Cabinet of Curiosity

Một chiếc tủ kỳ thú (cabinet of curiosity) là cách gọi thú chơi sưu tập những đồ trang trí, mẫu vật từ thiên nhiên, trang sức quý giá mà giới quý tộc châu Âu cổ điển theo đuổi. đó cũng là mô tả phù hợp về căn biệt thự tại Bình Dương này.

Ký ức về vùng quê Lái Thiêu xanh mát trĩu mọng, trái cây ngọt lành in sâu trong tâm trí của LIM Du Minh dẫu cho anh trải qua thời tuổi trẻ sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Những năm 70, gia đình anh đã từng có căn nhà bao bọc bởi khu vườn măng cụt rộng lớn và nơi đây cũng là địa điểm thư giãn, nghỉ ngơi ưa thích của người dân Sài Gòn vào dịp cuối tuần, vì quãng đường chỉ mười mấy cây số xa trung tâm. Thuộc tỉnh Bình Dương, vốn là trung tâm công nghiệp mới, nhưng Lái Thiêu vẫn giữ được đâu đó vẻ duyên dáng của mình như một ốc đảo xanh quý giá còn sót lại trong cuộc đổi thay mạnh mẽ của xu hướng đô thị hóa. Anh tìm được một mảnh đất ưng ý và dành vài năm để lên ý tưởng và thực hiện, tái tạo lại giấc mơ về một nơi cư ngụ tại quê hương, chứa đựng cả những vốn liếng trải nghiệm của cả đời người, điểm tô bằng thẩm mỹ cá nhân đặc sắc. Và từ đầu năm 2021, giữa bạt ngàn vườn cọ xanh rì ở một góc yên tĩnh của vùng đất này, một căn biệt thự màu hồng được dựng nên với tình yêu và cảm hứng lớn lao từ nghệ thuật sưu tầm và lưu trữ có tên gọi “Cabinet of Curiosity”.

biệt thự 11

Ảnh: Danny Nguyễn.

CẤU TRÚC CĂN NHÀ ĐẾN TỪ PHONG CÁCH KIẾN TRÚC MOORISH CỦA NGƯỜI MOORS NGUỒN GỐC BẮC PHI, LÀ MỘT NHÁNH CỦA NGHỆ THUẬT VÀ KIẾN TRÚC HỒI GIÁO CÓ CẢM HỨNG TỪ TRUNG ĐÔNG. NGƯỜI MOORS ĐÃ TỪNG LÀM CHỦ KHU VỰC NGÀY NAY LÀ TÂY BAN NHA, BỒ ĐÀO NHA VÀ ĐỂ LẠI RẤT NHIỀU CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC ĐẶC THÙ PHONG CÁCH MORISQUE GIÀU ĐƯỜNG NÉT TRANG TRÍ.

biệt thự 10

Ở góc phòng ăn, bên dưới bức tranh sơn dầu là chiếc bàn gỗ Cẩm Lai có 2 tầng chạm khắc kiểu Trung Quốc với chiếc tủ nhỏ khảm xà cừ thời Nguyễn, trên đó là tượng một hiền triết bằng gốm sứ của Trung Quốc thế kỷ 19. Bên trái là một chiếc ghế gỗ cứng thế kỷ 19 của Trung Quốc từ bộ mười hai chiếc. Ảnh: Danny Nguyễn.

biệt thự 9

Ảnh: Danny Nguyễn.

biệt thự 8

Làm nền là tấm bình phong sơn mài bằng đồng màu của Trung Quốc thế kỷ 19 và chiếc tủ khảm xà cừ Huế từ triều Nguyễn trên giá đỡ. Trên hai bên giá trái, phải là 2 chiếc đèn gắn gốm Biên Hòa xưa. Trên tủ là đồ sứ trắng và xanh của Trung Quốc thế kỷ 19. Ở phía trước, giữa cặp ghế bành kiểu Pháp là một đĩa sứ lớn từ thế kỷ 19 của Nhật Bản. Phía trên tấm bình phong là hai bức tranh sơn mài từ khoảng năm 1950 của Việt Nam. Ảnh: Danny Nguyễn.

Căn nhà có ngoại thất ấn tượng là cách anh tạo ra một cuộc đối thoại độc đáo với màu sắc của khung cảnh xung quanh, và cũng giúp chúng tôi dễ tìm đường đến sau nhiều khúc quẹo trong con đường nhỏ khá ngoằn ngoèo (chỉ cần hỏi người dân địa phương về nhà màu hồng mới xây – NV). Trái với hình dung của nhiều người về nhà giữa vườn, nơi đây hoàn toàn không có cửa sổ để tối đa hóa cảm giác về một chiếc hộp kỳ thú ẩn chứa nhiều bí ẩn. Khi vào đến bên trong chúng tôi mới nhận ra nguồn sáng được cung cấp cho căn nhà chính là một giếng trời có diện tính lớn bằng một studio nhỏ giữa đô thị – đủ để xây hành lang nối xung quanh tầng trên và đem đến ánh sáng rực rỡ khi chính ngọ. Nguồn sáng này thậm chí mạnh đến nỗi cần phải có lớp filter làm dịu lại để không gian bên trong luôn giữ được sự trầm mặc, hoài cổ đặc biệt và cũng để chủ nhà có thể bày biện cuộc chơi ánh sáng từ vô số loại đèn mà anh đã dày công thiết kế, sưu tập nhiều năm qua.

biệt thự 7

Góc tầng trệt trưng bày bức tranh thủy mặc trên lụa của Trung Quốc thời nhà Thanh, diễn tả bông hoa sen đang nở rộ, treo phía trên một chiếc bàn bằng đá cẩm thạch đỏ được khảm xà cừ của Trung Quốc. Ảnh: Danny Nguyễn.

biệt thự 6

Làm nền là tấm bình phong sơn mài bằng đồng màu của Trung Quốc thế kỷ 19 và chiếc tủ khảm xà cừ Huế từ triều Nguyễn. Hai bên giá trái, phải là 2 chiếc đèn gắn gốm Biên Hòa xưa. Trên tủ là đồ sứ trắng và xanh của Trung Quốc thế kỷ 19. Ở phía trước, giữa cặp ghế bành kiểu Pháp là một đĩa sứ lớn từ thế kỷ 19 của Nhật Bản. Phía trên tấm bình phong là hai bức tranh sơn mài từ khoảng năm 1950 của Việt Nam. Ảnh: Danny Nguyễn.

TẦNG TRỆT CỦA CĂN NHÀ BÀY BIỆN NHIỀU BỨC BÌNH PHONG KHẢM XÀ CỪ TỈ MỈ ĐƯỢC LÀM TỪ ĐỜI NGUYỄN, VÀ TOÀN BỘ ĐÈN GỐM THẮP SÁNG KHÔNG GIAN CHÍNH LÀ NHỮNG SẢN PHẨM CỦA CHỦ NHÂN CĂN NHÀ.

biệt thự 5

Phòng ăn với trần nhà treo một cặp đèn chùm pha lê đặc biệt thời Louis Philippe của Pháp, đem đến một không gian tươi sáng và hấp dẫn. Trên chiếc bàn dài được trưng bày một giá đỡ nến màu xanh và trắng thời nhà Minh cặp với một giá khác bằng bạc của Pháp. Một cặp giá đỡ nến bằng bạc thế kỷ 18 của Pháp và một chiếc đĩa lớn bằng sứ có trang trí hoa hồng leo Famille bằng đồng mạ vàng thế kỷ 18 của Trung Quốc. Ảnh: Danny Nguyễn.

biệt thự 4

Phía bên trái của phòng khách ở tầng trệt trưng bày rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật triều đại nhà Thanh của Trung Quốc, điển hình như bức bình phong sơn mài theo kỹ thuật Coromandel rất lớn. Trên chiếc bàn gỗ cứng rất dài có một đôi gà trống bằng sứ Trung Quốc thế kỷ 19. Ảnh: Danny Nguyễn.

Chúng tôi cảm nhận không gian từ nền gạch đất nung dịu mát giúp điều hòa nhiệt độ trong căn nhà và trải khắp diện tích sàn với điểm nhấn là những tấm thảm lớn ấn tượng. Toàn bộ tầng trệt của căn nhà là nơi đặt phòng khách, phòng ăn lớn, phòng họp nhỏ và vô số góc để trưng bày những món sưu tầm độc đáo của chủ nhân. Sự đồ sộ của BST này có thể đem đến cảm giác nghẹt thở thoáng chốc cho những ai đam mê vẻ đẹp của nội thất và trang trí Đông Dương. Dẫu vậy, sự sắp đặt tỉ mẩn (và rõ ràng là tốn nhiều thời gian) của LIM Du Minh đã không tạo ra cảm giác phô trương, mà trái lại chúng tôi như được chui vào bên trong chiếc hộp khổng lồ với muôn vàn chi tiết, chất liệu, cảm xúc thú vị. Một không gian đặc biệt, chỉ dành cho anh và chỉ anh mới có thể tạo ra.

biệt thự 3

Hành lang tầng 1 là nơi trưng bày một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật cổ. Tượng Phật Việt Nam bọc ngọc đang ngự trên tủ trưng bày khảm xà cừ thời nhà Nguyễn, bên trái là đôi bình hoa hồng Famille thời nhà Hán cao quý trên một giá ba chân chạm khắc của Việt Nam. Phía trên tủ là một bức tranh Trung Quốc thế kỷ 18 rất tinh xảo. Ảnh: Danny Nguyễn.

Tầng hai của căn nhà là nơi có thư viện và hai phòng ngủ, mỗi phòng có diện tích hơn 100 m² đăng đối nhau qua trục giếng trời và hành lang bao quanh liền lạc. Ở mỗi phòng ngủ, cho dẫu sắp đặt vị trí tương đồng nhau, mỗi món đồ trang trí bên trong đều có một nguồn gốc và câu chuyện mà chủ nhân luôn có thể kể cho bạn nghe. Toàn bộ chiếc hộp kỳ thú, khi hoàn tất, đối với anh là một tác phẩm nghệ thuật chỉ mở cửa đón người trân trọng thưởng lãm. Sự độc đáo và riêng nhất của mỗi cá nhân được LIM du Minh ngợi ca chính bằng công trình trí tuệ và tâm huyết này.

VỚI MỌI GÓC TRONG CĂN NHÀ, LIM DU MINH ĐỀU CÓ CẢM TÌNH ĐẶC BIỆT, BỞI LẼ KHI HÌNH THÀNH Ý TƯỞNG CHO KHÔNG GIAN NÀY ANH ĐÃ HƯỚNG ĐẾN SỰ THƯ THÁI, PHONG CÁCH NGHỈ DƯỠNG, SỰ LIỀN MẠCH CỦA NỘI THẤT VÀ TRANG TRÍ TRONG MỘT TỔNG THỂ CHUNG LÀ NỖI NIỀM HOÀI CỔ, TRÂN TRỌNG NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA QUÁ KHỨ.

biệt thự 2

Ảnh: Danny Nguyễn.

biệt thự 1

Ảnh: Danny Nguyễn.


Ảnh: Danny Nguyễn | Stylist: Duy Thanh, Đức Nguyên, Nhân Huỳnh | Trợ lý: Tuấn Đinh.


Xem thêm:

Tổ ấm Israel đương đại

Từ nhà kho đến không gian “ma thuật” ở Athens