Sự khác biệt giữa nhà trang trí nội thất và nhà thiết kế nội thất

Bạn gọi một chuyên gia về nội thất là gì? Người thiết kế, tân trang hoặc đơn giản là làm mới các khu vực trong nhà? Nhà trang trí nội thất (Interior Decorator) và nhà thiết kế nội thất (Interior Designer) là hai thuật ngữ mà không phải ai cũng có thể nắm bắt được, đặc biệt là những người ngoại đạo.

“Mặc dù nghĩa của từ này hơi mờ, nhưng tôi thích được gọi là nhà trang trí nội thất” – Miles Redd đồng thuận ý kiến của mình với Syrie Maugham, John Fowler, và Nancy Lancaster. “Tôi nghĩ sẽ không có ai trong số chúng tôi tự nhận mình là nhà thiết kế nội thất. Hy vọng việc này không khiến những người tôi ngưỡng mộ bị xúc phạm, nhưng việc tự nhận như thế sẽ khiến cho tôi cảm thấy hơi tự phụ”.

Trái lại với ý kiến của Miles, nhà thiết kế nội thất Ghislaine Vinas thể hiện sự không đồng thuận: “Không còn gì khó chịu hơn khi ai đó gọi tôi là nhà trang trí. Đó là một thuật ngữ lỗi thời gợi lên hình ảnh người phụ nữ đi mua sắm, chọn đồ trang trí và chỉnh trang đồ đạc. Nhà thiết kế nội thất làm nhiều việc hơn thế, bởi vì chúng tôi phải đi học trong nhiều năm trời”.

thiet ke noi that

Căn hộ penthouse ở thành phố New York, được thiết kế bởi nhà trang trí nội thất người Mỹ quá cố Mario Buatta. Ảnh: Trevor Tondro/OTTO

Việc yêu cầu các chuyên gia nội thất nêu quan điểm của họ về trang trí và thiết kế đã gợi nhớ cho chúng ta về những quảng cáo xưa cũ của Miller Lite với tranh luận về chương trình Great Taste, Less Filling. Mặc dù có nhiều quan điểm sôi nổi, nhưng đây không hẳn là một cuộc tranh luận. Đó là về sự khác biệt trong nhận thức và cách sử dụng

Ngày nay, hầu hết mọi người trong ngành đều đồng ý rằng có sự khác biệt giữa trang trí và thiết kế nội thất, ngay cả khi chúng có mối liên hệ chặt chẽ. Nhà thiết kế Dan Fink giải thích: “Công việc của nhà thiết kế nội thất là xem xét toàn bộ ý tưởng của khu vực đó như về bối cảnh, kiến trúc hay đồ đạc. Còn nhà trang trí lại làm những công việc cụ thể hơn, họ trang trí đồ nội thất, vải vóc hay bộ sưu tập nghệ thuật, đó là những thứ thiết yếu để đạt được thuật giả kim hoàn hảo trong phòng”.

Chủ tịch của Trường thiết kế nội thất New York – New York School of Interior Design (NYSID) – David Sprouls diễn đạt theo cách dễ hiểu hơn: “Khi giải thích cho mọi người về thiết kế nội thất, tôi sẽ vẽ một biểu đồ Venn (sơ đồ tập hợp) với hai vòng tròn lớn. Một vòng tròn là kiến trúc, và cái còn lại là trang trí. Khi cả hai chồng lên nhau, nó sẽ là thiết kế nội thất”. (NYSID thành lập năm 1916, ban đầu có tên là Trường trang trí nội thất New York và đổi tên thành hiện tại vào đầu những năm 50)

noi that co dien baroque

Góc phòng màu vàng rực rỡ được thiết kế bởi Miles Redd, người thích dùng thuật ngữ thiết kế nội thất để mô tả về nghề nghiệp của mình. Ảnh: Thomas Loof

Quay trở lại đầu thế kỷ 20 ở Hoa Kỳ, quãng thời gian mà nghề thiết kế nội thất, hay là trang trí còn sơ khai. Tiên phong bởi những huyền thoại như Elsie Wolfe & Dorothy Draper, lĩnh vực này hiển nhiên được gọi là trang trí và bị chi phối bởi phụ nữ. Mặc dù không được chú ý rộng rãi, nhưng thuật ngữ thiết kế nội thất (interior design) đã xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1930. Mãi cho đến sau Thế chiến thứ 2, khi các nhà thiết kế công nghiệp (đa phần là nam giới) mở rộng vào lĩnh vực nội thất, thuật ngữ đó mới được đổi tên và giữ cách gọi đó cho đến hiện tại. Giảng viên môn lịch sử thiết kế tại NYSID, Alexis Barr nói: “Tôi coi thuật ngữ này là một nỗ lực của ngành thiết kế công nghiệp nhằm tách biệt, nâng tầm bản thân khỏi các nhà trang trí và nhấn mạnh sự phân chia giới tính lẫn giai cấp trong hai lĩnh vực”. Đồng thời, cô cũng lưu ý: “Những nhân vật lớn trong ngành như Billy Baldwin từ chối thuật ngữ nhà thiết kế nội thất và tiếp tục tự gọi mình là nhà trang trí”.

Đó một phần cũng vì sự tôn trọng dành cho các nhân vật đáng kính trọng như Billy, cùng với những truyền thống ông đại diện, điều truyền nên cảm hứng cho một số người nắm giữ các nhãn hiệu trang trí ngày nay. Mitchell Owens, nhà thiết kế và biên tập viên kỳ cựu cho biết: “Tôi luôn tin rằng, nếu thuật ngữ “nhà trang trí” phù hợp với Billy Baldwin, thì nó cũng phù hợp với bất kỳ ai”.

elsie de wolfe interior design

Elsie de Wolfe, người được coi là nhà trang trí nội thất (decorator) đầu tiên của Mỹ đã thiết kế các phòng trong ngôi nhà của gia đình Frick ở thành phố New York. Ảnh: Courtesy The Frick Collection

Như Mitchell đã chỉ ra, nhiều người xuất sắc trong lĩnh vực này không được đào tạo trong lớp học mà chỉ dựa vào tài năng bẩm sinh cùng với kinh nghiệm được trau dồi qua quá trình làm việc. Trong lời giới thiệu của ông về cuốn sách năm 1964, “Những căn phòng đẹp nhất đến từ các nhà trang trí vĩ đại của Mỹ”, tác giả Russell Lynes đã mô tả việc trang trí theo những thuật ngữ gần như bí truyền, đó là “một bài tập về sở thích, một từ ngữ và một concept bất chấp định nghĩa”. Cuối cùng, Russell kết luận, trang trí là “một nghề bí ẩn”.

Bí ẩn đó vẫn tồn tại, nhưng việc mở rộng các chương trình, trường học và hội nhóm về thiết kế một cách nghiêm ngặt như Hiệp hội các nhà thiết kế nội thất Hoa Kỳ – The American Society of Interior Designers (ASID) – đã dẫn đến tính chuyên nghiệp cao hơn. Vì thế, việc Sister Parish, Mario Buatta và những người vĩ đại khác trong quá khứ có thể không quan tâm đến sự khác biệt giữa nhà trang trí và nhà thiết kế, nhưng đối với thế hệ ngày nay, cách gọi và trình độ chuyên môn rất quan trọng.

Tất nhiên, Amy Lau đã chỉ ra, học vấn và bằng chỉ là một phần của công việc này, ngoài ra, nó còn đòi hỏi những phẩm chất mà những người trang trí như Rose Cumming gọi là sự tinh tế: “Bạn học bao lâu không quan trọng,” Lau nói, “nhưng nếu bạn không có tầm nhìn để làm cho căn phòng trở nên nổi bật, thì bạn đã thất bại”. Về phần mình, Lau thích được gọi là nhà thiết kế nội thất hơn nhưng cô cũng không sửa đổi các cách gọi khác.

thiet ke noi that elaine griffin

Họa tiết đầy màu sắc bên trong ngôi nhà ở Harlem của nhà thiết kế nội thất Elaine Griffin. Ảnh: Courtesy Elaine Griffin

Elaine Griffin cũng đồng tình với ý kiến đó: “Tôi là một nhà thiết kế nội thất, nhưng tôi cũng không có vấn đề gì với thuật ngữ nhà trang trí, vì phải chấp nhận cả hai thì mới có thể sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của người khác”. Tuy nhiên, cô ấy phân biệt rõ ràng giữa việc mình làm, với “những influencers nổi tiếng với hơn 42 ngàn người theo dõi trên Instagram”. Cô bổ sung: “Bất kỳ ai có mắt nhìn đều có thể treo vài bức ảnh rồi tự gọi mình là nhà trang trí”.

Khi Alexa Hampton tiếp quản công ty lừng lẫy của cha cô là Mark vào cuối những năm 1990 ở tuổi 27, cô đã tự nhận mình là một nhà thiết kế nội thất. Alexa chú thích rằng đây là ý muốn của cha cô và nói: “Giờ đây khi tôi trưởng thành hơn và chắc chắn hơn về loại công việc của mình, tôi gọi bản thân là một nhà trang trí. Trong một sự nghiệp dài làm việc cùng những người nghiệp dư và thiếu nghiêm túc, tôi hiểu rõ hơn về giá trị của những người tự gọi mình là nhà thiết kế nội thất. Những người đó có vẻ nghiêm túc và chắc chắn hơn”. Sau một khoảng im lặng, cô tiếp lời: “Sao cũng được, hãy gọi bản thân là bất cứ thứ gì bạn thích”.

 

Thực hiện: Khánh Quỳnh | Theo: Elledecor


Xem thêm

Elsie de Wolfe-Người phụ nữ tiên phong với sứ mệnh làm đẹp cho đời