Triển lãm “Chiếc Giày Gốm Bát Tràng & Cuộc Dạo Chơi Cùng Văn Hóa Ý”

Sự gặp gỡ giữa kỹ thuật tinh xảo của mỹ thuật hiện đại và tay nghề thủ công truyền thống của làng gốm Bát Tràng hun đúc trong ngọn lửa sáng tạo giàu đột phá của Nghệ nhân Vũ Thắng đã kết tinh nên những chiếc giày gốm mang đậm hồn cốt Việt.

Chiếc Giày Gốm Bát Tràng 1

Tối 09.04, Đại sứ quán Italy và Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng (Bát Tràng Museum) đã ra mắt triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng và Cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý” tại Casa Italia.

Lần đầu tiên trọn vẹn bộ sưu tập 12 chiếc giày gốm của cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng, đột phá độc đáo của nghệ thuật gốm đương đại Việt Nam ngay từ khi ra mắt, được giới thiệu đến công chúng thông qua triển lãm “Chiếc Giày Gốm Bát Tràng & Cuộc Dạo Chơi Cùng Văn Hóa Ý” tổ chức bởi Đại sứ quán Italia tại Hà Nội và Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng (Bát Tràng Museum).

Tại triển lãm, Đại sứ Italia Antonio Alessandro nói: “Bộ sưu tập 12 chiếc giày gốm là những tài sản vô giá của nghệ thuật đương đại Việt Nam và lấy cảm ứng từ thời trang Italia. Tôi tin rằng đây cũng là bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ hình dáng của Italia vì Italia được mệnh danh “đất nước hình chiếc ủng”. Thời trang Italia cùng với nghệ nhân thủ công Việt Nam có khoảng cách xa xôi về địa lý nhưng đều có sự tương đồng, là sự giao thoa giữa phong cách lịch lãm của thời trang Italia và sự tinh xảo của nghệ thuật thủ công Việt Nam. Cả hai yếu tố này đều bắt nguồn từ truyền thống, di sản văn hóa của hai quốc gia”.

Sự gặp gỡ giữa kỹ thuật tinh xảo của mỹ thuật hiện đại và tay nghề thủ công truyền thống của làng gốm Bát Tràng hun đúc trong ngọn lửa sáng tạo giàu đột phá của Nghệ nhân Vũ Thắng đã kết tinh nên những chiếc giày gốm mang đậm hồn cốt Việt.

Chiếc Giày Gốm Bát Tràng 2

Cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng

Giữa ngôi làng 700 năm tuổi miền bắc Việt Nam và xứ sở Nam Âu hình chiếc ủng có điểm gì chung? Đó là sự tài hoa và tinh tế của những người thợ thủ công, là mối liên hệ sâu sắc và bền bỉ giữa nghệ thuật đương đại và di sản văn hóa của mỗi dân tộc.

Triển lãm lần này, bởi vậy, sẽ kiến tạo một cầu nối nghệ thuật giữa Việt Nam và Italia, ở đó những yếu tố truyền thống của gốm Việt như màu men, xương gốm và hoa văn hòa quyện với sự sang trọng và phong cách Italia, tạo nên nét độc đáo cho từng tác phẩm.

Không gian triển lãm được bài trí bởi văn phòng thiết kế kiến ​​trúc và nội thất sgnhA, tác giả của nhiều dự án nghệ thuật lớn tại TP.HCM & Hà Nội. Sự kết hợp giữa hình ảnh lò gốm Bát Tràng và tháp nghiêng Pisa, một sự giao thoa quyến rũ giữa Việt Nam và Italia, chắc chắn sẽ mang lại một trải nghiệm đặc biệt dành cho những người yêu nghệ thuật.

Chiếc Giày Gốm Bát Tràng 3

Không gian trưng bày 12 chiếc giày gốm Bát Tràng

Từ ý tưởng về một tác phẩm đặt hàng để trưng bày tại một sự kiện văn hóa, nghệ nhân Vũ Thắng đã tạo nên một chuỗi kiệt tác – 12 chiếc giày gốm, lấy cảm hứng từ những chiếc bốt thời trang. Đây là thách thức mà người nghệ nhân đặt ra cho bản thân, bởi đó là con đường chưa có người đi. Nặn đất sét thành giày đã khó, nung ở 1200 độ C mà vẫn nguyên vẹn hình hài còn khó hơn gấp bội. Dù đã nửa thế kỷ làm nghề, ông vẫn phải thử đi thử lại hàng chục lần, và phải mất sáu tháng kỳ công mới tìm ra lời giải. Vượt qua cửa ải kỹ thuật, ông bắt đầu thử nghiệm với màu sắc, thủ pháp và hoa văn. Cảm hứng sáng tạo chưa dứt, ông pha chế nhiều màu men mới, ứng dụng thêm nhiều kỹ thuật phức tạp và tinh xảo vào sản phẩm.

Chiếc Giày Gốm Bát Tràng 4

Đại sứ Ý Antonio Alessandro (bên phải) chia sẻ về nghệ thuật gốm đương đại Việt Nam lấy cảm hứng từ thời trang Ý.

Chiếc Giày Gốm Bát Tràng 5

Giày được làm từng chiếc một, và bởi thế tất cả đều là độc bản.

Cao 47.5 cm, rộng 17cm, nặng 2.5kg, gót và miệng giày thường được bọc đồng để tạo độ vững chãi. “Bản thân chiếc giày đã là một hình khối đẹp, với những đường cong thanh nhã, chỉ cần bổ sung hoa văn là đã có một tác phẩm hoàn hảo,” ông nhận định.

Hoa văn nổi, họa tiết chìm, phối màu men, tất cả đều là kỹ thuật truyền thống của nghề gốm ở khắp nơi. Vẫn đất sét ấy, vẫn cao lanh, vẫn kỹ thuật pha trộn và chồng màu ấy, nhưng để đạt đến độ huyền ảo thì đòi hỏi hàng chục năm kinh nghiệm của một bậc thầy. Không dừng ở đó, ông còn kết hợp nhiều chất liệu như sen khô, tơ tằm, bạc sợi… để tạo nên nét độc đáo cho từng tác phẩm. Đa dạng là thế, nhưng xuyên suốt mười hai sắc thái ấy vẫn luôn là một hơi thở thuần chân, nồng nàn hồn gốm Việt.

Chiếc Giày Gốm Bát Tràng 6

Ông Vũ Khánh Tùng – Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng

“Tôi muốn công bố những chiếc giày này cho công chúng vì đây là những tác phẩm tuyệt đẹp cũng như là khởi đầu cho các kế hoạch sắp tới của Bảo tàng Bát Tràng. Ngoài 12 chiếc giày gốm này, bố tôi còn để lại hàng nghìn tác phẩm khác trong suốt 50 năm làm nghề. Có những tác phẩm ông giữ tới hàng chục năm, ai hỏi ông cũng không bán mà để gìn giữ cho bảo tàng”, ông Vũ Khánh Tùng (con trai cố nghệ sĩ nhân dân Vũ Thắng, Giám đốc Bát Tràng Museum) cho biết.

Mười hai chiếc giày của Vũ Thắng, bởi vậy, có thể xem như cuộc tao ngộ của truyền thống và hiện đại, đánh dấu sự khởi đầu cho mối lương duyên giữa gốm với thời trang.

Ảnh: Bát Tràng Museum


Địa điểm: Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Thời gian: 10/04/2022 – 03/05/2022
Mở cửa tự do: 09:00-20:00 hàng ngày


Xem thêm:

Mrs & Mr Bateman House – Cuộc hẹn của nghệ thuật, thời trang và nội thất

Tạo “khác thường” trên gốm cho nghệ thuật ý niệm