Slow Living – Sống đời không hời hợt, vội vã

“Sống chậm” hay còn biết đến như “slow-living” là một cụm từ rất phổ biến trong thời gian gần đây. Người ta nhắc đến nó như một liệu pháp tinh thần ngăn ngừa stress, một lối thoát ra khỏi guồng quay ngột ngạt của cuộc sống thời kỳ công nghệ số, khi thời gian chỉ được đong đếm bằng những cú nhấp chuột. Mỗi người có riêng cho mình một định nghĩa về slow-living, nhưng để thực hành trọn vẹn nếp sống bình thản có suy xét ấy, mọi sự nên được bắt đầu từ chính trong căn nhà của bạn.

Chúng ta thường chỉ nhìn ngôi nhà dưới góc độ hữu hình vật chất mà đôi lúc lại quên đi rằng nhà cũng chứa đựng phần linh hồn. Cách ta bài trí nhà cửa phản ánh cá tính, cũng như nhu cầu về thể chất và tinh thần của chính ta. Chính sự liên kết chặt chẽ, tương tác nhịp nhàng giữa con người và nơi ở của họ đã kiến tạo nên hồn sống của một tổ ấm. Khi bạn sống chậm lại, những đổi thay đó sẽ thẩm thấu vào trong từng ngóc ngách căn nhà, hiện diện không chỉ qua tiếp nhận thị giác mà còn lan tỏa nhờ những xúc cảm trải nghiệm. Một ngôi nhà slow living sẽ luôn gắn chặt với những giá trị sống quý báu nhất của chủ nhân, những điều mang ý nghĩa trong cuộc đời họ. Slow living không ép ta phải vứt bỏ mọi thứ để trở nên tối giản, mà chính là tìm thấy sự an nhiên trong những tiện nghi ta trân trọng, thực sự không thể sống thiếu rời. Sống chậm phản ánh cách ta tận hưởng thời gian quý báu trong ngôi nhà của mình, đặc trưng thể hiện theo cá tính mỗi người.

Một trong những đặc điểm cốt lõi của sống chậm là tinh thần “mindfulness” (tạm dịch là suy xét thấu đáo và trọng ý thức). “Mindfulness” ảnh hưởng nhất định đến cách bạn bài trí sắp đặt cho căn nhà của mình. Đó là cắt giảm những nếp sống nhanh, hời hợt, những vật dụng thừa thãi không thực sự hữu ích, và thay vào đó là dồn tâm sức vào những hoạt động cải thiện sức khỏe tinh thần cũng như giúp bện chặt sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình. Sống chậm là để sống chất lượng và cân bằng hơn. Vì vậy, một ngôi nhà slow living sẽ sở hữu những đặc điểm sau:

Phản ánh niềm tin của gia chủ:

Một căn nhà theo lối sống chậm sẽ mang đậm cá tính gia chủ để gây dựng cảm giác thân thuộc, thư giãn và tin cậy. Thay vì chạy theo phong cách thời thượng, bạn hãy bài trí căn nhà sao cho chân thật nhất với cách sinh hoạt của mình. Đó nên là nơi cất giữ những điều ý nghĩa trong hành trình trưởng thành và cho phép ta thực hiện những hoạt động mong muốn.

Ví dụ: Bạn sắm một chiếc bàn ăn dài vì bạn muốn gia đình quây quần thường xuyên trong bữa tối; Bạn đầu tư vào một chiếc sofa vải mềm vì bạn yêu cảm giác được thả mình ngả lưng ngay khi vừa bước về nhà, góc đọc sách có đèn vàng thật ấm cúng để bạn thư giãn mỗi tối; Và bạn sở hữu moka pot thay cho chiếc máy pha cà phê hiện đại vì bạn yêu cảm giác hơi ấm cà phê quyện hòa cùng sương mai nắng sớm. Quan trọng nhất là tìm ra điều gì khiến bạn hạnh phúc và cho căn nhà cơ hội để mang lại điều ấy cho bạn.

slow living 1

Recycle, upcycle và hand-made:

“Recycle” (tái chế) ,“upcycle” (tân trang) và “hand-made” (tự làm) là những cách thực hành tiêu biểu nhất của lối slow living. Cụ thể, khi đồ dùng hư hao ta sửa chữa. Khi cần đồ mới ta tân trang, sáng tạo lại từ những món cũ. Khi muốn thưởng thức món gì đó, ta bỏ công sức ra tự làm. Bạn sẽ thấy món ăn tự nấu ở nhà mang phong vị khác hẳn đồ ở hàng quán, món nội thất mà chồng hay bạn trai sửa cho bạn sẽ ươm đầy tình yêu và lòng thành. Thay vì vứt bỏ, đổi mới liên tục, bạn hãy dành thời gian để sửa chữa nâng cấp. Cách làm đó không chỉ giúp giảm thiểu rác thải ra môi trường mà còn nuôi dưỡng trong bạn một nguồn sinh khí tốt lành hơn. Hãy sống chậm để cảm nhận sâu sắc và tự tạo cơ hội khám phá bản thân mình.

slow living 2

Bài trí bằng đồ dùng có giá trị:

Hãy nghĩ đến căn nhà như một người bạn đồng hành, một nơi lưu dấu kỷ niệm và gìn giữ trải nghiệm quý báu. Vậy nên, bạn hãy đầu tư cho “người bạn” đó những món đồ mang giá trị xứng đáng. Những vật dụng bền bỉ có cái đẹp nhuận dần theo thời gian, không chỉ biến nhà thành chốn rất riêng, rất tình cho gia chủ mà còn thể hiện ý thức sống bền vững không phung phí của slow living. Hãy sắm những chiếc ghế ăn bằng gỗ thật bền, những thiết kế “iconic” quyến rũ bất kể thời gian, những món đồ gốm hand-made mà bạn có thể dùng vào nhiều dịp. Hãy mua sắm ít đi nhưng có cân nhắc hơn, hãy trân trọng đồ vật và gìn giữ chúng. Sự gắn bó khơi gợi ở ta những xúc cảm ấm áp tốt đẹp, hãy biến căn nhà là chốn đi về của những thứ thân thuộc xoa dịu cho ta, chứ không phải một nơi hào nhoáng hời hợt, cứ hao mòn cũ kỹ là dễ dàng vứt bỏ.

slow living 3

Đủ đầy ánh sáng:

Từ cổ chí kim, ánh nắng mặt trời đã luôn được vinh danh là nguồn tiếp truyền năng lượng tự nhiên kỳ diệu nhất. Thay vì lệ thuộc vào những ứng dụng công nghệ, bạn nên tái kết nối đồng hồ sinh học của mình với ánh mặt trời để rèn luyện một nếp sống lành mạnh và một tinh thần vui tươi sảng khoái. Bạn thức dậy khi ánh bình minh lướt trên mắt và sửa soạn nghỉ ngơi sau khi mặt trời khuất bóng đôi ba giờ. Hãy trổ những ô cửa thật to để căn nhà luôn tràn ngập ánh nắng. Hãy dọn dẹp những bừa bộn để dành ra khoảng trống cho bước nắng nhảy nhót và tích cực bước ra ngoài trời để được tận mắt chứng kiến sự huy hoàng quá đỗi của bình minh rạng rỡ và tịch dương ngày tàn. Gần gũi thiên nhiên là một trong những cách hiệu quả nhất để đạt đến sự cân bằng nội tại cũng như có được nhiều khoảng thời gian chất lượng hơn trong cuộc sống.

slow living 4

Lựa chọn các chất liệu hữu cơ và hạn chế nylon:

“Phong cách sống chậm đặc biệt gần gũi với lối sống xanh, bởi chúng đều hướng chúng ta đến cách sống ý thức, quan tâm đến môi trường. Thay vì sử dụng đồ nhựa với vòng đời ngắn ngủi, bạn nên lựa chọn nội thất làm từ chất liệu thiên nhiên như gỗ, đá, vải linen cotton, sợi đan, đất sét, tre nứa. Những chất liệu này không chỉ lành tính, bền bỉ với thời gian mà còn rất kích thích các giác quan khi đụng chạm, ngắm nhìn. Chúng sẽ góp phần định hình cho một căn nhà lành mạnh, ấm cúng. Việc giảm thiểu nylon cũng là biểu hiện của lối sống chậm, bởi chúng rèn luyện cho bạn thói quen lưu tâm đến môi trường xung quanh. Cụ thể, bạn nên thay túi nylon bằng túi vải, thay chai nhựa bằng bình đựng nước bền bỉ, chọn re-fill các chất lỏng tẩy rửa như dầu gội, dầu tắm, nước rửa chén để tận dụng chai lọ cũ, và tập bỏ dần ống hút cũng như muỗng nĩa dùng một lần.

slow living 5

slow living 6

Thay vì nhìn slow living như một đích đến hoàn hảo để hưởng thụ cuộc đời, bạn hãy chỉ đơn giản xem đó là tập hợp của những giá trị mà mình hướng tới nhằm khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Đừng cố gắng gượng ép bản thân mình phải chậm lại, bạn hãy từ tốn thực hiện những thay đổi nhỏ mỗi ngày, kiên trì theo đuổi để hưởng lợi ích dài lâu. Xem slow living như một liệu pháp detox giúp ta loại bỏ dần những hời hợt, gấp gáp để dịu lại và trân trọng những gì giá trị hơn trong cuộc đời. Để khi ai hỏi: “Dạo này sống thế nào?”, ta có thể tự tin trả lời: “Tôi hạnh phúc!” thay cho câu đáp nhạt muôn thuở: “Tôi bận lắm bạn ơi!”.

Tổng hợp: Phương Nguyễn | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Hãng Jotun công bố những màu sơn đậm chất ‘Zen’ được dự đoán sẽ lên ngôi trong năm 2019

“Màu lặng” và những cách kết hợp thú vị