Kenny Nguyễn – Giấc mơ cánh bướm

Là một họa sĩ có thực hành đa dạng nhờ nền tảng trong thiết kế thời trang, chịu ảnh hưởng bởi di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời có những trải nghiệm sâu sắc của quá trình di cư và hội nhập, Quốc Trung Kenny Nguyễn là đại diện tiêu biểu của lớp nghệ sĩ đương đại đang không ngừng mở rộng giới hạn sáng tạo và khai phóng bản sắc cá nhân. Sự tự do và lãng mạn mà anh kiếm tìm trong nghệ thuật cũng có thể tìm thấy trong thú chơi mà anh đã theo đuổi từ khi còn là một câu bé: sưu tầm bươm bướm. Những cánh bướm không chỉ là cầu nối trở về với ký ức tuổi thơ, mà còn là giấc mơ mà anh muốn lưu giữ cho riêng mình.

Chào anh Kenny Nguyễn. Sở thích sưu tập bươm bướm đến với anh như thế nào?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, cả quê nội và ngoại đều nằm trong vùng canh tác cây trái lâu năm. Ngày xưa con nít ở vùng sâu thì ít trò chơi lắm, mỗi nhà vườn thì cách nhau đến cả cây số, đi học hay đi chợ phải đi bằng thuyền. Những lúc rong ruổi trên triền đê đuổi bướm là những tháng ngày đẹp nhất cuộc đời tôi. Thật ra lúc nhỏ tôi rất yêu khoa học, cũng từ một bài thực hành sinh học mà tôi sưu tập bướm đến bây giờ. Ở những vườn cây ăn quả, hoa trái quanh năm cũng rất thuận tiện cho việc sưu tầm.

Kenny Nguyễn 1

Nghệ sĩ Kenny Nguyễn.

Tiêu bản bươm bướm đầu tiên của anh là gì? Có câu chuyện thú vị nào đằng sau tiêu bản này không?

Ngày xưa chưa biết phải bảo quản thế nào nên cứ ép những cánh bướm vào sách và đợi cho chúng khô đi. Cách đó chỉ làm cho vui, vì thân bướm sẽ không được nguyên vẹn và cánh bướm hay bị trầy xước. Không khí nóng ẩm ở Việt Nam cũng không tiện cho việc bảo quản. Ngay cả khi sau này đã sưu tập chuyên nghiệp rồi, vẫn không giữ được lâu vì ẩm mốc. Tôi nhớ như in, ngày xưa lúc mạng lưới điện chưa về tới vùng sâu, ba hay châm đèn dầu đặt quanh nhà mỗi tối. Những ngọn đèn như vậy thu hút rất nhiều côn trùng, đặc biệt là những chú bướm đêm. Tiêu bản đầu tiên là một chú Atlas Moth, cũng là loài to nhất trong các loại bươm bướm. Loài này bay rất nhanh và cao, nhưng mỗi lúc sa vào ánh đèn thì rất dễ bắt. Có lẽ chính vì vậy mà lần đầu tiên tôi e ấp cánh bướm to hơn cả đôi bàn tay mình, để rồi ngưỡng mộ vẻ đẹp thần kì đó của tự nhiên và muốn gìn giữ nó cho đến mãi bây giờ.

Kenny Nguyễn 2

Những cánh bướm không chỉ là cầu nối trở về với ký ức tuổi thơ của Kenny Nguyễn mà còn là giấc mơ anh muốn lưu giữ cho riêng mình.

Kenny Nguyễn 4

Hiện nay anh sở hữu bao nhiêu mẫu bươm bướm? Anh giới thiệu một chút về bộ sưu tập của mình cho độc giả của ELLE Decor nhé.

Hiện nay tôi đã sưu tập khoảng hơn 200 loài bươm bướm, nhiều loài có nhiều cá thể tương đồng nhưng có loài thì chỉ có một bản duy nhất. Con số này chỉ bằng 1% số loài bươm bướm đã được phát hiện trên thế giới (20.000 loài). Thật ra việc sưu tập cũng bị gián đoạn trong một khoảng thời gian dài vì tôi theo gia đình sang Mỹ định cư. Mục đích của việc sưu tập trở lại một phần là vì nhớ quê hương, một phần là để phục vụ cho nghệ thuật. Tôi cũng thường xuyên trao đổi những mẫu bướm mới với những người bạn trong một nhóm sưu tập. Cũng có người dùng cho việc nghiên cứu môi trường, sinh thái.

Kenny Nguyễn 5

Bên cạnh làm việc trong xưởng vẽ hay thời gian giảng dạy nghệ thuật, Kenny Nguyễn thường tìm hiểu thêm về các loài mới và học cách sắp xếp, bố cục màu sắc trên cánh bướm.

Anh cần phải chuẩn bị những kiến thức gì để có thể tiếp cận với sở thích này? Các mẫu bươm bướm của anh thường đến từ đâu và anh sẽ chọn lựa chúng dựa trên những tiêu chí nào?

Những kiến thức cơ bản về bảo quản hay tạo hình cho bướm thì có lẽ nhà sưu tập chuyên nghiệp nào cũng biết. Ngoài ra còn phải nắm rõ luật bảo tồn động vật hoang dã, có nhiều loài bị cấm thì tuyệt đối không được bắt. Bộ sưu tập giới thiệu ở đây đa phần là các chủng loài đặc trưng ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đông Nam Á và Phi châu. Bướm là loài đặc trưng thích khí hậu nóng ẩm miền nhiệt đới, nên hầu hết những cánh bướm rực rỡ nhất đến từ những vùng này cũng là điều dễ hiểu. Những cánh bướm hiếm thì thường là trao đổi hay mua lại từ các nhà sưu tập khác.

Sưu tập ngày nay cũng khác với ngày xưa nhiều lắm. Ví dụ ở Nam Mỹ, họ có những trang trại nuôi bướm rồi cung cấp lại cho các nhà sưu tập trên khắp thế giới. Cũng bởi cách sống bận rộn như bây giờ nên người sưu tập mất đi cảm giác hòa mình vào thiên nhiên. Những cánh bướm khô đã được bắt và gửi trong những kiện hàng khẩn nên người ta không học được cách kiên nhẫn chờ đợi như khi bắt bướm ngoài tự nhiên. Người săn bướm không những phải có một đôi mắt tinh tường mà còn phải phản ứng cực nhạy vì nhiều loài bay rất nhanh và cao. Cái cảm giác chiến thắng mỗi khi tự tay bắt được một loài bướm đẹp cũng không còn trong thời đại công nghiệp. Những cánh bướm như vậy tôi hay đùa là “những cánh bướm vô hồn”. Tôi cảm thấy rất may mắn, chắc có lẽ có những người chưa được một lần chân trần trên triền đê đầy nắng đi đuổi bướm như tôi ngày xưa.

Đâu là khó khăn lớn nhất khi theo đuổi sở thích này?

Đã gọi là sở thích thì tôi nghĩ không có giới hạn về khó khăn. Có chăng là vấn đề bảo quản mà thôi. Trong tự nhiên, loài bướm sống lâu nhất khoảng 1 năm. Trong môi trường bảo quản hoàn hảo, nó có thể tồn tại hàng thập kỉ.

Có bài học nào anh chiêm nghiệm được trong quá trình sưu tập bươm bướm hay không?

Bươm bướm thuộc vào loại ephemera (động vật phù du), thường thì cái gì không giữ được lâu người ta lại càng muốn giữ lâu. Bản chất con người thích chinh phục tự nhiên, sưu tập bướm nghe có vẻ nhàn hạ và dễ dàng nhưng mấy ai biết được sự kì công của nó. Nếu tìm hiểu về lịch sử, ở Vương Quốc Anh, thú săn bướm được xếp vào hạng mục thể thao ngang hàng với chơi tenis hay cưỡi ngựa. Thủ tướng Winston Churchill cũng có sở thích sưu tập bướm. Ngài cho xây dựng hẳn một khuôn viên để nuôi bướm ở xứ Kent, quê nhà của ông.

Không biết từ lúc nào mà hình mẫu bươm bướm được gắn liền với phái yếu và nữ tính? Theo tôi, sưu tập bướm, ngoài để gìn giữ vẻ đẹp, có lẽ bài học lớn nhất là để học cách nhìn nhận và phân tích cuộc sống từ một góc độ khác. Cũng thật trùng khớp, nhà khoa học Mỹ Edward Lorenz đã đặt tên cho một thuyết rất nổi tiếng của ông là “Hiệu ứng cánh bướm”. Một thay đổi nhỏ như cái đập cánh của con bướm tưởng chừng như không ảnh hưởng gì nhưng lại dẫn đến những biến động rất lớn về sau. Với tôi, việc sưu tập còn hay gợi lại những ngày tháng tuổi thơ. Mỗi cánh bướm còn là một giấc mơ, một ký ức. Bạn có bao giờ nghĩ giữ gìn giấc mơ là việc hoàn toàn khả thi?

Kenny Nguyễn 6

Sở thích này có ý nghĩa như thế nào trong đời sống hằng ngày và đời sống sáng tạo, cũng như ảnh hưởng và được ảnh hưởng ra sao từ các thực hành nghệ thuật của anh?

Sưu tập bướm bướm có rất nhiều khâu và tốn rất nhiều thời gian. Tôi thường dành những khoảng thời gian thư thái nhất cho việc tạo hình cánh bướm. Nhiều loài rất mỏng manh, đòi hỏi sự khéo tay và chuẩn xác để không làm hỏng mẫu sưu tập. Bên cạnh làm việc trong xưởng vẽ hay thời gian giảng dạy nghệ thuật, tôi thường tìm hiểu thêm về các loài mới và học cách sắp xếp, bố cục màu sắc trên cánh bướm. Đó cũng là một phần trong công việc sáng tạo nghệ thuật đương đại. Sao chép tự nhiên có lẽ là cách học căn bản nhất để áp dụng vào tư duy sáng tạo. Có nhiều khi tôi ngồi trong xưởng vẽ hàng giờ để tìm ra ý tưởng và bố cục mới. Có lúc ngắm lại những bố cục và đường nét trên cánh bướm là ý tưởng cứ thế tuôn trào.

Ngoài sở thích sưu tập bươm bướm, anh còn có sở thích nào khác để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống cũng như trong công việc?

Tôi thích trồng hoa, làm vườn. Có lẽ cũng phần nào liên quan đến côn trùng và bươm bướm. Tôi học được có nhiều loài hoa chỉ hấp dẫn một số loại bướm nhất định. Mảnh vườn nhỏ cũng là nơi thu hút bướm trong tự nhiên dành cho việc sưu tập.

Tự nhận mình là người không ngừng học hỏi, anh nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của việc mở rộng thực hành nghệ thuật và liên tục khám phá các lĩnh vực mới đối với mỗi nghệ sĩ?

Nghệ thuật đương đại chú trọng khai phá bản sắc của mỗi cá nhân. Đó là một quá trình dài để tự tìm hiểu bản thân và nhận thức điểm độc đáo, duy nhất của mình. Để chứng minh điều đó bằng nghệ thuật là một việc cực kì khó. Người làm nghệ thuật cũng chính vì thế mà phải luôn luôn học hỏi và làm mới chính mình. Ngoài công việc sáng tạo chính, đôi khi thực hành những lĩnh vực nghệ thuật khác có thể bổ sung về mặt ý tưởng. Đối với những người làm nghệ thuật lâu năm, sợ nhất là đi vào lối mòn và lặp lại. Khám phá các lĩnh vực mới cũng giúp tôi nhận ra rằng, nhiều khi cũng phải tự thoát ra vỏ bọc của chính mình – như những con sâu nằm trong kén có ngày cũng hoá bướm.

Nếu cho rằng việc đi tìm những sở thích mới là một cách để thích nghi với bối cảnh chung và tạo ra một “nơi trú ẩn” cho tâm hồn, vậy phải chăng các thực hành nghệ thuật hiện có đang không làm tốt vai trò giải phóng tư tưởng và tự đối thoại của bản thân người nghệ sĩ?

Người nghệ sĩ lúc nào cũng rất nhạy cảm với những biến đổi xung quanh. Nếu bối cảnh thay đổi thì bắt buộc họ phải thay đổi. Nhưng cảm xúc con người thì không thay đổi như thời tiết được. Người làm nghệ thuật rất cần một khoảng thời gian dài để thích nghi. Và tôi nghĩ họ cần một “chỗ trú ẩn” để được bước tiếp trên con đường mà họ đã chọn. Bây giờ, người theo các ngành nghệ thuật ứng dụng cũng rất phổ biến. Theo tôi, cũng còn tuỳ mình làm nghệ thuật vì mụch đích gì. Có người làm vì danh vọng hay mục đích kinh tế; có người làm nghệ thuật chỉ để giải khuây; có người làm vì lẽ sống, vì tranh đấu, vì mục đích giáo dục. Nói như vậy để thấy, giải phóng tư tưởng và tự đối thoại phải chăng cũng là một phần rất nhỏ trong những mục đích lớn hơn của nghệ thuật? Nếu như nghệ thuật đương đại là một cây ghép, mỗi sở thích mới là những cành ghép, nếu gốc vững và cành phù hợp thì tất nhiên nó sẽ phát triển tốt và ngược lại.

Có người cho rằng hoa chỉ đẹp khi hoa ở trên cành, động vật chỉ đẹp khi tồn tại trong thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng nghệ thuật chính là một trong những phương thức lưu giữ vẻ đẹp cuộc sống. Liên hệ với sở thích sưu tập bươm bướm, ở một khía cạnh, chúng ta đang tước đi quyền sống và chết một cách tự do của sinh vật tự nhiên, nhưng ở khía cạnh ngược lại, chúng ta cũng tạo ra một cuộc sống mới cho chúng. Quan điểm của anh là gì?

Đó cũng là bản chất của nghệ thuật đương đại, người nghệ sĩ chỉ đặt vấn đề còn người xem tự giải quyết vấn đề theo cách riêng của họ. Damien Hirst, người nghệ sĩ luôn gây nhiều tranh cãi với những tác phẩm triệu đô làm từ hàng ngàn thân xác của động vật, trong đó có cả tranh bươm bướm “Tranquility” rất nổi tiếng. Tôi không sưu tập vì mục đích thương mại. Tôi cũng có đọc nhiều về việc sưu tầm bướm, có một thống kê như vầy kể ra cũng có thể lý giải phần nào. Loài nhện giết nhiều bươm bướm hơn tất cả những gì con người đã sưu tập. Ngoài ra, việc tàn phá nơi trú ẩn của chúng như chặt cây, cháy rừng, làm nông trại hay đô thị hoá cũng gián tiếp giết chết hàng loạt bướm. Tôi nghĩ như một vòng tuần hoàn của tự nhiên, mọi thứ cần có một sự cân bằng.

Sắp tới anh có dự định sẽ tiếp tục phám khá sở thích/thực hành nghệ thuật nào?

Thật ra tôi đang có kế hoạch làm một dự án wearable-sculpture , vì tôi vốn dĩ xuất thân từ ngành thiết kế thời trang. Ngoài ra, tôi hy vọng sẽ có dịp trở về Việt Nam trong tương lai gần để tìm hiểu về các làng dệt, nhuộm và làm vải truyền thống.

Cảm ơn anh đã dành thời gian cho ELLE Decoration Việt Nam.  


Họa sĩ Quốc Trung Kenny Nguyễn sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam.

Anh cùng gia đình sang Mỹ định cư khi đang theo đuổi giấc mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang tại Việt Nam. Sau đó, Kenny Nguyễn tiếp tục theo đuổi giấc mơ nghệ thuật của mình tại trường Đại học Bắc Carolina ở Charlotte. Anh tốt nghiệp cử nhân ngành hội họa năm 2016. Những tác phẩm nghệ thuật của anh thường dựa trên các trải nghiệm sâu sắc để khám phá về bản sắc cá nhân và sự chuyển đổi văn hóa.

Kenny Nguyễn đã trưng bày các tác phẩm của mình trong nhiều triển lãm nhóm và cá nhân tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Iceland. Năm 2016, anh nhận được giải thưởng Xuất sắc cho Nghệ sĩ trẻ đương đại châu Á tại Bảo tàng Nghệ thuật Sejong, Seoul, Hàn Quốc cùng nhiều giải thưởng khác. Hiện tại, Kenny Nguyễn sống và làm việc tại thành phố Charlotte, tiểu bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ.

Bài: Đoàn Trúc | Ảnh: Kenny Nguyễn.


Xem thêm:

Nữ nghệ sĩ Việt và những sắc màu phong phú

T SAKHI – Đa chiều tính nữ