Đặng Xuân Hòa: “Sửa nhà cũng hào hứng như vẽ tranh”

Choáng ngợp là cảm giác đầu tiên của ê-kíp ELLE Decoration khi có mặt trong không gian của gia đình họa sĩ Đặng Xuân Hòa. Đôi khi, sự phong phú và giàu có của các chi tiết khiến chúng tôi ngộp thở. Theo mỗi bước chân, ở mỗi góc nhà là những không gian nghệ thuật được anh sắp xếp với chủ đích, chủ đề và cảm hứng sáng tác rõ rệt. Đây là mảng tường với những bức tranh 12 con giáp được anh vẽ vào mỗi đầu năm mới. Kia là những chân dung anh vẽ người bạn đời vào những giai đoạn khác nhau của cuộc đời…

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa

Với một tên tuổi thành công của hội họa Việt Nam đương đại như Đặng Xuân Hòa, được gặp anh đã có thể coi là một hạnh ngộ. Vậy mà, BBT ELLE Decoration còn được ngồi nói chuyện cùng anh về hội họa, nội thất và về những người bạn nghệ sĩ qua các thời kỳ… trong chính không gian sống – làm việc của anh và vợ, họa sĩ Đỗ Thúy Hằng.

Ngôi nhà 5 tầng chúng tôi tới thăm nằm sâu trong ngõ Lý Thường Kiệt, Hà Nội, có hướng nhìn sang ngôi nhà Pháp cổ mang dấu vết của những thăng trầm và cây hồng xiêm xanh um. Vợ chồng họa sĩ Đặng Xuân Hòa có 2 studio vẽ tranh nằm ở trên tầng cao nhất. Studio của chị giờ còn được sử dụng cho những lớp học vẽ thiếu nhi. Ngôi nhà được mua vào năm 2000 và đã trải qua rất nhiều lần sửa chữa theo đúng nhu cầu sinh hoạt của chủ nhân. Người bạn KTS tư vấn về kết cấu và kiến trúc, còn toàn bộ tinh thần không gian đều được gia đình “làm theo ý mình”. Theo như anh Đặng Xuân Hòa bông đùa là “làm theo phong cách hào hứng của người nghệ sĩ, nghĩa là hào hứng đến đâu thì làm đến đó, chứ không có tính toán chi li cụ thể, làm thành 3D như các KTS. Mình cứ tự xoay xở, sai thì sửa, y như… vẽ tranh, đuổi theo ý tưởng. Cứ như vậy, ngôi nhà hay bức tranh mới có chiều sâu, có lớp lang và được tìm tòi; suy cho cùng, nghệ thuật là sự loay hoay, khi mình chưa thấy bằng lòng thì sửa thêm, làm thêm”.

Sê-ri tranh “Những người trong thành phố”.

Bởi thế, ngôi nhà cũng cứ hồn nhiên, thú vị, ngẫu hứng, gây kinh ngạc như chính những chủ nhân của nó. Có những góc và không gian đầy bất ngờ như phòng trưng bày các tác phẩm xếp hình Lego cỡ lớn hay phòng “triển lãm” mini các thể loại xe ô tô của con trai anh – một NTK xe ô tô được đào tạo tại Mỹ. Còn lại là thế giới tranh của anh: thế giới nghệ thuật, thế giới tâm tưởng, nhân sinh quan của người nghệ sĩ tài năng làm nên linh hồn của cả không gian sống.

“Cậu bé với cái ván trượt”.

 

“Từ hồi tôi ra trường, dù là vẽ một ký họa bằng tay, hình minh họa bé tí cho báo, hay một bìa sách cho NXB, tôi cũng luôn rất hào hứng. Và suốt sự nghiệp hầu như lúc nào tôi cũng sung sức. Giai đoạn không hào hứng thì cũng ít thôi. Làm việc theo tinh thần hào hứng của mình sướng lắm, vì tự do và không bị ai áp đặt. Tôi vẽ từ năm 1983, và gần như không nghỉ. Tới hôm nay, tôi cũng còn nhiều thứ còn đang dang dở, còn rất nhiều ý tưởng trong đầu”.

Xưởng vẽ

“Tôi có thói quen không làm việc ban ngày, chỉ khi trên truyền hình hết chương trình Thời sự, tôi mới bắt đầu vào studio và vẽ tới 2-3h sáng, hay có những lúc hứng quá thì tới tờ mờ sáng khi mọi người bắt đầu đi tập thể dục. Để giữ được sự hào hứng đó trong nhiều năm, đầu tiên mình phải có nhu cầu, và nội lực. Đó là nhu cầu tối thiểu vì mình nghĩ mình làm được việc này đến nơi đến chốn thì mình làm. Điều đó thúc đẩy tôi vì thực ra, tôi cũng không biết làm việc gì khác hơn. Và các bạn cũng mê, có những người bỏ tiền ra mua tác phẩm, vậy thì, tại sao mình lại không làm? Thế nên, tôi cứ hào hứng suốt. Tôi cũng không bao giờ vẽ một bức, mà tối thiểu dăm bảy bức, theo một serie. Khi kết thúc thì mình quay lại cái ban đầu, để có chuệch choạc thì mình vẽ lại. Khi bạn thực sự muốn những tác phẩm là của mình, bạn sẽ hào hứng và có tình yêu. Những họa sĩ lao động từ nhu cầu cá nhân tối thiểu như vậy sẽ có được sự lâu dài. Như cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, ông làm việc đến gần 100 tuổi dù không hề tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài”.

Tác phẩm “Con người và đồ vật”.

Tác phẩm “Vòng đời đỏ”.

Với tinh thần “Họa sĩ không cần một ê-kíp mà dựa vào nội lực, nhu cầu tự thân và tính độc lập cao”, anh Đặng Xuân Hòa vẫn sáng tác hào hứng đúng như tinh thần từ tuổi đôi mươi, khi thì cho bạn bè với những bức chân dung, cho những phòng tranh quốc tế “đặc biệt là mỗi khi Tết Âm lịch sắp về là họ lại đặt tranh các con giáp”. Trong đầu năm 2017, họa sĩ Đặng Xuân Hòa sẽ có triển lãm chung với những bạn bè cùng thời.

Không gian phòng ăn và nơi thư giãn

Tác phẩm “Ngày xanh”.

Không gian gia đình của vợ chồng họa sĩ Đặng Xuân Hòa không chỉ đáng sống mà còn đáng khám phá. Đơn giản, bởi không gian đó là cả một kho báu sống động của văn hóa, của nghệ thuật, thể hiện toàn bộ nhân sinh quan và mỹ cảm sâu sắc từ một tài năng hội họa đương đại hàng đầu của Việt Nam.

Bài: NGUYỄN DANH QUÝ – Hình ảnh: JUNDAT