta có thể dễ dàng di chuyển ngôi nhà này tới bất kỳ đâu.

thiết kế xanh 9

ÁNH SÁNG MẶT TRỜI – Marjan van Aubel – một NTK ánh sáng ra mắt Cyanometer cho Swarovski – với vật liệu pha lê được cắt đặc biệt để tăng hiệu quả của các tấm pin mặt trời. Cyanometer được đặt theo tên của một phát minh năm 1789 – một sản phẩm có thể tùy biến với màu sắc của bầu trời.

thiết kế xanh 10

NTK Nadine Sterk và Lonny van Ryswyck của công ty Atelier NL đã tạo nên thủy tinh “ZandGlas” với nhiều màu sắc và bề mặt từ cát thô thu được ở bờ biển Hà Lan. Những địa điểm như cồn cát và rừng được biết đến như một nơi nổi bật về khả năng sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn từ địa phương.

Chuyển ngữ: Đức Nguyên – Theo: Kristin Hohenadel.


Xem thêm:

Urban Bloom – Chút xanh mát giữa lòng đô thị

LEGO sử dụng nhựa thực vật vào sản phẩm thân thiện với môi trường