Nhà thiết kế Sofie Aaldering
Sofie Aaldering là NTK trẻ triển vọng trong mảng thiết kế chất liệu dệt may. Cô tốt nghiệp loại xuất sắc tại Đại học Nghệ thuật Utrecht và được giới thiệu trên trang bìa ấn phẩm ELLE Decoration Hà Lan với tư cách là một trong những nghệ sĩ đáng chú ý giai đoạn đầu năm 2024. Cảm hứng sáng tác của cô bắt nguồn từ sự say mê sâu sắc dành cho vật liệu, bất kể tự nhiên hay tổng hợp, chẳng hạn như vải tuyn, len, raphia, sợi thùa (sợi sisal)… Bằng cách khám phá và biến đổi linh hoạt đặc tính nền tảng của vật liệu, Sofie tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ba chiều mang khả năng khơi gợi trí tưởng tượng.
Nhà thiết kế Sofie Aaldering. Ảnh: Anne Timmer
Ảnh trên và dưới Dự án In flore
Ảnh: Jan Willem Kaldenbach
Một đặc trưng khác trong các thiết kế của Sofie Aaldering là tất cả sản phẩm đều được chế tác bằng tay, áp dụng kỹ thuật thủ công truyền thống cần nhiều lao động để đảm bảo mức độ hoàn hảo trong từng chi tiết, đồng thời cung cấp thêm cơ hội việc làm cho các nghệ nhân địa phương. Những dự án sống động của Sofie, chẳng hạn như In flore, là minh chứng cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của một nghệ sĩ trẻ trong công cuộc khám phá thế giới vật liệu và giành lại vị thế cho nghề thủ công trên thị trường.
Nhà thiết kế Ori Orisun Merhav
Kể từ khi nghiên cứu shellac – một loại polymer sinh học cho dự án tốt nghiệp tại Học viện Thiết kế Eindhoven ở Hà Lan vào năm 2022, Ori Orisun Merhav đã có bước nhảy vọt trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật dù tuổi đời còn rất trẻ. Trong vòng hai năm, cô thành lập dự án Made by Insects, Lac-Lab, cho ra mắt vật thể in 3D đầu tiên từ polymer tự nhiên và được bổ nhiệm làm nhà nghiên cứu liên kết tại Phòng thí nghiệm Bio-Polymer của Avans Hogeschoo.
Nhà thiết kế Ori Orisun Merhav. Ảnh: Liza Karsemeijer
Ảnh trên và dưới Thiết kế Insects Cradle. Ảnh: Ori Orisun Merhav
Các nghiên cứu của Ori Orisun Merhav xoay quanh bọ cánh kiến đỏ (Kerria Lacca) và những lợi ích độc đáo mà chất tiết của chúng mang lại. Cụ thể, khi loài côn trùng này làm kén và sinh trưởng, chất dịch tiết ra trên cơ thể sẽ kết hợp với đường trong thân cây để tạo thành
một loại nhựa màu đỏ. Tuy không phát minh ra vật liệu nhưng thông qua quá trình hợp tác với các thợ thủ công và chuyên gia trong ngành, cô đã phát triển một kho tàng kỹ thuật mới để làm việc với loại polymer tự nhiên này.
Ori đã tìm ra nhiệt độ nóng chảy và khả năng ứng dụng quy trình tương tự như thổi thủy tinh cho vật liệu, từ đó triển khai in 3D và hướng đến trở thành giải pháp thay thế bền vững cho lớp phủ hóa học độc hại. Những tác phẩm của cô đã thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức trong phòng thí nghiệm và cuộc sống hàng ngày, sử dụng tài nguyên tự nhiên để tạo ra những vật thể có khả năng cải thiện mối quan hệ giữa con người với hành tinh, đưa khái niệm “chủ nghĩa tương hỗ” đến gần hơn với lĩnh vực thiết kế.
Kiến trúc sư Riccardo Monte
Sau 8 năm gắn bó với vai trò KTS ở dRMM Architects, một studio nổi tiếng đã giành được Giải thưởng Stirling danh giá, Riccardo Monte trở về ngôi nhà bên sườn núi của mình ở Ornavasso, Ý, rời bỏ thành phố Luân Đôn nhộn nhịp để theo đuổi lối sống đơn giản. Anh đã sống sáu tháng trong rừng, không có điện và phát triển niềm đam mê với kỹ thuật bảo quản gỗ bằng lửa cổ xưa của Nhật Bản – Shou Sugi Ban. Quá trình bao gồm đốt bề mặt gỗ cho đến khi cháy thành than trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt để củng cố cấu trúc, giúp gỗ chống thấm nước tốt hơn và ít bị mục nát hơn, giải pháp truyền thống này được xem như một bài thuốc thuận tự nhiên chống lại côn trùng và nấm mốc.
Kiến trúc sư Riccardo Monte. Ảnh: Riccardo Monte
Ảnh trên và dưới BST Shape of Wood
Ảnh: Riccardo Monte
Khi đã thực hiện nhuần nhuyễn, Riccardo Monte cho ra mắt BST đồ nội thất bằng gỗ nguyên khối Shape of Wood (tạm dịch: Dáng hình của gỗ) với bề ngoài cháy than làm nổi bật những đường vân tự nhiên, truyền tải câu chuyện thú vị về kết cấu tùy theo lượng lửa và loại gỗ được sử dụng.
Nhà thiết kế Michela D’Angelo
Michela D’Angelo tốt nghiệp ngành Thiết kế sản phẩm tại Trường Nghệ thuật và Thiết kế EASD ở Valencia, Tây Ban Nha vào năm 2015. Sau đó cô chuyển đến sống tại Hà Lan để học việc dưới trướng nghệ sĩ Nacho Carbonell trong vòng 5 năm. Năm 2021, cô thành lập dự án MiDA-lab, đánh dấu bước đầu sản xuất nghệ thuật của riêng mình.
Nhà thiết kế Michela D’Angelo. Ảnh: Britt Roelse
BST đèn Travelers. Ảnh: Britt Roelse
MiDA-lab thực hiện đa dạng mặt hàng theo yêu cầu, từ đồ nội thất đến đồ trang trí, đặc trưng bởi kết cấu độc đáo, hình dạng hữu cơ và sự tương tác giữa các vật liệu cơ bản như: gốm sứ, thủy tinh, mây, nhựa tái chế, vải, thép, đồng và nhôm. Ví dụ, trong BST đèn Travelers, Michela D’Angelo đã kết hợp gốm, mây và kim loại để tạo ra những thiết kế mang vẻ đẹp của tác phẩm điêu khắc, lơ lửng giữa ranh giới vật chất và ý thức. Đặc biệt, phần đế bằng dây đồng của những chiếc đèn này còn được chế tạo theo phương pháp đúc sáp đã bị thất truyền trong suốt hàng nghìn năm, thể hiện tư duy tiếp cận nghệ thuật toàn diện của Michela, không chỉ theo đuổi sức hấp dẫn về mặt thẩm mỹ mà còn gìn giữ nguồn gốc, di sản của nghệ thuật thủ công.
Nhà thiết kế Clara Sullà
Trong 10 năm làm người đứng đầu bộ phận phục trang và dệt may cho các buổi biểu diễn của công ty La Fura dels Baus, Clara Sullà nhận thấy các giải pháp chất liệu phục vụ nhu cầu cách âm được phát triển và công nghiệp hóa với rất ít lựa chọn về thiết kế. Vì thế, vào năm 2019, cô thành lập Sullà Studio chuyên cung cấp các giải pháp kiểm soát tiếng ồn hiệu quả nhưng vẫn duy trì tính thẩm mỹ và phù hợp với không gian, quyết tâm khai thác thị trường ngách đầy tiềm năng.
Nhà thiết kế Clara Sullà. Ảnh: Sullà Studio
Ảnh: Sullà Studio
Nhà hàng Vicus ở Empordà. Ảnh: Sullà Studio
Tại Sullà Studio, thay vì sử dụng mút xốp hoặc bọt PU truyền thống, những tấm tiêu âm sẽ được làm từ vật liệu dệt may như: len, sợi và vải, đồng thời được sắp đặt một cách tinh tế thành các tác phẩm nghệ thuật để góp phần nâng tầm không gian. Nổi bật nhất trong danh mục công trình của Sullà Studio phải kể đến dự án Vicus ở Empordà, Tây Ban Nha, lấy cảm hứng từ loài cây mặt trăng với những cánh hoa lấp lánh như ngọc trai, tác phẩm mang đến độ sáng, tính năng động, sự giải phóng về âm thanh và vẻ đẹp sang trọng cho các bức tường của nhà hàng.
Nhà thiết kế Felicia Arvid Jaeger
NTK người Đan Mạch Felicia Arvid Jaeger bắt đầu sự nghiệp của mình ở tuổi 17, khi cô chỉ mới là thực tập sinh của một nhà mốt trong Tuần lễ thời trang Copenhagen năm 2012. Trong những năm tiếp theo, Felicia lấn sân vào thế giới sáng tạo sản phẩm và kiến trúc, đưa kiến thức tích lũy được trong ngành thời trang vượt ra khỏi trang phục và ứng dụng vào không gian xung quanh. “Kinh nghiệm may vá và tạo mẫu đã cho tôi kiến thức để xây dựng các hình khối ba chiều từ một mảnh phẳng” – cô chia sẻ. Đặc trưng thiết kế của Felicia Arvid là sử dụng chất liệu dệt và nếp gấp để tạo ra những món đồ nội thất hoặc tấm ốp đẹp mắt, sở hữu khả năng hấp thụ âm thanh tuyệt vời.
Nhà thiết kế Felicia Arvid Jaeger. Ảnh: Felicia Arvid
Các thiết kế đồ nội thất khác thuộc BST Infinity. Ảnh: Felicia Arvid
Cô đã đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế với thiết kế tấm cách âm Infinity làm từ vải len Kvadrat xếp nếp, chiến thắng Giải thưởng ADEX Plati- num danh giá năm 2021 và Giải thưởng ADI Design Index của Ý năm 2020. Bốn chiếc ghế trong cùng BST cũng được trưng bày tại Salone Satellite 2022 với kết cấu làm từ vật liệu polyester và thép tái chế ấn tượng.
Nhà thiết kế Zsuzsanna Horvath
Zsuzsanna Horvath là NTK người Hungary có nền tảng kiến trúc vững chắc nhờ sở thích đọc các tài liệu chuyên môn từ thời niên thiếu. Cô hành nghề KTS tại Phần Lan trong nhiều năm, đóng góp cho các dự án trọng điểm như Nhà hát hòa nhạc Logomo ở Turku, trước khi chuyển đến sống và điều hành studio nghệ thuật cá nhân tại Đan Mạch vào năm 2018.
Nhà thiết kế Zsuzsanna Horvath. Ảnh: Zsuzsanna Horvath
Ảnh trên và dưới Đèn Illan. Ảnh: Zsuzsanna Horvath
Các tác phẩm của Zsuzsanna luôn thể hiện sự giao thoa giữa nền tảng kiến trúc với sự chỉn chu trong lựa chọn vật liệu và công nghệ. Một trong những tác phẩm gây tiếng vang lớn nhất của cô là đèn treo Illan cho công ty chiếu sáng Luceplan. Chiếc đèn được làm từ ván gỗ bạch dương siêu mỏng và cắt bằng tia laser để tạo thành các đường nét phức tạp. Khi treo, hình dạng hữu cơ của đèn tương tác với trọng lực và ánh sáng, gây ra ảo ảnh chuyển động ấn tượng, thay đổi tùy theo góc nhìn.
Site Practice do Anna Geenen và David Schmidt
Studio thiết kế hợp tác Site Practice do Anna Geenen và David Schmidt thành lập vào năm 2018 nổi tiếng bởi phương pháp tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu và quy hoạch kiến trúc đô thị. Dự án đáng chú ý nhất của họ là Urban Commons, sáng kiến cải tạo những không gian bị bỏ hoang thành khu vực sinh hoạt cộng đồng sôi động. Bằng cách tập trung vào bối cảnh địa phương và thấu hiểu cộng đồng dân cư, Anna và David đã cùng nhau tạo ra những công trình không chỉ cuốn hút về mặt thị giác mà còn ẩn chứa thông điệp sâu sắc về cấu trúc xã hội và môi trường bản địa.
Anna Geenen và David Schmidt. Ảnh: Riccardo Monte
Một công trình thuộc dự án Urban Commons. Ảnh: Riccardo Monte
Tác động tích cực của Site Practice, từ lâu, đã vượt ra khỏi không gian vật lý đơn thuần. Thông qua các dự án sáng tạo của mình, Anna Geenen và David Schmidt góp phần vào công cuộc thúc đẩy kiến trúc trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi xã hội và quản lý môi trường, khuyến khích các NTK, kiến trúc sư tham gia xây dựng cảnh quan đô thị một cách bền vững hơn.
Nhà thiết kế David Valner
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống chế tạo thủy tinh tại Cộng hòa Séc, David Valner bị thu hút và mài giũa kỹ năng kết hợp nhuần nhuyễn di sản này với các nguyên tắc thiết kế đương đại một cách tự nhiên. Các tác phẩm đặc trưng của David thường có những đường nét hữu cơ tối giản, gọn gàng và những tính toán chu đáo về ánh sáng, độ trong suốt cũng như sự phản chiếu của thủy tinh. Anh cho phép các đặc tính vốn có của vật liệu quyết định hình dạng và chức năng của từng tác phẩm, kiên trì theo đuổi quan niệm mỗi
đồ vật đều là bản gốc và những điểm không hoàn hảo được xem là minh chứng đầy cảm hứng cho tay nghề thủ công.
Nhà thiết kế David Valner. Ảnh: David Valner
Ảnh: David Valner
Chiếc bàn dài trong BST đồ nội thất Fungus. Ảnh: David Valner
Cảm hứng chính trong các dự án hiện tại của David Valner đến từ thiên nhiên, cụ thể là vương quốc nấm với BST đồ nội thất Fungus, tái hiện màu sắc và hình dạng sống động của các loại nấm rừng nổi tiếng, cũng như các vi sinh vật nấm đơn bào dưới kính hiển vi.
Atelier NL do Lonny van Ryswyck và Nadine Sterk
Atelier NL là một studio thiết kế tại Hà Lan do Lonny van Ryswyck và Nadine Sterk sáng lập sau khi tốt nghiệp Học viện Thiết kế Eindhoven. “Nadine thiên về vật chất và biết nhiều kỹ thuật, trong khi tôi có khuynh hướng nhân học và thực hành nghệ thuật theo câu chuyện đằng sau mỗi món đồ” – Lonny chia sẻ về sự đồng điệu và khả năng bổ sung lẫn nhau của họ. Bộ đôi tin rằng sợi dây liên kết tất cả chúng ta là sự đa dạng của Trái đất.
Lonny van Ryswyck và Nadine Sterk. Ảnh: Atelier NL
Những chiếc bát gốm thuộc dự án Meandering Maas. Ảnh: Atelier NL
Họ phát triển triết lý thiết kế xoay quanh việc tạo ra các vật thể có thể kể câu chuyện về vùng đất mà chúng xuất phát, từ đó bộc lộ mối quan hệ giữa cộng đồng, vật liệu và môi trường. Chẳng hạn, trong dự án Meandering Maas, Atelier NL sản xuất một loạt đồ gốm làm từ nhiều loại đất sét khác nhau được thu thập trong lòng các con sông trên khắp châu Âu. Mỗi sản phẩm có màu sắc và kết cấu độc nhất dựa trên thành phần khoáng chất của đất sét ở từng khu vực. Các tác phẩm của Atelier NL luôn được cộng đồng thiết kế đánh giá cao vì sự toàn diện trong tính thẩm mỹ và cả tính bền vững. Họ muốn tái khám phá quy trình sản xuất và chế tạo thông thường, khuyến khích thực hành nghệ thuật có trách nhiệm hơn.
Boquita De Cielo do Koen Meersman và Kris Scheerlinck
Cơ duyên làm việc với gạch men truyền thống tìm đến NTK Koen Meersman và KTS Kris Scheerlinck khi họ đang nghiên cứu nguồn vật liệu để cải tạo một ngôi nhà ngôi nhà cổ tại Bỉ. Họ nhận ra rằng những viên gạch có giá trị lịch sử và tuổi đời trên 150 năm ngày càng khan hiếm vì rất ít nghệ nhân có đủ trình độ phục hồi chúng. Từ đó, bộ đôi ấp ủ ý tưởng sản xuất loạt gạch thủ công đạt đến trình độ thẩm mỹ tinh xảo cổ xưa nhưng được hoàn thiện với chất lượng cao hơn và dễ bảo trì hơn.
NTK Koen Meersman và KTS Kris Scheerlinck. Ảnh: Boquita De Cielo
Ảnh: Boquita De Cielo
Ảnh: Boquita De Cielo
Sau một khoảng thời gian tìm tòi và tham dự các khóa học chuyên ngành, Koen Meersman và Kris Scheerlinck chuyển đến Luân Đôn để thành lập studio nghệ thuật Boquita de Cielo, chuyên thực hiện các bức tranh tường, gạch lát, tác phẩm điêu khắc và tác phẩm sắp đặt có kết cấu phong phú, sử dụng đất sét chất lượng cao trong một quy trình chế tác phức tạp. Tác phẩm nổi bật nhất của Boquita de Cielo tính đến thời điểm hiện tại là những mảnh gốm ghép bằng đất sét tái chế và men xanh lam được trưng bày tại Baranzate Ateliers ở Tuần lễ Thiết kế Milan 2024.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm
Chân dung các nhà thiết kế sản phẩm nội thất nổi bật Châu Á
Những kiến trúc sư nổi tiếng theo đuổi phong cách thiết kế đương đại
Tuần lễ thiết kế Milan: Suối nguồn cảm hứng về sức khỏe và tính bền vững