KTS Trần Hiếu – Kể chuyện đình làng qua ảnh

Hơn 6 năm rong ruổi khắp các vùng miền xứ Bắc, với đam mê khám phá và ghi lại hình ảnh những đình làng cổ xưa, KTS Trần Hiếu đã tích lũy được kho dữ liệu đồ sộ về hình ảnh các ngôi đình cổ, từ thời Mạc đến thời Nguyễn. Đình làng, với Trần Hiếu, là không gian nghệ thuật mà mỗi lần trở lại, luôn có thêm nhiều khám phá mới.

KTS Trần Hiếu 1

KTS Trần Hiếu trong một chuyến ghi hình ở đình làng Hưng Lộc, Nam Định.

KTS Trần Hiếu 2

Đình Hoàng Xá với nghệ thuật trang trí tiếp biến qua các giai đoạn từ cuối thế kỷ XVI đến XIX.

Hình thái đình tương truyền có từ thời Lê sơ, nhưng dựa Hưng Lộc, Nam Định. trên những dấu tích kiến trúc cổ còn lưu lại, có thể xác định kiến trúc đình hình thành từ thời Mạc (thế kỷ 16), với ngôi đình tiêu biểu có niên đại sớm nhất là Thụy Phiêu ở xứ Đoài. Cột cái gian giữa đình Thụy Phiêu còn minh văn ghi rõ: “Thôn Đông, giáp Nam. Đại Chính nhị niên, Tân Mão niên, thập nhị nguyệt, sơ thất nhật, tu lý”. Dịch nghĩa: “Ngày 7 tháng Mười Hai năm Tân Mão, niên hiệu Đại Chính thứ 2 (1531) giáp Nam, thôn Đông, tu sửa đình”. Tuy nhiên vì đã sang đầu tháng Mười Hai âm lịch nên cuộc trùng tu được xác định thực hiện năm 1532 dương lịch.

KTS Trần Hiếu 3

Tòa đại đình với bố cục ba gian hai chái ở đình Thụy Phiêu, đình làng cổ nhất từ thời Mạc.

KTS Trần Hiếu 4

Bộ vì nóc giá chiêng với mảng chạm lá đề.

ĐÌNH LÀNG Ở GIAI ĐOẠN THẾ KỶ XVI-XVII THƯỜNG CÓ KIẾN TRÚC HÌNH CHỮ NHẤT (–), GỒM MỘT TÒA ĐẠI ĐÌNH VỚI KIỂU THỨC BA GIAN HAI CHÁI HOẶC NĂM GIAN HAI CHÁI.

KTS Trần Hiếu 6

Gác thờ lửng có niên đại từ thời Lê trung hưng trong gian chính đình Thụy Phiêu.

KTS Trần Hiếu 7

Mảng chạm Nghê – Rồng sống động trên vì nóc giá chiêng ở đình Văn Xá (thế kỷ XVII).

Trong không gian cổ kính của đình làng, điểm nhấn khiến Trần Hiếu mê mẩn chính là từ vì nóc, vì nách, ván gió, đầu dư, cánh gà, hệ bảy, kẻ… nơi thợ dựng đình thể hiện tài nghệ thông qua nét đục chạm tuyệt mỹ, phản ánh đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt dân gian sôi động đương thời. Trần Hiếu chia sẻ: “Có những đình như Hà Hiệp, Chu Quyến, Hoàng Xá, Tây Đằng… tôi đã đi không nhớ bao lần, nhưng vẫn không chán bởi đều là kiến trúc tiêu biểu cho hình thái đình làng Việt, cả vẻ đẹp tổng thể lẫn mảng chạm trang trí”.

Về đình làng cổ, Trần Hiếu đối mặt với không ít kỷ niệm buồn, bởi: “Cấu kiện kiến trúc đình làng hầu hết đều bằng gỗ, việc xuống cấp là không tránh khỏi. Những đình như Trùng Hạ, Trùng Thượng ở Ninh Bình, khi trùng tu lại sơn đỏ, sơn vàng mất đi mảng thời gian quý hiếm của kiến trúc. Đình Ứng Hòa, Hà Nội kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn, nhưng làng lại phá đi xây mới. Đình Đồng Kỵ, gần 300 năm tuổi, cũng đã thay mới. Có đình xuống cấp, sắp sập như Cổ Chế ở Phú Xuyên. Tôi ghi hình đình cổ chỉ mong lưu lại vẻ đẹp xưa cũ, nguyên bản trước khi bị thay đổi bởi tác động của thời gian và con người”.

Rồng, Phượng, Tiên, Nghê trên cùng mảng chạm ở vì nách đình Giẽ Hạ, thế kỷ XVII.

VẺ ĐẸP ẤN TƯỢNG TRONG TRANG TRÍ ĐÌNH LÀNG VIỆT CỔ CHÍNH TỪ NHỮNG MẢNG CHẠM, PHÁT TRIỂN RỰC RỠ Ở THẾ KỶ XVII-XVIII THỜI LÊ TRUNG HƯNG.

Khi tạo lập đình làng, người làng luôn coi trọng việc chọn thế đất, gắn với nguồn nước, có thể là dòng sông, hoặc ao hồ tự nhiên hay nhân tạo trước mặt. Dân làng quần tụ, an cư lạc nghiệp, lúc ấy mới bắt đầu dựng đình tôn thờ người sáng lập làng (thành hoàng làng). Do vậy, đình vừa là nơi thờ tự (thờ thần, thờ thành hoàng), cũng là ngôi nhà sinh hoạt chung, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, vui chơi lễ hội, họp bàn việc làng. Do đa tính năng nên kiểu thức kiến trúc, trang trí đình làng chú trọng vào sự thân thiện, gần gũi. Mỗi thời kỳ, kiến trúc và trang trí đình mang những phong cách riêng. Lấy ví dụ ở thời Mạc, cột đình mang kích thước lớn, sang đến thời Nguyễn, thức cột nhỏ đi rất nhiều. Đình ở thế kỷ 16 chỉ là một tòa đại đình, sang thế kỷ 17 bắt đầu có thêm hậu cung, rồi thế kỷ 18 – 19 có thêm kiến trúc tả – hữu mạc…

Phong cách trang trí trên gỗ tiêu biểu của thời Lê trung hưng ở đình Trùng Hạ.

Đam mê khám phá vẻ đẹp đình làng, Trần Hiếu cũng có dịp tham gia, giới thiệu hình ảnh đình làng Việt qua các triển lãm ảnh trong và ngoài nước để chia sẻ, lan tỏa vẻ đẹp của đình làng đến người yêu di sản. Nhờ hình ảnh lưu lại, Trần Hiếu và những bạn cùng sở thích đã có nhiều tư vấn, lên tiếng ngăn cản tác động tiêu cực như sơn đỏ ở đình Văn Xá, trùng tu sai nguyên bản ở đình Quang Húc, Ba Vì.

Loạt ảnh về đình làng và những mảng chạm thú vị trong chuyên trang số này là những tập hợp từ thành quả hơn 6 năm gắn bó với đam mê đình làng của KTS Trần Hiếu, giới thiệu cho ấn phẩm ELLE Decoration.

Các góc ảnh về vẻ đẹp của đình Tây Đằng hơn 500 năm tuổi, một đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp kiến trúc, cảnh quan và trang trí từ thời Mạc.

50 NGÔI ĐÌNH LÀNG THUỘC VÙNG HÀ NỘI ĐƯỢC KTS TRẦN HIẾU TUYỂN CHỌN TRONG SỐ HƠN 300 ĐÌNH LÀNG CỔ VÙNG BẮC BỘ ĐỂ HỢP THÀNH TÁC PHẨM KHẢO CỨU VỀ NÉT ĐẸP ĐÌNH LÀNG VIỆT, DỰ KIẾN RA MẮT TRONG QUÝ I NĂM 2021.


Bài: Nguyễn Đình | Ảnh: Hiếu Trần.


Xem thêm:

Gốm Việt và những sắc thái riêng biệt

Mùa hội Xuân đất Bắc