Dấu ấn thương hiệu từ kiến trúc xứ Phù Tang

Không chỉ có nét cổ kính của các đền Thần Đạo (Shinto) ngàn năm tuổi, hay dáng ngất ngưởng chọc trời của đô thị hiện đại, xứ Phù Tang vẫn sở hữu nhiều công trình kiến trúc thú vị, hiện đại, khác lạ nhưng cũng mang đậm tinh thần Nhật Bản.

Thập niên những năm 1980 – 1990 là thời hoàng kim của kinh tế Nhật Bản, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của nhiều phong cách, hình thái kiến trúc với bản địa có, ngoại lai có, nhưng nét độc đáo là trong vẻ đẹp kiến trúc ấy, vẫn toát lên tổng thể một tinh thần Nhật Bản rõ nét.

KHU LÀNG TÂY BAN NHA (SHIMA SPAIN VILLAGE)

Đứng dưới vòm cong móng ngựa, màu sơn hồng nhạt, cùng những cột trụ vóng cao, không gian rộng thoáng, bạn có cảm giác như đang trong khuôn viên thánh đường Cordoba – kiến trúc Di sản Văn hóa thế giới ở Tây Ban Nha. Nhưng không, đây là kiến trúc được xây tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Với những ngưỡng mộ về vẻ đẹp kiến trúc, di sản của Tây Ban Nha, chính quyền Mie ở những năm 1990 đã cho kiến thiết khu làng Tây Ban Nha trong quần thể quy hoạch có diện tích lên đến 113 hecta. Trong ngôi làng Tây Ban Nha ấy sẽ thấy rõ sự lặp lại hoàn hảo các công trình di sản như quảng trường Fiesta với nghệ thuật ghép mảnh cùng phong cách kiến trúc đặc trưng của Antoni Gaudí, quảng trường Cibeles với hình khối điêu khắc vị nữ thần Hy Lạp Cybele đang ngồi trên chiếc xe được hai con sư tử kéo, cho đến con đường thập tự lãng mạn Santa Cruz bám theo quanh co dốc núi, trầm mặc, thanh bình… Ở làng Tây Ban Nha, tính giải trí, nghỉ dưỡng được chú trọng tạo điểm nhấn với chuỗi công trình nối kết liên hoàn, một ấn tượng khi nghĩ về Nhật Bản.

kiến trúc 1

Âm hưởng của phong cách kiến trúc Gaudí ở quảng trường Fiesta, làng Tây Ban Nha tại Shima, Nhật Bản. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

kiến trúc 2

Vẻ thanh bình, cổ kính nơi con đường Santa Cruz ở làng Tây Ban Nha. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

RA ĐỜI TỪ 1994, LÀNG TÂY BAN NHA Ở SHIMA CỦA TỈNH MIE CÓ MỤC ĐÍCH CHÍNH LÀ ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA NGƯỜI YÊU THÍCH DU NGOẠN VẺ ĐẸP TÂY BAN NHA NHƯNG TRÊN ĐẤT NHẬT BẢN.

kiến trúc 3

Nữ thần Cybele bên cạnh những đường nét kiến trúc đậm phong cách Andalusia của Tây Ban Nha. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

kiến trúc 4

Hình móng ngựa đặc trưng trong kiến trúc nhà thờ Cordoba được tái hiện tại Nhật Bản. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.


MỘT CÔNG TRÌNH KHÁC LÀ BẢO TÀNG DÂN TỘC KAMI YUBETSU cũng được kiến thiết ở thời điểm những năm 1990 trên vùng Bắc Hải Đạo (Hokkaido) – khi ấy còn là nơi hoang vu, không có nhiều điểm đến hấp dẫn. Việc sử dụng nguồn kinh phí quốc gia vào những công trình lớn, bề thế, ở những nơi ngoài hình dung của nhiều người, cũng là cách tạo điểm nhấn cho vùng. Các KTS được vận động sáng tác, thỏa sức bay với những ý tưởng kỳ dị, điên rồ nhất, và từ đó chuyển thể ý tưởng thành công trình hiện thực.

kiến trúc 5

Kiến trúc công trình gợi về hình ảnh chiếc mũ của các kiếm sĩ Samurai Nhật Bản. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

BẢO TÀNG KAMI YUBETSU ĐƯỢC KTS TOYOKAZU WANATABE THIẾT KẾ, VỚI Ý TƯỞNG CHỦ ĐẠO TỪ PHIM HOẠT HÌNH NHẬT BẢN. CÔNG TRÌNH TỌA LẠC Ở NƠI CỰC KỲ HẺO LÁNH TRÊN TRỤC ĐƯỜNG 242 VÙNG KAMI YUBETSU, HOKKAIDO.

kiến trúc 6

Mặt tiền kiến trúc của Bảo tàng Dân tộc học Kami Yubetsu với lớp mái từ chất liệu nhôm, được gấp nếp cầu kỳ. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

Kami Yubetsu là ví dụ điển hình, nếu từng đến với không gian bảo tàng này, không ai nghĩ giữa cánh đồng hoang vu, xa lắc với khu dân cư, lại mọc lên một công trình ấn tượng mạnh đến vậy. Kiến trúc bảo tàng là một khối đồ sộ, với hệ mái phức tạp, chồng chéo, xếp lớp, thể hiện nét gấp, uốn lượn, được phối từ nhiều chất liệu bê tông, gỗ, kim loại sáng màu… Tổng thể bảo tàng, nhìn từ xa, không khác gì chiếc mũ giáp bảo hộ của kiếm sĩ Samurai Nhật Bản ngày xa xưa.

kiến trúc 7

Không gian trưng bày ngôi nhà của Hòa Nhân – cư dân đầu tiên khi đến vùng Bắc Hải Đạo. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

Ở phần chính diện bảo tàng, điểm nhấn là mảng trắng khổng lồ trên nền xám của bê tông. Mảng trang trí ấy được gấp nếp đối xứng, không chỉ mang bố cục đẹp, độ khó cao trong thể hiện, mà còn gợi ngay về hình ảnh nghệ thuật xếp giấy Origami truyền thống của Nhật. Công trình rất bề thế, kiến trúc kỳ dị, nhưng nội thất chỉ gồm hai tầng, trưng bày những hiện vật mang tính lịch sử của người Wajin (Hòa Nhân) đầu tiên, nơi nội địa Nhật ra vùng đảo này khai thác lâm thổ – thủy hải sản từ nhiều thế kỷ trước.

kiến trúc 8

Lối đi qua các không gian trưng bày ở bảo tàng Dân tộc học Kami Yubetsu. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

KIẾN TRÚC HOẠT HÌNH MANG NHIỀU HÌNH KHỐI VÀ ĐƯỜNG NÉT “KHÔNG TƯỞNG”, BỞI DỄ MANG LẠI CHI TIẾT THỪA, KHÔNG NẶNG TÍNH CÔNG NĂNG VÀ TỐN KÉM RẤT LỚN CHO VIỆC THỰC HIỆN.

kiến trúc 9

Kiến trúc tối giản ở sảnh tiếp tân của bảo tàng Kami Yubetsu. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

kiến trúc 10

Vòm trần cao vút, với kết cấu phức tạp, lấy sáng cho sảnh đón khách của bảo tàng. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

Ấn tượng khi đặt chân vào bảo tàng, nếu không gian trưng bày chỉ là phần điểm xuyết, với ngôi nhà hai mái, các vật dụng người Wajin dùng sưởi ấm, được bố cục mạch lạc theo những đường dẫn, các khoảng lưu không hợp lý, thì ấn tượng nhất vẫn là không gian, khoảng trống vô định. Những dãy cột cao vút, những mái vòm kết cấu gỗ mang kỹ thuật chế tác thượng thừa, tạo sự ngạc nhiên không hề nhẹ bởi độ xa xỉ nhưng đẹp lạ ấy.

kiến trúc 11

Hệ cột bê tông và kèo gỗ phối nhau đỡ vòm mái tạo không gian cao, rộng. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.


CŨNG Ở VÙNG HOKKAIDO, MỘT KIẾN TRÚC HOẠT HÌNH KHÁC ĐƯỢC KIẾN TẠO, LÀ KAORI NO SATO ở vùng làng quê thuộc thị trấn Monbetsu, có từ 1984. Đặc tính của địa danh này nổi tiếng về trồng và chiết xuất bạc hà lớn nhất nước – chiếm đến 25% của toàn Nhật Bản – và 300 giống thảo dược, thảo mộc sưu tầm từ khắp thế giới. Ý tưởng tạo dựng ngôi nhà thảo dược ra đời, và để hấp dẫn hơn, người Nhật ứng dụng kiến trúc hoạt hình, thần tiên như trong phim ảnh.

kiến trúc 12

Kaori no Sato nhìn từ dưới chân đồi, với nóc mái, tường bao mang phong cách kiến trúc hoạt hình, thần tiên. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

Ở NHỮNG NƠI HẺO LÁNH, SỨC HẤP DẪN CỦA KIẾN TRÚC ĐIỂM NHẤN THẬT QUAN TRỌNG, TẠO ẤN TƯỢNG MẠNH. PHONG CÁCH KIẾN TRÚC HOẠT HÌNH KIỂU NHẬT BẢN LÀ MỘT THÀNH CÔNG, LÓE SÁNG VÀ ĐỂ LẠI NHIỀU CÔNG TRÌNH THÚ VỊ.

Kaori no Sato tọa lạc nơi lưng chừng đồi, chen trong mảng xanh của rừng cây, hoa lá, với chóp nhọn, tường cong, sắc màu nổi bật, cùng cung đường quanh co dẫn lối, gợi cảm giác như đang lạc xứ thần tiên điện ảnh hơn là giữa đời thường. Sự thành công của khối kiến trúc, chính bởi ngoại hình kỳ lạ của nó, và điều đó hấp dẫn khách tham quan, mang lại sự thích thú cho mọi người khi tiếp cận ngôi nhà. Nội thất là những quy trình chiết xuất thảo dược, trưng bày các loại thảo dược của vùng, được bố cục, sắp đặt nghệ thuật chặt chẽ. Những phối kết của đường nét, đặc biệt là đường cong của tường bao, được lặp lại trong không gian qua các mảng trang trí làm điểm nhấn. Hệ vì kèo, dầm mái từ gỗ, được uốn, ghép, khớp nối, thể hiện kỹ thuật chế tác tinh tế, tỉ mỉ kiểu Nhật Bản.

Kiến trúc hoạt hình, kiến trúc lặp lại, phát triển ở Nhật trong thời hoàng kim gần hai thập niên, rồi nhường chỗ cho một làn sóng mới. Nếu có dịp rong ruổi đất Phù Tang, được thăm thú những kiến trúc hoạt hình, dễ là một hành trình ấn tượng, khó quên.

kiến trúc 13

Tên gọi là ngôi nhà thảo dược, công trình sư sử dụng luôn các loại thảo dược trang trí cho nội thất. | Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.


Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Baroque – Tinh hoa tráng lệ

KTS Trần Hiếu – Kể chuyện đình làng qua ảnh