Andy Cao – Mộng mơ và phớt lờ xu hướng

Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao dành cho ELLE Decoration một cuộc chuyện trò chậm rãi và sâu sắc về những quan điểm thực hành nghệ thuật của mình, từ góc độ của một người đang bền bỉ đi trên cuộc hành trình kết nối, níu giữ, làm choáng ngợp cảm xúc của người thưởng lãm với không gian gợi mở, đa chiều.

Andy Cao 1

Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao. Ảnh: Left Studio.

Anh có thể nói về quyết định chuyển hướng từ thiết kế cảnh quan (landscape design) sang thiết kế nghệ thuật cảnh quan của mình không? Đó có phải là quyết định cần nhiều cân nhắc không, và nó đã thay đổi công việc của anh như thế nào?

Sau khi tốt nghiệp với bằng cử nhân thiết kế cảnh quan của trường đại học Cal Poly Pomona năm 1994, tôi muốn bắt đầu sự nghiệp bằng một khu vườn riêng của mình ở thành phố Los Angeles. Vườn Kính ra đời sau quá trình ba năm thí nghiệm với 45 tấn kính vụn tái sinh. Khu vườn này gây được sự chú ý trong ngành và thu hút truyền thông tại Mỹ và thế giới. Nhờ đó, năm 2001 tôi đạt giải thưởng Khôi Nguyên La Mã (Rome Prize Fellowship) do Viện Hàn lâm Mỹ ở La Mã (American Academy in Rome) thành lập từ năm 1894 trao tặng. Giải này tương đương với giải Prix de Rome của Viện Hàn lâm Pháp. Một năm sống ở Roma đã cho tôi thời gian trải nghiệm và chuyển hướng từ thiết kế cảnh quan sang nghệ thuật cảnh quan. Năm 2011, tôi đạt giải thưởng Loeb Fellowship của trường đại học Harvard Graduate School of Design. Harvard đã thay đổi ý tưởng, giúp tôi quyết định chuyển hướng, quên đi ảnh hưởng của ngành thiết kế cảnh quan để tìm hướng đi riêng của mình, tự do sáng tạo theo phong cách ngẫu nhiên, thiên về cảm xúc và tâm lý của con người.

Andy Cao 2

Glass Garden (Los Angeles, USA) 1998. Ảnh: NVCC.

Andy Cao 3

Desert Sea (Chaumont-sur-Loire International Garden Festival, France) 2001. Ảnh: NVCC.

Những tác phẩm anh đã thực hiện được bắt đầu từ quy trình làm việc như thế nào? Anh cần bao nhiêu thời gian để phát triển ý tưởng?

Tôi thường mơ mộng những ý tưởng viễn vông, vô tích sự không liên quan gì đến cảnh quan hay môi trường và không bận tâm theo một xu hướng nào cả. Khi tham quan một địa điểm của phương án tôi có thể nhìn thấy được những đầu mối, ẩn hiệu, gọi là “clues”, nôm na là những gì mình cần thấy sẽ thấy và sẽ tự mình cảm nhận được. Đôi khi nhìn thấy “clues” rất nhanh, đến là thấy ngay, đôi khi không cảm nhận được gì cả, phải dựa vào cá tính độc lập, tự tin và trải nghiệm của mình để lên ý tưởng và gợi ý cho một câu chuyện.

Andy Cao 5

Red Box – American Academy in Rome, Italy (2002). Ảnh: NVCC.

“TÔI THƯỜNG MƠ MỘNG
VÀ KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN MỘT XU HƯỚNG NÀO CẢ”

Andy Cao 7

Theo anh, một đô thị hay khu vực được quy hoạch tốt có ý nghĩa như thế nào đối với những nghệ sĩ cảnh quan như anh? Đã có những dự án nào anh được tham gia thực hiện tác phẩm song song với công việc planning về cảnh quan của cả khu vực đó?

Hơn 20 năm qua, dự án của tôi thường rất nhỏ, từ 250m2 đến vài hec-ta. Tôi chỉ tập trung vào tác phẩm nghệ thuật của mình. Đặc biệt ở Việt Nam, sau 2 năm về sống ở TP.HCM thì cơ duyên mới đủ từ một khu vườn nhỏ tầm 1.000 m2 đến dự án 150 hec-ta. Những dự án này không mong chờ mà đến rất bất ngờ. Tôi chỉ yêu cầu chủ đầu tư đáp ứng 3 điều kiện: tự do sáng tạo, đủ ngân sách, thời gian lên ý tưởng và thi công (ngắn hạn 1 năm, dài hạn 3 -5 năm).

Một tác phẩm nghệ thuật cảnh quan nên trở thành điểm nhấn, tuyên ngôn của không gian hay nên là một chi tiết trang trí hài hòa với khung cảnh xung quanh?

Tôi rất vui và cảm thấy may mắn được chủ đầu tư tín nhiệm cho mình một cơ hội làm một tác phẩm nghệ thuật cảnh quan, nơi tôi có thể đưa cả trái tim vào, và không bận tâm suy nghĩ tác phẩm này có thể trở thành điểm nhấn hay hài hòa với khung cảnh xung quanh. Quan điểm của tôi là nếu chủ đầu tư biết họ cần tác phẩm gì họ sẽ không chọn tôi thực hiện.

Nghệ thuật cảnh quan phải chăng là một khái niệm bắt nguồn từ phương Tây? Bản thân văn hóa phương Đông tiếp cận khái niệm này như thế nào?

Khi theo học ngành thiết kế cảnh quan, land art (nghệ thuật thực địa) thu hút tôi nhiều hơn thiết kế cảnh quan. Bắt nguồn từ phương Tây trong thập niên 1960 -1970 những nghệ sĩ thực địa như Robert Smithson, Ana Mendieta, Michael Heizer, James Turrell sử dụng các vật liệu tự nhiên như đất, đá, cây cỏ, nước và ánh sáng để nâng cao kết nối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và môi trường. Hiện tại tôi đang quay trở lại với hội họa cảnh quan (landscape painting) của phương Đông. Những bức tranh thủy mặc rất tinh tế, nhẹ nhàng, thâm thúy, đầy những ý tưởng sâu sắc từ một thế giới mơ tưởng với những câu chuyện ngụ ngôn ẩn vào trong tranh.

Andy Cao 8

Cloud Terrace, trong khu vườn Dumbarton Oaks, Washington DC (2012). Ảnh: NVCC.

HIỆN TẠI TÔI ĐANG QUAY TRỞ LẠI
VỚI LANDSCAPE PAINTING CỦA PHƯƠNG ĐÔNG.

NHỮNG BỨC TRANH THỦY MẶC RẤT TINH TẾ,
NHẸ NHÀNG, THÂM THÚY, ĐẦY NHỮNG Ý TƯỞNG SÂU SẮC
TỪ MỘT THẾ GIỚI MƠ TƯỞNG
VỚI NHỮNG CÂU CHUYỆN NGỤ NGÔN ẨN VÀO TRONG TRANH.

Andy Cao 9

Crystal Cloud (Sân bay Jewel Changi, Singapore) 2019. Ảnh: NVCC.

Andy Cao 10

Garden of the Giant – Swarovski Kristallwelten (Swarovski Crystal Worlds), Wattens, Austria (2015). Ảnh: NVCC.

Dự án “Mây Pha Lê” của anh đã gây ấn tượng và cảm xúc đặc biệt cho công chúng ở Việt Nam khi xuất hiện. Điều khó khăn và thử thách nhất khi thực hiện dự án này là gì?

Dự án Mây Pha Lê là một triển lãm nghệ thuật công cộng đầu tiên của CAO PERROT tại Việt Nam. Về mặt tài chính, làm việc phi lợi nhuận là một trao đổi mà nghệ sĩ nào cũng phải cân nhắc. Rất nhiều trở ngại khi thi công ở một địa điểm như Đồi Mâm Xôi, nhưng thử thách lớn nhất là sự kết nối giữa chúng tôi (cùng với đội KTS Hà Nội và Yên Bái) với người dân địa phương để hoàn thành dự án Mây Pha Lê. Trong mắt cộng đồng, tôi và cộng sự Xavier Perrot chỉ là những người khách lạ qua đường. Tác phẩm Mây Pha Lê chỉ có thể hoàn thành khi đủ kiên nhẫn và đồng tâm hợp tác với cộng đồng. Món quà mà tôi trân quý nhất là trải nghiệm khó quên và được sánh vai với cộng đồng Hmong để đưa ý tưởng tác phẩm Mây Pha Lê của thương hiệu Swarovski từ thung lũng vùng núi Alps, Cộng hòa Áo theo gió đưa đến ruộng bậc thang Mù Cang Chải và tụ lại trên Đồi Mâm Xôi.

Andy Cao 11

Cocoons – Emeryville, California, USA. Ảnh: NVCC.

Thiết kế cảnh quan có phải là hình thức nghệ thuật thử thách hơn, vì quy mô tác phẩm cũng như tác động đến công chúng và cộng đồng rộng hơn? Và như vậy, anh có mong đợi tìm thấy một thế hệ các nghệ sĩ trẻ theo đuổi hình thức nghệ thuật này?

Vì cá tính tôi rất hiếu kỳ, thích thí nghiệm nguyên vật liệu và yêu thích làm vườn nên cứ từng bước mà đi trên con đường của mình. Ngành thiết kế nghệ thuật cảnh quan rất đa dạng và tôi mong thế hệ trẻ, mỗi nghệ sĩ sẽ chọn một hướng đi đầy sáng tạo và đương đại cho chính mình.


ANDY CAO

Nghệ sĩ cảnh quan

Hiện nay Andy Cao (tên Việt là Cao Thanh Sơn) là một trong những nghệ sĩ thiết kế cảnh quan có dấu ấn đặc biệt. Anh kết hợp với nghệ sĩ người Pháp là Xavier Perrot để tạo thành bộ đôi Cao – Perrot. Một số tác phẩm có thể kể như Vườn kiếng (Los Angles, Mỹ), Cây dương liễu (Texas, Mỹ), Vườn ru (California, Mỹ), Công viên Guaming (Thâm Quyến, Trung Quốc), Đồng gối (Washington, Mỹ), Mây pha lê (Swarovski Crystal World, Áo).

Andy Cao 11

Mây Pha Lê, Mù Cang Chải, Việt Nam (2018). Ảnh: NVCC.


Bài: Pink Q | Ảnh: Left Studio & NVCC.


Xem thêm:

Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết – Hồn Huế sau lớp men màu

Bà Lê Cẩm Tế – Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng, bức tranh “không gian” với chiều kích thật