30 tài năng thiết kế trẻ

Một tổng hợp kỹ lưỡng về thế hệ những NTK 30 tuổi từ khắp nơi trên thế giới. Đối với họ, thiết kế hiện nay đang dần trở thành một câu hỏi về chính trị, nhân chủng học chứ không đơn thuần chỉ là công cụ định nghĩa bản thân hay phô diễn tài năng. Mỗi nhà thiết kế xuất hiện trong danh sách dù nhận thức rõ cội nguồn của chính mình nhưng lại không gò bó thử nghiệm sáng tác theo chủ nghĩa địa phương. Họ luôn sẵn sàng tiếp nhận, trao đổi kiến thức từ nhiều nguồn.

Thông qua các chương trình giảng dạy được lưu trữ tại nhiều trường đại học danh tiếng như Politecnico di Milano, Ecal di Lausanne, Design Academy di Eindhoven; một số dự án của các chuyên gia tên tuổi hơn như Bouroullec, Vivienne Westwood và Ilse Crawford; các lĩnh vực nghiên cứu ngày càng phân nhánh; những cá nhân mơ hồ về ý nghĩa của sáng tạo đương thời đang dần nhận thức được những thử thách phức tạp của thời đại. Dù rằng tuổi 30 đang phải hòa nhập vào guồng quay chung toàn cầu hay chịu nhiều giới hạn công việc, tôn trọng môi trường và quy định chung luôn là những yếu tố trọng tâm. Như chúng tôi vẫn thường đề cập trong nhiều chuyên đề trước đây, thiết kế không cứu thế giới nhưng góp phần cải thiện chúng. Chúng ta có cuộc sống tốt hơn khi chúng ta phục hồi, biến đổi và xóa bỏ các thói quen cũ gây tổn hại đến hành tinh.

1 /FERNANDO LAPOSSE

Ngô, bí ngô nhiệt đới và cây xương rồng là những loại thực vật yêu thích của Fernando Laposse – một NTK tốt nghiệp tại Central Saint Martins với niềm đam mê gần như tuyệt đối với cây cỏ. Anh đã lựa chọn và thu thập chúng, sau đó tách phần vỏ cứng, nghiền đến khi thu thập được thành phẩm dạng sợi. Qua nhiều bước gia công, nguyên liệu trở thành vật chất hữu cơ. Chúng có khả năng thay thế tối ưu cho nhiều loại vật liệu trong sản xuất nội thất nhờ đặc tính thân thiện với môi trường.

fernandolaposse.com


2/ ANTONIO FACCO

Thành lập studio thiết kế ở Milan vào năm 2011 khi còn đang là sinh viên tại IED, Antonio Facco đã cộng tác cùng Giulio Cappellini trong việc biến ý tưởng bình Duo thành sản phẩm thực tế. Thiết kế của Antonio mang nét nhạy cảm trong thẩm mỹ tạo hình kết hợp với kỹ thuật sản xuất thủ công. Đối với nội thất, bình Duo như một sản phẩm; với đồ họa, chúng lại tiềm ẩn thiên hướng nhiếp ảnh và hoàn toàn có thể thay đổi liên tục cảm nhận ở nhiều khía cạnh. Một ví dụ khác về thiết kế của Antonio Facco là BST bàn Ora cho thương hiệu Mogg, một sản phẩm nguyên khối bằng bê tông phủ sáp.

antoniofacco.com


3/ ZSUZSANNA HORVATH

Được giới thiệu lần đầu tiên tại Salone del Mobile 2018 dưới hình thức thử nghiệm, đèn Illan sẽ chính thức được đưa vào sản xuất trong năm sau cùng với Luceplan: một quá trình hiện thực hóa những ý tưởng được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Đây là thành quả sáng tạo của NTK gốc Hungary sống tại Đan Mạch, Zsuzsanna Horvath, tốt nghiệp Đại học Aalto thuộc Helsinki. Thiết bị chiếu sáng thể hiện rõ nguồn gốc của chúng khi gợi lên vẻ thanh tao, rực rỡ thông qua chuyển động sóng kết hợp vật liệu địa phương. Chất thơ và sự đổi mới cùng tồn tại trong lối tạo hình thiết kế này.

zsuzsannahorvath.com


4/ MATTEO DI CIOMMO

Là một người mơ mộng với niềm đam mê về gỗ, Matteo Di Ciommo tốt nghiệp tại Politecnico di Milano và từng cộng tác với KTS Michele De Lucchi. Cách tiếp cận thủ công của anh có thể biến một công cụ thương mại thành sản phẩm tràn đầy cảm hứng. Sản phẩm của Matteo Di Ciommo là những tác phẩm điêu khắc với chức năng kỳ diệu, hình thức sử dụng mê hoặc. BST ghế “Una sedia che voleva diventare paesaggio” được miêu tả không đơn thuần chỉ là đồ vật mà đã trở thành bức tranh phong cảnh thực sự. Một hình thức tạo hình thủ công tuyệt vời.

matteodiciommo.com


5/ MARCIN RUSAK

Không cố gắng thăng hoa về khía cạnh thẩm mỹ mà lại nỗ lực lồng ghép nghiên cứu khoa học vào sản xuất thiết kế là những gì NTK người Ba Lan đang thực hiện với sản phẩm của mình. Những vật dụng được trang trí với cánh hoa, lá thông hay dương xỉ. Theo nguồn gốc lịch sử của gia đình, anh đã tiếp cận nghệ thuật trồng hoa từ những ngày thơ ấu. Hiện nay, công nghệ kỹ thuật đã cho phép Marcin Rusak xử lý công đoạn đưa những bông hoa vào nhựa cây để kết tinh thành khối đặc. Tất cả đều là thành quả của quá trình sáng tạo sau khóa học tại trường Royal College of Arts.

marcinrusak.com


6/ LINDE FREYA TANGELDER

Được Lina Bo Bardi hỗ trợ, NTK người Bỉ Linde Freya Tangelder hiện đang làm việc ở hai thành phố Antwerpen và Brussels, nơi cô thành lập studio Destroyer Builders của riêng mình. Trong quá trình thực hành kiến trúc, cô đã sử dụng gỗ sơn mài, kim loại đánh bóng, bề mặt sơn thủ công như nhóm vật liệu khai phá mối liên kết giữa con người và công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên chất liệu nhôm lại là đối tượng tạo nên dấu ấn đặc biệt cho Linde với khả năng truyền tải đa dạng các hình thức cảm xúc qua nhiều dự án. Sản phẩm High Section là một ví dụ điển hình được giới thiệu tại triển lãm Valentina Ciuffi. Chiếc kệ kim loại gợi nhớ đến phom dáng kiến trúc của các tòa nhà gạch cổ tại địa phương nơi cô sinh sống.

destroyersbuilders.com


7/ ZANELLATO/BORTOTTO

Giorgia và Daniele – hai NTK sinh sống và làm việc tại Treviso nước Ý. Một trong những thiết kế ấn tượng của bộ đôi là BST Aqua Alta được giới thiệu năm 2013 tại Salone del Mobile. Không chỉ đơn thuần là BST vải, thảm hay thủy tinh, Aqua Alta còn kể về chuyến hành trình trải dài khắp lịch sử thành phố đầm phá – một lối thiết kế gắn kết chặt chẽ với kỹ nghệ thủ công. Đối với Giorgia và Daniele, ngay cả kỹ thuật chế tác cổ xưa nhất cũng mang trong mình những khám phá đương đại về chất liệu, điển hình như tấm ốp đá cẩm thạch Opus Certum thiết kế cho Del Savio 1910.

zanellatobortotto.com


8/ CARLA BAZ

Tự miêu tả bản thân như một NTK tạo nên những sự tương tác, Carla Baz tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc Esag tại Paris và Ecal ở Lausanne. Sản phẩm sáng tạo của cô là thành quả đúc kết từ những quan sát về cách thức hoạt động của đá cẩm thạch. Bằng cách tìm hiểu sâu về loại vật liệu này, Carla Baz đã biến cẩm thạch từ hình thức mạnh mẽ, thô sơ, rắn chắc thành chiếc bàn Stratagem phi truyền thống với bề mặt mịn, độ mỏng tinh tế và phom dáng thanh lịch. Màu sắc sử dụng cho Stratagem cũng là yếu tố cần chú ý với hai vòng màu ấn tượng mà vẫn đậm chất thơ.

carlabaz.com


9/ YEN-HAO CHU

Xuất thân từ Đài Loan và là con gái của một nhà sưu tầm đồ cổ Trung Hoa, cô lớn lên trong môi trường giao hòa văn hóa quốc tế, chính điều đó đã hình thành trong Yen-Hao Chu niềm đam mê với cái đẹp như một bản năng. Tại Mỹ và Thụy Sĩ – cô dành phần lớn thời gian học tập của mình, ở Đài Loan – cô lại làm việc như một NTK sản phẩm. Hiện nay Yen-Hao Chu là NTK nổi bật của thương hiệu nội thất đương đại Ziihome tại Trung Quốc. Đèn Ogi và BST nội thất gỗ Hill là hai thiết kế sáng tạo của cô gợi nhớ đến lối chuyển động nhẹ nhàng của cảm hứng truyền thống phương Đông như đèn lồng, đoàn phiến.

yenhaochu.com


10/ CHRIS WOLSTON

Phong cách thiết kế của Chris Wolston là sự sáng tạo mang tính kết nối giữa hai miền Nam – Bắc Mỹ, quá khứ và tương lai, kỹ thuật truyền thống và vật liệu mới. Tốt nghiệp tại trường thiết kế Rhode Island School of Design, Mỹ. Hai khóa thực hành nghiên cứu tại Brooklyn và Medellín đã mang đến cho anh ý tưởng sáng tạo sơ khởi nhằm tìm ra hình thức biểu đạt mới trong kỹ nghệ thủ công. Từ các vật liệu như nhôm, đất nung, thủy tinh thu thập được ở nhiều nơi trên thế giới, Chris Wolston đã nấu chảy từng loại, sau đó pha trộn theo công thức khác nhau, tạo nên vòng đời tiếp theo cho các chất liệu phế thải. BST Tropical với bề mặt bao phủ bằng kim loại tái chế là một trong số các sản phẩm ấn tượng của anh được trưng bày ở một số triển lãm thiết kế nghệ thuật.

chriswolston.com


11/ AINO MICHELSEN

Sinh ra tại Helsinki và dành phần lớn thời gian học tập ở Đan Mạch, Aino Michelsen vẫn luôn hướng về quê hương của mình. Trong sản phẩm đầu tiên của Fiskars Village Art & Design Biennale, cô đã được giao phó nhiệm vụ tạo nên sản phẩm 18 Social Seating. Thiết kế là diễn giải về những bến tàu ở Phần Lan thể hiện qua băng ghế dài. Một thiết kế khác như Ø Chair lại lấy cảm hứng từ phong cách của các quần đảo Bắc Âu lộng gió. Với Aino, đây là cách lý tưởng nhất để truyền tải cảnh quan Bắc Âu tuyệt đẹp.


12/ PAOLO STEFANO GENTILE

Hoàn thành khóa học tại Naba, Học viện Mỹ thuật Milan (Nuova Accademia di Belle Arti di Milano), NTK Paolo Stefano Gentile tuy không được biết đến rộng rãi thông qua các triển lãm thiết kế nhưng những dự án hiếm hoi do anh công bố lại mang đến ấn tượng mãnh liệt. Tất cả thành quả sáng tạo của anh được hình thành từ suy ngẫm hội họa kết hợp với hình thức tạo hình mềm mại. Tấm ván trượt Frammento là sản phẩm thiết kế cho thấy khả năng sáng tạo bền vững của Paolo Stefano Gentile khi sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế từ các tấm phủ của sân thể thao. Ngoài ra Peel Saver – vỏ đựng khoai tây chiên hình ốc quế có thể ăn được cũng là sản phẩm thiết kế đáng lưu ý của anh.

behance.net/paolostefanogentile


13/ BURO BELÉN

Hai NTK sản phẩm dệt may đến từ Học viện Thiết kế Eindhoven là người đã tạo nên chiếc mũ đính vải rũ mang tính biểu tượng. Đây là phụ kiện kết hợp giữa tinh thần bền vững và sự quyến rũ trong trang phục. Tấm vải đính kèm có độ che phủ rộng bao quanh người theo chu vi của nón. Đặc biệt đây là loại vải dệt từ sợi tinh bột, đường và ngô thay vì nhựa gốc dầu, tất cả đều sử dụng chất liệu tự nhiên ít gây hại cho môi trường. Một sản phẩm thiết kế cho thấy tầm quan trọng của nghiên cứu công nghệ trong thiết kế hiện nay.

burobelen.com


14/ GUGLIELMO POLETTI

Sở hữu phong cách thiết kế nguyên bản, trừu tượng nhưng luôn giữ vững sự cân bằng, NTK Guglielmo Poletti đã theo đuổi triết lý sáng tạo ấy từ khoảng thời gian được đào tạo tại Học viện Thiết kế Eindhoven. Tất cả bắt đầu với Equilibrium, đồ án tốt nghiệp Rossana Orlandi khởi xướng năm 2016. Anh đã cho ra mắt những mẫu thiết kế bàn, ghế mang tính điêu khắc hình học đơn giản với nguồn cảm hứng từ sức căng của tấm kim loại và dây cáp – một thách thức không nhỏ nhưng hoàn toàn xứng đáng khi thành quả cuối cùng được công bố. Bàn MM8 thiết kế cho Desalto là một sản phẩm khác cho thấy khả năng biến hóa đa dạng cũng như dấu ấn đặc trưng về giải pháp tái tạo hình mẫu công nghiệp của Guglielmo Poletti.

guglielmopoletti.com


15/ FEDERICA BIASI

Tốt nghiệp tại IED Milan và hiện đang sinh sống ở Amsterdam, nơi đánh dấu bước trưởng thành về suy nghĩ cá nhân cũng như thẩm mỹ, tư duy thiết kế, NTK Federica Biasi luôn sẵn sàng đối diện mọi hoài nghi trong quá trình phát triển dự án và tự mình thành lập studio riêng vào năm 2015. Chiếc ghế bành Livre cho thương hiệu Gallotti&Radice là sản phẩm đáng chú ý của cô với phom dáng tạo hình đạt độ căng tinh tế. Đây cũng là mẫu thiết kế thể hiện rõ phong cách đặc trưng của Federica Biasi mang thiên hướng tự nhiên, tôn vinh hình thái hữu cơ và tinh thần đơn giản.

federicabiasi.com


16/ STUDIO OSSIDIANA

Sau những trải nghiệm trên khắp châu Âu, Alessandra Covini và Giovanni Bellotti quyết định chọn Rotterdam làm nơi dừng chân. Cũng tại thành phố này vào năm 2015, bộ đôi thiết kế đã tìm thấy nguồn cảm hứng thực sự trong công việc. Gặt hái được nhiều giải thưởng chuyên ngành, họ tìm đến thế giới kiến trúc nhằm thử nghiệm các hình thức mới cho vật liệu và các giải pháp liên đới. Những dự án của Studio Ossidiana hàm chứa câu chuyện đáng suy ngẫm về sự hòa nhập hay thậm chí là nguồn cảm hứng chắt lọc từ chính đặc điểm cơ thể.

studio-ossidiana.com


17/ PALLAVI DEAN

Pallavi Dean là một KTS gốc Ấn Độ tốt nghiệp khóa học chuyên ngành thiết kế ở London, hiện đang làm việc tại Dubai. Các dự án của cô được đánh giá cao nhờ hơi thở chiết trung đan xen giữa con người và những chuyện kể về họ. Điển hình cho phong cách của Pallavi Dean là đèn Interweave cho Artemide: sản phẩm ngợi ca những biến thể kết hợp sự giao nhau giữa các xi lanh và ống mềm, biến mẫu thiết kế trở thành cuộc chơi kỳ thú của ánh sáng.

designbyroar.com


18/ CARA \ DAVIDE

Cara Judd – cô gái đến từ Nam Phi và Davide Gramatica – chàng trai của đất Ý, bộ đôi thiết kế đều từng theo học tại IED di Milano đã cùng nhau thành lập studio riêng của mình năm 2016: một phòng thí nghiệm đa ngành, nơi trải nghiệm những thực hành văn hóa trên khắp thế giới. Hầu hết các tác phẩm của họ đều cộng tác cùng thợ thủ công chuyên nghiệp và lấy cảm hứng từ châu Phi với cảnh quan cùng những bí ẩn thú vị. Tất cả được thể hiện qua ánh sáng, hình khối và bề mặt hoàn thiện. BST Ondulato với đường nét liên tưởng đến hình mẫu thiết kế kiến trúc là sản phẩm điển hình cho phong cách thiết kế của Cara Judd và Davide Gramatica.

caradavide.com

thiết kế 30 thiết kế 29


19/ ANDRÉS REISINGER

Dự án của nhà sáng tạo người Argentina là một trải nghiệm biến những ý tưởng kỹ thuật số thành cơ hội phát triển dự án thực tế. Chiếc ghế Hortensia mang sắc hồng được ví như đám mây gợi cảm mang dấu ấn thẩm mỹ đương đại. Để tạo nên sản phẩm cuối cùng, Andrés Reisinger phải sử dụng đến 20 nghìn cánh hoa vải cho công đoạn bao phủ bề mặt. Chính sự công phu trong quá trình sản xuất đã mang tác phẩm sáng tạo này đến với phòng trưng bày Montoya tại Tây Ban Nha.

reisinger.studio

thiết kế 28 thiết kế 27


20/ GIACOMO MOOR

Được mệnh danh là NTK có biệt tài “thì thầm” với gỗ, Giacomo Moor luôn thể hiện mối quan tâm sâu sắc và tinh thần tôn trọng thiên nhiên, cây cỏ. Tốt nghiệp từ Politecnico di Milano, anh tự cho mình là một thợ mộc lành nghề mang tất tả tâm huyết đặt cược vào kỹ nghệ thủ công. Trong xưởng sản xuất của chính mình, cùng với vợ Aurelie và 13 cộng tác viên, bao gồm cả thực tập sinh từ Học viện Thiết kế Eindhoven, Giacomo Moor đã thay đổi nhiều tính chất vật liệu đa dạng rồi biến chúng thành sản phẩm nội thất, tác phẩm trưng bày. BST kệ Pivot dành cho thương hiệu Sem di Spotti là một trong những thiết kế đáng chú ý của anh.

giacomomoor.com

thiết kế 26 thiết kế 25


21/ MADDALENA SELVINI

Thực hành thiết kế bằng tinh thần tôn trọng tuyệt đối tiêu chí bền vững và luôn góp phần lan tỏa văn hóa xanh, Maddalena Selvini là NTK trưởng thành từ Học viện Thiết kế Eindhoven dưới sự dìu dắt của Ilse Crawford. Việc chăm chút kỹ lưỡng vào hình khối khi thiết kế đã phản ảnh triết lý thẩm mỹ vượt ra khỏi những dạng thức tạo hình đơn thuần. Mỗi đồ vật dù bằng gỗ, nỉ hay bột xà phòng đều là kết quả của ý thức sử dụng vật liệu xanh và trân trọng từng giá trị hiện hữu của chất liệu trong quá trình sản xuất.

maddalenaselvini.com

thiết kế 24 thiết kế 23 thiết kế 22


22/ ILARIA BIANCHI

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Turin (Politecnico di Torino) từ năm 2015, những gì NTK Ilaria Bianchi định nghĩa về thiết kế luôn xoay quanh các hình thái biểu tượng mạnh mẽ, tập trung vào khía cạnh tương phản, đối lập của các chất liệu như gỗ – kim loại, polystyrene – đồng. Mỗi vật liệu qua tay cô đều tạo nên dấu ấn độc đáo riêng biệt. Điển hình như Le Coppe – mẫu thiết kế kỳ diệu cho phòng trưng bày Numeroventi tại Florence: một chiếc cốc thủy tinh với phom dáng đậm chất điêu khắc với hình thức sản xuất bằng kỹ nghệ thủ công.

ilabianchi.com

thiết kế 21 thiết kế 20


23/ JORGE PENADES

Có ít nhất hai yếu tố tuyệt đối không thể nhầm lẫn trong thủ pháp sáng tạo của NTK đến từ Tây Ban Nha: mối liên hệ sâu sắc với khu vực Địa Trung Hải và sự tôn trọng môi trường tự nhiên. Cả hai tính chất đó đều xuất hiện trong dự án Piscis cộng tác cùng BD Barcelona. Những chiếc lọ mang màu sắc của rạn san hô Andalusia là thành quả của quá trình tái sử dụng phế liệu kim loại còn sót lại từ các công trình xây dựng, đồng thời số lượng của chúng cũng phụ thuộc phần lớn vào hiện trạng tồn kho. Thông điệp của thiết kế khá rõ ràng khi nêu bật sự quý giá của sinh thái biển thông qua hình ảnh thế giới nhìn từ mặt nước.

oficinapenades.com

thiết kế 19 thiết kế 18 thiết kế 17


24/ FLATWIG

Erica Agogliati và Francesca Avian thành lập studio Flatwig thực hành thiết kế tại Milan năm 2014, đây cũng là nơi bộ đôi thiết kế theo học tại trường Đại học Bách khoa Milan (Politecnico di Milano). Đặc trưng sáng tạo của họ là sự kết hợp mang tính chiết trung trong lĩnh vực nội thất, sản phẩm, kỹ nghệ thủ công và chế tác nghệ thuật. Những trọng tâm trong cách làm việc của Flatwig thể hiện rõ các tiêu chí bền vững khi đề cao quy trình tái chế, tái sử dụng. Từ BST thủy tinh borosilicat thổi thủ công như Mama Punch cho đến các tấm kim loại gấp nếp Ondula đều tuân thủ nghiêm ngặt triết lý xanh trong mọi giai đoạn sản xuất.

flatwig.com

thiết kế 16 thiết kế 15


25/ YINKA ILORI

Yinka Ilori được đánh già là NTK nổi bật người Nigeria tại London. Trước đây anh từng theo học tại London Metropolitan University. Đặc trưng cho lối thiết kế của Yinka Ilori thể hiện rõ qua từng thành phẩm, từ dự án tái thiết kế Công viên trượt tuyết Colorama (Colorama Skatepark) thành Phòng trưng bày ảnh Dulwich, cộng tác cùng studio Pricegore, cho đến các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Get up, stand up now” tại Somerset House hay “Africa Centre: a large chair does not make a king” tại London Design Festival. Tất cả đều khẳng định phong cách sáng tạo đa sắc màu và mang đậm ảnh hưởng truyền thống châu Phi, cụ thể hơn là các họa tiết vải ở phiên chợ Lagos.

yinkailori.com

thiết kế 14 thiết kế 13


26/ NATACHA.SACHA

Máy làm ẩm, thiết bị chiếu sáng, đèn lưu trữ hay vải nhiệt, mỗi sáng tạo được nhào nặn bởi bàn tay của Natacha Poutoux và Sacha Hourcade đều là những thiết kế công nghiệp ứng dụng cho cuộc sống sinh hoạt thường nhật. Bị thu hút bởi thế giới đồ gia dụng, bộ đôi thiết kế đã làm việc cùng nhiều thợ thủ công và kỹ sư nhằm mang đến góc nhìn trang trọng cần thiết cũng như tính bền vững cho các vật dụng kỹ thuật. Năm 2018, Natacha và Sacha chính thức thành lập studio đầu tiên của riêng mình sau khi chọn Paris làm nơi định cư. Mỗi thiết kế của họ đều hướng đến câu chuyện về ô nhiễm môi trường, sự phát triển của thói quen sinh hoạt và mang thông điệp gửi gắm trực tiếp đến bộ phận giới trẻ thành thị Millennials.

natachasacha.fr

thiết kế 12 thiết kế 11


27/ YURI HIMURO

Bắt đầu từ những suy nghĩ đơn giản như cách đan chỉ ngang dọc, hình tượng ban ngày – ban đêm, NTK sản phẩm dệt may Yuri Himuro đã tạo nên dự án của riêng mình: BST chăn Day and Night. Cô đã tận dụng khả năng đảo chiều của vải để kể hai câu chuyện khác nhau, về ánh nắng ấm áp của ban ngày và những luồng sáng mỗi khi đêm đến. Câu chuyện lồng trong câu chuyện, Yuri Himuro đã miêu tả cuộc sống khi thức dậy, mặt khác lại xoay chuyển chúng ở các hành động chuẩn bị cho giấc ngủ. Tất cả đều thể hiện thông qua kỹ thuật xử lý vải mà cô đã học được tại Phần Lan.

h-m-r.net

thiết kế 10 thiết kế 9 thiết kế 8


28/ JULIE RICHOZ

Tận dụng tính chất chuyển động của ánh sáng trên bề mặt chất liệu nhằm tăng tính sinh động cho sản phẩm chính là điểm đặc trưng trong sản phẩm sáng tạo của NTK mang hai dòng máu Pháp – Thụy Sĩ. Từ BST Giro cho thương hiệu Trame đến đèn, thảm, phụ kiện đều được Julie Richoz thể hiện bằng đường nét nhẹ nhàng, hiện đại. Cô đạt được một số thành công nhất định nhờ khả năng của mình tại École Cantonale d’Art de Lausanne (Ecal) và cộng tác cùng bậc thầy nổi tiếng người Pháp Pierre Charpin.

julierichoz.com

thiết kế 7 thiết kế 6


29/ FRANCESCO FORCELLINI

Một chàng trai nhút nhát chọn cách khẳng định mạnh mẽ cá tính của mình thông qua thiết kế. Trong quá trình phát triển bản thân, mọi công việc thiết kế đều được Francesco Forcellini giải quyết trong khuôn khổ, hòa trộn giữa sự mạnh mẽ và tính mềm mại, đặc biệt là luôn suy tính kỹ lưỡng về nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất công nghiệp. Sản phẩm sáng tạo của anh bao gồm sản phẩm nội thất văn phòng bằng tấm cách âm, gốm sứ 3D, giấy dán tường quang học hay ấn tượng nhất trong số đó là tác phẩm Central thiết kế cho Tonelli – gương treo tường có cấu trúc bằng gỗ kết hợp với vật liệu vàng, đồng và mặt gương hun khói.

francescoforcellini.com

thiết kế 5 thiết kế 4 thiết kế 3


30/ OPERE VARIE

Allina và Matteo Cor tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc tại Venice và định cư ở Milan, cùng nhau thành lập studio. Với bộ đôi thiết kế, nguồn cảm hứng luôn là yếu tố được chắt lọc thành nhiều hình thức biểu đạt khác nhau. Trong công việc sáng tạo của mình, họ đã sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau để thử nghiệm. Pompei và Fresco là một trong nhiều thành quả đầy sống động của sự pha trộn ấy. Mẫu thiết kế dành cho Riviera và Nero Desgin gợi lên cấu trúc của các hình thức cột cổ điển và mang đến màu sắc hội họa theo phong cách vượt thời gian Piero della Francesca.

operevarie.com

thiết kế 2 thiết kế 1


Tổng hợp: Đức Nguyên | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Caubetho – Xưởng tạo hình giấc mơ

Saigon Goldsign – Theo đuổi nghệ thuật dát vàng trên kính