Làng Cựu sự hòa quyện Á – Âu

Trong số các làng cổ còn lưu lại nét kiến trúc đẹp ở Hà Nội, làng Cựu – xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, xứng đáng ở vị thế đầu bảng, nơi những ngôi nhà đã qua gần thế kỷ tồn tại, với điểm nhấn là nét kiến trúc tổng thể mang nhiều ảnh hưởng theo phong cách Âu châu, nhưng chi tiết trang trí lại mang nét Á Đông thuần khiết.

Sự hưng vượng thể hiện rõ trên cổng tư gia hiệu may Đức Lợi với các nét trang trí Á – Âu đầy tinh tế.

Ở đầu những năm 20 của thế kỷ 20, theo các cụ cao niên kể lại, làng Cựu gặp phải vụ cháy lớn, nhiều nhà cửa bị thiêu rụi. Người làng Cựu tha phương trên Hà Nội với nghề thợ may trứ danh khắp đất kinh kỳ, quay về làng dựng lại nhà cửa. Sự va chạm, giao lưu văn hóa, lối sống, phong cách mang âm hưởng Tây hóa mà người làng Cựu tiếp cận ở Hà thành, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc được đưa về làng áp dụng. Hàng loạt nhà cửa được dựng lên, với nền tảng và phong cách chính thụ hưởng từ kiến trúc Tây Âu. Làng Cựu trở nên nổi danh trong các làng quê Bắc bộ kể từ đó, và cho đến tận hôm nay vẫn được gọi là làng Tây bởi nét đẹp kiến trúc tổng thể nhà ở trong làng.

Toàn ngôi làng hiện còn lại nhiều ngôi nhà nguyên vẹn, được xây dựng trong quãng thời gian 1920 – 1950, điểm dễ nhận từ những nhà cổ mang phong cách Tây ấy ban đầu là từ chất liệu xi măng và gạch thẻ cỡ lớn trong xây dựng tổng thể, kế đến là lối trang trí các chóp mái, dùng chi tiết và đường cong, cùng hình thức đắp nổi phù điêu đề tài hoa dây, chùm nho, độc bình bổ múi, hoặc một vài mảng lan can trổ ra không gian ngoại thất từ một tầng lầu, vốn dĩ quen thuộc trong kiến trúc Tây Âu thời thuộc địa. Lối kiến trúc nhà ở có phân tầng khá hiếm ở làng Cựu. Hệ thống cửa của các ngôi nhà cũng là một chi tiết mang nét Tây Âu, với đường cong trên phần vòm cửa, kết hợp cùng kỹ thuật uốn sắt mỹ nghệ dùng trong trang trí cổng vào, cửa sổ sử dụng kỹ thuật lá sách, hoặc cửa chính làm theo lối hạ bản, phía trên là các mảng trang trí chạm khắc đối xứng.

Tường hoa đắp hoa văn theo kiểu Tây, điểm chữ “Hỷ” với hàm ý cầu mong sự vui vẻ đến cho gia đình.

Cầu vòm rất tân thời nối hai tòa kiến trúc anh – em một gia đình ở làng Cựu.

Sự cầu kỳ trong trang trí kiến trúc ở tường rào nơi làng Cựu.

Thế nhưng, nếu đi vào phân tích kỹ chi tiết kiến trúc của làng Cựu, nét trang trí Tây Âu chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại là sự tung hứng đầy cá tính của những nét văn hóa Á Đông, thể hiện qua các bức đại tự, liễn đối, các hàm ý ẩn dụ của tượng trang trí, của hoa văn và chữ nghĩa mà người làng Cựu khi xưa dùng thể hiện ngay trước cổng vào của ngôi nhà, hoặc trên các chóp mái, đầu nóc, vừa tạo điểm nhấn trong kiến trúc, nhưng cũng đồng thời gửi gắm những ước vọng, cầu mong điều tốt lành, hưng vượng, bình an đến cho gia chủ.

Kiến trúc quyển thư ở cổng làng Cựu.

Nét trang trí kiến trúc đẹp nhất làng Cựu còn lại hôm nay là ngôi nhà cụ phó Du, xây năm 1929

Đường cong trên phần vòm cửa, một chi tiết kiến trúc mang tính Tây Âu.

Cổng vào của làng Cựu được giới kiến trúc nhận định là một trong những cổng làng đẹp hiếm hoi còn sót lại ở vùng chiêm trũng Bắc bộ. Với lối kiến trúc dùng bốn cột trụ biểu phân thành ba gian, nhưng chỉ gian giữa được sử dụng làm lối đi, hai gian còn lại là cầu thang nối lên tầng trên, nơi có thể nhìn ra toàn cảnh làng Cựu. Trên bốn cột trụ biểu là bốn con Nghê chầu. Thông thường lối xây cổng làng này được gọi là kiến trúc quyển thư, và ở trên đỉnh bốn cột trụ biểu sẽ có hai linh vật là Nghê và Phượng, nhưng cổng làng Cựu không thấy xuất hiện hình ảnh Phượng. Đây cũng là một chi tiết trang trí kiến trúc khác lạ, hiếm gặp trên các cổng làng khác.

Gia chủ thành đạt và lập nghiệp ở Hà Nội khiến nhiều kiến trúc cổ ở làng Cựu nay bị bỏ hoang, không người chăm sóc.

Tổng thể kiến trúc làng Cựu đến nay vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn, chủ nhân các ngôi nhà cổ ấy đều là người thành đạt, lập nghiệp ở Hà Nội, bỏ lại những ngôi nhà trầm mặc theo thời gian. Và cũng chính những sắc màu thời gian ấy đem lại cho làng Cựu thêm một nét đẹp và những hấp dẫn riêng cho người yêu thích khám phá kiến trúc cổ xưa của một ngôi làng nét Tây hồn Việt.

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐÌNH