Vẻ đẹp gốm Biên Hoà: Vua xoay

Một trong những nét đặc biệt nhất của gốm thầy trò trường Mỹ nghệ Biên Hòa xưa là lối tạo hình bằng bàn xoay, đây cũng là lò sản sinh ra “vua xoay” huyền thoại của ngành gốm Việt như Nguyễn Văn Hai “Hai Bồi” – xoay tay những độc bình cao trên 1,5m. Đến những năm 1970, cậu học trò Đinh Công Lai tốt nghiệp ban gốm, tiếp nối tiền nhân trở thành một “vua xoay” mới của làng gốm Biên Hòa cho đến tận hôm nay.

“Vua xoay” Đinh Công Lai giờ là Trưởng khoa Gốm trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai (trường Mỹ nghệ Biên Hòa xưa), từ hơn 19 năm qua vẫn miệt mài truyền thụ những kỹ pháp tạo hình bằng bàn xoay cho sinh viên. Gặp “vua xoay” trong một giờ lên lớp, chỉ với vài thao tác nhanh gọn, cục đất thô mộc nhấp nháy đã thành chiếc bình hoa cổ thon eo rộng đầy duyên dáng, trong khi lớp học trò vẫn đang đánh vật với bàn xoay và cục đất ì ạch mãi không ra hình thù rõ ràng.

20 năm xoay gốm ở xưởng cộng với 19 năm giảng dạy “vua xoay” Đinh Công Lai cảm về đất như da thịt của mình.

Câu chuyện từ sinh viên ban gốm trở thành “bàn tay vàng”, “chiến sĩ thi đua”, “thanh nên điển hình” liên tục nhiều năm liền của tỉnh Đồng Nai được thầy Đinh Công Lai vui vẻ kể lại: “Tôi tốt nghiệp năm 76, đứng đầu ban gốm, xoay giỏi nhất trường, cả khóa học năm ấy mình tôi được chọn vào xí nghiệp gốm Donaco sau một bài kiểm tra tạo hình bằng bàn xoay với đánh giá gắt gao của Ban quản đốc. Mừng vì có nghề làm, nhưng vào xưởng, cả ngày tôi xoay chục cái ống đũa, trong khi một bác thợ xoay chỉ buổi sáng đã xoay hơn 200. Tôi nản lòng, về lại trường than với thầy dạy, và tính bỏ nghề. Khi thầy dạy biết người thợ xoay của xưởng hơn tôi đến 30 tuổi, ông khuyên tôi tiếp tục theo nghề, bởi tuổi 20 không thể so với ông già 50 được, và thêm câu hứa hẹn 30 năm sau, tôi sẽ xoay giỏi hơn ông già ở xưởng”.

May không bỏ nghề, một tháng sau thầy Lai đã tăng năng suất lên 15 ống đũa trong ngày, chưa đầy năm sau chỉ buổi sáng đã xoay đủ 100 ống đũa, chiều làm nốt 100 cái nữa là về nghỉ. Biệt tài xoay gốm của thầy Lai lúc ấy các lò đều nghe danh. Tốc độ và năng suất của nhóm thợ xoay ở xưởng ngày càng cao, mọi người ăn lương theo sản phẩm cuối tháng cộng lại cao hơn cả lương giám đốc. Một biện pháp chế tài mới được đưa ra, trong đó có việc giảm từ 60 xu/sản phẩm xuống còn 20 xu. Các thợ xoay giỏi nhất của xưởng bỏ nghề hết, thầy Lai từ một sinh viên mới ra trường bỗng trở thành thợ xoay chính, từ cơ bản cái ống đũa, dần chuyển sang xoay bình.

Hai ngón tay cái luôn dính liền nhau trong lúc tạo hình là bí quyết tạo nên các dáng thế độc đáo của “vua xoay” Đinh Công Lai.

Nhớ lại giai đoạn này, “vua xoay” kể: “Ban quản đốc cho một tháng ăn công nhật để luyện, chỉ ngay hôm sau là tôi xoay được bình, nhưng khi đưa qua thợ khắc và chấm men, họ bảo tôi làm thế là bán đất chứ không phải bán bình, vì quá dày. Tôi chăm chút luyện thêm tuần nữa là thuần thục xoay bình, chỉ cầm cục đất cảm ngay được đủ hay thiếu, quăng cục đất vào bàn xoay kéo lên là vừa đủ cái bình, việc đo ni tấc, cao thấp, mập ốm chỉ là chiếu lệ chứ mọi điều chỉnh đều từ đôi tay”.

Hỏi thầy Lai câu chuyện xoay gốm có phải là năng khiếu, thầy chia sẻ: “Tôi nghĩ đó là ý chí, phải luyện thì mới giỏi được, tôi vào nghề hàng năm trời chỉ xoay độc cái ống đũa, nản lắm vì nó đơn điệu quá, nhưng ống tròn hình trụ ấy lại chính là điều cơ bản và nền tảng cho mọi tạo hình sau này. Khi đã nắm vững cơ bản rồi, việc triển khai ra kiểu dáng mới chẳng có gì là phức tạp”.

Ngày nào cũng miệt mài bên bàn xoay, đến độ cậu con trai Đinh Công Việt Khôi nhìn cha xoay gốm mãi cũng đã biết tạo hình trên bàn xoay từ 12 tuổi, hiện tiếp nối nghề gốm của cha, và đã trở thành một lớp kế thừa hoàn hảo, là giảng viên khoa Gốm cũng với biệt tài xoay và tạo dáng không kém gì “vua xoay” cha mình.

 

Giảng viên Đinh Công Lai trong một giờ thao tác bàn xoay tại khoa Gốm trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai.

Độc bình tráng men của Việt Khôi chế tác nhân kỷ niệm 110 năm trường Biên Hòa xưa (1903 – 2013).

 

Khôi chia sẻ về nghề gốm: “Tôi mê nhất trong chế tác gốm là công đoạn tạo dáng, cứ nhìn lại những mẫu xưa, nhất là dáng bình, các chi tiết tạo hình thật lả lướt và cân đối, liền lạc, khi tạo ra dáng chuẩn rồi thì không sợ bị lỗi thời”.

Điều thú vị khi gặp gỡ những “vua xoay” như Đinh Công Lai, hay thế hệ kế thừa như Khôi, chẳng ai nhận mình là “vua” mà chỉ luôn khiêm tốn gọi mình là “thợ” dù rằng họ đang giữa vai trò “thầy” để tiếp tục truyền thụ những đam mê và tinh hoa trong nghề gốm.

Gốm Biên Hòa gắn với sự phát triển của trường Mỹ nghệ Biên Hòa xưa, từng lừng danh một thuở khắp trong và ngoài nước, nay vẫn rất cần những thế hệ tiếp nối để duy trì một dòng gốm mỹ thuật trang trí có sự giao kết hài hòa giữa đường nét tạo hình và phong cách trang trí Á – Âu không dễ lẫn lộn với các dòng gốm khác trên bản đồ gốm Việt.

Ảnh: HẢI ĐÔNG – Sắp đặt: TỪ PHƯƠNG THẢO – Thực hiện toàn bộ chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH