KTS Trần Văn Thành – Ánh sáng không gian nghệ thuật

NTK chiếu sáng Trần Văn Thành là tác giả của nhiều công trình thiết kế ánh sáng đặc sắc ở Việt Nam. Khi cùng ELLE Decoration nói về ánh sáng trong không gian nghệ thuật, anh đã phân tích ở ba góc độ biểu lộ, thẩm mỹ và bản thân giá trị nghệ thuật của ánh sáng thông qua phân tích một số tác phẩm chiếu sáng đặc sắc trên thế giới.

TS, KTS Trần Văn Thành là người tiên phong trong thực hành thiết kế ánh sáng chuyên nghiệp ở Việt Nam. Anh là đồng sáng lập kiêm Giám đốc thiết kế của ASA Lighting Design Studios. Anh nhận bằng Tiến sĩ về ánh sáng và môi trường xây dựng của The Cass School of Art, Architecture and Design (London, Anh) và Thạc sĩ về chiếu sáng kiến trúc tại Đức.

Trần Văn Thành 1

Minh họa: NAMI.

Nghiên cứu của tiến sĩ, nhà sư phạm nổi tiếng về phát triển kỹ năng phản biện David Hyerle cho thấy “90% thông tin đến não chúng ta là thông qua thị giác”. Vì vậy, năm trong bảy loại hình nghệ thuật liên quan tới thị giác như kiến trúc và trang trí, điêu khắc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, ánh sáng có vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải ý tưởng sáng tạo.

1. LIGHT AS A REVEALER: ÁNH SÁNG THỂ HIỆN CÁI ĐẸP

Dễ thấy nhất là trong hội họa, danh họa người Pháp Monet được biết đến là một họa sĩ bị ánh sáng mê hoặc đến ám ảnh. Ông vẽ hàng loạt tranh giống nhau, cùng một mẫu vật, chỉ thay đổi về thời gian. Ông từng nói về đam mê của mình thế này: “Chủ thể thực sự của mọi bức tranh chính là ánh sáng”.

Rất nhiều người hỏi tôi làm thế nào để chiếu sáng đúng một tác phẩm hội họa. Tôi luôn trả lời rằng không có một quy tắc nào cả, mà quan trọng là tác giả muốn bức tranh đó đem đến thông điệp, cảm xúc thế nào cho người thưởng lãm. Một bức tranh phong cảnh được sáng tác dưới ánh nắng ban ngày rực rỡ tốt nhất nên được chiếu sáng như bối cảnh nó được vẽ.

Trần Văn Thành 2

Tác phẩm “Akhob” của James Turrell. Ảnh: Tư liệu.

Trần Văn Thành 5

Tác phẩm “Akhob” của James Turrell. Ảnh: Tư liệu.

Tôi cũng nhận được câu hỏi cụ thể như “Chiếu sáng phòng tranh nên dùng đèn có ánh sáng vàng hay trắng?”. Câu trả lời của tôi thường là một câu hỏi: “Bạn trưng tranh gì ở đấy?” Một bức tranh trừu tượng cần được chiếu sáng rõ ràng, lan tỏa đều để người thưởng lãm có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Trong khi đó, một bức tranh cổ điển nên được chiếu tập trung bằng tông màu ấm. Trong các bảo tàng quốc tế lớn, các tranh thuộc nhiều thời kỳ khác nhau được sắp xếp trưng bày trong nhiều không gian khác nhau với những phương án chiếu sáng phù hợp.

Nghệ sĩ sơn mài Oanh Phi Phi từng tìm đến tôi để tham khảo cách chiếu sáng tác phẩm sơn mài nổi tiếng của chị là Specula. Một tác phẩm bằng chất liệu sơn mài tuyệt vời đã được trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng nghệ sĩ chưa tìm được phương án chiếu sáng đúng như y đồ và mong muốn của mình. Tôi chỉ nói với chị rằng sơn mài là một chất liệu rất đặc biệt. Không thể dùng phương án chiếu sáng bình thường của một bức tranh sơn dầu cho một tác phẩm sơn mài. Bản thân tác phẩm sơn mài phải bắt ánh sáng và tự tỏa sáng. Chúng tôi đã tìm ra cách để đạt được điều đó. Tôi tin rằng chiếu sáng một không gian nghệ thuật không có nguyên tắc hay giới hạn nào cả. Quan trọng là người nghệ sĩ muốn tác phẩm của mình “xuất hiện” như thế nào.

Trần Văn Thành 8

Những thử nghiệm chiếu sáng khác nhau cho tác phẩm chất liệu sơn mài Specula của nghệ sĩ Oanh Phi Phi. Ảnh: Tư liệu.

Trần Văn Thành 9

Những thử nghiệm chiếu sáng khác nhau cho tác phẩm chất liệu sơn mài Specula của nghệ sĩ Oanh Phi Phi. Ảnh: Tư liệu.

Trong nghệ thuật kiến trúc, KTS bậc thầy Louis Kahn từng nói về kiến trúc mẫu mực của Hy Lạp: “Kiến trúc Hy Lạp dạy tôi rằng những thức cột thật ra là nhịp điệu của bóng và ánh sáng. Đó chính là sự huyền diệu”. Bởi vậy, trong không gian nghệ thuật, ánh sáng là ma thuật lột tả vẻ đẹp của tác phẩm.

2. LIGHT AS A BEAUTIFIER: ÁNH SÁNG LÀ CỌ TÔ ĐIỂM

Ở tầng khác, sự huyền diệu của ánh sáng là chất liệu cực kỳ độc đáo để mang lại cảm xúc, ý nghĩa cho tác phẩm. Bậc thầy hội họa Phục hưng, họa sĩ người Hà Lan Rembrandt, nổi tiếng với kỹ thuật sử dụng ánh sáng trong tranh và đến nay vẫn là kinh điển trong nghệ thuật nhiếp ảnh, gọi là “Rembrandt light”. Ánh sáng trong tranh Rembrandt tạo ra tầng lớp thứ 3, thứ 4 trong thể hiện cảm xúc của nhân vật.

“Ánh sáng trong tranh Rembrandt tạo ra tầng lớp thứ 3, thứ 4 trong thể hiện cảm xúc của nhân vật.”

Trần Văn Thành 7

Chân dung họa sĩ Rembrandt với cách phối trí ánh sáng điển hình kiểu Rembrandt. Ảnh: Tư liệu.

Hoặc nói đến nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, Jules Fisher, NTK chiếu sáng cho hơn 300 vở ca kịch nổi tiếng Broadway, và là nhà sáng lập công ty thiết kế chiếu sáng lừng danh của Mỹ Fisher Marantz Stone đã nói: “Chiếu sáng không chỉ mang tính công năng, mà nhiệm vụ của nó là tạo ra tâm trạng, và cảm xúc theo ý đồ của nhà biên kịch và đạo diễn”. Còn nghệ sĩ thị giác người Mỹ James Turrell nói rằng: “Ánh sáng là vật liệu trừu tượng, nên ta không nhìn thấy nó được. Ta nhìn thấy ánh sáng qua những vật liệu khác”. Trong một không gian nghệ thuật sắp đặt, hay các loại hình nghệ thuật sử dụng nhiều không gian, ánh sáng là dung môi cho những tác phẩm, ý tưởng nảy nở trên đó.

3. LIGHT AS AN ART: ÁNH SÁNG LÀ TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT

Nhiều nghệ sĩ tìm thấy ánh sáng như chất liệu cho sáng tác của họ. Bạn có thể dùng ánh sáng như phương tiện biểu đạt nghệ thuật, giống màu trong hội họa hay âm thanh trong âm nhạc. Vẫn là James Turrell, ông nói rằng: “Tác phẩm của tôi không phải để chiêm ngưỡng, để nhìn, mà là quá trình trải nghiệm thị giác. Vật liệu của tôi là ánh sáng, và nó tương tác khi bạn nhìn nó”. James Turrell chủ yếu thực hành nghệ thuật tri giác (perceptual art), thử nghiệm và thể hiện tính chất liệu của ánh sáng.

Trần Văn Thành 3

Tác phẩm Twilight Epiphany Skyspace của James Turrell. Ảnh: Tư liệu.

Trần Văn Thành 6

Tác phẩm Twilight Epiphany Skyspace của James Turrell. Ảnh: Tư liệu.

Một người nghệ sĩ đương đại nổi tiếng khác là Olafur Eliasson cũng tìm thấy ánh sáng là vật liệu kỳ diệu trong nhiều tác phẩm của mình. Được biết đến qua nhiều tác phẩm như “The weather project”, “Reality projector” hay “Monochrome”, Olafur sử dụng ánh sáng không chỉ để đem đến trải nghiệm thị giác mà còn như phương tiện truyền tải những ý nghĩa, thông điệp, triết lý về cuộc sống và vạn vật.

Trần Văn Thành 4

Tác phẩm Reality Projector của Olafur Eliason. Ảnh: Tư liệu.

Trần Văn Thành 10

Tác phẩm Beauty của Olafur Eliason. Ảnh: Tư liệu.

Như vậy, những thực hành nghệ thuật kể trên cho thấy ánh sáng chính là chất xúc tác không thể thiếu cho các tác phẩm nghệ thuật. Công thức của chất xúc tác này không cố định mà tùy thuộc vào ý tưởng của tác phẩm và sự độc đáo của người nghệ sĩ. Sáng tạo là không biên giới. Sáng tạo ánh sáng cũng vậy.

Chúng ta không nên nghĩ rằng chiếu sáng cho một không gian trưng bày đúng chuẩn luôn đầy những nguyên tắc và cần phải đầu tư về thiết bị. Thực ra, yếu tố quan trọng nhất là bạn muốn tác phẩm của mình thể hiện điều gì, giống như cùng một bản nhạc mà được chơi bởi nhiều phong cách khác nhau sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng và cảm xúc khác nhau. Bố trí chiếu sáng cho một không gian nghệ thuật vừa khó lại vừa rất dễ. Đó không phải là vấn đề kỹ thuật hay đầu tư vật liệu. Bạn cần một ý tưởng thật tốt.

“To see beauty is to see light – Ánh sáng chính là hiện thân của cái đẹp” – Đại văn hào người Pháp Victor Hugo.

Trần Văn Thành 13

Bảo tàng Nghệ Thuật Kimbell, thiết kế bởi KTS Louis Kahn. Ảnh: Tư liệu.

Trần Văn Thành 14

High Museum of Art, Atlanta, KTS Renzo Piano. Ảnh: Tư liệu.

Trần Văn Thành 11

Gallery Salon Saigon, thiết kế ASA Studios. Ảnh: Tư liệu.


Bài: PINK Q | Hình ảnh: NVCC | Minh họa: NAMI


Xem thêm:

Josh and Matt Design – Hiện tượng thiết kế từ TikTok

Phan Cẩm Thượng: “nghệ thuật sinh ra từ đời sống thường ngày”