Trong xu hướng kiến trúc hiện đại, nhà một tầng vẫn là lựa chọn được nhiều gia chủ ưu tiên lựa chọn bởi nhiều lợi ích mà nó đem lại. Khác với những công trình cao tầng đồ sộ, kiến trúc nhà một tầng mang đến không gian sống liền mạch, nơi ranh giới giữa trong nhà và ngoài trời được xóa nhòa tinh tế. Sự thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày, chi phí xây dựng và bảo trì hợp lý, cùng khả năng đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng – từ người cao tuổi đến gia đình có trẻ nhỏ – là những lý do khiến kiểu nhà này ngày càng được ưa chuộng.
Cùng ELLE Decoration điểm qua một số công trình nhà một tầng đẹp trên thế giới và tại Việt Nam.
1. Nhà ven hồ Netzen do Jan & Julia Winkelmann thiết kế (Brandenburg, Đức)
Căn nhà một tầng được xây từ năm 1964 trong khu nghỉ dưỡng ven hồ Netzen, từng thuộc CHDC Đức, đã được cặp đôi Jan Winkelmann và Julia Carloff-Winkelmann cải tạo thành nhà nghỉ dưỡng mùa hè. Công trình rộng 30m², có mái dốc lệch và tường nghiêng, nằm trên khu đất 400m². Sau khi tháo dỡ toàn bộ nội thất cũ, hai chủ nhân của căn nhà đã thiết kế lại toàn bộ mặt bằng. Lối xuống tầng hầm – trước đây là một cửa sập nằm giữa sàn bếp – được chuyển ra bên ngoài bằng cách xây một lối đi mới phía hông nhà. Họ cũng thay đổi hệ thống cửa sổ: bịt kín cửa sổ bếp cũ, mở một ô cửa mới cho phòng tắm và thêm một cửa sổ ngang lớn ở bức tường sau phòng chính. Thiết kế này giúp ánh sáng tự nhiên tràn vào nhiều hơn, đồng thời mở rộng kết nối giữa không gian sống bên trong và khu vườn xung quanh.
Căn nhà được xây dựng từ năm 1964, có phần mái dốc lệch. Ảnh: Anne Deppe
Cửa sổ ngang giúp đưa nhiều ánh sáng tự nhiên hơn vào bên trong. Ảnh: Anne Deppe
Thiết kế căn nhà được định hướng theo tinh thần tối giản đến cốt lõi, tập trung vào tính công năng và sự thoáng đãng – đúng với vai trò là nơi nghỉ dưỡng mùa hè. Nội thất mang phong cách functionalism (chủ nghĩa công năng) của thập niên 1960 nhưng không tái hiện nguyên bản mà được làm mới bằng những chi tiết trang trí chọn lọc. Bảng màu được lấy cảm hứng từ phong cách California Modern cùng thời: sử dụng các tông xanh dương và vàng pastel dịu nhẹ để tạo cảm giác thư giãn. Riêng phòng tắm sử dụng gạch đỏ tươi, tạo sự tương phản rõ rệt với tổng thể màu sắc nhẹ nhàng của toàn bộ căn nhà.
Phong cách California Modern là nguồn cảm hứng cho bảng màu của căn nhà. Ảnh: Anne Deppe
Xanh và vàng là hai tông màu chủ đạo. Ảnh: Anne Deppe
Phòng tắm được ốp gạch màu đỏ tươi. Ảnh: Anne Deppe
Với Jan Winkelmann, dự án này gợi lại tình yêu lâu năm với kiến trúc Đông Đức. Những ảnh hưởng từ kiến trúc “bánh cưới” trên đại lộ Karl-Marx-Allee và kết cấu bê tông mỏng mang tính điêu khắc của Ulrich Müther được gợi nhắc qua cách tổ chức không gian, xử lý vật liệu và tạo hình tổng thể của căn bungalow. Sàn nhà lát đá terrazzo, các chi tiết được hoàn thiện gọn gàng, hiện đại, tạo nên cảm giác cân bằng giữa hoài niệm và sự mới mẻ.
Sàn nhà lát đá terrazzo. Ảnh: Anne Deppe
2. Nhà Charlotte do Madam Architecture thiết kế (Aalst, Bỉ)
Studio Madam Architectuur đã cải tạo và mở rộng ngôi nhà cấp bốn Charlotte, nằm gần Aalst, Bỉ. Công trình có từ thập niên 1990, nằm ở rìa khu bảo tồn thiên nhiên nhưng thiếu sự kết nối với cảnh quan xung quanh. Để khắc phục, nhóm thiết kế tái cấu trúc khung bê tông, mở rộng diện tích, đồng thời mở lớn cửa sổ nhằm đón ánh sáng và tầm nhìn thiên nhiên.
Căn bungalow được nâng cấp bởi Madam Architectuur. Ảnh: Luc Roymans
Ngoại thất được ốp gỗ và sơn màu đỏ Falu – sắc đỏ truyền thống của Thụy Điển. Ảnh: Luc Roymans
Khu vực từng là phòng ngủ, vốn có góc nhìn đẹp nhất, được dời sang một khối nhà mới xây bên cạnh, nối với khối nhà cũ bằng hành lang rộng có cửa sổ hai đầu. Vị trí này được chuyển thành không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp và khu ăn uống, có tầm nhìn mở ra cả sân trong và khung cảnh bên ngoài. Sân trong được đặt ở trung tâm mặt bằng, đóng vai trò kết nối các không gian chính như lối vào, bếp, phòng khách và phòng tắm.
Nội thất theo phong cách tối giản, sử dụng tường trắng, gỗ sáng màu, kết hợp cùng xà thép sơn xanh dương. Trần bê tông thô được giữ lại sau khi tháo bỏ lớp trần cũ. Khung cửa và lớp gỗ ốp đều sơn đỏ, tạo sự đồng nhất trong thiết kế, đồng thời nổi bật hẳn lên giữa khung cảnh thiên nhiên.
Không gian sinh hoạt chính mở ra sân trong và cảnh quan xung quanh. Ảnh: Luc Roymans
Khoảng sân nhỏ được bố trí ở vị trí trung tâm, kết nối các không gian chính. Ảnh: Luc Roymans
3. Biệt thự Clear Oak do Woods + Dangaran thiết kế (Encino, California, Hoa Kỳ)
Clear Oak là một biệt thự phong cách Mid-century nằm trên đồi Encino, California, có diện tích 4.800m². Công trình sở hữu tầm nhìn khoáng đạt ra hai dãy núi San Gabriel và Santa Susana. Bên trong, không gian được bài trí bằng tranh nghệ thuật và nội thất Mid-century, gợi nhắc tinh thần thiết kế của căn nhà gốc từ thế kỷ trước. Ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa qua hệ tường kính bao quanh, kết hợp giếng trời và rèm xuyên thấu, mang đến cảm giác thoáng đãng và gần gũi với cảnh quan.
Ngôi nhà nằm giữa thiên nhiên, mang đến sự tách biệt nhẹ nhàng khỏi đô thị. Ảnh: Joe Fletcher
Bể bơi vô cực có tầm nhìn ra những dãy đồi xa phía đối diện. Ảnh: Joe Fletcher
Nội thất theo lối tối giản kết hợp cùng tranh nghệ thuật, giữ được tinh thần Mid-century của thiết kế ban đầu. Ảnh: Joe Fletcher
Tường kính bao quanh biệt thự đi cùng rèm vải mỏng, cho phép ánh sáng tự nhiên tràn ngập không gian. Ảnh: Joe Fletcher
Studio Woods + Dangaran phụ trách việc cải tạo, tập trung làm mới các chi tiết như nắn lại đường mái, mở rộng cửa sổ và cửa ra vào. Những thay đổi này nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại nhưng vẫn giữ được bản sắc kiến trúc ban đầu. Cách tiếp cận vừa tôn trọng nguyên bản vừa làm mới khéo léo đã giúp Clear Oak giành được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm hạng mục Nhà ở tại AIA Los Angeles và American Architecture Award 2022 của Bảo tàng Chicago Athenaeum.
4. Nam House do CTA | Creative Architects thiết kế (TP Thủ Đức, Việt Nam)
Nằm trong con hẻm nhỏ tại TP Thủ Đức, Nam House do văn phòng CTA | Creative Architects thiết kế trên nền đất tổ tiên để lại, với mong muốn gắn kết các thế hệ trong đại gia đình. Công trình gồm ba khối kiến trúc: hai khối đặc nằm ở phía trước và sau chứa các không gian riêng tư như phòng ngủ, phòng học, nhà vệ sinh và khu giặt phơi. Khối giữa là không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp và bàn ăn. Khu vực này được thiết kế mở, kết nối trực tiếp với sân vườn và hướng nhìn về nhà của mẹ gia chủ ở bên cạnh, tạo cảm giác gần gũi giữa các thế hệ sống trong khu đất liền kề.
Đọc thêm: Nam House – Tiện nghi khí hậu từ kiến trúc hiện đại nhiệt đới
Khối nhà ở trung tâm gồm phòng khách và bếp được thiết kế mở, kết nối với thiên nhiên và nhà của người mẹ bên cạnh Ảnh: Hiroyuki Oki
Hai mặt của gian nhà được lắp kính lớn, giúp không gian luôn tràn ngập ánh sáng và thông thoáng Ảnh: Hiroyuki Oki
Với định hướng kiến trúc hiện đại nhiệt đới, các kiến trúc sư đã áp dụng năm chiến lược kiểm soát khí hậu để tạo sự tiện nghi cho người sử dụng. Hệ tường ba lớp dày 25cm giúp cách nhiệt hiệu quả. Thiết kế ron gạch âm làm giảm hấp thụ nhiệt lên bề mặt tường. Hệ thống cửa sắt kết hợp lam Z hỗ trợ thông gió tự nhiên ngay cả khi cửa đóng. Các không gian sinh hoạt được bố trí theo nguyên tắc điều khiển độ trễ nhiệt, tránh bức xạ mặt trời trùng vào thời điểm cao điểm sử dụng.
Tường nhà ba lớp được thi công với cấu trúc và vật liệu nhằm hạn chế truyền nhiệt Ảnh: Hiroyuki Oki
Không gian sống được kết nối với thiên nhiên thông qua các giải pháp cảnh quan như trồng cây và bố trí hồ nước để tăng độ ẩm. Phòng ngủ được bố trí cửa kính lớn nhìn ra vườn, tạo cảm giác rộng mở và thoáng sáng. Các chi tiết như nhà vệ sinh lấy sáng bằng kính đá sỏi, hay các khu vườn nhiệt đới nhỏ bên trong, đều góp phần hoàn thiện một không gian sống linh hoạt, bền vững và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu bản địa.
Khu vườn sử dụng cây trồng phù hợp với khí hậu nhiệt đới tại địa phương Ảnh: Hiroyuki Oki
Hồ nước kết hợp cây thuỷ sinh góp phần làm mát không khí cho phòng ngủ và khu sinh hoạt chung Ảnh: Hiroyuki Oki
Các phòng ngủ đều có cửa kính lớn mở ra khu vườn xanh bên ngoài Ảnh: Hiroyuki Oki
5. Casa Blanca Garden do H2 thiết kế (Bến Tre, Việt Nam)
Casa Blanca Garden là công trình nhà một tầng tại Bến Tre, do H2 thiết kế, có diện tích 500m². Công trình sử dụng nhiều vật liệu địa phương như gỗ tự nhiên, gạch tái chế và ngói đỏ truyền thống, đặc trưng của kiến trúc nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Casa Blanca Garden là một giải pháp nhà ở chú trọng tính khí hậu, gắn kết với thiên nhiên và thích ứng linh hoạt với điều kiện sống tại khu vực nông thôn miền Nam. Ảnh: Quang Dam
Ảnh: Quang Dam
Ngôi nhà được tổ chức theo cấu trúc mở, tận dụng thông gió tự nhiên. Sân trong trở thành không gian sinh hoạt ngoài trời, kết nối các thành viên trong gia đình và tăng khả năng tương tác với môi trường bên ngoài. Các chi tiết như hiên nhà, bàn trà, võng treo đều được bố trí phù hợp với nhịp sống thường nhật ở miền quê.
Giường ngủ sử dụng hệ cửa kính trượt, mở tầm nhìn ra khu vườn. Ảnh: Quang Dam
Hiên nhà mở rộng, giúp kết nối hơn với thiên nhiên. Ảnh: Quang Dam
Chiếc võng đung đưa và bàn trà nhỏ là nơi ông bà thư giãn buổi chiều, giữa tiếng chim hót và hương trái cây vườn.
Ảnh: Quang Dam
6. Biệt thự House Under the Pines do Idee Architects thiết kế (Hà Nội, Việt Nam)
Biệt thự một tầng House Under the Pines do Idee Architects thiết kế, hoàn thành năm 2018, nằm trên một ngọn đồi thông tại Hà Nội. Ngôi nhà có kết cấu thép – kính, hướng đến lối sống đơn giản và gần gũi thiên nhiên. Nhóm thiết kế đã giữ nguyên địa hình đồi dốc thay vì san lấp, chia khu đất thành hai phần: phần thấp dành cho gara, phòng phụ và lối đi; phần cao là khối nhà chính với phòng khách mở rộng ra ba phía, đón ánh sáng xuyên qua những tán thông. Mái hiên lớn vươn ra đến 3m giúp giảm nắng mưa hắt trực tiếp vào không gian bên trong.
Căn nhà nằm giữa đồi thông. Ảnh: Trieu Chien
Công trình sử dụng hệ khung thép và kính để rút ngắn thời gian thi công, giảm khối lượng bê tông, nhờ đó hạn chế can thiệp vào địa hình tự nhiên. Ảnh: Trieu Chien
Vật liệu địa phương như gạch và đá đã được tận dụng để tiết kiệm chi phí và tạo cảm giác gần gũi với cảnh quan xung quanh. Ảnh: Trieu Chien
Toàn bộ cây xanh hiện trạng được giữ nguyên. Ngôi nhà nằm lọt giữa rừng cây, được định vị cẩn thận để giữ nguyên các cây lớn hiện trạng. Phía trước phòng khách và phòng ngủ là bãi cỏ rộng, vừa là sân chơi cho trẻ em, vừa mở tầm nhìn thoáng ra thung lũng. Nhà có nhiều cửa kính lớn, có thể mở hết vào những ngày trời đẹp để đón gió. Hành lang bố trí ở hướng tây, chạy dọc bên ngoài các phòng ngủ, đóng vai trò như lớp đệm cách nhiệt. Không gian sinh hoạt chính được thiết kế mở, đón sáng và gió tự nhiên. Ngược lại, khu vực riêng tư như phòng ngủ được bố trí sâu vào trong, đảm bảo sự yên tĩnh và kín đáo.
Phòng khách được thiết kế mở với nhiều mảng kính giúp tăng cường thông gió chéo và đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà. Ảnh: Trieu Chien
Ảnh: Trieu Chien
Thực hiện: Bảo Trân
Xem thêm:
Ngôi nhà là nhật ký của gia chủ