Nguyễn Anh Tuấn – Ngôn ngữ tri thức nghệ thuật

Ở vai trò giám đốc nghệ thuật cho Heritage Space, anh Nguyễn Anh Tuấn có trải nghiệm với nhiều dự án và hình thái tổ chức triển lãm phong phú. ELLE Decoration cùng anh trò chuyện về mối tương quan giữa giám tuyển, nghệ sĩ và sự đóng góp của các chuyên gia trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam đương đại.

Đi qua những trải nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, Nguyễn Anh Tuấn có những chia sẻ sâu sắc về những quan sát của mình với cương vị Giám đốc nghệ thuật của Heritage Space. Được điều hành bởi nhóm các giám tuyển và nhà tổ chức chương trình nghệ thuật, Heritage Space dần trở thành một nền tảng gặp gỡ và phát triển cho các cá nhân, nhóm, tổ chức đến từ nhiều lĩnh vực sáng tạo trong và ngoài nước, với mục tiêu lâu dài là đóng góp cho văn hóa và nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.

Nguyễn Anh Tuấn 1

Minh họa: NAMI.

Là một giám tuyển kinh nghiệm với các dự án nghệ thuật đương đại, đâu là triển lãm nổi bật anh cảm thấy tâm đắc?

Đầu năm 2016, tôi được mời về quản lý Heritage Space. Đây một không gian nghệ thuật được thànhlập cuối năm 2014 bên trong tòa nhà Dolphin Plaza ở Hà Nội (công trình từng được Giải thưởng Kiến trúc Việt Nam 2012), bản thân chủ đầu tư của tòa nhà là người yêu thích văn hóa nghệ thuật, đồng thời sở hữu một vài BST nghệ thuật nên họ cũng muốn truyền tải giá trị ấy đến tòa nhà của mình.

Heritage Space vào thời điểm ấy có điều kiện cơ sở vật chất khá tốt với diện tích trưng bày triển lãm đến 450m2, về sau thu nhỏ lại còn khoảng 300m2, ngoài ra còn có thêm thư viện và không gian tổng hợp rộng khoảng 300m2, một sân khấu 100-120 chỗ ngồi có thể thực hiện nhiều loại hình chương trình từ âm nhạc, trình diễn cho đến tọa đàm, chiếu phim. Các hoạt động tại Heritage Space thời điểm đó rất tích cực và đa dạng, diễn ra định kỳ hàng tháng. Trong thời gian này tôi đã có dịp làm việc cùng gia đình của nghệ sĩ – nhà điêu khắc Lê Công Thành cho một dự án tổ chức triển lãm. Ông là một trong những tên tuổi lớn ở Việt Nam trong những năm 1950 – 1975. Gia đình ông đã cho phép sử dụng một số bản thảo và được nhà điêu khắc Lập Phương chuyển thể thành nhiều tác phẩm khác để trưng bày tại không gian Heritage Space. Triển lãm bao gồm 9 tác phẩm được thực hiện trong vòng 8 tháng kể từ lúc còn là mẫu mô hình nhỏ cho đến khi phóng lớn rồi chuyển đến trưng bày chính thức. Đó có lẽ là triển lãm cá nhân cuối cùng trong cuộc đời của nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Giữa năm 2019, để tìm kiếm sự đổi mới nên Heritage Space di chuyển vào nội đô. Các định hướng từ đây cũng trở nên dài hạn hơn, tập trung nhiều đến yếu tố giáo dục, trao đổi tri thức nghệ thuật.

Nguyễn Anh Tuấn 2

Trưng bày triển lãm điêu khắc cá nhân của nhà điêu khắc Lê Công Thành tại Heritage Space gallery, tháng 7/2018. Ảnh: Tư liệu.

Đó có thể xem là một triển lãm có sự chuẩn bị, kết nối với không gian một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt không?

Mỗi mô hình triển lãm đều có cách tiếp cận và phát triển khác nhau, không theo một công thức nào. Năm 2017 tôi có cơ hội thực hiện “Ranh giới vô định” – một triển lãm trao đổi nghệ thuật đương đại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tôi và giám tuyển Hye Young Kim của Hàn Quốc lựa chọn ra 4 nghệ sĩ Việt Nam và 4 nghệ sĩ Hàn Quốc để kết hợp với nhau, trưng bày ở cả Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội và Heritage Space. 4 nghệ sĩ của Việt Nam được lựa chọn là Trần Nguyễn Ưu Đàm, Oanh Phi Phi, Lại Diệu Hà và Bùi Công Khánh. Chủ đề trao đổi giữa tôi và các nghệ sĩ lúc đó là về “Ranh giới vô định”, những biên giới không xác định về mặt địa lý, văn hóa hay cả về suy nghĩ, cảm xúc, các va chạm của con người trong cuộc sống đều có nhiều khía cạnh rất mù mờ. Từ đó chúng tôi đưa ra ý kiến về việc sẽ trưng bày như thế nào, đôi bên hỗ trợ lẫn nhau để triển khai phương án ấy.

Nguyễn Anh Tuấn 3

Trưng bày triển lãm điêu khắc cá nhân của nhà điêu khắc Lê Công Thành tại Heritage Space gallery, tháng 7/2018. Ảnh: Tư liệu.

Theo anh trong một buổi triển lãm đã có chủ đề xác định cụ thể, ai sẽ là người có tiếng nói quan trọng trong việc phân bổ, sắp đặt không gian? Nhà giám tuyển, nghệ sĩ hay một chuyên gia nào khác?

Nghệ thuật đương đại hiện nay rất phong phú, có nhiều hướng tiếp cận. Tất nhiên đối với một triển lãm đã có nhà giám tuyển, vai trò của người giám tuyển sẽ mang tính quyết định, họ sẽ đảm bảo nội dung buổi triển lãm sẽ đi theo đúng định hướng ban đầu đặt ra. Cụ thể hơn là đặt tên triển lãm, triển khai ý tưởng, lựa chọn tác phẩm, mời nghệ sĩ phù hợp với nội dung triết học đề ra của buổi triển lãm hoặc lựa chọn không gian. Tuy nhiên người nghệ sĩ vẫn có vai trò quan trọng không kém khi có toàn quyền quyết định sản phẩm sáng tạo của mình, còn giám tuyền sẽ là người trao đổi phương án kỹ thuật, cách thức trưng bày với nghệ sĩ sao cho tác phẩm của họ đạt hiệu quả tốt nhất.

Một sự kiện triển lãm nghệ thuật đương đại sẽ có sự tham gia của ít nhất một đơn vị thứ ba đóng vai trò kỹ thuật, họ sẽ triển khai các phương án mà giám tuyển và nghệ sĩ đưa ra. Ở Việt Nam hiện nay đa phần bộ phận kỹ thuật đều mang tính tình thế chứ chưa có một đơn vị chuyên phụ trách hạng mục triển lãm. Thậm chí ngay tại các bảo tàng hiện nay ở Việt Nam cũng chưa có hệ thống kỹ thuật tương xứng. Nguyên nhân có thể đến từ việc chưa có sự đánh giá đúng đắn dành cho yếu tố trưng bày vốn đòi hỏi sự chuyên biệt về kỹ thuật, đôi khi rất hà khắc.

Các dự án công cộng ở Việt Nam chưa phát triển vì va chạm đến nhiều vấn đề về nhận thức xã hội chứ không còn là vấn đề của nội bộ giới nghệ thuật.

Tôi không phủ nhận vai trò của hệ thống bảo tàng vì thực chất bảo tàng vẫn là nơi lưu giữ văn hóa hàn lâm, được thiết kế dựa trên tiêu chuẩn cung cấp những thông tin về giáo dục, tri thức, giải trí. Tuy nhiên hệ thống này lại đang cũ dần trong khi quan niệm và nhận thức của mọi người trên thế giới về bảo tàng đang có sự chuyển biến mạnh.

Trong số các bảo tàng ở Việt Nam mà tôi biết, có một số cái tên đã có nhiều thay đổi tích cực như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Champa (Đà Nẵng), Bảo tàng Dân tộc học.

Nguyễn Anh Tuấn 4

Trưng bày triển lãm điêu khắc cá nhân của nhà điêu khắc Lê Công Thành tại Heritage Space gallery, tháng 7/2018. Ảnh: Tư liệu.

Nguyễn Anh Tuấn 6

Trưng bày triển lãm điêu khắc cá nhân của nhà điêu khắc Lê Công Thành tại Heritage Space gallery, tháng 7/2018. Ảnh: Tư liệu.

Các tổ chức, chuyên gia nước ngoài tham gia cố vấn, cộng tác cho những triển lãm trưng bày của tại các bảo tàng ở ta bằng cách nào?

Hình thức tham gia của các tổ chức mời chuyên gia nước ngoài vào hệ thống bảo tàng ở Việt Nam hiện nay đã phổ biến hơn rất nhiều. Rất nhiều bảo tàng tại Việt Nam đã bắt đầu mời chuyên gia từ nước ngoài cộng tác và làm việc dưới hình thức Hội thảo, seminar, tư vấn dự án… với các chuyên gia trong nước, tương tự như mô hình hợp tác quốc tế ở các ngành nghề khác hiện nay.

Không gian trưng bày giờ đây không còn gói gọn trong phạm vi nội thất mà mở rộng ra cảnh quan, đô thị. Có dự án nào mà anh thấy thú vị về mặt ý tưởng và nghệ thuật không?

Theo tôi các dự án công cộng như thế ở Việt Nam thực sự chưa quá phát triển vì phải va chạm đến nhiều vấn đề về nhận thức xã hội chứ không còn là vấn đề của nội bộ giới nghệ thuật. Không gian ở ngoài trời đòi hỏi phải có nhiều bên tham gia hơn như chính quyền, nhà quản lý đô thị, cộng đồng, các đơn vị kinh doanh… Tiếng nói của nghệ thuật phải dung hòa được với tất cả những đối tượng ấy, vì vậy mà cần thời gian đối thoại khá lâu, từ 12 đến 18 tháng cho một dự án. Đó mới chỉ là về hạng mục Nghệ thuật công cộng (public art). Nghệ thuật cộng đồng (community art) lại đòi hỏi thời gian phát triển lâu hơn từ 3 – 5 năm. Nghệ thuật cộng đồng đóng vai trò thay đổi nhận thức của cả một cộng đồng sinh sống xung quanh đó, hoặc phải có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng ấy vào dự án để gia tăng giá trị trao đổi tri thức, từ đó góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. Loại hình nghệ thuật này đôi khi còn phải có những nghiên cứu hàn lâm về khoa học xã hội vì tính chất quan trọng của chúng, chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề của nghệ thuật.

Việt Nam chúng ta thực ra vẫn chưa có công cụ nghiên cứu đo lường chỉ số tác động xã hội môi trường và nhiều chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật cộng đồng.

Nguyễn Anh Tuấn 7

Sắp đặt của nghệ sĩ Hyejin Jo (Hàn Quốc) tại Heritage Space trong triển lãm dự án “Ranh giới vô định”, tháng 3/2017. Ảnh: Tư liệu.

Theo anh điều đó có phải là trở ngại cho các nghệ sĩ và nhà giám tuyển khi thực hiện các dự án nghệ thuật trong tương lai hay không?

Nghệ sĩ và nhà giám tuyển sẽ không cảm thấy đó là trở ngại bởi lẽ những thiếu sót ấy không phải là vấn đề riêng của giới nghệ thuật. Tuy nhiên việc đổi mới sẽ có phần chậm lại vì thiếu đi hệ thống đánh giá mang tính khoa học, dẫn đến cộng đồng sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiếp cận ý nghĩa của tác phẩm cũng như nhận ra tầm quan trọng của nghệ thuật.

Chúng tôi đã từng làm một số nghiên cứu về nghệ thuật đương đại và nhận ra rằng nhận thức của mọi người trong 10 năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Trước đó, nghệ thuật đương đại được xem như một loại hình nghệ thuật không chính thống và khó chấp nhận.

Chúng ta vẫn phải quay về con đường nâng cao nhận thức mang tính giáo dục phổ quát, nghĩa là phải có cách cung cấp thông tin một cách có hệ thống cho mọi người. Cụ thể hơn là liên quan đến lĩnh vực giáo dục, chúng ta muốn hiểu về một nền văn hóa thì trước tiên phải hiểu được ngôn ngữ, từ đó mới có thể tìm hiểu sang lĩnh vực khác. Nghệ thuật cũng tương tự như thế, cần phải cung cấp một nền tảng tri thức về ngôn ngữ mới của nghệ thuật, cách làm việc của nghệ sĩ trong bối cảnh phát triển chung ở Việt Nam, chúng ta đã có những thay đổi gì so với quá khứ. Không có nguồn thông tin ấy chúng ta sẽ không thể định vị được vai trò của người nghệ sĩ, họ đang ở đâu, tác phẩm của họ có ý nghĩa gì, thuộc ngôn ngữ nghệ thuật gì. Đấy là những điều mà ngay cả giới chuyên môn đôi khi vẫn cần thời gian để định hình được. Thứ hai là hệ thống bảo tàng và thư viện, đây là nguồn tiếp cận giáo dục hữu ích cần phải kể đến. Đa phần các tác phẩm trưng bày hiện nay đều dừng lại ở những năm 90, sau đó thì hầu như không còn nhiều sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại, đến nay đã 30 năm. Vì vậy mà một số mô hình sáng tạo độc lập đã nổi lên như một hướng đi khả dĩ để trao đổi văn hóa, tri thức.

Nguyễn Anh Tuấn 8

Sắp đặt của nghệ sĩ Hyejin Jo (Hàn Quốc) tại Heritage Space trong triển lãm dự án “Ranh giới vô định”, tháng 3/2017. Ảnh: Tư liệu.

Các bảo tàng, triển lãm hiện nay trên thế giới bắt đầu xuất hiện hình thức trưng bày kỹ thuật số. Anh có nhận định gì về giải pháp này? Liệu đó chỉ là một hướng đi tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh này hay chúng sẽ trở thành hướng đi đáng quan tâm để phát triển trong thời gian tới?

Tôi có theo dõi khá thường xuyên các triển lãm kỹ thuật số ở Việt Nam nhưng thực sự không đánh giá cao và chỉ xem đây đây là giải pháp mang tính tạm thời. Tất nhiên tôi vẫn chưa có điều kiện để đi xem những triển lãm kỹ thuật số quy mô lớn trên thế giới để đưa ra nhận định chính xác hơn.

Ở Việt Nam, cách số hóa các triển lãm ở mức độ khá sơ sài, chỉ dừng ở mức độ bề mặt. Cần phải hiểu rõ nội dung, bản chất và cách thức vận hành thực sự của một triển lãm kỹ thuật số, xa hơn là hiểu rõ đặc tính của từng loại vật liệu, vật chất để đưa chúng lên phương tiện số. Một triển lãm kỹ thuật số gây được tiếng vang gần đây là triển lãm công nghệ cao “Immersive Van Gogh Exhibit” tại Chicago (Mỹ). Họ đã tái hiện lại căn phòng trong bức tranh “The Bedroom painting”, thậm chí là cho khán giả đặt phòng để lưu trú ở đó. Mất đến 5 năm chỉ để thực hiện một dự án triển lãm như vậy và đó là khoảng thời gian tính riêng cho các nước đã đạt nhiều thành tựu phát triển về lĩnh vực này.

Đối với anh thì triển lãm kỹ thuật số liệu có hấp dẫn bằng một trải nghiệm trực tiếp hay không?

Tùy loại hình triển lãm mà sẽ có mức độ hấp dẫn khác nhau. Trưng bày triển lãm các loại hình nghệ thuật thực hiện bằng vật chất như hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn thì việc trải nghiệm trực tiếp đương nhiên là tối ưu. Ngược lại với những nghệ sĩ thực hiện triển lãm bằng giải pháp kỹ thuật số, diễn ra trên nền tảng số thì đòi hỏi một trải nghiệm khác để cảm thụ được thành quả lao động của người nghệ sĩ. Hai loại hình này có lẽ không thể so sánh được.

“Muốn hiểu về một nền văn hóa thì trước tiên phải hiểu được ngôn ngữ. Nghệ thuật cũng tương tự như thế, cần phải cung cấp một nền tảng tri thức về nghệ thuật…” – Anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Nguyễn Anh Tuấn 9

Sắp đặt của nghệ sĩ Hyejin Jo (Hàn Quốc) tại Heritage Space trong triển lãm dự án “Ranh giới vô định”, tháng 3/2017. Ảnh: Tư liệu.

Nguyễn Anh Tuấn 10

Sắp đặt của nghệ sĩ Hyejin Jo (Hàn Quốc) tại Heritage Space trong triển lãm dự án “Ranh giới vô định”, tháng 3/2017. Ảnh: Tư liệu.


Bài: PINK Q | Hình ảnh: NVCC | Minh họa: NAMI


Xem thêm:

Josh and Matt Design – Hiện tượng thiết kế từ TikTok

Phan Cẩm Thượng: “nghệ thuật sinh ra từ đời sống thường ngày”