ZHUBO DESIGN và nhà vệ sinh không-ranh-giới

Nhà vệ sinh công cộng thường luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người khi ẩn chứa nhiều khuyết điểm về mức độ sạch sẽ cũng như hệ thống thẩm mỹ. Nắm bắt được tâm lý ấy, ZHUBO DESIGN đã tạo nên một khu vực công cộng kết hợp với mảng xanh thiên nhiên cùng nhiều thông điệp trực quan về môi trường ẩn chứa bên trong.

Đơn vị thực hiện nhà vệ sinh: ZHUBO DESIGN.
Địa điểm: Thâm Quyến, Trung Quốc.
Diện tích: 30.8 mét vuông.
Năm hoàn thành: 2018

Tọa lạc trên giao lộ Beihuan và Yiyuan, nhà vệ sinh không ranh giới do nhóm thiết kế ZHUBO DESIGN thực hiện đã ngay lập tức tạo được ấn tượng không hề nhỏ khi đồng hóa kiến trúc với thiên nhiên, rợp xanh cả một góc phố. Từ đó làm mờ đi ranh giới thiên nhiên và kiến trúc vốn dĩ tách bạch nhau.

nhà vệ sinh 1

Giải thích về ý nghĩa công trình của mình, các kiến trúc sư thuộc ZHUBO DESIGN cho biết rằng đây là dự án thiết kế cảnh quan cho công viên trung tâm đồng thời kết hợp khu vực vệ sinh nhằm tối đa hóa khả năng sẵn có của không gian. Ở đây còn có một số khu vực với ghế ngồi để khách bộ hành có thể dừng chân nghỉ ngơi.

nhà vệ sinh 2

Phác thảo về ý tưởng hình khối công trình.

nhà vệ sinh 3

Sử dụng thép gương không rỉ 8K làm vật liệu ốp mặt dựng trong hầu hết các khu vực, ZHUBO DESIGN đã mang đến hệ thống mặt tiền thay đổi theo từng thời điểm trong ngày, tạo nên nhiều góc nhìn linh hoạt cho nhà vệ sinh, tránh đi cảm giác nhàm chán. Với sự lựa chọn vật liệu này, toàn bộ khối công trình như được hòa lẫn vào cảnh quan thiên nhiên xung quanh, hình thành nên tổng thể xanh ngát. Một cách dùng kim loại rất mực mềm mại, trong trẻo.

nhà vệ sinh 4

Công trình hòa lẫn vào thiên nhiên, thay đổi diện mạo tùy vào từng thời điểm trong ngày.

nhà vệ sinh 5

nhà vệ sinh 6

nhà vệ sinh 7

Tính tương tác với môi trường không chỉ nằm ở bốn bề xung quanh của khu nhà vệ sinh mà còn ở lớp cửa sổ kính thông thoáng phía trên mỗi buồng sử dụng. Nhờ đó mà tiết kiệm được phần lớn lượng tiêu thụ điện năng thắp sáng vào ban ngày, đem lại nguồn ánh sáng tự nhiên thấp thoáng bóng cây có phần lung linh hơn cho công trình.

nhà vệ sinh 8

Chi tiết nhỏ giúp tiết kiệm khá nhiều năng lượng sử dụng trong việc thắp sáng không gian vào ban ngày bằng cách tận dụng nguồn sáng tự nhiên.

nhà vệ sinh 9

Thậm chí, người sủ dụng còn có thể tra cứu thông tin về môi trường xung quanh như chất lượng không khí, nhiệt độ, độ ẩm bằng cách quét mã QR ngay tại nhà vệ sinh. Chức năng này giúp mang lại một nguồn thông tin khá rõ ràng về ý thức môi trường lẫn cách sử dụng công trình công cộng cách hợp lý, đúng đắn, hình thành thói quen tốt cho cư dân. Kể từ khi hoàn thành, công trình ước tính duy trì ở mức 500 người sử dụng mỗi ngày.

nhà vệ sinh 10

nhà vệ sinh 11

Thực hiện: Đức Nguyên | Theo: Archdaily | Ảnh: Chao Zhang, John Siu, Junda Li, Yaomin Hu.


Xem thêm:

Bao bì sản phẩm “sạch” từ vi khuẩn và nấm lên men

5 loại vật liệu bền vững mới được đề xuất bởi Seetal Solanki