Thiết kế resort “thuận tự nhiên” – Sự giao thoa giữa văn hóa bản địa và chuẩn mực quốc tế

Resort là một trong những loại công trình mang nhiều cảm hứng sáng tác và được xếp vào hàng thử thách nhất, bởi chúng mang trong mình không chỉ giá trị thẩm mỹ mà còn phải hòa nhập tốt vào môi trường sinh thái tự nhiên và ấp ủ giá trị nhân văn.

Ngày nay, khi cuộc sống thường nhật bị bao vây bởi những bờ tường, vách kính thì để nghỉ ngơi, con người lại càng cảm thấy mong muốn thúc giục được bứt khỏi những tiện nghi chăm chút để trở về với tự nhiên, mộc mạc – một sự tái kết nối về nguồn. Thuận theo nhu cầu đó, các resort sau này đều có khuynh hướng “xanh hóa” thuận tự nhiên. Chúng mang trong mình cá tính độc đáo của văn hóa bản địa. Thiết kế ấy là tổng hòa của cả hình và chất, một không gian có khả năng kể nên câu chuyện của chính vùng đất mà nó hiện hữu.

Resort = Nghỉ và Dưỡng

Nhịp sống đô thị ngày một hối hả, áp lực công việc đè nặng trên vai, khi không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi hoàn toàn, con người ta tìm đến những khu resort để được phục hồi sức khỏe sau những chuỗi ngày căng thẳng chất chồng. Không chỉ mỗi cơ thể cần được xoa dịu, ngay cả tâm trí cũng cần những quãng “getaway” giải phóng, nên các resort giờ đây cũng mang trong mình nhiệm vụ cung cấp trải nghiệm. Đó là nhu cầu nghỉ ngơi cơ thể kết hợp cùng tịnh dưỡng tinh thần. Kiến trúc resort giờ đây không “bao bọc” con người trong những khung vành sắt thép đồ sộ nữa mà tiến dần về sự mộc mạc, gần gũi, giúp khách hàng chạm đến những lát cắt văn hóa một cách chân thực nhất. Đó là “dưỡng” trí, “dưỡng” trải nghiệm và cảm xúc. Thuận theo nhu cầu đa số, khuynh hướng thiết kế resort đang có những biến chuyển nhất định, thiên về hội tụ bản sắc và quan tâm sâu sắc đến môi trường tự nhiên. Bằng cách quay lại tôn vinh tính địa phương, những công trình resort không chỉ đạt được điểm độc đáo cho mình mà còn góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển văn hóa sở tại.

resort 4

Resort Amanpuri ở Phukhet, Thái Lan.

Cuộc giao thoa của tính địa phương và tiêu chuẩn quốc tế

Đã qua rồi cái thời thiết kế resort bị xoáy vào lối kiến trúc toàn cầu hóa – bị nhân rộng theo một chuỗi trào lưu tiếp nối, mờ nhạt trong bản sắc. “Đỉnh cao” của sự xa hoa giờ đây lại được định nghĩa bằng những trải nghiệm thấm đẫm tinh thần văn hóa địa phương, trong khi vẫn đáp ứng trọn vẹn những nhu cầu hưởng thụ chu đáo. Chúng trở thành cuộc giao thoa tài tình giữa thẩm mỹ và công năng, giữa đặc trưng quốc tế và bản địa.

Resort cao cấp giờ đây đều đặc biệt chú trọng đến tôn vinh đặc tính bản địa. Ví dụ, du khách đến Bali sẽ được tiếp đón trong những căn nhà gỗ lợp mái lá, đến Marocco thì được ở trong những Riads quyến rũ mê hồn. Họ nghỉ tại Maldives trong những căn chòi giữa biển đầy mộng mơ và lên Bhutan thì được tận hưởng sự ấm êm ở nhà Dzongs vách đất hiền hòa. Du khách được trải nghiệm sự độc đáo khi có thể tận hưởng khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ hiền hòa, xa rời khỏi bàn tay tác động thô bạo của con người. Họ có thể chiêm ngưỡng khung cảnh ít ai được thấy, được tách mình khỏi đám đông và trải nghiệm nếp sống thong thả của người dân bản địa. Sự thân tình trong cung cách tiếp đãi, vẻ đẹp mộc mạc nguyên sơ của quang cảnh và không gian mang hình hài của kiến trúc địa phương là những yếu tố cần thiết để tạo ra trải nghiệm “home away from home” chứa đựng cảm giác thân quen nhưng cũng thật mới lạ.

resort 3

Thiết kế nhà hàng Hay Hay thuộc resort Naman Retreat ở Đà Nẵng, Việt Nam.

Các nền kinh tế du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới như Maldives, Hy Lạp, Thụy Sĩ hay Indonesia đã chứng minh rằng kiến trúc mang dấu ấn bản địa sẽ thu hút khách du lịch rất tốt bởi chúng làm nổi bật bản sắc và tinh tế trong việc cung cấp trải nghiệm: khéo léo giới thiệu những điểm độc đáo của văn hóa đến khách du lịch thông qua không gian sở hữu tiện nghi dễ chịu, thân thiện. Việc khai thác tốt nét đặc trưng văn hóa sẽ biến công trình nghỉ dưỡng trở thành nơi mang cá tính độc nhất và góp phần đáng kể vào việc quảng bá, phát triển cũng như bảo tồn văn hóa địa phương – một mối quan hệ tương hỗ thúc đẩy sự phát triển.

resort 2

Resort Kamandalu Ubud.

Kiến trúc sư nổi tiếng Kerry Hill, tác giả của rất nhiều resort sở hữu đặc tính địa phương độc đáo, từng nói: “Kiến trúc là sự tiếp nối trường tồn của truyền thống văn hóa và vật liệu địa phương” và “chúng ta không cùng chia sẻ một thứ ngôn ngữ kiến trúc chung nào cả. Mỗi công trình đều được thiết kế ấn định cho chính bối cảnh và địa điểm của nó”. Thực tế cho thấy, những resort thành công đều được thiết kế rất cân nhắc và hợp lý, chúng hòa hợp với khung cảnh, tự nhiên như hơi thở và phản ánh rõ nét đời sống, bản sắc cộng đồng. Để làm được điều đó, người kiến trúc sư phải bỏ rất nhiều tâm sức để nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng bản địa, thổ nhưỡng cũng như lịch sử và cung cách sinh hoạt của người dân. Resort sẽ trở thành điểm nhấn duyên dáng khơi dậy sức sống mới mẻ tiềm tàng của khu vực mà không hề phá vỡ nhịp điệu chung. Nó lan tỏa cái mới trong khi tích cực tôn vinh cái quen thuộc và tạo nên sự thăng hoa trong những giá trị sinh thái, cộng đồng. Ba đặc điểm thường thấy của những resort này chính là:

– Ứng dụng kiến trúc bản địa với kỹ nghệ, mô-típ trang trí và chất liệu địa phương (đôi khi còn làm sống dậy cả những kỹ thuật cổ đang dần mai một, biến mất). Màu sắc, đồ thủ công địa phương được đưa vào nhằm tạo dấu ấn thẩm mỹ. Ví dụ như resort Amanpuri với khối nhà chính mang hình mái nhọn của kiến trúc Ayutthaya đặc trưng vùng cổ thành Siam, Thái Lan; Hay cách KTS Võ Trọng Nghĩa dựng lên phần kiến trúc tre mang âm hưởng nhiệt đới, truyền thống Việt Nam ở nhà hàng Hay Hay thuộc resort Naman Retreat.

– Tận dụng địa thế tự nhiên của công trình để khai thác tối đa vẻ đẹp thiên nhiên mà không phá vỡ sự cân bằng sinh thái. Thiên nhiên được tôn trọng và hạn chế tối đa tác động, biến đổi tiêu cực đến cảnh quan. Ví dụ resort Kamandalu rất nổi tiếng sau bộ phim Eat Pray Love với dãy nhà sàn kiểu Bali trải dài qua những cung ruộng bậc thang xanh mướt mà, hay resort An Lam Ninh Vân Bay nép mình trên vách đá với khung cảnh bao quát vịnh Ninh Vân, Nha Trang tuyệt đẹp.

-Đương đại (contemporary) hóa một cách khéo léo những dấu ấn kiến trúc địa phương để phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Công nghệ xây dựng mới được sử dụng để khôi phục lại vẻ đẹp nguyên bản truyền thống theo cách hiệu quả về thời gian và chi phí. Tiêu biểu như công trình Amanyangyun được phục dựng từ một tàn tích với kiểu kiến trúc thành cổ nhà Ming, Qing có tường được ghép từ gạch cổ kết hợp với lối xây dựng không gian tiện nghi ở bên trong, để dòng chảy lịch sử vẫn hiện diện xuyên suốt giữa chốn mới mẻ này.

resort 1

Thiết kế nhà hàng Hay Hay thuộc resort Naman Retreat ở Đà Nẵng, Việt Nam.

Tựu trung lại đó chính là sự “nhạy cảm” của thiết kế resort với môi trường xung quanh, một sự hồi đáp chân thực với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Ở đó, khách hàng tự nguyện rời bỏ thành phố để tìm về hương đồng gió nội, nơi tiện nghi được chăm chút trong khung nhà mộc mạc của đá sỏi, đất và gỗ. Hình thái kiến trúc, cảnh quan không gian trở thành phần linh hồn của resort đó. Người kiến trúc sư tài năng sẽ biết khai thác tối đa yếu tố thiên nhiên để làm sống dậy cái hồn, tạo nên sức hút riêng cho resort như vịnh nước hiền hòa, bãi đá, thảm cây rừng xanh mướt, tiếng gió, sóng biển dập dìu… Bản sắc được gầy dựng từ đường nét kiến trúc, sự hòa hợp với thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Trong khi chất liệu địa phương bồi đắp cho những trải nghiệm tinh thần, khung kiến trúc hiện đại sẽ phục vụ cho những tiện nghi sinh hoạt. Một sự kế thừa và đổi mới trên tâm thế trân trọng giữ gìn như cách Kerry Hill đã thiết kế nên khu nghỉ dưỡng Amankora theo kiến trúc nhà Dzongs truyền thống ở Bhutan, được khai triển cho rộng mở và tinh giản hơn, áp dụng kỹ thuật chình tường bằng đất nện phù hợp với khu địa hình núi cao, cách nhiệt hiệu quả. Hay như cách Estudio Macías Peredo tạo nên khu nghỉ dưỡng Punta Caliza với sự kết hợp của kiến trúc cổ Mayan và bồi đắp thêm vào đó là điểm nhấn kiểu nhiệt đới hiện đại qua nội thất, mái lợp lá cũng như phần hồ nước kết nối giữa các phòng với nhau. Ta có thể thấy người kiến trúc sư không tìm cách lặp lại nguyên bản khối kiến trúc hiện hữu mà chỉ trích lược nền tảng lịch sử đó để phát triển nên một hình dung vừa đặc sắc, vừa gần gũi với nếp sống thực tại. Một tác phẩm chiết trung mang trong mình nhiều giá trị văn hóa chứ không chỉ là những mẫu hình mô phỏng hời hợt, thiếu hụt về nội dung.

Với yêu cầu nghỉ dưỡng ngày một cao cấp và sâu sắc của khách hàng, khuynh hướng xây dựng resort thuận tự nhiên, thuần địa phương sẽ trở thành một lối phát triển bền vững. Khi thiên nhiên và những giá trị văn hóa được đặt làm trọng tâm, công trình kiến trúc mới thực sự trở nên có hồn và mang đúng ý nghĩa phục vụ cho những giá trị nhân văn. Cuộc hành trình hướng đến sự bình thản trong tâm trí cần được song hành với sự giàu có trong trải nghiệm. Ta giải phóng phần mỏi mệt của mình mà không đặt những gánh nặng khác lên vai tự nhiên và người bản địa, bởi mục đích khởi đầu của những khu nghỉ dưỡng chính là kết nối cộng đồng, vinh danh văn hóa. Vậy nên, xây dựng trên tâm thế trân trọng và giữ gìn ấy mới thực sự là văn minh.

Thực hiện: Phương Nguyễn | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Đẳng cấp mới của xa hoa

Slow Living – Sống đời không hời hợt, vội vã