Họa tiết ca rô: Giá trị vượt thời gian

Vừa nổi loạn, nhưng cũng vừa thanh lịch, họa tiết ca rô đã trả qua một chặng đường lịch sử nhiều màu sắc và tiếp tục được ưa chuộng trong lĩnh vực thiết kế.

Kẻ ô ca rô là một trong những họa tiết kinh điển được áp dụng cho nhiều lĩnh vực thiết kế nhưng phổ biến nhất vẫn là những ngành liên quan đến chất liệu vải vóc. Về cơ bản, ca rô được tạo thành bởi những dải màu ngang dọc vuông góc với nhau, nhưng trong đại gia đình họa tiết này lại có nhiều thành viên ra đời trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

hoa tiet ca ro khach san fife arms trang tri noi that

Phòng tại khách sạn The Fife Arms, Anh Quốc. Ảnh: The Fife Arms

Xuất hiện từ thế kỉ 16 tại Scotland, Tartan là họa tiết ca rô gốc được nhuộm từ bất kì loại thuốc nhuộm thực vật nào có trong khu vực. Đây là lý do để họa tiết có nhiều phối màu khác nhau và gắn liền với từng gia đình và thị tộc ở vùng cao nguyên Scotland. Từ tiếng Anh của ca rô “plaid” xuất phát từ từ “plaide” trong tiếng Gaelic, nghĩa là “chăn mền”. Từng bị cấm trong một thế kỉ vì có liên quan đến quân đội Scotland, từ này ra đời khi ngành công nghiệp dệt may của Anh và Mỹ nhận thấy sự phổ biến của vải ca rô đầu thế kỉ 19.

Lord Mungo Murray John Michael Wright tartan

Trưởng tộc Murray vẽ năm 1680 bởi họa sĩ John Michael Wright. Ảnh: Tư liệu

Mặc dù có mặt từ rất lâu, nhưng phải đến thập niên 70 của thế kỉ trước, họa tiết ca rô mới được giới thiết kế nội thất và thời trang ưa chuộng. Cột mốc quan trọng đầu tiên là khi Nữ hoàng Victoria Đệ Nhị cho trang hoàng nội thất lâu đài Balmoral bằng rèm và bọc đệm bằng vải ca rô. Kể từ đó, ca rô đã trở thành một trong những biểu tượng của giới quý tộc với mẫu vải chính thức chỉ dành riêng cho hoàng gia.

balmoral lau dai hoa tiet ca ro nu hoang elizabeth ii

Bản vẽ nội thất một gian phòng trong lâu đài Balmoral của Nữ hoàng Elizabeth II. Đây là nơi bà thường xuyên ở vào mỗi mùa hè. Ảnh: Tư liệu

Cùng mốc thời gian và vị trí địa lý, một trường đối lập nổi loạn xuất hiện cũng lấy họa tiết ca rô làm biểu tượng, gắn liền với sự phát triển và bành trướng của văn hóa Punk. Hai cái tên tiêu biểu tiên phong trong việc lăng xê vải ca rô trong cộng đồng thường dân và giới trẻ bằng phong cách thời trang đường phố hầm hố là nhà thiết kế Vivienne Westwood và nghệ sĩ Malcolm Mclaren. Giữa thập niên 90, một nhân vật vừa “hư hỏng” vừa có tài khác tiếp tục khuấy động giới thiết kế bằng họa tiết ca rô. Năm 1995, Alexander McQueen gây ấn tượng với giới phê bình bằng bộ sưu tập “The Highland Rape: Abel Carries Ephraim”, sử dụng vải tartan để thể hiện một góc nhìn trần trụi gây tranh cãi.

vivienne westwood hoa tiet ca ro tartan

Vivienne Westwood (phải) trong thiết kế họa tiết tartan của mình. Ảnh: Tư liệu

alexander mcqueen hoa tiet tartan highland rape

Bộ sưu tập “Highland Rape” của Alexander McQueen. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, ngành thời trang của Anh cũng có một đối trọng cân bằng sự nổi loạn của Vivienne Westwood và Alexander McQueen. Mặc dù ra đời vào thập niên 20 và gắn liền với trang phục quân nhân, nhưng họa tiết ca rô trên nền màu beige thanh lịch trứ danh của Burberry đã tạo được dấu ấn đặc trưng và bắt đầu có sức ảnh hưởng rộng khắp thế giới từ cuối thập niên 90. Xuất hiện sớm hơn cả Burberry, từ 1894, Daks cũng được biết đến như một trong những thương hiệu xa xỉ hàng đầu Anh Quốc với mẫu sọc ca rô đặc trưng.

bo suu tap burberry

Ảnh: Burberry

Bên cạnh Tartan, gia đình họa tiết ca rô còn có nhiều cái tên phổ biến khác. Gingham xuất hiện vào thế kỉ 18 với nguồn gốc từ Malaysia nhưng cũng có nhiều người cho rằng nó xuất phát ở Guingamp, Pháp. Houndstood có cùng quê hương với Tartan, được sử dụng rộng rãi từ những năm 80 của thế kỉ 19 ở vùng đồng bằng và dành cho những người không được phép mặc Tartan cũng như không thuộc dòng dõi quý tộc. Biến thể Agryle của Tartan thường được dùng trên vải dệt kim bắt đầu phổ biến và được ưa chuộng tại Anh và Mỹ sau Thế Chiến I, được lăng xê bởi thương hiệu lâu đời Pringle of Scotland và gắn liền với hình ảnh của Công tước xứ Windsor…

trang tri noi that gingham hoa tiet

Bộ sofa bọc vải họa tiết Gingham. Ảnh: Tim Clinch

Những cột mốc lịch sử trên phần nào cho thấy họa tiết ca rô có lợi thế về tính linh hoạt. Mỗi bảng màu, mật độ và kích thước của sọc lại gắn liền với một phong cách khác nhau: thanh lịch cổ điển, nổi loạn với Punk hoặc Grunge, trẻ trung với Preppy. Sự hiện diện của sọc ca rô có thể mang lại yếu tố hoài cổ cho trang phục lẫn không gian sống, tạo cảm giác ấm cúng và thoải mái. Tính linh động của ca rô cũng được thể hiện qua sự tương thích với nhiều xu hướng thiết kế nội thất và hạng mục đa dạng, từ rèm cửa, giấy dán tường cho đến vải bọc đệm, chăn…

trang tri noi that hoa tiet ca ro

Ảnh: Simon Upton

vai in ca ro do noi that

Ảnh: Johnstons Of Elgin

trang tri noi that tham ca ro

Ảnh: Ngoc Minh Ngo

Một đặc điểm khác khiến sọc ca rô được ưa chuộng trong thiết kế nội thất đó là tính nổi bật. Kể cả khi bạn chọn tất cả đồ nội thất và màu sơn theo cùng một tone màu thì một vài món đồ có họa tiết kẻ ô đơn giản cũng có thể trở thành tâm điểm. Đa dạng với các kiểu kẻ ô khác nhau, từ đơn giản như Gingham và Graph Check, cho đến phức tạp như Houndstooth và Madras hay Clan Wallace, chúng ta có thể lựa chọn mẫu họa tiết phù hợp cho nhiều không gian trong nhiều dịp và phong cách khác nhau.

trang tri noi that sang trong phong khach ca ro

Ảnh: Benjamin Edwards

phong ngu trang tri hoa tiet ca ro

Ảnh: Paul Massey

hoa tiet houndstooth nem ghe sofa do noi that

Ảnh: Carpe Diem Beds

Thực hiện: Hoàng Lê


Xem thêm

Vương quốc của họa tiết trang trí tường

Ứng dụng của họa tiết xương cá trong kiến trúc

Luật của sự ngẫu hứng