Điểm nhấn đầu tiên dễ nhận diện ở lồng chim làng Vác chính là lớp nan lồng được chuốt đều tăm tắm, kết hợp với nguyên liệu tre được lựa chọn kỹ lưỡng từ các gốc tre đực, khoảng 3 năm tuổi, với độ cứng không quá già và cũng không quá non, sau đó phải qua các công đoạn ngâm, luộc, nướng kỳ công để loại bỏ hết nhựa, vừa giữ cho tre thêm bền chắc, lại tránh được mối mọt, thế nên các nan lồng của làng Vác càng xài càng lên nước bóng mướt.
Dụng cụ làm lồng chim của người làng Vác cơ bản nhất là con dao tự chế, cán dài độ hơn 50cm, lưỡi vạt nhọn đầu, mài bén ngót như dao cạo. Một thợ lồng chim lành nghề ở Vác là người phải biết cầm chắc tay dao, vuốt tre theo hướng thuận – nghịch đều thuần thục, và con dao đặc biệt ấy còn được dùng để khắc, tỉa, tách vanh, nạo, xắn, chạy những đường nét mảnh như chỉ trên các lớp vanh tre trang trí cho thân lồng, tạo thành những lồng chim nhỏ như khuyên, hoàng anh, kích cỡ lớn dần lên có chào mào, chích chòe, họa mi…
Đỉnh cao trong chế tác lồng chim làng Vác là những chiếc lồng phóng (dùng cho người nuôi chim họa mi) cao đến trên 2m. Kỹ thuật tạo hình cho chiếc lồng phóng đẹp bền, các đường vanh tròn đều, nan chuốt dài suốt theo kích cỡ lồng, được phân bố đều tạo thân lồng vững, giới chơi họa mi chỉ tin dùng lồng phóng đặt hàng từ Vác.
Khởi phát của nghề lồng chim Vác chỉ làm các lồng trơn, không chi tiết trang trí, rồi người chơi ngày càng yêu cầu thêm các đường nét trang trí cho thân lồng thêm đẹp, người thợ Vác vận dụng kỹ thuật chạm khắc, đề tài là những mảng “Bát Tiên Quá Hải”, hay bộ tứ linh, tứ thời, hoa dây, bát bửu, tam đa, các nét chạm gấm, triện… cốt sao để chiếc lồng chim vừa bền chắc, lại đẹp và hài hòa. Người làng Vác cũng vận dụng hình ảnh lồng chim để biến tấu thành các sản phẩm mỹ nghệ, đồ gia dụng, trang trí nội thất như anh Bùi Văn Quý – chuyên gia thiết kế các mẫu đèn, đều là biến thể của lồng chim, cung cấp cho thị trường Sài Gòn – Hà Nội và xuất khẩu từ những năm 1990.
Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH