Công Thần Miếu Vĩnh Long: Nơi di sản được gìn giữ bằng tâm thành

Khi thực dân Pháp phá hủy Miếu Hội Đồng tỉnh Vĩnh Long năm 1867, người dân đã âm thầm cất giấu 85 sắc phong thần suốt gần nửa thế kỷ. Từ tấm lòng chân thành ấy, Công Thần Miếu đã tái sinh như một minh chứng về sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

Vĩnh Long là mảnh đất giàu truyền thống của vùng Nam Bộ, từ lâu đã là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dưới thời Nguyễn, ranh giới địa lý của tỉnh Vĩnh Long có phần tương đồng với khu vực sau khi sáp nhập ba tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh, tạo nên một vùng đất rộng lớn với bề dày lịch sử đáng tự hào. Trong cuộc chiến tranh giữa Đại Nam và Pháp, nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng quý giá đã không tránh khỏi số phận bị phá hủy. Hội Đồng Miếu với tất cả giá trị lịch sử, văn hóa kiến trúc và tinh thần mà nó chứa đựng, cũng đã biến mất trong làn sóng tàn phá ấy. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là tinh thần bảo vệ di sản của người dân nơi đây. Mặc dù ngôi miếu không còn tồn tại, nhưng 85 sắc phong thần của tỉnh – những văn bản thiêng liêng do triều đình ban cấp để người dân và địa phương thờ cúng – đã được cộng đồng bảo vệ và gìn giữ một cách tỉ mỉ cho đến ngày hôm nay.

cong than mieu vinh long

Kiến trúc đài công thần phía trước miếu.

Từ Hội đồng miếu đến Công thần miếu

Miếu Hội Đồng tỉnh Vĩnh Long được xây cất vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837) tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình. Đến năm 1867, sau khi chiếm được tỉnh Vĩnh Long, thực dân Pháp đã cho phá hủy thành trì, công thự và các công trình văn hóa được xây dựng trước đó. Ngôi Miếu Hội Đồng tỉnh Vĩnh Long cũng bị dỡ bỏ nhằm lấy vật liệu để xây dựng Tòa Bố Địa hạt Vĩnh Long thời bấy giờ. Trong hoàn cảnh đó, người dân và hương chức địa phương đã nhanh chóng di tản những đồ tự khí (đồ dùng thờ cúng) cùng với 85 đạo sắc thần của tỉnh để tránh xa nơi khác, và tạm thời phối thời tại đình thần Thiềng Đức.

Trải qua gần năm mươi năm sau, vào năm 1915, các văn thân nghĩa sĩ tại Nam Kỳ đã đứng ra vận động để thành lập lại miếu Hội Đồng tỉnh. Trong số đó, bà Trương Thị Loan, tục gọi là bà Phủ Y, con gái Bá hộ Trương Ngọc Lang, cùng bà Lê Thị Danh, vợ Đốc Phủ Tươi, đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc gìn giữ di sản văn hóa này. 

cong trinh ton giao vinh long

Không gian tại chánh dinh.

Cho tới ngày 27/4/1918, quyết định từ Thống Đốc Nam Kỳ chính thức cho phép tái xây dựng ngôi miếu Hội Đồng. Giới thân hữu Vĩnh Long đã đóng góp đất đai, tiền bạc, công sức để kiến tạo lại công trình theo kiến trúc đình miếu Nam Kỳ thế kỷ XIX-XX. Đáng kể nhất, ông Nguyễn Văn Kỷ hiến một mẫu đất để làm chỗ xây cất, bà Trương Thị Loan hiến 4000 đồng Đông Dương – một số tiền rất lớn vào thời điểm đó.

Sau khi ngôi miếu được xây cất, nó được đặt tên là Công Thần Miếu, với ý nghĩa ghi nhớ công ơn các vị công thần có công bảo vệ dân lành. Cho tới hiện nay, trải qua hơn một trăm năm, ngôi miếu Công Thần được xem như một công trình kiến trúc tiêu biểu, lưu giữ giá trị văn hóa và tinh thần của tỉnh Vĩnh Long.

cong trinh ton giao vinh long

Hoành phi “Quốc Thới Dân Khương” (từ phải qua).

Kiến trúc Công thần miếu Vĩnh Long

Công Thần Miếu nằm tại Phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi miếu hướng Đông Bắc, phía trước có đường giao thông thuận lợi, cách sông Cổ Chiên khoảng 100m về phía bắc, tạo nên một vị trí đắc địa trong lòng thành phố. Bước vào khuôn viên, du khách sẽ đầu tiên bắt gặp cổng Tam quan được xây dựng kiên cố bằng gạch với ba hướng ra vào. Cổng chính ở giữa nổi bật với dòng chữ “Công Thần Miếu” được đắp nổi bằng cả chữ Nho và quốc ngữ, thể hiện sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

cong than mieu vinh long

Hoành phi “Công Thần Linh Miếu” (từ phải qua).

Mặt tiền miếu bên ngoài có một bức Bình phong lớn, còn được gọi là Đài Công Thần – nơi tưởng niệm các vị công thần vì nước vì dân. Đây là không gian thiêng liêng đầu tiên mà du khách cảm nhận được khi bước vào miếu. Đi sâu vào bên trong là khu vực Võ Ca, không gian dành cho trình diễn nghệ thuật trong các dịp cúng lễ. Khu vực này nổi bật với bức hoành phi “Hộ Quốc Tí Dân” (bảo vệ đất nước, che chở người dân) được sơn đen và thếp vàng tinh xảo, tạo nên một điểm nhấn ấn tượng.

 

Tiếp theo Võ Ca là khu vực tiền đình, nối liền với chánh đình tạo thành một công trình rộng lớn và hài hòa. Mặt trước chánh đình được trang trí bằng bức hoành phi bốn chữ “Công Thần Linh Miếu” được chạm nổi tinh xảo, sơn đen kết hợp với sơn son thếp vàng theo kiểu mẫu nghệ thuật trang trí đặc trưng của Nam Bộ.

Toàn bộ không gian miếu tạo nên cảm giác uy nghi và trang trọng. Xung quanh những cây cột được điểm xuyết bằng các bộ liễn đối mang ý nghĩa thanh tao. Bên trên các cửa ra vào hay các khung xuyên của công trình đều có treo hoành phi sơn son thếp vàng rực rỡ, tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa và đầy ấn tượng.

Bên trong chánh điện của miếu là không gian thờ phượng trang nghiêm, nơi các bàn thờ được bố trí theo nghi lễ truyền thống của các đình miếu Nam Bộ, với những án thờ sơn son thếp vàng lấp lánh, cùng các đồ nghi trượng, bát bửu và lọng tàn được thêu vẽ tỉ mỉ từng chi tiết. Các khánh thờ (hay còn gọi là khám thờ) nổi bật với nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, trong đó khánh thờ ở trung tâm là nơi an trí các sắc thần thiêng liêng.

cong than mieu vinh long

Khánh thờ thần tại gian giữa miếu.

Kiến trúc chánh điện được xây dựng theo dạng tứ trụ với mái cổ lầu hai tầng tám mái, thể hiện phong cách vững chãi, nghiêm trang và cân đối hài hòa. Trên mái ngói âm dương, các chi tiết lưỡng long tranh châu được đắp nổi sinh động, tạo nên vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo. Bên ngoài khuôn viên miếu, nhà vuông được xây dựng như một không gian nghỉ mát và là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống. Có thể khẳng định rằng, Công Thần Miếu tỉnh Vĩnh Long không chỉ là nơi ghi dấu quá trình hình thành và phát triển của địa phương, mà còn tiếp nối lịch sử lâu đời của miếu Hội Đồng tỉnh.

Hàng năm ở di tích Công Thần Miếu diễn ra nhiều lễ hội, điển hình như: Lễ Xuân tế cầu an : vào rằm tháng 2 âm lịch, Lễ Hạ điền: rằm tháng 5, Lễ Thu tế: rằm tháng 8, Lễ Thượng điền: rằm tháng 10.

cong trinh ton giao vinh long

Kiến trúc bên ngoài Công Thần Miếu.

Công trình này được đánh giá là mẫu kiến trúc tiêu biểu cho phong cách xây dựng của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và Nam Bộ đầu thế kỷ XX nói chung. Miếu vẫn giữ gìn những đặc trưng truyền thống trong kiến trúc thờ phượng đình thần và miếu võ của vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt, trong miếu hiện còn lưu trữ 85 đạo sắc phong dành cho 34 vị thần. Những đạo sắc này được chia thành hai loại chính: sắc phong cho Nhiên Thần (các vị thần tự nhiên như Bổn Cảnh sơn thần, Bổn cảnh thủy thần…) và sắc phong cho Nhơn Thần – những vị thần là các công thần có công với triều đình và nhân dân, được sắc phong để thờ cúng, trong đó có nhiều vị tiêu biểu đáng kể.

Một số vị tiêu biểu gồm: Thống suất Nguyễn Phủ Quân, Thượng đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, Chánh thống Nguyễn Phủ Quân, Thượng đẳng Thần Nguyễn Cửu Vân, Phụ Đô đốc tướng quân, Thượng đẳng Thần, Trần Thượng Xuyên, Khai quốc công Thần, Vĩnh lộc đại phu, Hiệp Biện đại học sĩ, Lãnh lại Bộ thượng thơ, Thoại  văn cách, Tân Minh hầu, Nguyễn phủ quân, Trung đẳng Thần Nguyễn Cư Trinh, Hữu Phủ Tống Phủ quận, Trung đẳng Thần, Tống Phước Hiệp.

Với hệ thống các sắc phong trên, cũng như giá trị về lịch sử, văn hóa, thì ngày Ngày 31 tháng 8 năm 1998, Bộ Văn hoá Thông Tin quyết định công nhận Công Thần Miếu là di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia.

Bài & Ảnh: Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính


Xem thêm: 

Kiến trúc và mỹ thuật chùa Giác Lâm

Nét đẹp chùa cổ Phước Tường

Nét đẹp chùa cổ Nam bộ: Chùa Hội Khánh