Bắt nguồn từ 3100 năm trước Công Nguyên tại Ai Cập cổ đại và chỉ dành riêng cho những người có địa vị, ghế gỗ dần được sử dụng phổ biến hơn cho tất cả mọi tầng lớp với nhiều kiểu dáng khác nhau. Dựa trên thay đổi của nhu cầu tiêu dùng và hoàn cảnh lịch sử, nhiều kiểu ghế gỗ được ra đời và trở thành kiệt tác truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà thiết kế hiện nay.
Tiếp nối kỳ I, ELLE Decoration xin giới thiệu thêm các mẫu ghế mang tính biểu tượng khác.
Ghế Gerrit Rietveld Zig Zag
“Đây không phải một chiếc ghế mà là trò đùa của nhà thiết kế” là cách Gerrit Rietveld – nhà thiết kế người Hà Lan mô tả chiếc ghế Zig Zag của mình. Ra đời vào năm 1934, thiết kế đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng loạt của một chuỗi cửa hàng bách hóa Hà Lan. Để hoàn thiện thành phẩm, các nghệ nhân đã ghép bốn tấm gỗ phẳng (ban đầu dùng gỗ du Elm, sau này chuyển sang gỗ thông) nối liền với nhau từ đầu đến cuối để tạo thành hình chữ Z. Hai tấm gỗ hình tam giác sẽ được lắp ráp một cách tỉ mỉ để gia cố cho phần đế ngồi và chân. Zig Zag đã phá bỏ những quy tắc của một chiếc ghế thông thường gồm: hai tay, bốn chân và đệm ngồi.
Với kiểu dáng gắn kết, Zig Zag khá giống với những chiếc ghế cantilevered (đúc hẫng) của Ludwig Mies van der Rohe và Marcel Breuer, nhưng việc sử dụng một loại vật liệu duy nhất đã tiên đoán trước sự phổ biến của những thiết kế nhựa nguyên khối trong thập niên 60. Sự đơn giản trong kết cấu và ưu điểm tiết kiệm vật liệu đã khiến chiếc ghế này trở thành một lựa chọn lý tưởng để sản xuất hàng loạt, kiểu ghế Zig Zag phổ biến đến mức càng có nhiều biến thể của nó hơn ra đời: có tay vịn, lưng đục lỗ… Chiếc ghế này của Gerrit Rietveld được lấy cảm hứng từ Theo van Doesburg, người sáng lập De Stijl, trường phái tán thành trừu tượng đại diện cho tinh thần thuần khiết và sức hấp dẫn phổ quát.
Ghế Era (Michael Thonet No. 14)
Thợ thủ công người Đức Michael Thonet từng mơ ước thiết kế một chiếc ghế có thể sản xuất hàng loạt và bán ra với mức giá phải chăng. Sau nhiều năm thử nghiệm kỹ thuật, cuối cùng ông đã thành công với Era (hay Michael Thonet số 14), được ra mắt vào năm 1859. Chiếc ghế số 14 nguyên bản được tạo thành từ sáu miếng gỗ, mười con vít và hai đai ốc. Đây là món đồ nội thất tự lắp ráp đầu tiên được thiết kế để thuận tiện cho việc vận chuyển đi xa.
Nổi tiếng nhờ mặt ngồi tròn và lưng gỗ uốn cong, nét thanh lịch và tinh giản của mẫu ghế này đã thu hút rất nhiều người. Đến năm 1930, năm mươi triệu chiếc đã được bán ra, và kể từ đó, người ta bắt đầu sản xuất hàng loạt mẫu ghế số 14 đến tận 150 năm sau.
Ghế Director
Thoạt nhìn Director có kiểu dáng giống với mẫu ghế dành cho người pha cà phê ở thế kỉ XV, nhưng nguồn gốc thực sự của nó đã có từ thời La Mã. Với tên gọi Curule (nghĩa là: xe ngựa) lúc bấy giờ, mẫu ghế này được sử dụng chủ yếu bởi giới quý tộc, quân đội và cả các Pharaoh ở Ai Cập cổ đại. Curule là một sự biểu thị ngầm cho vinh quang và xa xỉ của tầng lớp cao quý tại thời điểm ấy.
Chiếc ghế Director phiên bản hiện đại được giới thiệu với công chúng vào năm 1892 bởi công ty nội thất Gold Medal Camp, và được trưng bày tại Triển lãm Hội chợ Columbian Thế giới năm 1893 ở Chicago, nơi nó đã giành được giải thưởng xuất sắc tại hạng mục “Casual furniture design”.
Với tính chất nhẹ và có thể gập sang hai bên bằng thao tác kéo, ghế Director sở hữu mặt ngồi và tựa lưng được làm bằng canvas hoặc các loại vải chắc chắn tương tự, có thể chịu được toàn bộ trọng lượng của người sử dụng. Khung ghế được làm bằng gỗ, ngoài ra còn có phiên bản dùng kim loại hoặc nhựa.
Ghế Adirondack
Được thiết kế bởi Thomas Lee vào năm 1903, Adirondack là mẫu ghế dài ngoài trời có tay vịn rộng, lưng tựa cao bằng gỗ và mặt ngồi dốc dần về trước. Tên của nó được đặt theo dãy núi Adirondack – một vùng đất có địa hình đồi dốc từ lâu đã thách thức sự sáng tạo của rất nhiều các nhà thiết kế nội thất ngoài trời.
Thiết kế ban đầu của Thomas bao gồm một số ván gỗ phong, phần đế đỡ kết hợp với các chân sau. Khi hoàn thiện xong thiết kế, Thomas đã đưa nó cho một người bạn tên làm thợ mộc có tên Harry Bunnell. Sau khi cải tiến một số điểm mới như: lắp đặt thêm chỗ để chân, bổ sung tấm ván che ở dưới, đệm lưng tháo rời được…, vào ngày 1/4/1904, Harry đã tự nộp bằng sáng chế cho chiếc ghế và tuyên bố “phát minh” của mình là “mới”.
Trong 105 năm tiếp theo, chiếc ghế đã được điều chỉnh nhiều lần. Mặt sau thường được bào nhiều lần và được ghép từ 3 đến 7 thanh gỗ thay vì ván đơn như chiếc ghế Westport nguyên bản. Những chiếc ghế hiện nay thường được làm từ gỗ thông và các loại gỗ giá rẻ khác bằng phương pháp ép phun.
Ghế Chieftain
Được giới thiệu vào năm 1949, ghế Chieftain là một trong những kiệt tác của Finn Juhl, đánh dấu sự đổi mới của nền thiết kế nội thất Đan Mạch tại thời điểm trình làng. Mẫu ghế này đại diện cho đỉnh cao sự nghiệp của ông với tư cách là nhà thiết kế nội thất.
Lấy cảm hứng từ nghệ thuật hiện đại và văn hóa nước ngoài, Chieftain với hình dáng hữu cơ, giải phóng khỏi thiết kế truyền thống của Đan Mạch và chủ nghĩa công năng nghiêm ngặt về hình dáng, kết cấu và vật liệu. Trong suốt quá trình sản xuất kéo dài từ năm 1949 đến ngày nay, chiếc ghế Chieftain đã trải qua nhiều thay đổi tùy thuộc vào mỗi người thợ tạo ra nó.
Ghế Hunting
Ghế Hunting là một trong các thiết kế đặc biệt của Børge Mogensen, dành cho triển lãm mùa thu của Hiệp hội Thợ thủ Công Copenhagen vào năm 1950 – với chủ đề “lều săn bắn”. Thiết kế này gồm gỗ sồi nguyên khối cho bộ phận khung và da yên ngựa kết hợp dây điều chỉnh cho phần lưng và mặt ngồi. Sự kết hợp mộc mạc và nam tính của ghế Hunting được lấy cảm hứng từ đồ nội thất thời Trung Cổ của Tây Ban Nha. Sau thành công của chiếc ghế này, Børge đã sử dụng dây da điều chỉnh được trên các thiết kế khác, cụ thể là chiếc ghế Tây Ban Nha cũng nổi tiếng không kém được ra mắt năm 1958.
Thực hiện: Vân Thảo
Xem thêm