Nguyễn Đình – Đi là để tìm cho mình một đôi mắt mới

Nguyễn Đình được biết đến là “con nghiện” của mảng du lịch khám phá, mạo hiểm, có độ lỳ và dấn thân khi chọn khá nhiều điểm đến hiểm hóc trong và ngoài nước để trải nghiệm và chia sẻ những câu chuyện ấy qua báo chí, truyền hình với vai trò một nhà làm phim, một nhiếp ảnh, một cây viết tự do ở mảng đề tài phóng sự – ký sự. Cơ hội nghề nghiệp là một cầu nối hoàn hảo giúp cho mỗi chuyến đi của anh luôn là những hành trình du ngoạn đầy kỳ thú.

Nguyễn Đình trong chuyến đến vùng di sản đá xếp Stonehenge ở hạt Wiltshire, Anh quốc. Ngựa Jydsk, một phương tiện giao thông cổ xưa của người Vikings từ đầu thế kỷ 9 ở vùng bán đảo Jutland, miền Tây Đan Mạch.

Những chuyến đi đó đây của anh đến từ cơ hội công việc, hay từ niềm đam mê?

Một phần nhỏ từ công việc, còn đa phần là đam mê khám phá những vùng đất lạ khai thác đề tài viết báo. Ở thời đại bùng nổ du lịch như bây giờ, không chỉ mình tôi có khả năng đặt chân đến những nơi xa lạ mà còn nhiều người khác, họ cũng có thể viết, chụp ảnh, làm phim… đây là những thách thức giúp tôi phải tìm những chi tiết, góc cạnh khác biệt thể hiện trong bài viết. Do vậy tôi thường chọn chủ đề nhất định làm trục chính, chẳng hạn các mảng đề tài ký sự Tân Đảo, con đường trà Việt, nơi tận cùng thế giới, con đường Phật tích, ngàn dặm Angkor, miền đất triệu voi… Chuyến đi càng hấp dẫn, càng là cơ hội cho tôi tạo ra nhiều sản phẩm báo chí.

Viết nhiều sau những chuyến đi, đó có phải một cách nôm na là thu hồi cả vốn lẫn lãi? 

Đi và viết đều để thỏa mãn đam mê, nhưng cái được lớn nhất khi viết báo chính là dịp ôn lại “bài vở” – bao gồm những hình ảnh, kiến thức mà tôi trải nghiệm suốt chuyến đi. Có những “bài” để “ngộ” ra nó, tôi phải tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức, chẳng hạn chuyện khám phá chuỗi đền đài mang phong cách Hindu giáo khởi phát từ cái nôi Ấn Độ, Nepal qua Java – Indonesia, sang Campuchia, Lào và Việt Nam, để từ đó rút ra những nét tương đồng và khác biệt thú vị trong kiến trúc, điêu khắc, chất liệu xây đền, nét hòa nhập của Hindu giáo với tín ngưỡng bản địa… hình thành các bài viết mang tính tổng hợp, thông tin dày và có yếu tố đầu tư lâu dài.

Những điểm đến nào khiến anh yêu thích và ưu tiên cho các hành trình khám phá của mình?

Tôi ưu tiên tìm đến các vùng đất hoang sơ, các quốc gia đang trong giai đoạn phát triển bởi sẽ có nhiều nguồn đề tài trải nghiệm hấp dẫn do mọi sự vật đổi thay liên tục, có thể chuyến đi này còn, chuyến sau sẽ không gặp câu chuyện tương tự, thậm chí là vĩnh viễn mất đi. Rồi tiếp đến mới là những nơi đã phát triển ổn định, như khu vực Tây Âu, bởi những nét quyến rũ trong văn hóa, kiến trúc, con người, ẩm thực, phong cảnh… không bị thay đổi nhiều theo thời gian.

Mục đích và sự quan tâm của anh ở một điểm đến, một địa danh mới sẽ là gì?

Tôi đi, không phải mục đích khám phá ra một địa danh hay vùng đất mới kiểu như một nhà thám hiểm, mà là tìm trong chốn quen những góc nhìn mới. Đặc biệt tôi thường chú ý vào chi tiết lạ, và từ đó sẽ dẫn dắt ra nhiều thông tin thú vị khác liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, tập tục… chẳng hạn sáng sớm ngồi bên bờ sông Hằng ở Varanasi, Ấn Độ, tôi ngạc nhiên khi chứng kiến rất nhiều người cạo râu tóc, và tự ghi lại hình ảnh ấy theo bản năng. Mãi sau này tìm đọc tài liệu mới hiểu khi có người trong gia đình mất đi, việc ma chay kết thúc, người thân sẽ ra sông Hằng cạo râu tóc để thanh tẩy thân xác, và sau đó nguyện cầu trước ánh bình minh rồi trầm mình xuống dòng sông mẹ để thanh tẩy tâm hồn.

Trong các chuyến đi, ngoài việc tích lũy được vốn sống phong phú, anh còn tìm thêm trong đó những điều gì thú vị?

Càng đi tôi càng thấy thế giới mênh mông và còn quá nhiều thứ để học hỏi và khám phá, từ đó giúp tôi có động lực để đi tiếp, lấy ví dụ chỉ một điểm đến như Campuchia, trong 10 năm qua tôi đã đi hơn 50 lần chỉ để tìm hiểu và khám phá các di tích thuộc nền văn minh Angkor mà vẫn chưa thấy chán. Và trong từng chuyến đi, mỗi khi gặp một đề tài, một sự kiện tương tự, vốn sống và sự trải nghiệm giúp tôi có thêm điều kiện để so sánh, chẳng hạn đi qua các vùng trà cổ thụ của dải trà cổ nối từ Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Khi nghe thông tin ở độ cao 2.200m – 2.600m trên đỉnh Phanxipang có rừng trà cổ thụ thân hai người ôm, cao đến hơn 30m, tôi lên đường tìm đến rừng trà, hái lá pha uống để cảm nhận sự khác biệt từ màu nước, vị trà, qua đó dám tự tin khẳng định với niềm tự hào rằng Việt Nam đang sở hữu những cây trà cổ thụ quý hiếm bậc nhất thế giới.

Sống cùng người bản địa trong mỗi chuyến đi, có địa danh nào việc ăn uống trở thành nỗi ám ảnh?

Ơn trời nhờ “tốt bụng” nên không có món ăn nào người bản địa mời mà tôi ngại, bởi khi đến những vùng đất xa xôi, người dân rất quý khách, họ thường đem món ngon theo văn hóa, phong tục và quan niệm của họ để thết đãi, nếu từ chối sẽ là một bất lợi lớn cho mối quan hệ đôi bên. Ở phần “thực”, từ món rêu vớt ở ao tù, vị đắng nghét của các bộ tộc Lào trên cao nguyên Bolaven, đến món thịt heo sống trong chợ phiên cuối tuần của người Bạch bên hồ Nhĩ Hải (Vân Nam), món ăn nướng trên đá nóng của người thổ dân Polynesian trên đảo Tana (Nam Thái Bình Dương) hay bộ tộc Dani ở Irian Jaya… nhìn rất ghê bởi mang tính hoang dã như thời tiền sử, nhưng khi ăn đều có những vị ngon đặc biệt. Riêng phần “ẩm”, thức uống kinh hoàng nhất mà tôi vẫn rùng mình khi nhớ đến chính là món Kava – một loại “rượu” của người Melanesian ở đảo quốc Vanuatu. Thứ nước đục nhờ nhờ như bùn, chiết xuất từ rễ cây Kava, uống vào say ngay lập tức. Cách người bản địa mời Kava với cả sự trịnh trọng và quý mến nhất, chính là nhai nhừ rễ cây Kava rồi nhổ ra vắt lấy nước cốt mời khách uống.

 

 

Nguyễn Đình ở cửa ra hang Sơn Đòong năm 2011 và tắm băng ở Thụy Điển

“Một hành trình nghỉ dưỡng hoàn hảo với tôi sẽ là biển đảo, nếu thích sự nhộn nhịp, rộn ràng nhưng không quá xô bồ, tôi sẽ trở lại Cala Gonone ở đảo Sardegna, hay quần đảo Maddalena ở Italia ngày Hè.”

Là một trong số ít người Việt có đam mê khám phá hang động, từng viết khá nhiều bài giới thiệu về chuỗi hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng, anh có thể chia sẻ nguyên do?

Du lịch hang động khá xa lạ với người Việt, trong khi Việt Nam đang sở hữu những hang động cực kỳ đa dạng về địa mạo, địa tầng và có thể làm du lịch mạo hiểm thu hút du khách. Sơn Đoòng đã thành công, những chuỗi hang động đang khai thác du lịch thám hiểm như hang Én, cụm hang Tú Làn cũng là những ví dụ điển hình hẫp dẫn du khách quốc tế. Các bài viết giới thiệu chỉ mong mọi người thấy được vẻ đẹp tự nhiên của hang động Việt Nam là nguồn tài sản vô giá cho du lịch mạo hiểm, để mọi người thêm trân trọng những giá trị đang có, và đó cũng là vẻ đẹp xứng đáng để tiếp thị hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Đi khắp đó đây, chắc hẳn anh cũng chấm một số điểm lý thú để trở lại cho những kỳ nghỉ dưỡng, hưởng thụ chứ không phải công việc?

Một hành trình nghỉ dưỡng hoàn hảo với tôi sẽ là biển đảo, nếu thích sự nhộn nhịp, rộn ràng nhưng không quá xô bồ, tôi sẽ trở lại Cala Gonone ở đảo Sardegna, hay quần đảo Maddalena ở Italia ngày Hè, nếu tìm đến sự hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên, sẽ là những hòn đảo nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương như Efate, Santo, Tana, New Caledonia hay Fiji, Samoa… những điểm đến được mệnh danh mang vẻ đẹp “thiên đàng” nơi hạ giới.

Không ngại hòa nhập trong mọi môi trường và điều kiện sống, vậy có những trải nghiệm nào mang tính… dại dột khiến anh hối hận vì nó?

Trong hành trình đi vào dãy Jayawijaya (4.760m) ở Indonesia, tôi cùng những người dẫn đường thường mắc võng ngủ đêm ở rừng. Khi lên cao độ hơn 3.000m dọc theo đường mòn trên sườn núi là lác đác các ngôi nhà Honai của người địa phương có phần mái rơm dày cả mét, cửa đủ một người chui lọt, và trần rất thấp để giữ nhiệt từ đống lửa giữa nhà. Nền đất trong Honai được lót rơm, và người bản địa ngủ cùng heo trong đó (heo là vật quý giá nhất của đời sống bộ tộc). Tôi ước ao được một lần ngủ trong Honai cùng người bản địa và cuối cùng cũng tìm được một gia chủ chấp nhận. Đến sáng hôm sau, toàn thắt lưng đỏ tấy vì bị con mù mát đốt, cảm giác ngứa ngáy thật kinh khủng đeo bám tôi suốt hành trình hơn 2 tuần còn lại, và cả tháng sau các vết cắn vẫn chưa lành hẳn. Từ trải nghiệm đau thương ấy, mọi chuyến đi rừng sau này tôi luôn trung thành với chiếc võng.

Thế còn trải nghiệm ấn tượng và đáng nhớ nhất?

Đó là xông hơi ở 95oC và tắm băng ở 15 độ âm trong trang phục Adam ngay eo biển Ore-sund Thụy Điển, giáp biên giới với Đan Mạch.

Có bao giờ anh cảm thấy chùn chân và có ý định dừng lại?

Cũng có lúc muốn dừng chân nghỉ, nhưng khi xem lại những bức ảnh, những câu chuyện, thứ “tài sản” quý nhất mà tôi tích góp sau mỗi chuyến đi, máu đam mê lại nổi lên, vậy là lại lên đường. Bởi càng đi nhiều đến những nơi xa lạ, đối mặt với khó khăn, nguy hiểm, khi trở về, tôi nhìn mọi chuyện trong cuộc sống giản đơn hơn và càng thêm trân trọng, yêu quý những gì mình đang có.

Thực hiện: LAM PHONG – Hình ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP