Phổ Hiếu Kỳ – Cuộc quan trắc về sự tồn tại của con người

Phổ Hiếu Kỳ, một triển lãm do Ace Lê giám tuyển, mở ra một không gian quan trắc về những yếu tố mật thiết của tồn tại người với thế giới. Triển lãm khơi gợi suy tư và mời gọi người xem cùng khám phá mối quan hệ song hành giữa khoa học và nghệ thuật.

Hiếu kỳ, một đặc tính cố hữu của nhân loại, là thứ sức mạnh đã đẩy con người tìm ra năng lực cải tạo thiên nhiên, xuyên qua đại dương và khám phá những châu lục nằm ngoài giới hạn của bản đồ. Hiếu kỳ mở ra khả năng mới để con người mở rộng hiểu biết về thế giới vô cùng tận, song song với nó là nỗi sợ về những mặt trái tri thức mang lại khi con người chạm đến sức mạnh vượt ngoài mọi dự đoán và khả năng kiểm soát. Triển lãm “Phổ Hiếu Kỳ” dường như khởi đi từ đôi mắt của kẻ truy tìm lời giải cho bí ẩn cổ xưa về sự tò mò, lần theo những tiềm năng và chất vấn những nghĩ suy đã dàn xếp ra “thực tại” vẫn che phủ sự tồn tại của con người.

“Phổ Hiếu Kỳ” là một dự án giám tuyển có quy mô lớn do nhà nghiên cứu Ace Lê giám tuyển với sự trợ giúp của Dương Mạnh Hùng và Tâm Nguyễn. Đây là một hợp tác giữa Nguyen Art Foundation và Lân Tinh Foundation, diễn ra tại khuôn viên của hai trường EMASI Nam Long và EMASI Vạn Phúc, tập hợp 46/bộ tác phẩm của 26 nghệ sĩ trải rộng trên các chủ đề, phương tiện thể hiện (tranh, vật thể, video…) và đa dạng ý niệm. Tất cả được kết nối bằng một mạch kể chuyện xuyên suốt để người xem bước vào hành trình khám phá sợi dây đan kết giữa khoa học và nghệ thuật, cũng như mối quan hệ của tồn tại người với các chủ đề mà triển lãm biểu thị.

Phổ Hiếu Kỳ 1

Hình ảnh: Nguyen Art Foundation

Mối song hành giữa khoa học và nghệ thuật

Khoa học và nghệ thuật thường được hiểu như hai lĩnh vực hoàn toàn tách biệt như quan niệm phổ biến về sự phân đôi giữa não phải và não trái. Khoa học đòi hỏi sự tham gia của lý trí và tính chính xác, trong khi nghệ thuật thường được xem là lãng mạn, ủy mị và phi lý. Đối diện với các trường quan điểm trên, giám tuyển Ace Le đã chia sẻ: “Khi khoa học phát triển, những phát kiến và công cụ mới mẻ lại được các nghệ sĩ nghiên cứu và ứng dụng. Và khi những thử nghiệm và sáng tác của họ trở nên ngày càng đa dạng và có chiều sâu nghiên cứu, chúng sẽ mang đến nhiều điều ngạc nhiên cho quá trình ta khai vấn, hình dung và giải thích thế giới quanh mình, từ đó tiếp tục nuôi dưỡng những đối thoại liên ngành. Nhìn theo cách đó, nghệ thuật là một môn khoa học, và khoa học cũng có thể được coi là một môn nghệ thuật. Bằng cách làm nhoà đi các định nghĩa, ‘Phổ Hiếu Kỳ’, vì thế, đặt mục tiêu kết nối thay vì chia rẽ.”

Tên của triển lãm được lấy cảm hứng từ những “căn buồng hiếu kỳ” (cabinet of curiosities) của thời Phục Hưng. Trong những căn buồng hiếu kỳ, giới quý tộc chất đầy những vật phẩm kỳ lạ, từng vật phẩm kể những câu chuyện về những vùng đất xa xôi, đôi khi là huyễn tưởng, nhằm kích thích lòng khát khao hiểu biết và khám phá ở người đến xem. Triển lãm “hồi đáp, phản tư và mở rộng khái niệm” về những căn buồng hiếu kỳ ấy và lần theo mạch truy vấn miên man của những nghệ sĩ đương đại để dò tìm cách họ tư duy và khám phá tính hiếu kỳ của chính bản thân họ và của xã hội hậu hiện đại.

Triển lãm dẫn dắt người xem qua tám “điểm hiếu kỳ”, hay tám cánh cửa mở ra những không gian suy tư về khoa học và thế giới: Cơ thể, Máy móc, Lịch sử, Sinh thái, Ngôn ngữ, Hình thái, Hóa chất, Vũ trụ. Qua từng điểm hiếu kỳ, người xem được khuyến khích suy tư và tự sắp xếp nên chuyến khám phá của riêng mình.

Cơ Thể – Con người trải nghiệm và phản ứng với thế giới qua thân thể

Phổ Hiếu Kỳ 2

Cơ thể
Nguyễn Thị Thanh Mai, Disentangled #1/ Gỡ rối #1, 2013

Tóc là một phần thân thân thể, thân thể là cái trình hiện ra giữa đời sống, cái để con người trải nghiệm và phản ứng với thế gian. Khi Nguyễn Thị Thanh Mai trình bày “Gỡ rối #1” gồm 9 bức ảnh, ta mường tượng những xao xác của gió làm dồn nén những khối hình của tóc rối ren. Tác phẩm cũng như một thể nghiệm và cố gắng nắm bắt những ý niệm đơn thuần nhất về sự hao mòn của thân thể trong đời sống vô tận, đặc biệt là đời sống qua trải nghiệm làm phụ nữ. Thanh Mai mang đến một thể nghiệm mới về vật liệu sáng tạo (materiality), ở đây cụ thể là sáng tạo bằng một phần thân thể và thời gian sống chắt chiu của nghệ sĩ… tóc là thứ vật liệu lớn lên cùng tồn tại và kiếp sống thân phận đàn bà. Thời gian và sự hao mòn thể xác là những ý niệm khó nắm bắt, và nghệ sĩ đã vận dụng phương tiện để hữu hình hóa những điều trừu tượng thành một biểu hiện nên thơ.

Máy Móc – Mở ra những khả thể mới

Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm mang đến một trải nghiệm nhập vai mời gọi khán giả tham gia vào quá trình hình thành của tác phẩm, thay vì chỉ là những người quan sát đơn thuần. Đây là tiếp nối trong hành trình phát triển ý niệm từ các phiên bản trước của tác phẩm License 2 Draw. Ưu Đàm và đội ngũ cung cấp một ứng dụng cho phép người chơi truy cập từ bất kỳ đâu trên thế giới và điều khiển một chiếc xe robot để chúng thay mặt họ việc họa nên những đường nét trừu tượng.

Phổ Hiếu Kỳ 3

Máy móc
Nguyễn Trần Ưu Đàm, License 2 DRAW, 2022

License 2 Draw khiến người tham gia phải nghĩ lại về ranh giới của nghệ thuật: vượt ra khỏi những phương tiện quen thuộc như toan và màu vẽ, tác phẩm sử dụng động cơ, mạch điện và ngôn ngữ lập trình để diễn đạt quá trình thực hiện một tác phẩm… Theo phương pháp đó, tác phẩm nghệ thuật không chỉ là những vật thể đã hoàn thiện sẵn mà nằm trong tình trạng liên tục biến đổi để trở thành một thứ gì đó vượt ngoài khoảnh khắc giới hạn, tác phẩm là một sự trở-thành. License 2 Draw tạo ra một thể nghiệm đồng sáng tác, xóa nhòa ranh giới về chất liệu và cả không gian địa lý để mang đến trải nghiệm tức thời đặc trưng của thế giới toàn cầu hóa.

Lịch sử – Âm thanh trượt đi của tồn tại người

Nguyễn Trinh Thi mang đến một tác phẩm video art Những Lá Thư Panduranga vừa là nghệ thuật, vừa có thể xem như tài liệu lịch sử/ nhân học, ở đó nghệ sĩ theo đuổi những vẻ đẹp dường như đã im lặng trong lịch sử cộng đồng Chăm.

Tác phẩm mở đầu đẹp như thơ, một bài thơ được viết bằng ngôn ngữ đang sắp tan biến trong ánh nắng trải rộng trên bờ biển Ninh Thuận, bài thơ với một cái tên thật cổ, âm thanh xưa xa lúc nào cũng thật thơ như là Panduranga (nơi đây là vùng đất thiêng của nền văn hoá Chăm). Âm thanh này đẹp vì chứa sự phai phôi, vì nắng từ thiên cổ đổ xuống nơi cố hương của họ, vì mãi mãi chúng ta bây giờ sẽ không còn chạm đến được những miền ấy nữa, ta chỉ còn thấy chúng trong mơ. Trong giấc mơ đó ta nghe cái chết của tượng đá bị chuyển dời khỏi đền thờ, và từ đó tượng thành im lặng khi không còn điệu múa nào quanh mình. 

Phổ Hiếu Kỳ 4

Lịch sử
Nguyễn Trinh Thi, Letters from Panduranga / Những lá thư Panduranga, 2015

Phổ Hiếu Kỳ 5

Video arts phác hoạ những dung mạo và đôi mắt con người kế tục từ tổ tiên nhìn trực diện vào kẻ xem giả định (người xem video). Tác phẩm hiển lộ sự kết nối giữa dòng tộc mẹ của người Chăm với đất và lửa, với những nghi lễ và điệu múa thiêng trong vòng xoay đời sống của họ, với những di sản đứng trước định mệnh biến đổi cùng lịch sử người.

Sinh Thái – ta tồn tại trong tương liên với thế giới

Trương Công Tùng đặt vào gian phòng một chiếc bàn phẫu thuật bằng kim loại, trên đó anh bày ra những mẫu đất đủ các hình thù. Những dị vật này được thu thập quanh trại tập trung của những người di cư Việt Nam tại Philippines. Đất bị biến đổi thành những thỏi lấp lánh ánh vàng, vừa thu hút tính hiếu kỳ vừa khiến ta e ngại về những tác động không thể lường trước của con người lên môi trường sinh thái.

Sinh thái là một chủ đề trở đi trở lại trong hành trình sáng tác của Trương Công Tùng. Thực hành của anh trải rộng trên nhiều phương tiện từ hội họa, video và sắp đặt. Anh truy vấn mối quan hệ giữa con người và sinh thái, những đổ vỡ từ quá trình đô thị hóa và mở ra chiều kích tinh thần bằng cách dò tìm vào không gian thần thoại và ký ức của những miền đất mà anh ghé thăm. Tạo tác của anh trên các tác phẩm là sự khai phá các vật liệu thiết kế mới mẻ, là sự tái nhận thức những với các nguyên tố tự nhiên nước, đất, không khí; sau đó là các vật liệu từng biểu trưng cho thế gian thiêng của hồn linh muôn vật như xương, thịt da và tro cốt, đó là con đường tái nhận thức về thế gian sơ nguyên nơi con người là một phần không tách rời của thế giới tự nhiên.

Phổ Hiếu Kỳ 6

Sinh thái
Trương Công Tùng, The Exiled Mound / Ụ Đất Tha Hương

Ngôn ngữ – Khuôn đúc của tâm trí

Sáng tác của Nguyễn Kim Duy thử nghiệm với những tính chất của ngôn ngữ như một công cụ trình hiện thế giới và khuôn đúc nên tâm trí của con người. Với tác phẩm “Chữ” (2018), Nguyễn Kim Duy mang đến một suy tư thú vị về cách ngôn ngữ hình thành, lan truyền và đánh mất ý nghĩa. 

Nghệ sĩ trưng ra loạt 13 trang giấy chép lại nội dung một trang từ điển định nghĩa về “text”. “Text” là chữ, là nội dung được viết hay in ra, là một văn bản. Trang đầu tiên trình bày những dòng chữ rõ ràng, càng về sau dòng chữ càng trở nên nhòe mờ và cuối cùng trở thành những vết mực đen bện xoắn vào nhau đến mức hoàn toàn không thể đọc được. Cách thực hiện của nghệ sĩ nhắc lại những tác phẩm nhân bản trong thời Pop Art, trong đó tính chất đơn điệu của sự trùng lặp trở thành một ẩn dụ về cách vận hành của thế giới trong thời nhân bản kỹ thuật. 

Phổ Hiếu Kỳ 7

Ngôn ngữ
Nguyễn Kim Duy, Text / Chữ, 2018

Những trang giấy của Nguyễn Kim Duy gợi lại quá trình từ ngữ được lan truyền và nhai đi nhai lại mà không có sự chất vấn, phản hồi và làm mới, cuối cùng ý nghĩa mất đi và từ ngữ trở thành một nội dung sáo rỗng.

Hình Thái – Biểu hình hóa  ý niệm không tên

Những cánh chim, khối hình trong và đục gọi là âm dương của nghệ sĩ Lập Phương hiện ra giữa thinh không như những mảnh sợi vô hình và vô thanh. Những đường kẻ hiện lên rung rinh như tơ nhện, như sợi tóc, như một sợi mây kéo dài đầy kỳ ảo, ta tưởng như chúng dễ dàng tan biến nhưng khi tiến đến sát ta nhận ra chúng hé lộ ý niệm về thứ tự do không thể biểu đạt hay lệ thuộc hoàn toàn chỉ vào  hình khối.

Phổ Hiếu Kỳ 9

Hình thái
Lập Phương, m Dương series / loạt m Dương, 2020

Phổ Hiếu Kỳ 8

Hình thái
Lập Phương, m Dương series / loạt m Dương, 2020

Phổ Hiếu Kỳ 10

Hình thái
Lập Phương, m Dương series / loạt m Dương, 2020

Đi từ các vật liệu có tính xuyên thấu như một sợi lông vũ rỗng trôi trên khí trời, đến hình thể nặng nề rơi xuống sắc bén như một nhát dứt khoát của đồng nặng, tác phẩm của Lập Phương trong triển lãm còn tiếp tục biến hoá qua vật liệu thấu quang nửa đục và nửa trong như sương mờ đủ làm người xem ngờ vực về sự tồn tại của chúng. Dường như thứ Lập Phương tìm kiếm không phải là cố gắng tạo ra những hình khối chiếm giữ không-thời, mà biểu đạt nghệ thuật của chị chỉ là sự kết tinh và trình hiện chính chân dung tinh thần chảy trôi qua chị. 

Thứ tinh thần mà nghệ thuật điêu khắc chị tạo nên là những phản chiếu của những thứ có lúc vô định và vô hình, có lúc cố kết nặng nề lạnh lẽo như kim loại, có khi biến ảo và mơ hồ như chính tất cả vô số cảm xúc của đời người.

PhổHiếuKỳ 12

Hình thái
Lập Phương, m Dương series / loạt m Dương, 2020

PhổHiếuKỳ 11

Hình thái
Lập Phương, m Dương series / loạt m Dương, 2020

Hóa chất – Khi tri thức vượt ngoài tầm kiểm soát

Thế giới đã bước vào thời hiện đại với tâm thế lạc quan rằng sự phát triển của khoa học và kỹ thuật nhất định sẽ tạo nên một địa đàng trên trần thế. Niềm tin tất thắng đặc trưng của công cuộc hiện đại hóa bắt đầu nhuốm màu u tối khi hàng loạt thảm kịch xảy ra trong hai thế kỷ 20 và 21, chúng nhắc nhở rằng tri thức khoa học có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát kiểm soát của con người. Có thật khoa học chỉ mang đến tiến bộ và văn minh?

25 năm trước, nghệ sĩ Đỉnh Q. Lê đã đặt ra một chất vấn về tính hiện đại khi anh bày một gian hàng tại Trung tâm Thương mại Sài Gòn (nay đã giải thể) với những búp bê hai đầu, núm ti giả hai đầu, chiếc áo hai cổ có in logo của những công ty sản xuất Chất độc Màu Da Cam. Bộ tác phẩm “Damaged Gene” (1998) của Đỉnh Q. Lê mang tính tiên liệu khi phơi trần hậu quả khủng khiếp của chiến tranh hóa học trước khi dư luận quốc tế bắt đầu quan tâm đến hậu quả  của Chất độc Màu da cam lên nhiều thế hệ thường dân Việt Nam.

Điểm hiếu kỳ “Hóa chất” là một điểm dừng chân đầy khó chịu, có sức nặng trì kéo khiến giọng điệu lạc quan về khoa học lắng xuống, từ đó mở ra một vùng trống cho ưu tư và hoài nghi.

PhổHiếuKỳ 13

Hóa chất
Đỉnh Q. Lê, Damaged Gene, 1998

Vũ trụ – Trật tự đối diện sự vô hạn của tưởng tượng

Bản đồ mẹ của Hà Ninh Phạm diễn hoạ một vùng đất nở rộng ra mãi trong sắc trắng nguyên thuỷ, nó biểu đạt các toạ độ, các con đường trong không gian hai chiều. Nó gợi tả lại những “thực tại” được xây dựng trong thế giới video, trong game, trong những xứ sở đã truyền cảm hứng sáng tạo và xây dựng tuổi thơ của nhiều thế hệ. 

PhổHiếuKỳ 14

Vũ trụ
Hà Ninh Phạm, [mothermap]/ [bản đồ mẹ], 2019

Suốt một thời gian dài những nhà lý luận nghệ thuật và nghiên cứu văn hoá đã không đánh giá cao khả năng của game và điện ảnh trong việc dựng nên những thế giới phong phú, rực rỡ và lạ lùng đến mức phá huỷ hoàn toàn các giới hạn của quy luật vật lý đang hiện hữu trong thế gian thực. Cũng như thế, kể từ khi công nghệ quay chụp phát triển và sự di chuyển giữa các quốc gia – châu lục trở nên quá dễ dàng thì con người như đã lãng quên niềm vui khi dựng nên hình ảnh của những vùng đất xa bằng trí tưởng tượng. 

Chính ở thời đại con người để khả năng tưởng tượng phải lệ thuộc vào máy móc, Hà Ninh Phạm quyết định tái hiện và chứng minh rằng thật đáng tiếc nếu niềm sung sướng tự mình đắm chìm vào các thế gian được tạo nên từ trí tưởng tượng của loài người lại bị quên lãng mất. Thậm chí dường như anh còn muốn truyền đạt rằng các thế gian chỉ tồn tại trong viễn tưởng thật ra cũng tồn tại ở một thực tại khác, ít nhất là thực tại có thực trong tuổi thơ, trong cõi tâm trí của con người.

PhổHiếuKỳ 15

Hình ảnh: Nguyen Art Foundation

PhổHiếuKỳ 16

Hình ảnh: Nguyen Art Foundation

Tám điểm hiếu kỳ chỉ là tám cánh cửa khởi đầu cho hành trình khám phá sẽ còn tiếp tục mở rộng. Giám tuyển Ace Le cho biết “Phổ Hiếu Kỳ” là khởi đầu của dự án dài kỳ mà anh hoạch định cho Lân Tinh Foundation, một sáng kiến nghệ thuật anh vừa khởi xướng nhằm tạo ra kết nối và đối thoại trong bối cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam. “Phổ Hiếu Kỳ” bày ra những cánh cổng để người xem tiếp tục hành trình tạo nghĩa và khám phá cho chính mình.

Bài: Vương An Nguyên và Hiếu Y


Xem thêm:

Phương Đông qua chiếc gương soi