Có thể thấy bền vững đang là xu hướng toàn cầu không chỉ riêng với kiến trúc và xây dựng. Tuy nhiên, để thực sự đưa yếu tố này vào các quy trình công nghiệp dường như là một thử thách. Với những người lạc quan như kiến trúc sư Anna Heringer thì mọi thứ đều có thể thay đổi nếu chúng ta có thể đưa ra những giải pháp mới, trong đó có vật liệu tự nhiên.
Với nhiều công trình bằng đất của mình tại Bangladesh, Ghana, Ma Rốc và Zimbabwe, Anna tin rằng sự bền vững có thể đạt được bằng cách sử dụng những vật liệu thân thuộc xung quanh chúng ta như đất và rơm rạ, đồng thời thuê lực lượng lao động địa phương nhiều hơn. Cô nhận định rằng chúng ta luôn mong muốn tạo ra một loại bê tông “xanh” hay những vật liệu bền vững mới nhưng chưa hề tìm kiếm những thứ xung quanh, ngay dưới chân mình. Đất là vật liệu có ở mọi nơi, mọi nền văn hóa và mọi môi trường, không thải ra CO2 và hoàn toàn không tốn chi phí để tạo ra. Cô nói: “Điều thú vị của đất đó là chúng ta có thể sử dụng nó một cách nguyên trạng mà không cần phải thêm vào bất cứ thứ gì để ổn định, có thể tái chế mà không làm mất chất lượng hay trả về với tự nhiên mà không để lại những tổn thương nào.” Với nữ kiến trúc sư, đất đứng đầu trong các vật liệu bền vững đẹp, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi được hỏi rằng sự quan liêu có gây trở ngại khi làm việc với vật liệu bền vững không, Anna trả lời: “Rất nhiều luật và nghị định chịu ảnh hưởng và được đưa ra từ các ngành công nghiệp, và chúng cũng được sinh ra từ nỗi sợ liên quan đến trách nhiệm, chức tước… Chúng ta nên xem xét kỹ tất cả các quy định xây dựng và quyết định xem chúng có thực sự tốt cho con người và địa cầu hay không. Điều gì xảy ra khi bạn tạo ra thứ gì đó siêu an toàn cho mọi người trong khi lại hủy hoại môi trường của chúng ta? Chúng ta phải có tầm nhìn rộng hơn và gánh vác một số rủi ro và trách nhiệm nếu muốn đổi mới. Khi tôi nhìn vào những nơi có đạo đức về kiến trúc bền vững như Tây Áo, các khách hàng, thợ thủ công và kiến trúc sư đều chịu trách nhiệm chung để biến mọi thứ thành hiện thực. Điều quan trọng là phải giải phóng các giới hạn để mở rộng tầm nhìn và đạt được sự đổi mới thực sự.”
“Có lẽ chúng ta nên áp dụng một lối suy nghĩ hạnh phúc hơn, tiết kiệm hơn, rằng thực sự cần bao nhiêu để khiến mình hạnh phúc? Chúng ta nên lựa chọn chất lượng hơn số lượng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc mất đi vài mét vuông và nên có một cách tiếp cận cực kỳ chu đáo đối với những gì chúng ta sản xuất.”
Như vậy, ngành kiến trúc và xây dựng cần thay đổi nhiều để trở nên bền vững hơn. Theo Anna, vấn đề trong xây dựng với vật liệu tự nhiên là nhu cầu cao về nhân lực, vốn bị đánh thuế cao trong lĩnh vực. Cô nói: “Khi nói đến năng lượng, chúng ta thường chỉ nghĩ đến khí ga hoặc dầu nhưng lại quên đi rằng mỗi người trong chúng ta đều là một nguồn năng lượng.” Thêm nữa, chúng ta cần những vật liệu có giá phải chăng bởi vì ngày nay, để thực sự bền vững thì cái giá phải trả rất đắt đỏ, và điều này thật vô nghĩa. Anna lấy ví dụ đất là vật liệu lẽ ra nên dành cho mọi người nhưng xây dựng bằng đất lại đắt hơn bê tông. Ngày nay người ta có thể xây dựng với giá rẻ nhưng cái giá thực sự sẽ được trả là các thế hệ tương lai, những người sẽ phải xử lý tất cả những vật liệu phế thải.
Nữ kiến trúc sư tin rằng trong tương lai, ngành thiết kế sẽ đi đầu trong các hoạt động bền vững. Chúng ta thường nghĩ rằng các hệ thống không thể thay đổi, nhưng nhìn về lịch sử, mọi phong trào đều bắt đầu chỉ với một vài người. Điều duy nhất trì hoãn chúng ta đó là trí tưởng tượng, nhưng suy nghĩ phải làm điều đúng đắn lại mang đến niềm vui. Anna chia sẻ: “Không phải lý trí mà đi theo con tim là điều mà tôi đã học được qua nhiều năm làm kiến trúc sư. Đó là thứ chúng ta phải học đi học lại, tin vào cuộc sống và đi theo trái tim. Tôi biết điều này nghe thật sáo rỗng nhưng tôi nghĩ đó là mấu chốt của mọi thứ.”
Kiến trúc sư người Đức Anna Heringer là người đề xướng kiến trúc bền vững với nhiều công trình được đánh giá cao và giành được nhiều giải thưởng như METI School ở Bangladesh cho giải Aga Khan Award for Architecture, Training Center ở Ma Rốc (giải đồng) cho giải Holcim Awards, Anandaloy Building tại Bangladesh cho giải Obel Award và hạng mục Kiến trúc Bền vững tại giải Global Award.
Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Salone del Mobile.Milano
Xem thêm
Philippe Starck và quan điểm về giới tính, thiết kế sinh thái và AI