Đẳng cấp mới của xa hoa

“Xa hoa” đang dịch chuyển từ “sở hữu và trưng bày nhiều thứ đắt giá, nổi bật giữa đám đông” sang “sở hữu trải nghiệm độc đáo, được đến những nơi thú vị, nhìn thấy những điều ít người biết, thoát khỏi đám đông”.

Dây điện chằng chịt ở lối vào, ghế cắt tóc vỉa hè đặt trong sảnh chính, mái bạt sọc xanh của các hàng quán lề đường che hiên khu nhà hàng với trần thiết kế gợi nhớ các khung nhà cổ xưởng đóng tàu Ba Son, và các đèn chiếu sáng mô phỏng đèn huỳnh quang khu lounge kết hợp với vài chao đèn nhôm treo đung đưa thường thấy trong ngõ hẻm Sài Gòn. Đó chính những điều gây bất ngờ với du khách quốc tế khi đến khách sạn Indigo Saigon tại đường Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) sắp khai trương. Sự khác biệt của Hotel Indigo nằm ở “local experiences, modern design, and intimate service”, nghĩa là: chú trọng trải nghiệm địa phương, có thiết kế hiện đại, và thỏa mãn nhu cầu riêng của từng cá nhân. Một xu hướng tôi nhận thấy trong quá trình tư vấn cho các hãng điều hành khách sạn toàn cầu là xu hướng boutique kết hợp thiết kế độc đáo và dịch vụ đẳng cấp. Điều đó phần nào thể hiện quan niệm về sự giàu có và thịnh vượng đã thay đổi nhanh chóng trong 10 năm gần đây ở châu Á. Với các quốc gia châu Á mới trỗi dậy gần đây như Trung Quốc, Ấn Độ, và cả Việt Nam, giàu có và thịnh vượng ban đầu là nhu cầu tạo sự khác biệt, nổi bật với đám đông, phô trương, thừa mứa, từ từ dịch chuyển sang coi trọng trải nghiệm của cá nhân. Trong cuộc hàn huyên với một chủ đầu tư giàu có khi làm dự án tại Philippines, tôi nhận thấy ông chỉ nhắc đến việc năm nay gia đình họ sẽ khám phá nơi nào mới trên thế giới. Năm ngoái là Machu Picchu ở Peru, và năm nay có thể là Nam cực; rồi họ tiếc rẻ vì không thể đi Nepal do sức khỏe không cho phép. Ông hào hứng nhắc về kỷ niệm ngồi vỉa hè uống cà phê và ăn chân gà nướng ngay gần Nhà thờ Đức Bà. Nếu ta sống ở Sài Gòn, đó là chuyện “thường ngày ở huyện”, và thật khó hình dung được cảm giác sung sướng đó của một trong những người giàu nhất Philippines. Đó chính là lý do thay vì sử dụng những vật liệu xa hoa lộng lẫy gây cảm giác choáng ngợp, các thiết kế khách sạn hiện nay thiên về các thiết kế mang lại cảm xúc được tạo ra từ văn hóa bản địa.

xa hoa 1

NTK Clint Nagata của công ty thiết kế nội thất Blink chia sẻ rằng cách đây 10-15 năm, việc sở hữu những sản phẩm hào nhoáng hàng hiệu là biểu hiện của xa hoa; nhưng ngày nay những khách hàng giàu có lại thích những sản phẩm với thiết kế ít phô trương. Trong chiếu sáng cũng thế, nếu trước đây, chủ đầu tư thích sảnh khách sạn sáng lộng lẫy với nhiều đèn chùm pha lê, thì gần đây các khách sạn xa hoa sang trọng lại sử dụng những sản phẩm địa phương nhiều hơn như đèn lồng đan bằng tre bọc vải có họa tiết bản địa. Ánh sáng các khu công cộng cũng chỉ vừa phải, vừa đủ: chiếu sáng thành từng cụm theo khu vực, vừa tạo sự hấp dẫn vừa phục vụ tối ưu nhu cầu từng cá nhân, dù khách là doanh nhân đi công tác đang bàn việc trong khu lounge, hay cặp vợ chồng trẻ thành đạt đang trong kỳ trăng mật lãng mạn. Các thiết kế vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, công năng, vừa được cá nhân hóa để tôn tạo cảm xúc, bằng cách mang vào những yếu tố bản địa, văn hóa địa phương, xử lý ánh sáng có xu hướng “sân khấu hóa” với các thủ thuật tạo chiều sâu, kịch tính. Sự dịch chuyển quan niệm và nhu cầu về “sang trọng, xa hoa” tại những công trình nghỉ dưỡng gần đây ở Việt Nam cho thấy sự tiệm cận với xu hướng của thế giới.

Nghiên cứu “New Luxury Hotels – A New Set of Priorities” năm 2018 của công ty thiết kế khách sạn nghỉ dưỡng nổi tiếng toàn cầu của Mỹ WATG đã tổng kết những xu hướng phát triển mới như sau:

Sắp xếp phương tiện và dịch vụ hiệu quả

Những khách hàng giàu có ngày càng thông minh hơn, coi trọng đến trải nghiệm đích thực và tính hiệu quả. Họ sẵn sàng trả tiền rất cao cho các dịch vụ đẳng cấp, nhưng cũng rất khó chịu nếu trả cho những xa hoa thừa thãi không cần thiết. Xu hướng các khách sạn sang trọng sẽ không quá to, đón quá nhiều khách mà chú trọng giới thiệu nhiều tiện ích, cá nhân hóa dịch vụ hơn. Cách đây khoảng 10 năm các khách sạn 5 sao to lớn với trên 1.000 phòng được xem là đẳng cấp; nhưng các khách sạn hạng sang mới ngày nay chỉ khoảng tối đa 200 phòng.

Trải nghiệm thực tế độc đáo và sáng tạo

Các tập đoàn khách sạn lớn, xa hoa đang hướng đến dòng khách sạn kiểu “boutique life-style luxury”. Ví dụ khách sạn Andaz, một khách sạn kiểu life – style của Hyatt mới khai trương ở Singapore trong tổ hợp The Duo, đoạt rất nhiều giải thưởng thiết kế do tính độc đáo và sáng tạo, có sảnh sky lobby khiêm tốn ở tầng 25 mới khánh thành rất nhỏ so với lobby của Marina Bay Sands hoành tráng đông người. Các khu nghỉ dưỡng xa hoa nổi tiếng Việt Nam gần đây là Intercontinental Đà Nẵng và J.W.Marriott Phú Quốc đều được biết đến do thiết kế độc đáo, có phần hơi “quái lạ”, đều ẩn chứa những câu chuyện thiết kế thú vị phía sau. Khách hàng giàu có ngày càng du lịch nhiều hơn và muốn trải nghiệm nhiều hơn, họ đòi hỏi phải có sự độc đáo và sáng tạo từ thiết kế đến dịch vụ. Dịch vụ ngày càng phải chú trọng đến nhu cầu của từng cá nhân. Chẳng hạn như cùng sở hữu bởi tập đoàn Marriott, nhưng LeMéridien nhắm đến “cô chiêu-cậu ấm” trẻ, hay đi du lịch; trong khi Ritz-Carlton phục vụ khách đứng tuổi lịch lãm.

Khách hàng giàu có, xa hoa ngày càng du lịch
và MUỐN trải nghiệm nhiều hơn,
họ đòi hỏi phải có sự độc đáo và sáng tạo
từ thiết kế đến dịch vụ.

Hướng đến bản sắc và kết nối cộng đồng địa phương

Khai thác tốt yếu tố địa phương là cách hiệu quả và ít tốn kém trong những dự án xây dựng các điểm đến mới. Nhiều dự án khách sạn xa hoa sang trọng ngày nay khai thác yếu tố này, như khách sạn Indigo Hotel thuộc IHG (dạng boutique hotel nằm gần các khu dân cư đông đúc – có tiêu chí thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ bán kính 500m xung quanh khách sạn). Indigo Hotel Singapore mang vào nội thất nhiều yếu tố bản địa như máy may, các kiểu kiến trúc nhà thuộc địa lai Anh-Ấn và Hoa. Thiết kế nội thất của dự án Indigo Saigon lại chú ý các chi tiết lấy từ đường phố bụi bặm xung quanh khu vực 500m bán kính cuối đường Lý Tự Trọng. Tuy những chi tiết thiết kế này đối với dân bản địa quá quen thuộc và không được xem là “sang trọng”, nhưng đối với những khách du lịch quốc tế, đây chính là điểm độc đáo làm cho Indigo Saigon khác với Singapore hay Bangkok; và tạo cho họ những trải nghiệm rất “đặc biệt”. Dự án J.W.Marriott South Beach mới ở Singapore do văn phòng kiến trúc Anh lừng danh Foster & Partners cùng với nội thất do NTK tài ba Phillip Starck thực hiện có bố trí rất đặc biệt. Toàn bộ các khu vực công cộng của khách sạn như nhà hàng, phòng tiệc, quán bar, sảnh đón là những toà nhà riêng lẻ được che bởi cùng một hệ mái chung, chẳng khác gì một công trình công cộng mở cửa cho tất cả mọi người. Cách bố trí này tạo cho khách ở khách sạn cơ hội trải nghiệm cuộc sống và không khí đường phố địa phương, một trải nghiệm xa hoa, có một không hai.

Quan tâm đến tự nhiên

Tôn trọng thiên nhiên và nguồn gốc tự nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến không gian sống chính là một trong những tiêu chí đánh giá đẳng cấp ngày nay. Sự ngột ngạt, ô nhiễm, và cuộc sống căng thẳng làm cho con người càng quý trọng tự nhiên hơn. Rất nhiều khu resort xa hoa sang trọng hiện nay xây dựng ở những vị trí rất hẻo lánh; thiết kế rất giản đơn, chú ý bảo tồn cảnh quan xung quanh, sử dụng các phương pháp xây lắp dân dã, vật liệu thân thiện. Xa hoa đối với họ là “thoát khỏi” thay vì “nổi bật” giữa đám đông như trước đây; được nhìn thấy cây cỏ, chim chóc, có tầm nhìn không che chắn, là sự yên tĩnh, là không khí trong lành, và quan trọng là “chỉ có mình tôi”.

xa hoa 2

Tối ưu hóa lợi nhuận

Với sự phát triển và cạnh tranh ngày càng khốc liệt mang tính toàn cầu, với cách mạng công nghệ mới chẳng hạn như Airbnb, ngành công nghiệp nghỉ dưỡng cũng có những thách thức và nhu cầu chuyển đổi. Họ cần tối ưu hóa lợi nhuận, giảm chi phí vận hành nhưng lại gia tăng chất lượng sản phẩm. Các kiểu khách sạn truyền thống dần phải chuyển đổi nhiều hơn sang mô hình lai – “hybrid”. Chúng ta ít thấy những không gian rộng lớn không để làm gì trong khách sạn, hay những vật trang trí thừa thãi cần nhiều thời gian lau chùi. Khách sạn xa hoa cao cấp cũng áp dụng công nghệ nhiều hơn, chẳng hạn như việc đầu tư cho hệ thống quản trị trung tâm nhằm tối ưu hóa quản lý phòng, năng lượng, và an ninh; hỗ trợ BYOD (Bring Your Own Devices, khách sử dụng các thiết bị công nghệ cá nhân của mình). Nhiều khách sạn loại bỏ tủ lạnh trong phòng khách và thay vào đó là cho các cửa hàng tiện lợi thuê ngay kế bên. Sự khó khăn trong việc tìm đất đai, xin phép xây dựng, và bài toán giao thông tại các đô thị lớn dẫn đến việc hình thành các tổ hợp nhiều kiểu khách sạn trong cùng một cụm, vừa đáp ứng nhu cầu khác biệt của từng nhóm khách, vừa chia sẻ được hạ tầng, giảm chi phí phát triển dự án. Tại Bangkok, có rất nhiều tổ hợp khách sạn phát triển như vậy kết hợp nhiều brand từ “sang trọng” đến “trung cấp” trong cùng tòa nhà, chỉ khác nhau phần sảnh đón và phòng, dùng chung các nhà hàng, chia sẻ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và quản trị.

Cuộc chơi ánh sáng đẳng cấp

Là một ngành mới trong lĩnh vực thiết kế, chiếu sáng kiến trúc và nội thất khách sạn ngày càng được xem trọng, là một phần trong việc gia tăng trải nghiệm của khách. Các dự án mới tại Việt Nam có sự tham gia ngày càng nhiều của NTK chiếu sáng, và sự thay đổi về quan niệm sang trọng cũng thấy rõ trong khuynh hướng chiếu sáng. Cách nay vài năm, các chủ đầu tư lớn của Việt Nam thường hỏi “Vì sao tôi lại cần đầu tư vào chiếu sáng”. Giờ đây, họ quan tâm nhiều hơn tới “giá cả và chất lượng dịch vụ” từ bên tư vấn chiếu sáng. Đó là một nét tích cực của thị trường, khi họ đã biết tới giá trị của ánh sáng trong việc thiết lập vị thế của dự án trong vô số các dự án ra đời liên tục hiện nay. Tại TP.HCM, chủ đầu tư của những dự án căn hộ cao cấp cũng đã bắt đầu sử dụng ánh sáng như một cách để tạo sự khác biệt, có thể kể tới chủ đầu tư của Gateway Thảo Điền, Serenity Sky Villas hay Đảo Kim Cương. Chiếu sáng cảnh quan các khu căn hộ ở đây không thua gì một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, phân thành nhiều khu khác nhau tùy theo nhu cầu cá nhân và công năng. Cách tiếp cận của các chủ đầu tư là đưa nhà tư vấn chiếu sáng vào ngay từ quá trình lên ý tưởng, và luôn nhấn mạnh tới mục tiêu “không giống nơi khác, khung cảnh phải biến đổi theo thời gian, tập trung vào thẩm mỹ, tiện ích và giá trị hưởng thụ, tránh lãng phí”. Trong khách sạn, tùy thuộc vào mục đích sử dụng từng khu vực, chiếu sáng được yêu cầu gợi cảm hứng để người dùng hưởng thụ “thời khắc hiện tại” trong khi “mơ mộng về tương lai.” Sảnh khách sạn Sofitel Saigon cũ trước khi được cải tạo vào năm 2017 là thiết kế hoành tráng xa hoa với các cột to, trần cao, và đèn chùm đá xuyên sáng. Thiết kế chiếu sáng mới đã mang lại vẻ đẹp tinh tế hơn, chú trọng kiến trúc thuộc địa kiểu Pháp pha Việt Nam, ánh sáng nhẹ nhàng có nhấn nhá theo từng khu vực. Buổi sáng sảnh tràn ngập ánh sáng tự nhiên và các đèn được giảm nhẹ, buổi chiều các khu vực chính được bật sáng tạo sự chào đón trong khi các khu vực lounge ngồi được giữ độ sáng vừa phải. Khi khuya xuống cường độ tất cả đèn được giảm nhẹ tạo sự lung linh.

xa hoa 3

Chiếu sáng được yêu cầu gợi cảm hứng
để người dùng hưởng thụ “thời khắc hiện tại”
trong khi “mơ mộng về tương lai”.

Tháng 8 vừa qua, Bar Angelina tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội khai trương là một thành công trong việc mang lại sự mới lạ, độc đáo cho một không gian quen thuộc của Hà Nội. Angelina mang tinh thần của một whiskey bar sang trọng của Scotland, với rất nhiều chi tiết nguyên thủy lấy cảm hứng của xứ sở Scotland như vải sọc, các họa tiết, bàn ghế nội thất; có vẻ lạ lẫm so với một khách sạn kiến trúc kiểu thuộc địa Pháp. Thêm vào đó việc sử dụng màu sắc và bố trí ánh sáng rất mới mang lại vẻ sang trọng hiện đại. Cách thiết kế này vừa tối ưu hóa lợi nhuận cho khách sạn, vừa mang đến một trải nghiệm mới và rất độc đáo cho khách. “Đẳng cấp mới của xa hoa” – nhìn theo một góc độ nào đó – rất tích cực, vì tôn vinh tính thực chất và hiệu quả trong thiết kế, và cá nhân hóa. Những thiết kế độc đáo sáng tạo liên kết với xu thế sử dụng mạng xã hội (Instagram, Facebook, Twitter…) như một kênh để quảng bá và xây dựng hình ảnh, tiếp thị hữu hiệu và tối ưu hóa lợi nhuận. Không chỉ chủ đầu tư trở nên thận trọng và cẩn thận lưu ý tới mọi yếu tố để bắt kịp thời đại, mà cả khách hàng cũng đang trở nên thông minh hơn trong chọn lựa.

Thực hiện: TS.KTS. Trần Văn Thành | Minh họa: Nguyên Trần.


TS.KTS. TRẦN VĂN THÀNH

TS. KTS Trần Văn Thành là người tiên phong trong thực hành thiết kế ánh sáng chuyên nghiệp ở Việt Nam. Anh đồng sáng lập và là Giám đốc thiết kế của ASA Lighting Design Studios, hiện có văn phòng tại Sài Gòn, Bangkok và Singapore. Anh nhận bằng tiến sĩ về ánh sáng và môi trường xây dựng của The Cass School of Art, Architecture and Design (London, Anh) và thạc sĩ về chiếu sáng kiến trúc tại Đức. Thiết kế nổi bật của anh là Cầu Rồng (Đà Nẵng – đoạt ba giải thưởng lớn về chiếu sáng trên thế giới gồm Biểu dương đặc biệt của IALD Lighting Design Award, FX Design Award, và Lighting Design Award). Trước đó, tại Anh, anh tham gia nhiều dự án lớn như Bảo tàng Mercedes Benz cùng với UN Studios; Trung tâm văn hóa Heydar Aliyev cùng với Zaha Hadid Architects; nhà ga Canary Wharf cùng với Foster and Partners. ASA Studios là công ty tư vấn chiếu sáng Việt Nam duy nhất cho đến nay đủ tiêu chuẩn nằm trong danh sách tư vấn chiếu sáng cho các tập đoàn nghỉ dưỡng toàn cầu như Accor, Marriott, Hilton, IHG và Hyatt.


Xem thêm:

Nét đẹp các trường phái gốm Lái Thiêu

Độc đáo ông bình vôi