Độc đáo ông bình vôi

Chỉ là chiếc bình dùng đựng vôi nhưng ngoài vẻ đẹp về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, còn dễ nhận ra trong đó là phong tục, văn hóa, cả những huyền thoại, truyền thuyết tình yêu gắn liền theo những thăng trầm của đời sống người Việt. Qua nghìn năm lịch sử từ thời dựng nước, chiếc bình vôi là hiện vật tiêu biểu luôn hiện hữu trong từng triều đại, thời kỳ, trở thành một “chứng nhân” văn hóa trong đời sống người Việt từ cổ xưa đến tận thời hiện đại.

Trong các hiện vật cổ của người Việt, chiếc bình vôi là một trong những đồ dùng hiếm hoi nhất được gọi bằng danh xưng kính cẩn: Ông bình vôi. Một trong những lý giải rằng Việt Nam gắn với nền nông nghiệp lúa nước, trong thờ cúng dân gian có loại hình tín ngưỡng đa thần giáo, theo quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, thế nên, hễ vật gì mà con người sợ làm hại đến họ, sẽ được tôn thờ với niềm tin vật ấy (thần ấy) không đụng chạm đến con người nữa. Và bình vôi được thiêng hóa từ sự tích trầu cau, có khả năng mách nước cho gia chủ những chuyện hay dở của cuộc sống để né tránh. Do vậy, trong nhiều gia đình, tối đến, khi không dùng cau trầu nữa thì sẽ lấy chìa vôi trong bình ra cho miệng bình mở để bình vôi mới mách nước nghe chuyện nhà. Trộm cắp khi vào nhà cũng từ suy nghĩ ấy mà thường dùng vải nút miệng bình vôi để cả nhà sẽ ngủ say, hoặc có tỉnh giấc sẽ không thể kêu la được. Từ góc độ thiêng hóa ấy, người Việt kính cẩn gọi thành Ông bình vôi.

Ông bình vôi Việt có xuất xứ từ khu vực phía Bắc. Dựa trên các hiện vật sưu tầm, có thể thấy bình vôi được tạo hình bằng hai chất liệu chủ đạo là gốm (bắt đầu từ thời Lý) và đồng (chủ yếu ở thời Nguyễn). Người thợ chế tác bình vôi Việt đã thể hiện nội dung cốt truyện lên lối tạo hình, gói ghém nhiều thông điệp về sự trong trắng của người em qua hình ảnh hóa đá, tính ngay thẳng thật thà của người anh qua hình tượng cây cau, và sự tiết hạnh của người vợ qua hình tượng dây trầu.

Do vậy, bình vôi Việt đa phần mang hình ảnh biểu trưng cụ thể: Bầu đựng vôi tượng trưng cho tảng đá, quai bình chính là cây cau, và các chi tiết trang trí trên quai bình tượng trưng cho dây trầu. Đây là một nét văn hóa thú vị và độc đáo, gắn liền với đời sống thường nhật ở cả hai khía cạnh sử dụng và tâm linh.

Nhiều địa phương lưu truyền những chuyện thú vị về lối sản xuất bình vôi. Do là vật thiêng nên không phải lò gốm nào cũng có thể làm, và người thợ làm bình vôi sẽ phải chọn sản xuất đúng vào tháng nhuận, năm nhuận, người thợ gốm phải giữ mình sạch sẽ, gia đình êm thấm, không trong giai đoạn chịu tang chế, khi ấy mới tiến hành sản xuất bình vôi.

Qua sự gắn bó và đặc tính của chiếc bình vôi với tục ăn trầu trong văn hóa Việt, bình vôi chế tác ở mỗi thời kỳ dù mang nét tạo hình cơ bản quen thuộc nhưng kỹ thuật trang trí ngày càng được cải tiến, đặc biệt trong lĩnh vực đồ gốm.

Có thể thấy từ thế kỷ 14 trở về sau, với sự phát triển, thăng hoa của ngành gốm Việt, bình vôi cũng mang những nét đột phá trong tạo hình, kết hợp lối tráng men trang trí cùng những nét điêu khắc trên gốm rất phong phú và đa dạng.

Những hình tượng dân gian quen thuộc mang hàm ý tốt lành, chúc phúc, đem lại sự may mắn, như hình tượng rồng, phụng, nghê, kỳ lân, con dơi, chữ thọ, mặt hổ phù, đến hoa văn trang trí như cúc dây, quy giáp, hoa thị, tản vân… đều được các nghệ nhân gốm thể hiện lên bình vôi.

Các dòng men gốm cũng tạo nên nét hoa mỹ cho bình vôi, từ gốm hoa nâu, gốm hoa lam, gốm men lam xám ở thời Mạc, gốm men trắng ngà và xanh rêu ở thời Lê Trung Hưng, đến gốm Bát Tràng…   chiếc bình vôi cứ biến ảo với những diệu kỳ từ tay nghề người thợ thủ công gốm Việt.

Sự đa dạng, phong phú ở kiểu dáng, chủng loại, kỹ thuật tạo hình thủ công của bình vôi ở nhiều thời kỳ, nhiều triều đại trải theo chiều dài phát triển của lịch sử đã để lại một khối lượng bình vôi đặc sắc. Qua đó làm cho việc sưu tầm những hiện vật cổ mang giá trị, câu chuyện và hình ảnh đại diện cho cả một bề dày phong tục, văn hóa được nâng niu, gìn giữ trân trọng hơn như một vốn quý thừa hưởng từ người xưa.

Hiện vật của nhà sưu tập NGUYỄN HỮU TRIẾT

Hình ảnh: HẢI ĐÔNG

Sắp đặt: TỪ PHƯƠNG THẢO