Tư thế ngủ nên được quan tâm và điều chỉnh kịp thời bởi nó ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ và có thể gây ra tình trạng đau nhức cơ xương khớp. Một trong những yếu tố để kiểm soát tốt tư thế ngủ là lựa chọn đúng loại gối giúp giữ đầu, cổ và lưng đúng vị trí, duy trì đường cong tự nhiên của cơ thể, đồng thời giảm áp lực lên cột sống, thúc đẩy một giấc ngủ dài và sâu. Tuy nhiên, theo thời gian, gối ngủ của bạn có thể bị vón cục, biến dạng và tích tụ vết bẩn, ảnh hưởng đến vệ sinh, gây ra mụn khi áp mặt trực tiếp, đồng thời làm giảm tuổi thọ sản phẩm.
Trong bài viết này, ELLE Decoration cung cấp những lời khuyên thiết thực về thời điểm nên thay gối ngủ để duy trì sự thoải mái, cũng như các mẹo vệ sinh và bảo dưỡng gối đơn giản để giữ cho chúng luôn mới.
Lý do bạn cần thay gối ngủ mới
Sau khi được sử dụng liên tục, gối ngủ sẽ tích tụ rất nhiều bụi bẩn, lông thú cưng và tế bào chết. Độ nhám và dính của lớp bụi này có thể thu hút thêm mạt bụi và các chất gây kích ứng khác, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và giấc ngủ của bạn. Bên cạnh đó, khi đã cũ đi, lớp dầu cơ thể và mồ hôi dính trên gối không thể được làm sạch hoàn toàn khiến chúng có mùi và bị ố vàng mất thẩm mỹ. Ngoài ra, phần ruột gối sau khi trải qua thời gian dài bị nén cũng sẽ mất đi hình dạng ban đầu, dẫn đến việc hỗ trợ đầu và cổ trở nên kém hiệu quả hơn.
Khi nào bạn cần thay gối mới?
Dấu hiệu chung
Tất cả các loại gối đều có hạn sử dụng, chẳng hạn một chiếc gối lông vũ hoặc lông tơ chất lượng cao dù được chăm sóc kỹ lưỡng vẫn chỉ có thể duy trì chất lượng trong nhiều năm. Vậy nên, đừng trông chờ rằng các loại gối ngủ có thể sử dụng lâu dài mà không cần đầu tư thay đổi. Dấu hiệu cho thấy bạn cần thay gối khác nhau tùy theo từng loại. Tuy nhiên, nhìn chung, bạn nên thay khi dáng gối bị xẹp, vón cục hoặc biến dạng bởi sự kết hạt trong ruột gối có thể gây ra tình trạng đau nhức và mất giấc.
Dấu hiệu thay đổi theo từng loại
Gối lông vũ: Hoặc gối lông tơ có độ bền cao nhất trong tất cả các loại gối, đa số có thể duy trì độ mới và chất lượng trong vòng năm năm. Một trong những đặc điểm quan trọng khiến cho loại gối này rất bền đó chính là chúng có thể dễ dàng được làm tơi và giặt sạch bằng máy giặt và máy sấy mà không cần dùng đến chất tẩy chuyên dụng.
Gối mút hoạt tính (Memory Foam): Cần được thay thế sau mỗi hai đến ba năm bởi lớp bọt trong chúng có thể bị phân hủy và nén lại theo thời gian, dẫn đến khả năng nâng đỡ cổ, vai, gáy bị giảm đi. Đồng thời, lớp đệm bọt cũng là khu vực lý tưởng để tích tụ bụi bẩn và phát triển vi khuẩn.
Gối Polyester: Có thể thay thế lông vũ, có giá thành rẻ, là một trong những loại gối kém bền nhất trên thị trường, chỉ dùng được khoảng một năm trước khi chất lượng và khả năng nâng đỡ của chúng bắt đầu giảm sút nghiêm trọng. Vì thế, bạn có thể cân nhắc chỉ đặt gối polyester ở những khu vực không sử dụng thường xuyên như trong phòng khách.
Gối Microbead/ Gel: Có lớp ruột chống tác nhân dị ứng, đặc biệt phù hợp cho những gia đình có trẻ nhỏ. Chúng cần được thay thế phần ruột gối hai năm một lần để duy trì tối đa chất lượng bảo vệ da.
Cách bảo dưỡng gối
Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, bạn có thể kéo dài tuổi thọ của gối ngủ bằng các cách sau:
Đầu tiên, bạn nên sử dụng vỏ bọc gối có khóa kéo. Chúng đóng vai trò như một rào cản và ngăn không cho dầu thừa, mồ hôi, độ ẩm từ cơ thể thấm vào gối, dễ dàng tháo ra để vệ sinh. Bạn cũng có thể phơi gối ngủ dưới nắng để khử mùi tự nhiên. Đồng thời, hãy thường xuyên làm phồng gối để duy trì hình dạng của chúng.
Cách tốt nhất để duy trì và đảm bảo tính vệ sinh của gối chính là xử lý vết bẩn và vết đổ ngay lập tức, giúp hạn chế tình trạng gối bị ố màu hoặc ám mùi. Chu trình giặt gối ngủ lý tưởng là hai lần một năm hoặc bất cứ khi nào bạn thay bộ đồ giường. Khi cần vệ sinh gối, bạn cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn đã được in trên nhãn chăm sóc để tối ưu khả năng phục hồi và kéo dài tuổi thọ sản phẩm một cách tối đa.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
DIY: Nhuộm hồng vỏ gối bằng hạt bơ