NTK Từ Phương Thảo – Decorating và nền tảng mỹ học

Là người gắn bó với tạp chí ELLE Decoration ngay từ số báo đầu tiên, giám đốc mỹ thuật Từ Phương Thảo không chỉ xuất hiện trong bài phỏng vấn dưới đây mà còn ở từng trang báo mà bạn đang đọc.

Từ Phương Thảo 1

NTK Từ Phương Thảo. Ảnh: Left Studio.

Có hình mẫu cụ thể nào cho một ngôi nhà “thuần Việt” không, theo chị?

Tôi nhìn thấy một điểm chung trong những ngôi nhà Việt là một không gian nhiều thế hệ. Đã có 3 hay thậm chí 4 thế hệ đã chung sống thật tự nhiên theo cách nào đó, nhường nhịn nhau từ giao tiếp con người đến kết hợp các món đồ cũ, mới. Đó là một bức tranh đa phong cách, là đối thoại có thể giữa bộ sofa BoConcept bên dưới tranh sơn mài Thành Lễ thế kỷ trước, bộ ấm trà sứ Trung Hoa được đặt trong khay sơn mài Việt, phích nước vạn năng Liên Xô sánh vai đồ bếp Fissler… Những đứa cháu trong nhà nhờ đó sẽ thuộc lòng xuất xứ những kỷ niệm của ông bà, cha mẹ chúng, và sau này sẽ biết giữ gìn trong vô thức những di sản thuộc về gia đình mình.

Từ Phương Thảo 2

Sắp đặt của Từ Phương Thảo cho ELLE Decoration Vietnam tại phố đồ cổ Lê Công Kiều với các thiết kế từ Eurasia Concept (Ảnh tư liệu ELLE Decoration Vietnam) và cho thương hiệu Sadec District với các sản phẩm gốm và mây tre tiểu vùng Đông Nam Á. Ảnh: Hải Đông.

Theo chị, tâm thức sáng tạo của người Việt trong đời sống thường ngày thể hiện rõ nét nhất ở những chi tiết hay cách sắp đặt nào?

Người Việt ta, tôi tạm chia thành 2 thế hệ. Một là, thế hệ 7x trở về trước. Với thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, sự đầy đặn trong ngôi nhà dường như là niềm mong mỏi, nói lên sự no đủ và thành đạt. Đây cũng là thế hệ hướng nhiều đến những giá trị cũ từ cách giao thiệp xã hội đến tổ chức cuộc sống cá nhân, họ giữ gìn truyền thống từ cách bài trí bàn thờ đến chọn cây trồng ngoài sân. Những sáng tạo lớn nhất với họ chính là khi được xây ngôi nhà mới, trân trọng dùng lại những món đồ kỷ niệm của gia đình trong một phòng khách hoàn toàn mới. Phòng khách là nơi ôm trọn bề dày truyền thống gia đình và là nơi họ tự hào nhất, được “sống” nhiều nhất. Điều này ngược lại với thế hệ sau, khi phòng riêng mới là nơi những người trẻ quan tâm.

Hai là, thế hệ 8X trở về sau, tạm gọi là thế hệ du học. Những người Việt mới ham dịch chuyển, thích nghi tuyệt vời với công nghệ, đòi hỏi tốc độ sống cao, thích check-in thay vì hưởng thụ tìm hiểu kỹ càng những nơi chốn lạ, mua sắm những món đồ cá nhân với hạn sử dụng ngắn và vì thế những sáng tạo của họ cũng phục vụ phần lớn cho những tiện ích ngay lập tức của cuộc sống. Rút vào phòng riêng phần lớn thời gian, những giao tiếp kiểu truyền thống của họ ít dần. Gốc gác, bộ gen văn hóa có thể mai một ít nhiều nhưng thế hệ này có sự tiếp thu đặc biệt nhanh các trào lưu mỹ thuật, thiết kế. Họ nhạy bén và sự học hỏi nhanh chóng các kỹ năng, kỹ xảo công nghệ thời thượng, nắm bắt xu hướng, tạo nên một lối thiết kế bắt mắt, bóng bẩy thực dụng mà chúng ta có thể thấy na ná đâu đó, đẹp mắt nhưng bản sắc chưa đủ mạnh. Tôi vẫn kỳ vọng vào họ với bộ gen Việt đã luôn ẩn nấp đâu đó trong những chọn lọc khôn ngoan mà không hời hợt, có định hướng lớn mạnh của các nhóm như Nghiện nhà, Yêu bếp… Tôi may mắn tiếp cận với cộng đồng này từ hơn thập kỷ trước qua vai trò Art Director của Tạp chí Kiến trúc & Đời sống và cách đây 8 năm cùng Elle Decoration Vietnam. Tôi có những khách hàng lâu năm đã trở thành bạn. Họ hào hiệp, sống duy mỹ, thích dịch chuyển và sưu tập. Nếu thời trang là những gì thuộc về bên ngoài và ngắn hạn thì decorating là sở thích của phần lớn những cá nhân có nền tảng thực sự về mỹ học và có công việc liên quan đến thẩm mỹ. Họ yêu quý những giá trị cũ đồng thời cởi mở tiếp cận những thiết kế mới với tiêu chí công năng song hành cùng vẻ đẹp, nói không với phù phiếm. Tôi kỳ vọng những cá nhân trên cùng “bầu khí quyển” bạn bè của họ sẽ có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng về mặt định hướng thẩm mỹ. Mặt khác họ còn là những người đồng hành rất sớm trong những dự án liên quan đến môi trường, hướng đến một đời sống cân bằng và lành mạnh.

Từ Phương Thảo 3

Sắp đặt của Từ Phương Thảo cho ELLE Decoration Vietnam tại phố đồ cổ Lê Công Kiều với các thiết kế từ Eurasia Concept (Ảnh tư liệu ELLE Decoration Vietnam) và cho thương hiệu Sadec District với các sản phẩm gốm và mây tre tiểu vùng Đông Nam Á. Ảnh: Hải Đông.

“GỐC GÁC, BỘ GEN VĂN HÓA CÓ THỂ MAI MỘT ÍT NHIỀU
NHƯNG THẾ HỆ TRẺ NGÀY NAY CÓ SỰ TIẾP THU ĐẶC BIỆT
CÁC TRÀO LƯU MỸ THUẬT, THIẾT KẾ”.

Từ Phương Thảo 4

Sắp đặt của Từ Phương Thảo cho thương hiệu Sadec District với các sản phẩm gốm và mây tre tiểu vùng Đông Nam Á. Ảnh: Hải Đông.

Vai trò của một stylist trong không gian nội thất là như thế nào, và làm sao để tạo ra hay điều phối cuộc đối thoại giữa NTK nội thất và stylist nội thất?

Stylist có thể làm sống lại một thiết kế nội thất bị lãng quên, “hô phong hoán vũ” nó từ Đông sang Hè, thổi bùng không khí lễ hội cũng như biến chúng thành một chốn ở ẩn. Không ai làm việc này giỏi hơn họ khi trong tay chỉ mấy chục mét vải, vài bức tranh, giấy dán tường hay đơn giản chỉ bằng vài ngọn nến, tấm thảm, mùi hương… Một bản thiết kế nội thất công năng tốt, nghiêm ngắn, không dùng quá nhiều chất liệu, quá nhiều màu sắc và đặc biệt chủ nhà (khách hàng) biết chính xác điều mình muốn, đó là những yếu tố cần và đủ để các stylist làm tốt nhất công việc của họ.

Hiện nay nhiều người vẫn còn chưa phân biệt được khái niệm của hai nghề thiết kế nội thất và trang trí nội thất. Chị sẽ giải thích như thế nào để làm rõ khái niệm này?

Tôi cho rằng “trang trí” đã tự nói lên cảm hứng, cảm xúc cá nhân trong khi “thiết kế” mang tính công năng, hợp lý. Mối tình của những kẻ sống không thể thiếu nhau, như mềm-cứng, cảm tính-lý trí, EQ-IQ đó sẽ mang lại những tác phẩm HOME thực sự. Stylist nội thất (tạm gọi là người tạo phong cách) cũng tương tự như trong thời trang. Nếu NTK dùng chất liệu, kiểu dáng, màu sắc là nguyên liệu để sáng tạo sản phẩm, thì stylist lại là người dùng chính những mẫu thiết kế đó như một thứ nguyên liệu để phối lại, thậm chí tháo rời và cho chúng một đời sống mới.

Từ Phương Thảo 6

Một góc không gian sống của NTK Trần Mai Huy Thông tại Berlin. Ảnh: tư liệu ELLE Decoration Vietnam.

Những yếu tố làm nên vẻ đẹp của một bức ảnh sắp đặt nội thất là gì? Chị đánh giá những tên tuổi nổi bật trong giới nhiếp ảnh gia về mảng này là ai và phong cách đặc trưng của họ?

Khi ngắm nghía ảnh nội thất, tôi nhận ra sự dở dang, gợi mở luôn mang đến nhiều chờ đợi thú vị hơn một bức ảnh quá đầy đủ, chuẩn mực. Sự im lặng hiển nhiên của đồ vật nhưng ánh sáng quanh nó lại không như vậy, chúng mang lại những đối thoại và cả giai điệu nữa. Bắt được khoảnh khắc lung linh ngắn ngủi ấy chẳng phải bức ảnh sẽ hay hơn sao? Sự trong trẻo trong từng góc nhìn nội thất tĩnh đã được Đỗ Sỹ diễn tả rất tốt. Tôi yêu thích cách cậu ấy vẽ ánh sáng trong ảnh, như một khoảnh khắc đẹp bị lãng quên từ quá khứ đâu đây, có thể của mỗi chúng ta trong một cái chớp mắt. Tôi cũng yêu sự chân thành nhiều cảm xúc trong ảnh nội thất của Hải Đông, nhiếp ảnh gia đã cộng tác trong gần 20 năm làm báo cùng tôi. Những bức hình của Hải Đông hồn hậu rất đời, không thể lặp lại. Con người trong kiến trúc là đề tài anh ấy làm tốt nhất. Tôi luôn nhận được nhiều hơn kỳ vọng khi thực hiện hình ảnh cùng Hải Đông.

Từ Phương Thảo 7

Bích họa chân dung kết hợp in lưới truyền thống và cắt dán, một thể loại tranh thịnh hành ở nông thôn Bắc Bộ thế kỷ trước. Ảnh: NVCC.

“TÔI CÓ NHỮNG KHÁCH HÀNG LÂU NĂM ĐÃ TRỞ THÀNH BẠN.

HỌ HÀO HIỆP, SỐNG DUY MỸ, THÍCH DỊCH CHUYỂN VÀ SƯU TẬP.

NẾU THỜI TRANG LÀ NHỮNG GÌ THUỘC VỀ BÊN NGOÀI VÀ NGẮN HẠN
THÌ DECORATING LÀ SỞ THÍCH CỦA PHẦN LỚN NHỮNG CÁ NHÂN
CÓ NỀN TẢNG THỰC SỰ VỀ MỸ HỌC
VÀ CÓ CÔNG VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN THẨM MỸ”.

Từ Phương Thảo 9

Những không gian tạo cảm hứng nhất đối với chị có bao gồm yếu tố decor ở trong đó không? Nói một cách khác, người chuyên nghiệp như chị có dễ bị “lèo lái” cảm xúc bằng những “tiểu xảo” trang trí không?

Tôi thích ngắm nhìn và sống trong một ngôi nhà “đầy đặn”. Sự dầy dặn của thời gian, phóng khoáng và mạch lạc trong bài trí, bất ngờ bởi sự kín đáo và sâu sắc của trải nghiệm, ví dụ như
một cây dương cầm không cần rạng rỡ giữa phòng khách mà được được lùi vào góc khuất, những cuốn sách đáng đọc nhất lại được đặt ngay ngắn trong toilet bên cạnh những cành hoa. Ngôi nhà đẹp đồng nghĩa với một tổng thể decor, sắp đặt cảm xúc đẹp. Khi đứng trước một sản phẩm nội thất có giá trị thiết kế và lịch sử, tâm trí ta bị đánh gục là điều bình thường. Treo tranh trong không gian nội thất là một cân nhắc rất quan trọng và mang tính cá nhân, đối với chị, đó có phải là quyết định decor “nặng ký” nhất không? Với tôi, khi kết hợp đẹp mắt những món đồ trong nhà, bản thân đó đã là một bức tranh. Đó là một bản phối của chất liệu, cảm xúc, đường nét, màu sắc, rất cá nhân, rất ngẫu hứng. Ngôi nhà, đôi khi làm người ta nhớ về, chỉ là những góc nhỏ, như một bức tranh trong trí nhớ rất riêng như vậy.

Những nghệ sĩ, họa sĩ nào chị mong muốn hoặc đã sưu tầm tác phẩm trong không gian nhà mình?

Tôi có một bức rất khiêm nhường của anh Lê Thiết Cương trong phòng ngủ, một bức rực rỡ đầy màu sắc trang trí của Hoàng Phượng Vỹ cho các cô con gái nhỏ, một bức ảnh pháo tết gợi nhớ Hà Nội của Dương Minh Long và một số bức giấy dó của Đặng Xuân Hòa. Ngoài ra, Nguyễn Xuân Lục với loạt tranh sơn mài về vũ trụ và bụi thiên hà là một trong số những họa sĩ trẻ mà tôi yêu thích.

“TÔI CHO RẰNG “TRANG TRÍ” ĐÃ TỰ NÓI LÊN PHẦN NHIỀU
CẢM HỨNG VÀ CẢM XÚC CÁ NHÂN,
TRONG KHI “THIẾT KẾ” MANG TÍNH CÔNG NĂNG, HỢP LÝ”.


TỪ PHƯƠNG THẢO

Họa sĩ thiết kế

– Giám đốc mỹ thuật Tạp chí ELLE Decoration Vietnam.
– Giám đốc sáng tạo Sadec District.
– Nhà sản xuất phim tài liệu quân đội.


Bài: Pink Q | Ảnh: Left Studio & NVCC.


Xem thêm:

Nhà văn Trần Thùy Mai – “Tính cách Huế luôn là một thực thể khó định dạng”

Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết – Hồn Huế sau lớp men màu