Medusa – Nghệ thuật sắp đặt thực tế ảo

Một tác phẩm sắp đặt phi vật chất được tạo nên từ công nghệ thực tế ảo, Medusa sẽ đưa người xem đến với thế giới của những chuyển động ánh sáng, khám phá mối tương tác giữa chính mình với cấu trúc nghệ thuật trong không gian.

Trong khuôn khổ London Design Festival, KTS người Nhật Fujimoto đến từ văn phòng thiết kế Tin Drum đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt thực tế ảo với tên gọi Medusa. Khu vực trình diễn tác phẩm có sức chứa tối đa 50 khách cùng lúc, mỗi người sẽ đeo một loại kính chuyên biệt để bắt đầu hành trình khám phá mô hình kiến trúc thử nghiệm của Fujimoto. Khi khách tham quan di chuyển quanh khu vực triển lãm, cấu trúc ảo sẽ thay đổi và phát triển dựa trên chuyển động của mỗi người.

Medusa 1

Medusa – tác phẩm sắp đặt thực tế ảo tại London Design Festival. Ảnh: Tư liệu.

https://www.elledecoration.vn/?p=51508&preview=true

“Du khách sẽ có thể quan sát thấy phần kiến trúc ảo đang trôi nổi và di chuyển bên trong không gian giới hạn. Hệ thống sẽ cảm biến ngược lại người xem và tự thay đổi theo những thông tin thu lại được từ hành vi thực tế của cá nhân. Đó là cách chúng tôi khám phá sự tương tác giữa các đối tượng.” – Yoyo Munk, giám đốc kỹ thuật của văn phòng Tin Drum cho biết.

Viếc lấy tên gọi từ nhân vật thần thoại Medusa để đặt cho tác phẩm kết hợp với hình thức chuyển động của một con sứa cho thấy sự kết hợp giữa cảm hứng từ huyễn tưởng và kỹ thuật khoa học trong thiết kế. Nhóm thiết kế cho rằng, ý tưởng về một sự vật sống là tổ hợp giữa những điều đẹp đẽ, hấp dẫn và đôi chút nguy hiểm, điều đó được thể hiện thông qua giải pháp ánh sáng giống như cách loài sứa phát quang sinh hoạt dưới nước để tạo chuyển động khối.

Medusa 2

Ảnh: Tư liệu.

“Chúng tôi vay mượn rất nhiều cảm hứng từ cấu trúc ánh sáng tự nhiên như cực quang và các mối liên hệ khác với nguồn sáng. Điều thú vị đối với tất cả chúng tôi là việc xây dựng một ý tưởng phi vật chất và chỉ tồn tại khi có ánh sáng đi qua, từ đó tạo tiền đề khám phá không gian.”

Tác phẩm Medusa được thiết kế để khuyến khích khách tham quan tương tác và theo dõi cách vận hành của ánh sáng khi tham gia trải nghiệm. Từ phản ứng của người xem, KTS sẽ xem xét rõ ràng hơn tiềm năng của ánh sáng khi dùng làm phương tiện kiến trúc.


Bài: Đức Nguyên | Theo: Dezeen | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Earthtime – Tác phẩm biến thiên cùng tự nhiên

Kengo Kuma và giải pháp trang trí từ sợi nhôm