Huế vàng son: Pháp lam Huế trên kiến trúc cung đình

Mùa Đông tháng 11 năm Đinh Hợi (1827) dưới triều Minh Mạng (1820 – 1841), nội phủ khai sinh thêm nghề mới, đặt tên là Pháp Lam tượng cục, gồm 15 nghệ nhân do ông Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở xưởng Nội tạo dẫn dắt, chỉ sản xuất đồ dùng phục vụ cung đình.

Trong tất cả các nghề chế tác nghệ phẩm Nội phủ phục vụ đời sống cung đình triều Nguyễn, Pháp Lam được xem là nghề đặc biệt nhất, phát triển rực rỡ qua các triều Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841 – 1847), Tự Đức (1847 – 1883), đến Đồng Khánh (1885 – 1889) thì thất truyền. Theo sử liệu, “Pháp Lam tượng cục” có các điểm chế tác ở ba địa danh đặt trong thành nội (Huế), Ái Tử (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình), nhưng nay các dấu tích lò xưởng ấy đều không còn.

Bờ đao trong kiến trúc cung đình Huế với các mảng Pháp Lam trang trí.

Minh Ân Viện trong di tích lăng Đồng Khánh với hai dải Pháp Lam trên nóc mái.

Tên gọi Pháp Lam là đề tài tốn nhiều giấy mực của giới nghiên cứu, cùng là một kiểu thức chế tác nhưng Trung Quốc gọi Cảnh Thái Lam, Pháp Lang, Nhật gọi Shipouyaki (Thất Bửu Thiêu) – 7 thứ quý thiêu đốt thành, Việt Nam gọi Pháp Lam. Lý giải Pháp Lam là bắt nguồn từ Pháp Lang theo lối gọi của Trung Quốc, nhưng vì người Huế phát âm chữ Lang và Lan như nhau nên khi đọc phải tránh âm vì đó là quốc húy theo chỉ dụ Gia Long ban năm 1807, kính lục các chữ húy gồm Noãn, Ánh, Chủng, Luân, Hoàn và Lan. Một lý giải khác là đồ kim khí có tráng men được gọi chung là Pháp Lam, Pháp có nghĩa là luật lệ, khuôn phép, còn Lam là chỉ màu men lam. Pháp Lam là tráng men lên cốt kim loại theo những cách thức hay khuôn phép định sẵn.

Thế nên, trong Pháp Lam, có 4 kỹ thuật chế tác khác nhau, riêng với Pháp Lam Huế, được phân định là Họa Pháp Lam, chế tác bằng cách phủ lớp men nền lên kim loại, dùng cọ vẽ lên lớp men lót các chi tiết rồi đem nung. Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn – nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế thì Họa Pháp Lam được phát minh từ vùng Limoges (Pháp) và Battersea (Anh) ở thế kỷ XV, theo các giáo sĩ dòng Tên du nhập vào Trung Hoa theo cửa ngõ Quảng Đông ở thế kỷ XVII, phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XVIII và theo các tàu buôn đến Việt Nam qua thương cảng Thanh Hà – Bao Vinh (Huế), Hội An (Quảng Nam), là đồ đắt giá trong giao thương, dành cho giới quý tộc và người quyền quý. Ông Vũ Văn Mai quả đã nắm bắt nhu cầu khi tự sang Quảng Đông học Họa Pháp Lam đem về ứng dụng, khai sinh ra dòng Pháp Lam Huế phục vụ triều đình.

Mảng kiến trúc trang trí Pháp Lam ở đầu hồi điện Thái Hòa trong Đại Nội.

Những mảng trang trí Pháp Lam tạo nên nét tươi vui trước vẻ thâm trầm của kiến trúc cung đình Huế.

Pháp Lam Huế trên kiến trúc nay còn thấy ở Điện Thái Hòa, trên nghi môn hai đầu cầu Trung Đạo, Nhật Tinh Môn, Nguyệt Anh Môn, Hiển Lâm Các trong Đại Nội, điện Sùng Ân, Minh Lâu (lăng Minh Mạng), điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức), điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị), điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh)… Đây đều là các công trình kiến trúc uy nghi, thâm nghiêm, thế nên các chi tiết trang trí sử dụng Pháp Lam Huế với màu sắc rực rỡ tươi vui như đỏ, xanh lam, vàng chanh, hồng phấn, xanh đậm… dùng kết nối các bờ nóc, đầu đao, cổ diềm, bờ quyết, tạo cho công trình nét duyên dáng khác lạ so với các phong cách trang trí khác trong kiến trúc xưa.

Mỗi bức vẽ Pháp Lam Huế trên kiến trúc đều gửi gắm một thông điệp nhất định, nếu là biển ngạch như ở các nghi môn trong Đại Nội, thường ghi lại những khẩu hiệu như Chính đại quang minh, Cao minh du cửu, Trung hòa vị dục… rút từ kinh sách Nho giáo. Dựa vào trang trí Pháp Lam trên kiến trúc, có thể phần nào nhận định được quy mô và tầm vóc công trình, chẳng hạn trên đầu nóc cung điện, lăng tẩm của vua sẽ có đồ án trang trí rồng, phụng, mặt trời, hồ lô thái cực, còn diềm mái sẽ có bát bửu, tứ quý, nhất thi – nhất họa. Các công trình nhỏ thì chỉ là các mảng Pháp Lam vẽ mây, hoa dây, các con giao cách điệu, chim muông, tứ thời, tứ bình. Qua mưa nắng thời gian, nhiều công trình trang trí Pháp Lam Huế trên kiến trúc đã xuống cấp trầm trọng, và chỉ mới được hồi sinh sau hơn trăm năm thất truyền và lãng quên.

Biển ngạch ở nghi môn trang trí Pháp Lam nhìn từ điện Thái Hòa với khẩu hiệu “Trung hòa vị dục” (Bình an và sinh sôi nảy nở).

Hồ lô thái cực – một lối trang trí Pháp Lam dành cho cung điện hoặc lăng tẩm của vua.

Nóc mái điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh) với mảng Pháp Lam vừa được phục chế hoàn thiện.

Ảnh: HẢI ĐÔNG – Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH