Vốn là một thương hiệu thời trang với thế mạnh về đồ da thủ công, Loewe luôn trân trọng và đề cao kĩ thuật chế tác của những nghệ nhân lành nghề. Thể hiện mối quan tâm đến nghệ thuật và ủng hộ sáng tạo toàn cầu, thương hiệu đã thành lập Loewe Foundation Craft Prize. Giải thưởng được diễn ra thường niên bắt đầu từ năm 2016, được khởi xướng bởi giám đốc sáng tạo Jonathan Anderson, thu hút được sự quan tâm của các nghệ sĩ trên toàn thế giới.
Năm nay, giải thưởng thuộc về nghệ sĩ gốm người Mexico Andrés Anza với tác phẩm “I only know what I have seen”. Đây cũng là mùa giải đầu tiên có thêm hạng mục “special mention” được hội đồng giám khảo lựa chọn với ba tác phẩm tiêu biểu, thuộc về Miki Asai với bộ tác phẩm “Still Life”. Heechan Kim với tác phẩm “#16” và Emmanuel Boos với tác phẩm “Comme un lego”.
Hội đồng giám khảo năm nay gồm có 13 cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực kiến trúc, báo chí, phê bình và giám tuyển nghệ thuật. Theo Jonathan Anderson, giải thưởng năm nay có sự phong phú và đầy bất ngờ với 30 tác phẩm đặc sắc, sẽ được trưng bày tại Palais de Tokyo đến hết ngày 9/6.
I only know what I have seen-Andrés Anza
Tác phẩm gốm có kích thước lớn mang những đường nét gợi hình của động vật và thực vật, được lắp ráp từ năm phần làm bằng đất sét chịu lửa, có kết cấu xoay, uốn và gấp, tạo cảm giác chuyển động thú vị. Bao phủ bên ngoài là hàng nghìn gai nhỏ bao phủ bề mặt làm tăng tính vô định hình của hình khối. Sau khi nung trong lò, nghệ sĩ đã sơn phủ bên ngoài một lớp sơn acrylic, làm nổi bật sự tương phản sáng tối trên kết cấu bề mặt phức tạp.
Still Life-Miki Asai
Lấy cảm hứng từ những bức tranh tĩnh vật như một phép ẩn dụ cho cuộc sống hàng ngày, nghệ sĩ người Nhật đã tạo ra những chiếc nhẫn mang hình dáng của những chiếc bình thu nhỏ. Thân của mỗi chiếc bình được làm từ giấy với bề mặt được xử lý đa dạng bằng những mảnh vỏ trứng nghiền nhỏ, được ép lại để tạo hiệu ứng rạn nứt, điểm xuyết ánh kim từ vỏ sò khảm. Các lớp màu khoáng được sơn phủ lên bình để tạo ra các biến thể về màu sắc trước khi gắn vào các khối gỗ rỗng cũng được xử lý bằng các vật liệu và kỹ thuật tương tự. Những chiếc nhẫn được hoàn thiện bằng kashu-urushi, một loại sơn mài có nguồn gốc từ cây điều.
CY15-Patrick Bongoy
Tác phẩm dệt được tạo ra bằng cách sử dụng các vật liệu có sẵn, bao gồm lốp xe, dây kim loại. Cao su được rửa sạch, cắt thành sợi mảnh và dệt thành các tấm chất liệu, sau đó được xếp lớp và xử lý để tạo ra một bức phù điêu ba chiều dày đặc. Quá trình này dựa trên kỹ thuật làm giỏ thủ công truyền thống, đề cập đến công việc mưu sinh ở Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời đề cập đến vấn đề môi trường và suy thoái kinh tế.
Comme un Lego-Emmanuel Boos
Chiếc bàn trà được làm từ 98 viên gạch gốm tráng men rỗng, được lắp ráp mà không sử dụng chất kết dính và mỗi viên gạch có thể được rút ra khỏi cấu trúc. Tinh thần phóng khoáng tương phản với bảng màu trầm từ lớp men Tenmoku. Khuôn thạch cao được sử dụng để đúc từng bộ phận, đục hai lỗ để có thể giữ cố định bằng chốt. Mặt bàn đặt trên năm viên gạch chắc chắn hơn, sử dụng phương pháp cán ghép thủ công để tăng độ vững chắc.
In Simplicity-Chun Tai Chen
Bộ ba tác phẩm điêu khắc được đắp chồng bởi hàng nghìn lớp giấy mỏng, với các rãnh nhỏ được chạm khắc trên từng lớp, được nhuộm cẩn thận trước khi mài nhẵn thủ công để lộ độ chuyển màu nhẹ nhàng trên bề mặt như những vân đá theo thời gian. Tác phẩm đòi hỏi sự kiên nhẫn với những bước lặp đi lặp lại, truyền tải khái niệm về sự khiêm nhường trong triết học phương Đông.
Wings of the Blue Bird-Emmy Chun
Chiếc vòng cổ mang hình dáng cánh chim sử dụng kĩ thuật mới để chế tác. Vật liệu sử dụng là ruột non của bò, được sấy khô và nhuộm màu trên mặt gỗ phẳng. Những mảnh da hình lông vũ được cắt cẩn thận sau đó kết lại với nhau để tạo hình. Tác phẩm khám phá khái niệm về sự ngụy trang và phóng chiếu, tạo nên một danh tính giả định trong thế giới tự nhiên.
Harmony of Grigris-Ange
Tác phẩm dệt khám phá cách đeo bùa gris-gris của những thổ dân Tây Phi. Mỗi chiếc thẻ được ép từ bột giấy cardboard, phủ một lớp giấy báo như một sự tưởng nhớ về người cha của nghệ sĩ vốn từng là một công nhân in ấn. Các tấm thẻ có kích cỡ khác nhau, được kết nối bằng sợi bông để tạo ra cấu trúc giống như lưới. Một số điểm nối được kết thêm vỏ sò hay thẻ giấy bọc chỉ đỏ, nhấn mạnh chiều hướng tâm linh của tác phẩm, đóng vai trò là phép ẩn dụ cho việc tìm kiếm sự đa dạng và hài hoà.
Don’t get around much anymore-Ken Eastman
Thể hiện sự thành thạo với vật liệu đất sét, chiếc bình gốm này là một nghiên cứu về cấu trúc và sự cân bằng của nghệ sĩ. Những tấm đất sét đá trắng được ghép lại với nhau một cách khéo léo để tạo ra một chiếc bình đa diện tượng trưng cho một ngôn ngữ gốm độc đáo. Bình được nung nhiều lần với kết cấu gợn sóng gồ ghề, có bề mặt phủ nhiều lớp sơn hiệu ứng oxit màu, tạo hiệu ứng đẹp mắt ở mọi góc độ.
Symphony in Ash-Jeremy Frey
Chiếc bình bằng cói có kích thước ấn tượng, tôn vinh kĩ thuật đan lát của dân tộc Wabanaki. Vật liệu tự nhiên gồm cỏ ngọt và tro nâu từ vùng Maine, Mỹ, được phân loại và nhuộm để tạo hoạ tiết sọc đẹp mắt. Bề mặt gai nhím của tác phẩm được thực hiện trong quá trình đan tạo hình phức tạp.
Punaka-Karl Fritsch
Bộ năm chiếc nhẫn đương đại được chế tác bằng bạc và vàng, thể hiện kỹ thuật nâng cao và phương pháp đính đá truyền thống trong trang sức. Sau quá trình đúc sáp, những viên đá quý nhân tạo như ngọc bích và hồng ngọc được tạo ra trong phòng lab sẽ được lắp lại vào các lỗ và cố định.
Displaced-Kevin Grey
Tác phẩm điêu khắc làm bằng nhiều tấm đồng được cắt và hàn TIG với nhau, tạo thì một khối tròn với cấu trúc phức tạp. Kỹ thuật này được lấy cảm hứng từ nền tảng thiết kế và sản xuất ô tô của nghệ sĩ. Tác phẩm không được xây dựng dựa trên phác thảo. Các mối nối được tạo thành một cách trực quan, tạo cảm giác chuyển động liên tục, thể hiện Các cạnh lởm chởm của tác phẩm thể hiện sự sự tương khắc con người phải đối mặt khi đến một vùng đất mới.
Weeping Willow Women-Raven Halfmoon
Tác phẩm gốm tôn vinh văn hoá tổ tiên Caddo Nation của nghệ sĩ. với vật liệu chính và đất sét màu nâu đen, kết hợp kỹ thuật làm gốm truyền thống và hiện đại, thực hiện bằng phương pháp cuộn dây thủ công. Mỗi mặt của tác phẩm được tráng men màu khác nhau, ám chỉ vùng đất Oklahoma và các vấn đề quan trọng khác của Bản địa.
Bamboo Rock-Yufeng He
Tác phẩm Bamboo Rock của nghệ sĩ Yuefeng He tại Loewe Foundation Craft Prize 2024 có cấu trúc như một tảng đá khổng lồ, khai thác các yếu tố và biểu tượng hướng đến tương lai. Khung tre đan theo motif lục giác được tạo hình bề mặt lồi lõm gợn sóng, sau đó phủ vải lanh nhiều phần và hoàn thiện bằng kĩ thuật sơn mài. Phần khung tre lộ ra và lớp phủ màu cam đỏ tạo nên sự tương phản giữa tính rắn chắc và dẻo dai. Hình dáng của tác phẩm điêu khắc này gợi nhớ đến những hòn đá phong thuỷ, tượng trưng cho truyền thống văn học cổ xưa của Trung Quốc.
Origin-Ferne Jacobs
Nghệ sĩ đã sử dụng sợi lanh sáp được xử lý theo ba cách khác nhau để tạo nên tác phẩm dệt mang đường nét hữu cơ và tương phản màu cam và trắng kem đẹp mắt. Sợi được dệt và thắt nút trên khung có cấu trúc phức tạp đã được tạo hình sẵn, tạo chuyển động uốn cong mềm mại tự nhiên.
Echinoid-Racso Jugarap
Tác phẩm có hình quả bầu lấy cảm hứng từ loài nhím biển, được tạo hình tinh xảo theo hình xương đòn bằng những sợi dây mạ kẽm, sau đó nhúng vào nhựa thông và hàn thủ công tỉ mỉ từng sợi một vào một tấm lưới. Để tạo nên sự tương phản, một số đầu gai được trang trí bằng vàng lá sơn phủ resin, gợi đến những giọt sương hay côn trùng hoá thạch trong hổ phách.
#16-Heechan Kim
Tác phẩm điêu khắc thể hiện khả năng kiểm soát vật liệu bậc thầy và khao khát tạo ra một dáng hình mới của người nghệ sĩ. Sử dụng kỹ thuật uốn gỗ thủ công truyền thống thường trong đóng thuyền, những dải gỗ bào mỏng được ngâm trong nước và tạo hình bằng kĩ thuật ủi nóng trước khi được chà nhám và khâu lại với nhau bằng dây đồng mỏng. Sự tiến hóa của hình thái được điều hướng dẫn bởi trực giác, tạo ra một cấu trúc hữu cơ độc đáo với bề mặt nhẵn liên tục và các kênh dẫn đến một buồng trung tâm lớn ở bên trong.
Holly shell-Alison Croney Moses
Được tạo ra bằng cách sử dụng sự kết hợp nhiều kỹ thuật làm gỗ, tác phẩm có cấu trúc vỏ sò, gợi đến hình dáng phụ nữ một cách tinh tế. Các tấm gỗ được tạo hình bằng kĩ thuật làm thùng, sau đó dán lại với nhau bằng hệ thống ép chân không.
Embroidered Royal Jumper for Peter Obi-Ozioma Onuzulike
Tấm thảm gốm được làm từ hàng nghìn vỏ hạt cọ bằng đất sét thủ công, được dệt với nhau bằng dây đồng để mô phỏng vải dệt của các bộ lạc Tây Phi như Akwete, Aso Oke và Kente. Mỗi chiếc vỏ sau khi nung được nhúng vào men tro trước khi khảm bằng thủy tinh từ vỏ chai tái chế đã nghiền nát.
Primitive Structures, Botanical-Weon Rhee
Lấy cảm hứng từ các hình thức tự nhiên, chiếc bàn được từ gỗ xẻ sợi song song PSL-vật liệu làm từ các sợi gỗ tái chế và nén, sau đó đúc thành hình dạng như cây nấm. Tác phẩm có bề ngoài như đá, lấy cảm hứng từ những ngôi mộ mộ đá thời kỳ đồ đồng và đồ sắt được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Hàn Quốc. Một lớp bột màu xanh lục và ngọc trai trong suốt được phun lên bề mặt. Độ trong mờ của lớp hoàn thiện này cho phép nhìn xuyên qua kết cấu bên dưới của gỗ trông như một lớp rêu mỏng.
Cristalización Orgánica Esmeralda-Luis Santos Montes
Cấu trúc hữu cơ dễ uốn này được tạo ra từ giấy kraft đã được xử lý đặc biệt bằng methylcellulose và nhựa để tạo độ linh hoạt và độ bền, đồng thời được nhuộm bằng mực và sơn acrylic. Giấy được gấp và vò nhàu để tạo ra các hình chóp trên bề mặt có thể thay đổi hình dạng, từ 2D sang 3D.
Talisman Sculpture: The Column-Saar Scheerlings
Tác phẩm sử dụng cách tiếp cận mang tính điêu khắc đối với kỹ thuật dệt và bọc để khám phá tầm quan trọng của hình thức cột trong kiến trúc truyền thống xuyên suốt các nền văn hóa. Cấu trúc đã được tạo ra từ những tấm nệm xốp tái sử dụng, được cắt thành từng lát và phủ bằng vải linen Pháp dệt thủ công. Mỗi chiếc đệm được xếp chồng và kết nối bằng sợi.
Biophilia: Celestial Shaped Vessel-Kazuhiro Toyama
Các kỹ thuật đổi mới phá vỡ định kiến về tính chất và hành vi của kim loại đã được sử dụng để tạo ra tác phẩm này. Nghệ sĩ đã sáng tạo ra một kỹ thuật mới dựa trên phun nhiệt, một quy trình phủ công nghiệp. Đồng nóng chảy ở trạng thái lỏng gần như không thể kiểm soát được phun lên khuôn hình bán cầu. Thành phẩm có vành ngoài lớn và các phần đã được oxy hóa chọn lọc bằng nhiệt. Các khu vực nứt hình thành trong quá trình làm mát thể hiện những câu chuyện rộng hơn xung quanh sự sụp đổ xã hội và môi trường.
Harmony-Debaroun
Kỹ thuật dệt và tết rơm từ Triều đại Joseon của Hàn Quốc đã được tái hiện lại trên da để tạo ra chiếc hộp độc đáo này, mang sự tương phản giữa thô và mịn trong tương tác phức tạp của các kết cấu. Da thuộc da thực vật dẻo dai đã được ngâm và tạo sợi, sau đó được dệt để tạo thành phần đế và nắp. Tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hài hòa và thể hiện thái độ tìm kiếm sự cân bằng nội tâm và tập trung vào một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm
Loewe Foundation Craft Prize 2023 vinh danh nghệ nhân gốm Eriko Inazaki
Milan Design Week 2024: Loewe và triển lãm ánh sáng tụ hội
Triển lãm Archaeology Of Consciousness Venice: Hành trình vượt thời gian