Nghệ thuật trong công nghệ tái chế

Các NTK tài ba đã chứng minh rằng thiết kế tôn trọng môi trường vẫn có thể giữ trọn vẹn tính thẩm mỹ. 10 sản phẩm từ các nhà sáng tạo hàng đầu nêu bật việc sử dụng khéo léo vật liệu tái chế, đưa ra giải pháp kiến tạo tương lai bền vững, nơi thiết kế và không gian thẩm mỹ không gây hại cho hành tinh Trái đất.

Thiết kế vốn dĩ là một quá trình lãng phí, đòi hỏi phải sử dụng vật liệu và tài nguyên cho việc thử nghiệm và sáng tạo. Quy trình đó lại bị ràng buộc bởi nhiều hạn chế. Các NTK thông thái đã cam kết sẵn sàng định hình tương lai bằng cách tìm ra giải pháp hữu ích đảm bảo tiện nghi cho con người, đồng thời bảo vệ lấy hành tinh này, nơi đã ban cho chúng ta sự sống. Các lựa chọn ngày nay đang dần thay thế cho những quy trình và phương pháp cũ, vốn đã khiến Trái đất đối mặt với tình trạng khẩn cấp, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hay luôn phải vật lộn với lượng chất thải nhân tạo cực kỳ lớn. Như một lẽ tự nhiên, các NTK chuyển sang phương pháp tái chế, cậy nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm, vật liệu mới từ lượng dư thừa trong tiêu dùng của xã hội.

PHILIPPE STARCK FOR KARTELL
Chiếc ghế đầu tiên tạo ra từ trí tuệ nhân tạo

Ghế A.I được phát triển bằng thuật toán do công ty 3D Autodesk tạo ra nhờ sử dụng dữ liệu đầu vào từ nhà sản xuất Kartell và NTK Philippe Starck. Sản phẩm được tạo ra từ 100% nhựa nhiệt dẻo tái chế, loại vật liệu sinh thái mới đảm bảo độ vững chắc trong cấu trúc và các tiêu chí thẩm mỹ đơn giản.

Philippe Starck giải thích: “Kartell, Autodesk và tôi đã hỏi trí thông minh nhân tạo rằng: Làm thế nào để tiêu tốn rất ít nguyên liệu mà chúng ta vẫn có thể thư giãn cơ thể không? Trí thông minh nhân tạo, không khái niệm văn hóa, không ký ức, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào, chỉ đơn thuần đưa ra câu trả lời khách quan là chiếc ghế A.I – một sản phẩm thiết kế đầu tiên ra đời từ nguồn lực nằm ngoài bộ não con người, loại bỏ đi mọi thói quen và cách chúng ta suy nghĩ. Một thế giới mới mở ra cho chúng ta đến vô hạn”. kartell.com/starck.com

tái chế 1

tái chế 2


CHRISTIAN WERNER FOR CINNA WITH
REALLY + KVADRAT
Đồ nội thất từ chất thải dệt may

NTK Christian Werner tạo ra tủ Everywhere bằng cách sử dụng vải cứng của nhà sản xuất dệt may hàng đầu thế giới Really và Kvadrat. Chất liệu vải gồm bông và len trộn thành sợi dệt xay nhuyễn, sau đó pha với chất kết dính đặc biệt, không bị thoái hóa qua nhiều lần sử dụng. Lõi của ván vải làm bằng bông trắng thu được từ tiệm giặt ủi địa phương; màu sắc nhuộm tự nhiên từ sợi bông xanh, hoàn toàn không thuốc nhuộm hay chất hóa học. Mục tiêu của thiết kế không dừng ở mức độ tái chế mà còn thúc đẩy ứng dụng vật liệu mới vào quá trình sản xuất, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. christian-werner.com

tái chế 3

tái chế 4


JASNA SOKOLOVIC + NOEL O’CONNELL OF DEAR HUMAN
Gạch ốp từ giấy thải địa phương

Dear Human là sự hợp tác của NTK Jasna Sokolovic và Noel O’Connell, bộ đôi này tin rằng tính bền vững và thẩm mỹ là một sự kết hợp hoàn hảo. Gạch ốp cách âm Paper Tile được chính NTK miêu tả là sản phẩm nguyên bản cho nội thất bền vững đô thị. Gạch làm bằng giấy thải từ nền công nghiệp sản xuất địa phương. Họ đã thử nghiệm bằng nhiều quy trình thủ công như băm nhuyễn, nghiền, ép giấy để tạo ra nguồn vật liệu mới. Ngoài khả năng cách âm, gạch còn đạt đủ độ cứng cần thiết nhưng lại nhẹ như gỗ bần, có thể sử dụng làm giấy vẽ hoặc in ấn; thậm chí ứng dụng được cả vào công trình lớn, các bề mặt hoa văn, họa tiết. papertile.ca

tái chế 5

tái chế 6


MARCIN RUSAK
Đèn hoa – Bàn hoa

Marcin Rusak, NTK người Ba Lan sinh ra trong gia đình kinh doanh hoa lâu đời. Những chiếc đèn, bàn và vật dụng trang trí trong BST của Rusak được ra đời dựa trên nền tảng lịch sử cá nhân. Để giữ gìn vẻ đẹp mong manh, phù du của những bông hoa, cánh hoa hay thân cây bỏ đi, Rusak nén tất cả trong nhựa resin sinh học. Sau khi khô, khối nhựa nạm hoa có thể được cắt thành nhiều phom dáng khác nhau, phơi bày hệ thực vật bên trong.

Rusak đã dành ra hai năm để phát triển kỹ thuật kết hợp thực vật vào các vật thể trang trí vật lý, hợp tác cùng một nhà khoa học để tạo ra vật liệu nhựa sinh học cho riêng mình. marcinrusak.com

tái chế 7

tái chế 8

tái chế 9


VANESSA YUAN + JORIS VANBRIEL OF ECOBIRDY
Nội thất cho trẻ em

Bộ đôi NTK Vanessa Yuan và Joris Vanbriel đã biến đồ chơi tái chế thành sản phẩm nội thất vui nhộn dành cho trẻ em. Họ cho biết: “Nhựa tái chế thường có màu xám, kém sống động nên không hấp dẫn. Mục đích của chúng tôi là thay đổi quan điểm này và tạo ra điều gì đó đầy màu sắc từ rác thải nhựa”.

Chiếc ghế Charlie đã đạt giải thưởng nhờ ecothylene®, chất liệu sản phẩm có bề mặt hoàn toàn ngẫu nhiên, tương tự như đá mài. Loại vật liệu này còn được cấp bằng sáng chế, cho phép chất thải nhựa sau tiêu dùng được chuyển đổi thành nguyên liệu thô cao cấp. ecobirdy.com

tái chế 10

tái chế 11

tái chế 12


ANDREA TRIMARCHI + SIMONE FARRESIN OF FORMAFANTASMA + DZEK
Gạch tráng men từ tro núi lửa

Công ty Formafantasma do Andrea Trimarchi và Simone Farrensin sáng lập đã cộng tác cùng NTK Dzek và cho ra đời BST gạch tráng men núi lửa. Vì lớn lên ở Sicily, bộ đôi Trimarchi và Farresin đã khám phá ra mối tương tác giữa con người và thiên nhiên thông qua việc sử dụng tro núi lửa từ năm 2010. BST cũng được lấy cảm hứng từ tác động của du lịch đại chúng đến văn hóa, cảnh quan Sicily nói chung và núi lửa Etna nói riêng.
formafantasma.com
dzekdzekdzek.com

tái chế 12

tái chế 13


ARIELLE ASSOULINE-LICHTEN OF SLASH OBJECTS
Đồ nội thất từ hỗn hợp cao su

Được sáng lập bởi KTS/NTK Arielle Assouline-Lichten, một thành viên của công ty kiến trúc Big, Kengo Kuma & Associates và Snøhetta, thương hiệu Slash Objects là một cuộc thám hiểm của vật liệu. Slash Objects đã công bố BST nội thất với tâm điểm là vật liệu cao su công nghiệp có nguồn gốc từ lốp xe tái chế kết hợp cùng đồng thau chế tác thủ công, đá cẩm thạch, bê tông và sợi len. Kết quả là sự ra đời của tổ hợp vật dụng sang trọng như những tác phẩm điêu khắc được sản xuất tại Mỹ. slashobjects.com


OKI SATO OF NENDO FOR FRITZ HANSEN
Ghế làm từ chất thải nhựa gia dụng

NTK Oki Sato đã thiết kế ghế N02™ Recycle cho Fritz Hansen, một sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế từ rác thải nhựa gia dụng. Ghế có thể xếp chồng lên nhau với chân đế bằng thép mạ chrome. BST có 7 màu sắc khác nhau được lấy cảm hứng từ nếp nhăn trên bàn làm việc của chính NTK Oki. Thành phần chính của ghế là nhựa polypropylene thu gom từ nhựa gia dụng và xử lý, tái chế ở Trung Âu. Sau quá trình sử dụng, vật liệu này vẫn có thể tiếp tục được đưa vào tái chế theo vòng lặp vĩnh viễn. nendo.jp


CHARLOTTE JUILLARD + NOMA
Tôn vinh sự quý phái của vật liệu tái chế

Thương hiệu NOMA là cách viết tổ hợp của hai nghĩa từ cao quý (noble) và vật liệu (materials). Nhà sáng lập thương hiệu đã định hướng sản xuất theo tiêu chí ưu tiên việc giảm thiểu quá trình tác động đến môi trường nhưng vẫn cho ra sản phẩm chất lượng cao nhằm tôn vinh vẻ đẹp cũng như tính đạo đức của vật liệu tái chế. Thương hiệu thậm chí còn công bố minh bạch số liệu thống kê về tỷ lệ phần trăm vật liệu tái chế sử dụng trong quá trình sản xuất.

Trong lần cộng tác gần đây với NTK trẻ người Pháp Charlotte Juillard, NOMA đã cho ra mắt Art 82,1% – chiếc ghế nhấn mạnh nguồn gốc nhựa tái chế; Laime 79,6% – ghế làm từ kim loại tái chế và bọc len không nhuộm; Ghan 92,8% – bàn cà phê pha trộn giữa nhựa tái chế, gỗ sồi và đồng. charlottejuillard.com


BETHAN GRAY + NATURE SQUARED
Đồ nội thất từ lông và vỏ sò

Công ty Nature Squared (thương hiệu tạo nên các sản phẩm xa xỉ từ vật liệu bền vững trong suốt 18 năm) và Bethan Gray (người từng 4 lần đạt danh hiệu Elle Decoration British Design Awards) đã cho ra mắt các BST đồ nội thất và phụ kiện làm từ lông và vỏ sò bỏ đi. BST Exploring Eden bao gồm ghế lounge lông chim trĩ, kệ vỏ sò và bàn vỏ ngọc trai. Một BST khác là Elements Collection gồm tủ console, bàn cà phê và gương bằng vật liệu hữu cơ thu thập từ ngư dân hay vỏ trứng, các phụ phẩm nông nghiệp. bethangray.com

Bài: Kristin Hohennadel | Chuyển ngữ: Đức Nguyên.


Xem thêm:

Dự án điện lực nổi trên cảng sông Nieuwe Maas

Eco Moyo – Trung tâm giáo dục sinh thái Kenya