BST đồ gia dụng do studio thiết kế Granby Workshop thực hiện được tái chế từ nguồn chất thải đất sét công nghiệp đang được gửi đến những bãi rác từ hàng loạt các nhà máy sản xuất. Bao gồm các loại đĩa ăn với nhiều kích cỡ khác nhau, ly uống nước, chén bát – BST trở nên đa dạng cả về màu sắc lẫn phân loại sản phẩm.
“Về cơ bản, bất kỳ vật liệu nào được tái chế từ chất thải đều phải trải qua giai đoạn làm sạch, đất sét cũng thế, chúng được lọc ra từ các cặn bùn thải. Bùn thải là được xem là nguồn nguyên liệu không dùng đến với hầu hết các nhà máy, chính vì vậy mà chúng được chuyển đến bãi rác.” – Theo Lewis Jones, đồng sáng lập Granby Workshop.
Để tạo ra BST đồ gia dụng, nhóm thiết kế đã trộn đất sét cùng với thủy tinh, bụi đá phiến, đá granite, đá cẩm thạch và cả chất thải gốm thành một hỗn hợp, sau đó nghiền tất cả thành dạng bột mịn. Hỗn hợp này chính là vật liệu nền để tạo nên toàn bộ sản phẩm. Chính nhờ lớp bột mịn được trộn từ nhiều loại vật liệu khác nhau mà đồ gia dụng trong BST sở hữu những lớp màu ngẫu hứng. Mỗi sản phẩm đơn lẻ lại là một hình thái khác biệt.
“Dự án này là quá trình giảm thiểu chất thải đồng thời khám phá ra những dạng bề mặt hoàn thiện, kết cấu mới trong nền công nghiệp sản xuất. Gốm là chất xúc tác tuyệt vời khi chúng liên kết các nguồn vật liệu khác nhau lại thành một, từ đó tạo ra được một sản phẩm cực kỳ bền và cứng cáp. Chúng tôi nghĩ rằng tiềm năng sáng tạo trong lĩnh vực này là rất lớn.” – Theo Lewis Jones.
Mặc dù cùng được sản xuất từ một loại vật liệu nhưng mỗi sản phẩm đồ gia dụng lại được ứng dụng công nghệ khác nhau để hoàn thành. Chén bát và đĩa được sản xuất bằng máy ép thủy lực, trong khi đó ly cốc lại được đúc từ đất sét lỏng. Sau đó tất cả được nung ở nhiệt độ thấp để làm cứng đất sét, cuối cùng là nhúng vào men và nung thêm một lần nữa. Nhóm thiết kế còn cho biết rằng BST chủ yếu đề cao tầm quan trọng của vật liệu nên những hình thức thiết kế đã được quy về hình thức đơn giản nhằm nhấn mạnh trọng tâm chính.
Bài: Đức Nguyên | Theo: Dezeen | Ảnh: Tư liệu.
Xem thêm: