Dấu ấn hoàng kim của Karl Springer

Giới sưu tầm đồ nội thất thủ công cao cấp của Anh và Mỹ có lẽ không ai không biết tới Karl Springer. Là một trong những cái tên nổi bật của thập niên 1960-70, những thiết kế của Springer giống như phản chiếu lại thời đại hoàng kim của nghệ thuật cũng như khẳng định giá trị những sản phẩm được làm bằng tay của những nghệ nhân bậc thầy.

Sinh năm 1931, Karl lớn lên trong giai đoạn cao trào của Art Deco và quyết định chuyển từ quê nhà Berlin tới New York để theo đuổi công việc của một người trưng bày cửa sổ cho các trung tâm mua sắm, và sau đó là nghề đóng bìa sách với chất liệu cao cấp. Việc thiết kế đồ nội thất trong giai đoạn đó chỉ như một thú vui của Karl. Tuy nhiên, số phận của ông hoàn toàn thay đổi khi Wallis Simpson– quý bà từng khiến một vị vua của nước Anh chọn thoái vị để kết hôn với mình – có ấn tượng đặc biệt với các món nội thất do ông thiết kế. Nhờ sự ảnh hưởng của Wallis trong giới tinh hoa, cái tên Karl Springer trở nên nổi tiếng, và khách hàng nô nức kéo đến để đặt hàng. Đến năm 1965, ông mở xưởng chế tác đầu tiên của mình tại Manhattan và tới lúc qua đời vào năm 1991, ông đã có showrooms ở cả Los Angeles, Tokyo và Munich.

Bộ bàn và bàn trang trí với chất liệu sơn mài da dê trên gỗ.

Bàn đặt góc phủ giấy da trên gỗ và bàn bar có bánh xe, được làm từ gỗ phủ sơn mài da dê.

Triết lý thiết kế ban đầu của Karl Springer là tạo ra đồ nội thất từ mọi vật liệu có thể, bất kể nguồn gốc và chất liệu, miễn phù hợp. Tuy nhiên, bản chất là một người cầu toàn dần dần biến ông trở thành nhà thiết kế của những chất liệu thượng hạng, và người biến các mẫu thiết kế của ông thành hình cũng là những nghệ nhân hàng đầu thế giới. Karl Springer với xuất phát điểm là một người thiết kế nội thất không chuyên với các sản phẩm giá cả vừa phải đã trở thành cái tên của dòng nội thất cao cấp và đắt đỏ.

Bàn nhỏ phủ da

Bàn gỗ khảm mai rùa

Bàn cà phê như một tác phẩm điêu khắc với chất liệu sừng

Thiết kế của Karl Springer đi theo cấu trúc hình khối vững chãi, bo góc, đôi khi sáng bóng rực rỡ, đôi khi lại có cảm giác rất tự nhiên thô mộc. Dù dấu ấn Art Deco và cảm hứng nội thất Trung Quốc cổ là yếu tố nổi bật nhất trong thiết kế của ông, nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể tìm thấy ở đó hơi hướng của Bauhaus (Đức) hay Ashanti (châu Phi). Nhìn chung, thiết kế của ông cần một không gian đủ lớn để chúng có thể khoe hết vẻ đẹp huy hoàng của mình với những khán giả xứng đáng.

Tuy nhiên, sự thay đổi về giá cả sản phẩm không thay đổi bản chất ưa thử nghiệm của Karl. Ông sử dụng rất nhiều chất liệu, đặc biệt là những chất liệu hiếm có khó tìm, cần đến tay nghề xử lý cao. Trong số đó, có thể kể đến cả chrome và thép được đánh bóng – những chất liệu hiếm được sử dụng trong nội thất ngày nay. Bên cạnh đó, ông cũng sử dụng cả da dê, xương, sừng và cả các chất liệu gỗ, sơn mài, giấy giả da và vải. Ông là người được ghi công trong việc hồi sinh một loại chất liệu từ da cá mập châu Á, vốn từng rất phổ biến trong thập niên 1920 rồi bị rơi vào quên lãng.

Bộ ba bàn theo hình khối tự do đặc trưng cho thiết kế với cấu trúc vững chãi mà vẫn ngẫu hứng của Karl.

Ghế với tay vịn và phần trụ đỡ mạ vàng lá, kết hợp với phần đệm ngồi bọc vải giả da cùng với bàn cà phê bọc da.

Sinh thời, Karl Springer dành phần lớn thời gian đi thăm từng xưởng chế tác thủ công để tìm kiếm nghệ nhân và cảm hứng. Sự kết hợp của những chất liệu được coi là kỳ lạ và tay nghề chế tác đỉnh cao với sự cầu kỳ tới từng chi tiết khiến mỗi sản phẩm của Karl Springer trở thành một tác phẩm nghệ thuật ứng dụng riêng biệt và cũng hết sức bắt mắt. Sự khắt khe nhiều khi đến mức cực đoan của ông khiến cả giới thiết kế nội thất kính nể, đồng thời cũng biến ông thành một huyền thoại.

Bài HẢI ANH