Vì ai cũng cần một cái ôm từ phía sau

Có lẽ tạo hóa hiểu được nỗi khát khao yêu thương trong lòng con người nên đã ban cho chúng ta những cái ôm, đúng như J. Quest từng nói: “Nơi tuyệt vời nhất trên thế giới là bên trong vòng tay ôm lấy bạn”.

Trước cả ngôn ngữ, âm nhạc hay hội họa, ôm có lẽ là cách bày tỏ tình cảm sơ khai của nhân loại và vẫn giữ nguyên hình thức nguyên thủy cho đến tận bây giờ. Một cử chỉ đơn giản, chân phương (vì mấy ai còn tâm trí để màu mè khi ôm người mình yêu thương) mà vẫn gửi trao trọn vẹn xúc cảm, một hành động không lời mà hơn vạn hứa hẹn hoa mỹ xa xôi.

Nhà tâm lý học Danielle Forshee cho biết, “xúc giác là giác quan đầu tiên phát triển trong bụng mẹ và hoàn thiện trước khi các giác quan khác phát triển”. Thế nên, dù mỗi người đều có ngôn ngữ tình yêu của riêng mình nhưng sự tiếp xúc cơ thể – nắm tay, ôm, hôn – luôn có tác động rất quan trọng. Tùy thuộc vào văn hóa, bối cảnh, mối quan hệ mà cái ôm có thể là hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ của tình yêu, tình bạn, tình anh em, tình cảm gia đình… Ở mức độ xã hội, khi bạn gặp lại một người xa cách lâu năm, khi bạn muốn chia sẻ niềm vui hay an ủi nỗi buồn của ai đó – nhất là khi ngôn từ của bạn trở nên bất lực, một cái ôm có lẽ là lựa chọn thiết thực nhất để thể hiện sự quan tâm bạn dành cho họ.

ôm 1

Vốn là thông điệp yêu thương tự nhiên và chính đáng như vậy nhưng dường như những cái ôm lại dần ít được gửi trao hơn khi con người trưởng thành. Bên cạnh những ngại ngùng cố hữu trong nền văn hóa Á Đông, sự bận rộn thường hằng cùng với cảm giác quen thuộc về sự hiện diện của người đồng hành cũng khiến chúng ta xem nhẹ việc thể hiện tình cảm trong đời sống hằng ngày. Thiếu vắng những cái ôm, chúng ta bỏ lỡ cơ hội vun đắp mái ấm gia đình.

Cái ôm từ phía sau – “The best kind of hug”

J.Quest có một câu nói rất nổi tiếng: “Nơi tuyệt vời nhất trên thế giới là bên trong vòng tay ôm lấy bạn” và cái ôm tuyệt vời nhất trên đời chính là cái ôm từ phía sau. Không giống như cái ôm đối diện, cẩn trọng, thiêng liêng và đầy nâng niu – cái ôm đánh dấu sự khởi đầu; cái ôm từ phía sau là cái ôm dành cho sự thân thuộc, gắn bó, đòi hỏi sự tin cậy từ đôi bên – cái ôm nuôi dưỡng mối quan hệ.

ôm 2

Người ta thường không có chủ đích ôm ai đó từ phía sau cho đến khi tấm lưng thân quen khiến họ trào dâng xúc động. Khi tấm lưng của bố/mẹ gợi nhớ những bữa cơm gia đình thời thơ ấu. Khi tấm lưng của anh/chị khiến ta nghĩ về những tháng ngày đi học xa nhà, dù không có bố mẹ bên cạnh vẫn được chăm sóc đủ đầy. Khi tấm lưng của vợ/chồng nhắc nhở về một người đã luôn bên ta từ thuở hàn vi đến khi dựng xây mái ấm. Tấm lưng ai đó nấu cho ta bát cháo khi ngã bệnh. Tấm lưng ai đó chuẩn bị cho ta bữa tiệc sinh nhật giản đơn. Tấm lưng ai đó nấu món ta thích nhất khi tâm trạng buồn bã, dù chẳng cần phải nói một lời. Tấm lưng toát ra tình yêu thương, sự an yên và đầy an toàn, nhắc ta nhớ rằng ta luôn có một nơi để trở về, một chỗ dựa khi mỏi mệt.

Bạn có để ý không? Rằng xúc cảm thuần khiết và gần gụi đó thường trào dâng mãnh liệt khi ta bắt gặp bờ vai quen thuộc nhìn từ phía sau trong căn bếp của họ, nơi họ đã luôn âm thầm nên nếm từng bữa cơm, chăm chút cho mái ấm gia đình. Ở nơi mang đậm hơi thở cuộc sống nhất, tình yêu hóa thiêng liêng theo cách của riêng nó. Thế nên, cái ôm từ phía sau không chỉ thể hiện tình thương mà còn hàm chứa cả lời cảm ơn bạn dành cho họ, là cách để họ cảm thấy được ghi nhận, được trân trọng và được chở che.

ôm 3

Phụ nữ rất thích được ôm từ phía sau, bất ngờ nhưng cũng thật ấm áp. Khi đó, cả hai cùng nhìn về một hướng. Cô ấy có thể tựa vào người đàn ông của mình hay quay người lại để ôm người mình yêu thương nhất. Đứa con có thể ôm mẹ từ phía sau và giấu đi ánh mắt ngại ngùng, tự hỏi tại sao cha mẹ luôn dễ dàng ôm con trẻ vào lòng nhưng chúng ta lại cảm thấy khó khăn đến vậy. Cái ôm từ phía sau chính là như vậy, nhỏ nhẹ, thỏ thẻ, ngại ngùng, nũng nịu nhưng tuyệt đối ấm áp. Vậy nên, hãy ôm đi khi còn có thể, vì bất cứ ai cũng xứng đáng được đến “nơi tuyệt vời nhất trên thế gian này”.

Lưu giữ những cái ôm

Nhiếp ảnh gia Lewis Hine từng chia sẻ rằng: “Nếu tôi có thể kể một câu chuyện bằng lời, tôi sẽ không cần phải đeo trên người một cái máy ảnh”. Đôi khi, xúc cảm không thể lưu giữ bằng ngôn từ, trí nhớ cũng có thể phai nhạt theo thời gian, nhưng một tấm ảnh lại có thể là người kể chuyện đáng tin cậy nhất về những khoảnh khắc đã qua.

Mỗi khoảnh khắc quây quần bên bữa cơm gia đình đều đáng trân quý. Những tháng ngày dẫu bình thường nhưng xứng đáng được lưu dấu. Tại sao bạn không lưu giữ cái ôm nồng ấm trong căn bếp thân thuộc bằng những bức ảnh, để nhiều năm sau nhìn lại vẫn có thể làm sống dậy xúc cảm yêu thương này, để nhắc nhở nhau về quãng thời gian đáng trân trọng và để bồi đắp, nuôi dưỡng, hâm nóng tình cảm gia đình mỗi ngày?

Hãy ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời ấy và chia sẻ với mọi người trong cuộc thi ảnh HUGS BEHIND – YÊU LẠI TỪ ĐẦU VỚI BRANDT. Không chỉ lưu giữ và lan tỏa tình yêu, bạn còn có cơ hội nhận được giải thưởng là các sản phẩm gia dụng nhà bếp đến từ thương hiệu nổi tiếng nước Pháp Brandt. Thời hạn gửi bài dự thi từ 1/9 đến 10/10/2020. Kết quả sẽ được thông báo vào ngày 20/10/2020 trên fanpage Brandt Việt Nam.

Chương trình được tổ chức bởi công ty cổ phần Deborah (Deborah Home) – nhà phân phối và tiếp thị độc quyền thương hiệu Brandt tại Việt Nam – với ELLE Decoration là đối tác truyền thông.  

Tìm hiểu thông tin cuộc thi tại ĐÂY.


Xem thêm:

Men gốm cho phòng bếp | ED Tips

Bếp và những giải pháp hữu ích | ED Tips