Kiên Kit – Văn hóa Việt là một cô gái đẹp

“Người ta thường nói, những thứ đẹp đẽ nhất của nhân loại đều tập trung ở người phụ nữ. Văn hóa cũng vậy. Văn hóa Việt vẫn luôn là cô gái đẹp từ ngàn đời nay, chỉ là họ khoác lên mình những bộ áo khác nhau”. Với góc nhìn đó, họa sĩ thiết kế Kiên Kit tìm cách giữ nguyên dáng dấp Á Đông thông qua đường nét đặc tả, trong khi tạo nên những không gian mở để mỗi dòng văn hóa đương đại chảy qua lại trở thành “lớp áo mới” của cô gái ấy.

Kiên Kit 14

Họa sĩ thiết kế Kiên Kit | Ảnh: Icon-T.

Là người sáng lập nên GM (Gạo & Muối) Creative – một studio thiết kế hình ảnh cho các bộ nhận diện thương hiệu và bao bì sản phẩm, Kiên Kit (Trần Ngọc Kiên) xác định rằng, con đường đem dấu ấn văn hóa đến với đại chúng hiệu quả nhất chính là thông qua sản phẩm tiêu dùng. Cách nghĩ này được hình thành từ sự giao thoa của hai con đường học vấn: Đồ họa truyền thống chuyên về mảng tiếp thị tại Đại học Văn Lang và sau đó là Đại học Mỹ thuật. Tự nhận có cả dòng máu kinh doanh lẫn nghệ sĩ chảy trong người, anh biết cách tạo ra sản phẩm có thể tiếp cận số đông và đồng thời cũng hiểu được căn nguyên của cái đẹp. Tuy nhiên, Kiên không muốn thử thách người khác trong việc cảm nhận cái đẹp. Đối với anh, sản phẩm phải bán được, dùng được thì mới có giá trị. Văn hóa có thể được cảm nhận theo cách “mưa dầm thấm lâu”: liên tục nhìn thấy nó trong đời sống hằng ngày.

Kiên Kit 13

“MỘT NGÀY NÀO ĐÓ, NGƯỜI VIỆT SẼ NHẬN RA TRONG MỖI SẢN PHẨM, NGOÀI GIÁ TRỊ SỬ DỤNG CÒN CÓ GIÁ TRỊ CAO HƠN LÀ GIÁ TRỊ TINH THẦN – SỰ GẦN GŨI VỀ MẶT VĂN HÓA.”

Kiên Kit 12

Thiết kế cho District Mot lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ và hoa văn đan lát trong các loại rổ tre, mẹt tre | Ảnh: NVCC.

Kiên Kit 11

Thiết kế cho District Mot lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ và hoa văn đan lát trong các loại rổ tre, mẹt tre | Ảnh: NVCC.

Từng có thời gian cảm thấy chơi vơi, lạc lõng khi làm việc trong các công ty nước ngoài, Kiên không ngừng tự đặt câu hỏi về căn tính Việt. Làm sao để ở bất cứ đâu mình cũng được là chính mình? Làm sao để người Việt có thể tự quyết định thói quen tiêu dùng mà không cần chạy theo xu hướng, “sính ngoại”? Anh cảm thấy mình nên làm một cái gì đó để người Việt thấy được hình bóng, câu chuyện của mình trong sản phẩm họ sử dụng mỗi ngày. Chính suy nghĩ đó khiến anh bước vào giữa hai con đường vừa làm truyền thông vừa làm xã hội, vừa làm kinh tế và vừa là một người nghệ sĩ. Lựa chọn này cho anh hai thế mạnh: thẩm mỹ đảm bảo tính học thuật trong một tác phẩm, còn đồ họa đảm bảo tính đương đại, tính phổ cập cao.

Kiên Kit 10

Những câu chuyện về trà được kể bằng ngôn ngữ gần gũi, kết hợp giữa đồ họa với truyện tranh dân gian | Ảnh: NVCC.

Kiên Kit 9

Ảnh: NVCC.

Kiên Kit 8

Ảnh: NVCC.

Kiên Kit 7

Ảnh: NVCC.

Khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Kiên quyết định chọn “lớp áo” đầu tiên, thuở “cô gái Việt” vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc hay Tây phương, đó là văn hóa dân gian. Kiên chọn bút pháp gần với tranh Đông Hồ – vốn là tác phẩm của các nghệ sĩ nông dân – cùng với lối kể chuyện trào phúng đặc trưng. Đối với Kiên, cốt lõi của văn hóa Việt bắt rễ từ đời sống nông nghiệp. Ngay cả bây giờ, dấu ấn nông dân vẫn tồn tại rất rõ trong các đô thị hiện đại. Ở thành phố lớn vẫn có những khu chợ bình dân, vẫn xuất hiện những cổng văn hóa, miếu thờ. Người ta có thể hoang mang (và tranh cãi) về các dữ liệu của văn hóa cổ phong, nhưng luôn có thể nhận diện ngay dấu ấn của văn hóa dân gian. Đó là lý do anh thường sáng tạo hoa văn dựa trên những đường nét uốn lượn của nước (văn minh lúa nước), mây (nguồn gốc rồng tiên) và khói (tín ngưỡng, thờ tự).

Kiên Kit 6

Ảnh: NVCC.

Kiên Kit 5

Ảnh: NVCC.

Đối với tranh dân gian, yếu tố “sống” quan trọng hơn “giống”, với những chi tiết được cách điệu, phóng đại và đặt ở trung tâm. Tuy nhiên, thay vì mô phỏng phương thức khắc gỗ của tranh Đông Hồ, Kiên chọn nét bút lông để thể hiện tính chất đồ họa và dấu ấn công nghệ. Trong khi tranh dân gian được tạo thành từ hai yếu tố chính là nét vẽ và mảng màu, Kiên tập trung nhiều hơn vào đường nét để giữ nguyên tính thuần Việt, phần còn lại là không gian mở để anh ứng dụng các phương thức sáng tạo đương đại như công cụ media, trình chiếu code, sử dụng màn hình LED; ứng dụng các chất liệu khác như sơn dầu, kim loại, giấy, gỗ, sứ, thậm chí kết hợp nhiều chất liệu với nhau; đồng thời thử nghiệm các công nghệ ép kim, dập nổi, cắt dán… Tuy nhiên, tranh vẽ vẫn chỉ là bước khởi tạo, sau này, Kiên còn muốn thiết kế mô hình 3D, kết hợp với các công cụ media, visual, thậm chí hợp tác với các dấu ấn văn hóa nước ngoài. Đó là cách anh để dòng chảy đương đại đi qua những cửa ngõ của thẩm mỹ truyền thống. Đối với Kiên, muốn biết mình là ai, phải đặt mình vào trong dòng chảy, để dù có thay bao nhiêu “lớp áo” đi chăng nữa, cái cuối cùng còn lại, thứ bám rễ sâu nhất chính là căn tính của dân tộc mình.

Kiên Kit 20

Thiết kế cho 36 Streets Beer, tái hiện các địa danh nổi tiếng và phố cổ Hà Nội | Ảnh: NVCC.

Kiên Kit 4

Thiết kế cho All Day Coffee với tạo hình hổ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống | Ảnh: NVCC.

Kiên Kit 3

Thiết kế bao bì cho cà phê Gióng | Ảnh: NVCC.

“LÀM VỀ VĂN HÓA KHÓ Ở CHỖ CẦN THỜI GIAN. BÂY GIỜ TÁC PHẨM LAN TRUYỀN NHANH HƠN, CÁCH HIỂU VỀ VĂN HÓA CŨNG DỄ NÔNG CẠN HƠN. SAO CHÉP CHẤT LIỆU CỔ XƯA CHỈ LÀM CHO NGƯỜI TA BỊ TÙ TÚNG TRONG ĐỊNH NGHĨA VĂN HÓA”

Kiên Kit 2

Thiết kế cho dự án Loca, sử dụng các họa tiết vốn cổ cách tân | Ảnh: NVCC.

Như đã nói ngay từ đầu, Kiên yêu thích pop culture, muốn dùng văn hóa đại chúng để kể câu chuyện của đại chúng. Thế nên, khi được hỏi về sự phai mờ của tính cá nhân trong một thủ pháp vốn thuộc về cộng đồng, anh không do dự trả lời về việc loại bỏ tính chiếm hữu trong tác phẩm của mình. Để ai cũng thấy được bản thân mình trong đó, tính cá nhân là điều không cần thiết. Kiên muốn tập trung vào câu chuyện được kể trên sản phẩm hơn là định danh phong cách của bản thân. Anh hy vọng người tiêu dùng nói chung và người trẻ nói riêng có thể hiểu rằng những điều họ đang làm ở thời điểm hiện tại cũng là văn hóa, và họ đang trải nghiệm trên vô vàn lớp áo văn hóa đã tích tụ bao đời nay, điều quan trọng là chọn được “chiếc áo” phù hợp để khoác lên mình mà không đánh mất đi bản sắc riêng.


KIÊN KIT

Họa sĩ thiết kế

– Sáng lập GM Creative – studio thiết kế bao bì sản phẩm và bộ nhận diện thương hiệu.
– Sáng lập “Thị Ơi” – một dự án kể chuyện bằng hình minh họa.
– Học Đại học Văn Lang và Đại học Mỹ thuật.

Kiên Kit 1

Bao bì trà sen Vốn Việt | Ảnh: NVCC.


Bài: Đoàn Trúc | Tổ chức hình ảnh: Hellos | Ảnh: Icon-T.


Xem thêm:

Kazuyo Sejima – Nữ KTS phá vỡ mọi khuôn mẫu

Maya Lin – Nữ KTS và tượng đài thế kỉ