Dada – Phép định nghĩa về sự vô nghĩa của cái Đẹp

Là một phong trào ghi dấu đậm nét trong dòng chảy nghệ thuật, Dada (1916 -1922) không sinh ra để định nghĩa, Dada sinh ra để phản kháng và giết chết những mực thước nó muốn. Nhưng nếu phóng chiếu theo quy luật phát triển: mâu thuẫn, lụi tàn và khởi sinh, Dada mở ra sự tái định hình nghệ thuật và tương đương với phép định nghĩa về sự vô nghĩa của cái Đẹp đã luôn được tôn thờ.

Ngai vàng kiên cố của cái Đẹp trong nghệ thuật

Cái Đẹp – một danh từ đầy khao khát của con người, dường như từ khi bắt đầu được định nghĩa và gọi tên đã gắn chặt với “nghệ thuật”. Nói cách khác, “nghệ thuật là một lĩnh vực chuyên môn hóa trong việc sản xuất ra cái Đẹp. Qua những tích lũy theo thời gian, vị thế của nó được đẩy cao vút, ngồi trên một ngai vàng kiên cố được con người xây đắp. Bởi cái Đẹp đa diện hơn những gì ta nghĩ, được dùng như một tính từ nhiều hơn ta tưởng và được biến thành một triết lý, quan niệm ta cầu.

marcel duchamp mona lisa lhooq nghe thuat dada

Tác phẩm “LHOOQ” (1919) của Marcel Duchamp. 

Trong nghệ thuật, cái Đẹp luôn được mặc nhiên thừa nhận như một tiêu chuẩn, đặc biệt là với nghệ thuật chính thống hàn lâm mang theo những quy chuẩn, nguyên tắc còn tỉ mỉ và nghiêm ngặt hơn nhiều. Nghệ thuật được thỏa mãn trong sự bao bọc êm dịu của cái Đẹp, nhưng đôi khi đó lại là một vòng vây kìm hãm nghẹt thở và vô nghĩa cho chính nó. 

Cái Đẹp bị cưỡng chế thoái vị và phép định nghĩa về sự vô nghĩa của nó

Nào, cùng ngược một chút về quá khứ…

Ngày 28/7/1914 – 11/11/1918: Đệ nhất Thế chiến diễn ra với những cuộc tranh chấp không dứt của phe Hiệp ước (Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, Brazil) và phe Liên minh (Đức, Áo – Hung, Bulgaria, Ottoman), đẩy thế giới đến vực thẳm suy thoái và kiệt quệ.

Ngày 8/2/1916: Phong trào nghệ thuật phản nghệ thuật Dada ra đời tại Zurich bởi một nhóm các nghệ sĩ lưu vong đến Thụy Sĩ. 

Những biến động của lịch sử luôn luôn tác động sâu sắc và có thể làm thay đổi dòng luân chuyển của nghệ thuật. Trong thời gian Đệ nhất Thế chiến, cái Đẹp tồn tại như một sân khấu hào nhoáng với khung sườn cồng kềnh giữa bối cảnh thế giới hỗn độn và đổ nát. Hẳn nhiên vẫn còn những khán giả trung thành với những ảo mộng đẹp đẽ xưa cũ nhưng cũng đã có những người thấm mệt và “phát điên” bởi những mẫu hình rực rỡ đến vô lý và vô nghĩa trong thực tế nhiễu nhương đen thẫm của thời đại. Và Dada khởi sinh từ nhóm những người “phát điên” ấy. 

tranh dada nghe thuat hannah hoch kitchen knife

Tác phẩm “Cut with a Kitchen Knife Dada through the Last Weimar Beer Belly Cultural Epoch of Germany”(1919) của Hannah Höch. 

Dada phá phách, thậm chí đạp đổ, kết tội những vi tế, thanh tao, dịu ngọt của cái Đẹp để nghệ thuật trở nên đảo điên, mất chủ, để tất cả những bản năng, tiềm năng nguyên sơ của con người trỗi dậy mặc sức tung hoành. Nghệ thuật trả về cho chính mỗi cá thể, không còn bị cưỡng chế bởi bất kỳ ai hay loạt tiêu chuẩn nào. Nghệ thuật là kết tinh của con người, thuộc về con người, đứng trước mất mát, sinh tử, hiệu lực cái Đẹp cũng bị đánh ngược về điểm ban đầu.

“Merde à la beauté” –  Đẹp là thứ khỉ gió 

Thực chất Dada không chỉ gói gọn trong khung phạm vi của nghệ thuật. Cơn phẫn nộ kịch tính của nó trút ập hết các khía cạnh văn hóa, chính trị, xã hội, tư tưởng đương thời – những thứ được sử dụng tuyên truyền, tô vẽ về tính công lý và hòa bình cho những cuộc chiến vô nghĩa. Dada với những Hugo Ball, Emmy Hennings, Jean Arp, Raoul Hausmann, tha hương và bất định bởi chiến tranh, là tổ hợp của niềm tin vỡ nát về văn minh rực rỡ Tây Phương, về toàn cục xã hội dưới tay những nhà cầm quyền hiếu chiến và về sự đa nghi những giá trị cố hữu của nghệ thuật. Họ trong mắt những người cùng thời cũng chỉ là những người khóc than, bất ổn, tai tiếng với những thứ tự tạo được định danh là nghệ thuật cũng khó hiểu, cực đoan, tạp nham không kém. 

trien lam ernst dada nghe thuat

Khai mạc triển lãm Ernst tại phòng trưng bày Au Sans Pareil, Paris (1921). 

Cả nền nghệ thuật cổ điển truyền thống chết lặng với Fountain” (1917) – một sự thách thức hài hước của Marcel Duchamp. Thứ đồ vật readymades –  sản xuất công nghiệp, nhan nhản đời thường đập cửa nghệ thuật với điệu cười nhếch mép ngạo nghễ. Hay “Spirit of Our Time” (1920) – một điêu khắc tập hợp, kết nối những mảnh đồ vật hỏng hóc để Raoul Hausmann giễu nhại chính quyền Đức lâm thời với những con người “không còn tiềm năng để khai thác, đầu óc rỗng tuếch”. Những chất liệu gom góp ngẫu nhiên, sự kết hợp lộn xộn, bản năng, không mong cầu thậm chí đả đảo những tiêu chuẩn cấu thành thẩm mỹ gầy dựng rối loạn, mơ hồ cho cả một phong trào lan rộng khắp châu Âu. Cái Đẹp kêu than và khóc nghẹn trước trò đùa dai không dứt của Dada, bởi vị thế và quyền hành của nó hoàn toàn mất hiệu lực với những con người đầy tính phản kháng và cực đoan.

fountain nghe thuat marcel duchamp

Tác phẩm “Fountain” (1917) của Marcel Duchamp. 

Dada không sinh ra để định nghĩa mà để phản kháng và xoá bỏ những mực thước nó muốn. Hẳn nhiên, chiếu theo quy luật phát triển tự nhiên: mâu thuẫn, lụi tàn và khởi sinh, Dada cũng tương đương với một phép định nghĩa mới về sự vô nghĩa của tất thảy mọi điều trên đời, phủ quyết cái Đẹp.

Nghệ thuật phải là phi thẩm mỹ trong cái vô cùng, vô dụng, và vô phương để biện minh. – Tuyên ngôn Dada năm 1918

spirit of our time raoul hausmann dada trao luu

Tác phẩm “Spirit of Our Time” (1920) của Raoul Hausmann.

Sự dân chủ trong nghệ thuật

Sự ra đời của Dada là một sự chống đối và phản kháng về những khuôn thước của cái Đẹp được đắp nặn qua nhiều thời kỳ rực rỡ của con người. Khi sự mỏi mệt về những tiêu chuẩn, giữa ngổn ngang và xáo trộn của đương thời, Dada trỗi dậy để tái định nghĩa cách con người phải đối xử với nghệ thuật. Như một tấm gương phản chiếu và lật ngược tất thảy, cái Đẹp đích đến của nghệ thuật bị coi rẻ, khinh nhờn một cách tội nghiệp và bị đẩy xuống tột cùng của thước đo. Cơn phẫn nộ gần 100 năm của Dada cũng dần thoái lui và được xoa dịu bởi cục diện tốt đẹp hơn của thế giới nhưng quyền lực của cái Đẹp đã khó lòng quay trở lại như trước. Sự hoài nghi về tính vô nghĩa của cái Đẹp đã mở rộng hơn phạm vi của nghệ thuật và cũng làm lung lay những tư tưởng và giá trị nghệ thuật từ lâu luôn củng cố cho cái Đẹp. 

the art critic tac pham nghe thuat raoul hausmann dada

Tác phẩm “The Art Critic” (1919 – 1920) của Raoul Hausmann.

Nghệ thuật bỏ xa cái Đẹp, tiệm cận hơn với Ý niệm và bản ngã con người. Tốt thôi, bởi nó cấp cho con người sự tự do và tự tin khi vùng vẫy với thánh địa nghệ thuật. Một sự dân chủ chưa từng có. Nhờ Dada, nghệ thuật bắt đầu nhen nhóm những cách nhìn khác, không phải là một lề thói cũ kĩ của những tiêu chuẩn, trở nên bao dung khi bắt đầu tiếp nhận và dung chứa những cách tân, những kỳ lạ và tỉ ti khác. Nhưng rồi một câu hỏi bắt đầu xuất hiện, thách thức cả người làm nghệ thuật và yêu nghệ thuật, một chuỗi âm vang hoài nghi dai dẳng, có lẽ chẳng thể nào biết được điểm kết của tiếng vọng: 

“Ừ, thế này mà là nghệ thuật ư? Nhưng thế này sao không thể là nghệ thuật?”

Thực hiện: Saya Nguyễn | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

5 trào lưu có tác động lên kiến trúc hiện đại

Sắc đỏ thuở hồng hoang

Kiến trúc Art Deco: Vẻ đẹp kinh điển và sức hấp dẫn trường tồn