Dune: Part Two – Xứ cát kỳ vĩ qua lăng kính kiến trúc (Kỳ II)

Bên cạnh những phân cảnh chính về vùng sa mạc Arrakis rộng lớn và khô cằn, phần 2 của phim Dune chiêu đãi khán giả một bàn tiệc thị giác thịnh soạn và thỏa mãn, thông qua việc xây dựng bối cảnh đa dạng để khắc họa rõ nét các hành tinh và môi trường mới.

Như phần phim đầu tiên, bối cảnh của Dune: Part Two được xây dựng chính trên trường quay ở Budapest, Hungary. Phần hai của phim yêu cầu một không gian khổng lồ, với ít nhất hơn 40% cảnh quay so với phần một được thực hiện tại nhiều địa điểm khác biệt và mới lạ hơn. Tiếp nối kỳ I với hình ảnh xứ cát mênh mông và rộng lớn, bài viết này tập trung khai thác vai trò diễn đạt của kiến trúc trong các bối cảnh mới của vũ trụ Imperium: hành tinh Giedi Prime của gia tộc Harkonnen cùng hành tinh Kaitain – nơi ngự trị của Hoàng Đế và Hoàng Gia.

Quay lại phần một để hiểu rõ hơn về Caladan – quê hương của gia tộc Atreides, với không khí hoàn toàn trái ngược với sự hoang tàn khô cằn của Arrakis. Là một hành tinh tươi tốt và ôn hòa, Caladan nổi bật bởi cảnh quan xanh mát, đại dương rộng lớn và những vách đá hùng vĩ. Kiến trúc cung điện nhà Atreides phản ánh vẻ đẹp tự nhiên và sự sung túc của hành tinh với những ngọn tháp cao vót và khoảng sân rộng lớn. Việc sử dụng tông màu đất ấm áp và các chi tiết phức tạp gợi lên cảm giác vương giả, nhấn mạnh di sản cao quý của gia tộc này. 

hanh tinh caladan que nha dune part two boi canh

Hành tinh Caladan – quê nhà của dòng tộc Atreides. Ảnh: Warner Bros

kien truc hanh tinh caladan khoi tron kim loai boi canh

Ảnh: Warner Bros

Trái ngược với sự thịnh vượng và trù phú ôn hòa của Caladan, hành tinh Giedi Prime của nhà Harkonnen có kiến trúc đối kháng, phản ánh chế độ áp bức và khai thác tài nguyên quá mức. Tác giả Frank Herbert đã mô tả một thế giới của mặt trời đen kịt, ngột ngạt vì ô nhiễm, cùng với môi trường cằn cỗi và những công trình kiến trúc ngột ngạt.

dau truong boi canh dien anh dune 2

Việc xây dựng và quay phim đầy sáng tạo của chuỗi phân đoạn đấu trường đã kết hợp “tính mới cũ” về mặt thẩm mỹ của bộ phim với loạt phim nổi tiếng khác như “Star Wars” và “John Carter”. Ảnh: Warner Bros

dau truong phan canh trong dune part two

Austin Butler trong vai Feyd-Rautha Harkonnen. Ảnh: Warner Bros

Trong khi tông màu vàng cát thống trị những phân cảnh của người Fremen thì màu đen lại ngự trị tại với phe đối lập Harkonnen. Trên hành tinh này, ngay cả mặt trời cũng có màu đen, trong khi nước da của họ lại trắng bệch lạ thường, tương phản rõ với màu trang phục. Là biểu tượng của sự tàn bạo và độc ác, xã hội Harkonnen phản ánh cơ cấu tổ chức như người La Mã cổ đại với các trò chơi máu lạnh diễn ra bên trong sân vận động, hình ảnh binh lính tụ tập xung quanh thủ lĩnh và những cái chết trải dài khắp cảnh phim. Thẩm mỹ đơn sắc và ánh sáng ảm đạm đã làm nổi bật rõ và để lại dấu ấn lâu dài về bức chân dung của gia tộc tàn ác này.

quay bang camera hong ngoai cao hinh anh den trang tuong phan

Các cảnh bên ngoài được quay bằng camera hồng ngoại cao, tạo ra hình ảnh đen trắng có độ tương phản rõ rệt. Ảnh: Warner Bros

the gioi don sac lanh leo cua Harkonnen trong dune part two boi canh

Thế giới của Harkonnen đơn sắc và lạnh lẽo, được miêu tả sống động qua từng thước phim. Ảnh: Warner Bros

Nguồn cảm hứng giúp Patrice Vermette tạo nên thế giới của Harkonnen cho phần phim thứ hai là khi anh đang đi ngang một cánh đồng đầy bể tự hoại bằng nhựa đúc màu đen ven con đường ngoại ô Montreal – nơi anh sinh sống. Đối với Patrice, tính thẩm mỹ của nhựa đúc màu đen, kết hợp với các hình ảnh xương sườn khổng lồ, nhện và côn trùng đã trở thành hiện thân của các tòa nhà và máy móc của Harkonnen.

can phong lady fenring con nhen lon nguoc

Căn phòng của Lady Fenring ở Giedi Prime được lấy cảm hứng từ một con nhện lộn ngược, trong khi dãy hành lang được lấy cảm hứng từ bể tự hoại. Ảnh: Niko Tavernise

Khi Patrice đọc kịch bản phần hai, anh đã hình dung ra một địa điểm rất cụ thể cho các khung cảnh trên hành tinh Kaitain, nơi ở của công chúa Irulan và Hoàng đế. Điều xuất hiện ngay trong tâm trí anh là nghĩa trang Brion nằm tại Altivole – một thị trấn nhỏ ở phía bắc nước Ý với dân số tầm 7000 người. Công trình mang lối kiến trúc hậu hiện đại này được thiết kế bởi kiến trúc sư Carlo Scarpa – một người mà Patrice Vermette vô cùng tâm đắc và truyền cảm hứng cho anh trong suốt hơn 30 năm, công trình của ông đã được Patrice tham khảo để xây dựng nên hình ảnh của Caladan và Arakeen trong phần phim đầu tiên.

nghia trang cay xanh

Nghĩa trang Brion. Ảnh: Mili Sánchez Azcona

hau truong quay phim dune part two

Hậu trường quay phim tại khu mộ. Ảnh: Cinema Solace

Khi chia sẻ những bức ảnh về khu nghĩa trang với với Denis Villeneuve, đạo diễn ngay lập tức quan tâm đến bối cảnh này. Thế nhưng, những người quản lý khu nghĩa trang này lại không mấy mặn mà với việc chào đón đoàn làm phim. Bởi đó là nghĩa trang riêng của gia đình Brion và họ chưa bao giờ chấp nhận yêu cầu quay phim trước đây, mãi cho đến khi các quản lý biết rằng một thành viên trong gia đình là người hâm mộ của Dune: Part One thì yêu cầu này mới được chấp thuận. Tỏa ra sự hùng vĩ và uy quyền, kiến trúc của khu nghĩa trang Brion pha trộn giữa nét sang trọng cổ điển và sự đổi mới của tương lai, tượng trưng cho sự trường tồn và thống trị của Hoàng Gia. Ngoại cảnh của hành tinh Kaitain được quay ngoài vườn, các phân đoạn nội thất được quay bên trong nhà nguyện của nghĩa trang, những bối cảnh còn lại về Kaitain được dựng tại trường quay ở Budapest. 

co gai ong sat mu sat

Ảnh: Warner Bros

phan canh phim dune part two

Một phân cảnh được quay trong công trình của KTS Carlo Scarpa. Ảnh: Warner Bros

vuon boboli florence

Vườn Boboli tại Florence – một nơi cũng được chọn để ghi hình cho các phân cảnh tại Kaitain, trước khi chọn khu nghĩa trang Brion. Đoàn làm phim sẵn sàng chi 150.000 euro cho bản quyền quay phim tại đây, nhưng đã bị từ chối vì lý do bảo tồn. Ảnh: Tư liệu

Ngoài ra, còn một cảnh rất ngắn diễn ra ở Namibia, diễn tả tương lai của Arrakis – khi nơi đây xuất hiện nguồn nước. Patrice nói: “Denis luôn mơ ước về một nơi giao hòa giữa đại dương và những cồn cát. Theo hiểu biết của tôi, chúng ta có thể bắt gặp những cảnh đó ở Qatar và Namibia. Tại Qatar, bạn cần phải chờ thủy triều lên. Còn ở Namibia, khung cảnh như trải phẳng, những con sóng tiếp nối với rìa sa mạc. Và tôi nghĩ đó là những gì bộ phim cần cho phân đoạn đó.” 

Anya Taylor Joy nhan vat Alia Atreiedes

Mặc dù cảnh quay quá ngắn nhưng đây lại là một trong những cảnh được nhắc đến nhiều nhất vì sự xuất hiện của Anya Taylor Joy trong vai Alia Atreiedes. Ảnh: Warner Bros

Khi thực hiện tác phẩm điện ảnh chuyển thể của Frank Herbert, Denis Villeneuve và nhà thiết kế sản xuất Patrice Vermette đã xuất sắc dệt nên một tấm thảm của những kỳ quan kiến trúc hoành tráng. Từ sự hùng vĩ của pháo đài Arrakeen đến lối kiến trúc hữu cơ của các sietch, mỗi bối cảnh đều trở thành một nhân vật theo đúng nghĩa của nó – phản ánh các giá trị văn hóa và nét đặc trưng của từng cư dân mỗi vùng. 

dao dien hinh anh dune part two greig fraser

Đạo diễn hình ảnh của Dune: Part Two, Greig Fraser, đã từ chối kỹ thuật khử bão hòa, mà lại chọn sử dụng các kỹ thuật hóa học để tạo ra bảng màu cho phim. Ảnh: Warner Bros

Thông qua sự chú ý tỉ mỉ trong từng chi tiết và kết tinh hài hòa các nền văn hóa đa dạng, kiến trúc của “Dune” đã thổi bừng sức sống vào vũ trụ trong mơ của Herbert, mang đến cho khán giả một viễn cảnh tương lai được định hình bởi quyền lực, chính trị và tôn giáo thông qua cách kể chuyện bằng không gian và hình thức.

dao dien hinh anh bien kich nha san xuat dao dien Denis Villeneuve

Đạo diễn hình ảnh Greig Fraser (phải) trên trường quay Dune: Part Two với biên kịch/đạo diễn/nhà sản xuất Denis Villeneuve. Ảnh: Niko Tavernise

Thực hiện: Vân Thảo 


Xem thêm: 

Bối cảnh Dune: Part Two – Xứ cát kỳ vĩ trên kiến trúc (Kỳ I)

Bối cảnh nghệ thuật trong phim The Taste of Things

Bối cảnh siêu thực trong phim Poor Things