Khi nghệ sĩ thị giác thiết kế sản phẩm: Cung bậc thăng hoa mới của sự sáng tạo

Nghệ thuật đem lại sự thỏa mãn về thị giác trong khi thiết kế sản phẩm chủ yếu tập trung vào công năng. Một bên như thực tại vững vàng dưới mặt đất, bên còn lại bay bổng tự do lướt giữa bầu trời. Vậy nhưng khi gặp nhau, hai lĩnh vực này lại tạo nên sự bùng nổ về cảm giác, nơi trí tưởng tượng được vinh danh và trải nghiệm cuộc sống của con người có thêm chút nhiệm màu. Trong bài viết lần này, ELLE Decoration sẽ giới thiệu những thiết kế sản phẩm được nhào nặn từ đôi bàn tay người nghệ sĩ. Chúng mang trong mình yếu tố cao trào về mặt thẩm mỹ và ấp ủ những giá trị đáng quý về tâm hồn của những người tạo ra chúng. Một thế giới khác biệt được phác họa qua những lăng kính sáng tạo đủ sắc màu.

Nghệ sĩ Phuc Van Dang và bộ bình họa chân dung bằng vàng

Nghệ sĩ ý niệm Phuc Van Dang, người rất nổi tiếng với những tác phẩm họa hình trắng-đen nay còn hé lộ tài năng của mình trong lĩnh vực trang trí gốm. Nghệ sĩ sáng tạo người Đan Mạch gốc Việt này cẩn thận thu góp những chiếc bình cổ từ những cửa hàng second-hand và thổi vào chúng một hồn sống mới mẻ qua những nét vẽ uyển chuyển, lấp lánh vàng như một sự tái sinh bừng tỏa mạnh mẽ. “Tôi luôn yêu thích kỹ nghệ thủ công và khả năng biến hóa, khơi nguồn câu chuyện của chúng”, anh cho biết. Bằng cách sử dụng những vật phẩm đã qua sử dụng, Phuc Van Dang gieo một mầm sống tái sinh từ cái nền hao mòn, cũ kỹ như một minh chứng cho khả năng biến hóa mà nghệ thuật sở hữu. Triết lý tái sử dụng và nâng cấp xuất phát từ phương châm sống tử tế mà Phuc Van Dang theo đuổi, đó là: “Hãy giúp đỡ khi ta có thể”. Cụ thể anh chia sẻ, lợi nhuận thu được từ việc bán những chiếc bình second-hand sẽ được đóng góp trực tiếp đến quỹ Danish Cancer Society, hỗ trợ những người bệnh đang chống chọi với ung thư. Không chỉ là nghệ thuật, đây còn là một dự án sáng tạo phục vụ cho ý nghĩa nhân văn tốt đẹp.

sáng tạo 15

Những chiếc bình gốm được họa bằng vàng lỏng 18-karat, trên đó là những hình chân dung bé nhỏ. Nhìn thoáng qua sẽ tưởng là hoa văn, nhưng quan sát kỹ bạn sẽ nhận thấy chúng là những khuôn mặt người hướng về nhau như thể đang tương tác, chuyện trò. Phuc Van Dang chia sẻ quá trình tạo ra một sản phẩm gốm sứ đặc biệt của mình như sau: “Đầu tiên, tôi sẽ quan sát hình dáng của món đồ gốm. Sau đó là công năng của nó. Và thứ ba tôi tự hỏi mình: Tôi muốn kể câu chuyện gì qua món đồ này?”. Mỗi chân dung Phuc họa trên gốm lại mang một phần con người anh và đại diện cho những giá trị mà người nghệ sĩ tin tưởng.

sáng tạo 14

Màu sắc và độ bắt sáng của chất liệu phủ thật sự đem lại vẻ đẹp tinh tế và vẫn rất bắt mắt cho bộ sưu tập sản phẩm sứ.

“Tôi luôn yêu thích kỹ nghệ thủ công
và khả năng biến hóa,
khơi nguồn câu chuyện của chúng”

sáng tạo 13

sáng tạo 12

Dưới ngòi bút đầy ngẫu hứng của nghệ sĩ thị giác Phuc Van Dang, vẻ đẹp cổ điển và đương đại hòa trộn vào nhau.

Dự án độc đáo của Phuc Van Dang là một sự giao thoa tinh tế giữa hiện thực và nghệ thuật sáng tạo. Trong đó, thiết kế thực sự sở hữu công năng phục vụ cho đời sống con người chứ không chỉ mang tính chất trưng bày cảnh vẻ. Người nghệ sĩ nhận ra đời sống công nghiệp đang kéo con người đi quá nhanh, quá xa, đến mức đồ dùng ở trong nhà cũng chỉ là những thứ… phù hợp với máy rửa chén. Trong khi ở quá khứ, gốm sứ lại là đại diện của nếp sống chậm thanh tịnh và chăm chút – khi mọi thứ từng được nâng niu và ra đời trong sự ấp ủ của biết bao nhiêu tâm tình. Với dự án này, anh muốn mang trở lại cảm giác tao nhã, bình thản nằm trong cái hồn cốt lõi của gốm sứ. Phuc Van Dang tái hiện lại vẻ đẹp đó không chỉ như một cách lưu dấu những kỷ niệm tuổi thơ mà còn mang ý nghĩa phục dựng lại những giá trị sống tốt đẹp đang dần biến mất trong xã hội ngập tràn sự vội vã.

Dự án 2019 IKEA Art Collection

Dự án Art Collection thuộc chủ đề IKEA Democratic Design Day quy tụ 8 nghệ sĩ đương đại trẻ với những cá tính nghệ thuật hoàn toàn khác biệt. Sản phẩm được ra mắt là những tấm thảm thủ công tuyệt đẹp mang trên mình đủ kích cỡ, màu sắc cùng tầng lớp ý niệm đa dạng. Dự án này được thực hiện với mục đích lan tỏa chất “thiết kế dân chủ”, tự do trong cách diễn đạt và đem nghệ thuật đến gần hơn với đại chúng, khi những tác phẩm xứng danh trưng bày trong viện bảo tàng có thể hiện diện ngay trong phòng khách nhà bạn. Các nghệ sĩ với xuất phát điểm đa dạng như thời trang, điêu khắc, hội họa đã tạo ra những tác phẩm ngay trong studio của họ trên khắp thế giới. Thảm sau đó được dệt tại Ai Cập và Ấn Độ bằng những kỹ nghệ thủ công truyền thống như dệt dhurrie, cắt vòng tinh xảo. Những tấm thảm nghệ thuật độc nhất vô nhị này phản ánh sự đa dạng văn hóa cùng cá tính nguyên bản, sáng tạo của những người trẻ tài năng.

Tác phẩm sáng tạo thứ ba đến từ nghệ sĩ Filip Pagowski

Cha đẻ của “logo hình trái tim” của thương hiệu danh tiếng Comme des Garcons. Trong tác phẩm này, cặp màu trắng đen khơi gợi lên sự huyền bí cùng tầng lớp ý niệm sâu sắc. Pagowski sử dụng những nét mảnh màu trắng, gài mắc vào nhau trên vùng nền đen thăm thẳm để gửi gắm ý niệm của khởi nguồn, mô tả hình ảnh phóng to của tấm thảm len. Nét hoa văn không đồng đều khắc họa cái đẹp bất toàn đầy thu hút của đồ dùng thủ công.

sáng tạo 11

Tác phẩm của NTK thời trang Craig Green

NTK đến từ London sử dụng những gam màu nhiệt đới chủ đạo, những nét đẩy bút mạnh bạo để khắc họa nên một thiên đường, nơi con người có thể trốn thoát khỏi hiện thực khắc nghiệt và mở ra cánh cửa đến một thế giới tươi sáng, sáng tạo hơn.

sáng tạo 10

Tấm thảm thứ 5 mang hình dạng vô định

Thể hiện một nhóm người đang cuộn rối vào nhau. Tác phẩm này thuộc về họa sĩ Noah Lyon, diễn tả vòng xoáy của cuộc đời đan xen khi thế giới của chúng ta dạt trôi trong vũ trụ. Tác phẩm của Lyon lấy cảm hứng từ câu chuyện Navajo kể về một người đàn ông bị cuốn vào trong cơn lốc xoáy quay cuồng và nhận được bài học về những giá trị cuộc sống từ các linh hồn.

sáng tạo 9

Nghệ sĩ Misaki Kawai

Mang đến một tác phẩm đáng yêu với nhân vật chính là ba cá thể họ nhà mèo nằm đỉnh đương “pose” dáng, lớp lông mềm tơi rõ từng sợi xốp phồng. Kawai tạo hình cho các nhân vật của mình độ tương phản bắt mắt với các lớp màu neon rạch ròi khắc họa bản tính vừa ngọt ngào, nũng nịu mà cũng thật độc lập bí ẩn của những chú mèo. Một tấm thảm mang đầy đủ cá tính đương đại: trẻ trung, nổi bật trong màu sắc và tự do trong cách thể hiện.

sáng tạo 8

Tấm thảm rực rỡ của cặp đôi họa sĩ Adam Frezza và Terri Chiao

Được lấy cảm hứng từ khung cảnh mùa Xuân sa mạc vùng Tây Nam Mỹ với những mảng color block tương phản mạnh mẽ như mời gọi người xem hãy giải phóng tư tưởng của mình, tự do mộng tưởng và khám phá phút giây vui thú ngập tràn cảm xúc. Các sinh vật trên thảm mang màu sắc phong phú, một sản phẩm đậm tính graphic.

sáng tạo 7

Bộ sưu tập nội thất WAAW

Đánh dấu sự hợp tác giữa David Weeks Studio và nghệ sĩ người Senegal – Abdou Salem Gaye. Người nghệ sĩ đã thổi âm hưởng Phi Châu phóng khoáng vào những vật dụng thường ngày, đem lại cho chúng diện mạo sôi nổi, đầy sức sống. Các sản phẩm được đan dệt theo kỹ thuật truyền thống của Senegal, toàn bộ được thực hiện ở Dakar qua bàn tay của những thợ thủ công lành nghề. Đặc biệt, nhà sản xuất sử dụng loại sợi polyester lõi thép chuyên dùng cho du thuyền, đảm bảo cho sự bền bỉ của bàn ghế trong điều kiện thời tiết bên ngoài. Cách khai triển họa tiết cuộn tròn ở tâm điểm và lan tỏa tan biến khi tiến dần ra ngoài khiến người ta liên tưởng đến những nhịp rung phấn khích của chiếc trống Sabar mỗi dịp lễ hội.

sáng tạo 6 sáng tạo 5 sáng tạo 4

Nghệ sĩ người Hàn Quốc Seulgi Lee

Mang đến một sản phẩm tối giản đầy tính tượng trưng. Một chú cá tự do biểu hiện cho quyền năng của những sắc màu cùng thông điệp ngọt ngào: hãy cứ vui lên. Vui như một chú cá tự do bơi lội trong nước vậy.

sáng tạo 3

Tác phẩm thứ bảy của nghệ sĩ SupaKitch

Là một hình dung táo bạo của loại thảm hình động vật. Thay vì thể hiện những con thú quen thuộc, SupaKitch lại chọn rắn bởi dáng hình thú vị và ý nghĩa tâm linh sâu sắc của nó. Đó là sự chữa lành trong tâm hồn, cụ thể, chu trình lột da của rắn là biểu tượng cho sự tái sinh mạnh mẽ.

sáng tạo 2

Cuối cùng nhưng không kém phần thú vị là tác phẩm sáng tạo của Virgil Abloh

NTK sáng lập nên thương hiệu thời trang Off-White. Abloh sử dụng cụm từ “keep off” (tránh xa ra) để thể hiện thái độ châm biếm đến cách người ta xem vật dụng trong phòng khách như để trưng bày hơn là sử dụng. Thông điệp này thể hiện sự biến chuyển mạnh mẽ trong nhận thức sử dụng nội thất của người trẻ, không còn quá soi xét, giữ gìn thái quá, thay vào đó là thực sự tận dụng sáng tạo hết mọi công năng.

sáng tạo 1

Bài: Phương Nguyễn | Ảnh: NVCC.


Xem thêm:

Nguyễn Trương Quý – Vẽ Hà Nội qua ngòi bút ung dung

Tuấn Ti – Góc máy trẻ giữ tâm hồn phố cổ