Khu rừng lơ lửng trên mái đền Dazaifu Tenmangu

Nổi bật lên giữa khuôn viên đền Dazaifu Tenmangu là một lễ đường tạm với thiết kế độc đáo có khu rừng trên mái được thiết kế bởi KTS Sou Fujimoto.

Ngày nay, nhiều công trình tôn giáo ấn tượng trên thế giới đều được đảm nhiệm thiết kế bởi các KTS danh tiếng. Mới đây, tại khu đền Dazaifu Tenmangu nằm tại thành phố Fukuoka phía nam Nhật Bản đã xuất hiện một lễ đường tạm thời được thiết kế bởi KTS Sou Fujimoto. Công trình hội tụ đầy đủ những chất liệu để làm nên một câu truyện cổ tích Nhật Bản: một khu rừng lơ lửng trên mái nhà, những tấm lụa tiên và những vật dụng thực hành nghi lễ.

rung kien truc ton giao sou fujimoto Dazaifu Tenmangu

Toàn cảnh lễ đường tạm với khu rừng trên mái, vừa đương đại, vừa làm liên tưởng đến những câu truyện thần thoại Nhật Bản.

Dù được thiết kế theo trường phái tối giản lược bỏ tất cả các chi tiết trang trí cầu kì, cũng như sử dụng toàn bộ màu đen để sơn phủ, nhưng lễ đường vẫn mang cấu trúc tổng thể của kiến trúc đền chùa đặc trưng. Đây là dụng ý của KTS nhằm làm nổi bật khu rừng xanh mướt um tùm cỏ cây hoa lá trên mái nghiêng. Khu rừng là tổ hợp các loài cây như long não, anh đào và cây phong, cùng hoa đỗ quyên đang nở.

Bên trong, những chiếc cột thanh mảnh màu đen trong điện mang âm hưởng từ những cột gỗ cổ kính đến đường cong nhẹ nhàng của trần gỗ đen có lam, lấy cảm hứng từ xà nhà taruki của ngôi đền, tạo ra cảm giác trang nghiêm. Hai bên chánh điện treo hai tấm mành kicho mô phỏng những loại hoa cỏ cây cối ở đền như hoa diên vỹ, hoa mơ, cây long não, được dệt thủ công từ xưởng dệt vải kimono Hosoo. Phía sau các vật dụng cử hành nghi lễ là 5 bức rèm mitobari, được thực hiện bởi những người thợ dệt thủ công của nhà vải gia truyền Kawashima Selkon ở Kyoto từ thế kỷ 19. Mặt ngoài của tấm vải là những cành mơ như được chạm khắc tinh xảo chảy qua tấm vải, có sắc thái chuyển đổi tinh tế, từ hồng nhạt thoáng mát đến xanh lục nhạt. Trái lại, vẻ đẹp của mặt còn lại chỉ dành cho Thần Tenjin nhìn ngắm. Hai tuyệt tác vải vóc chứa đựng những giá trị di sản văn hóa này được thương hiệu thời trang Mame Kurogouchi đảm nhiệm.

kien truc ton giao sou fujimoto Dazaifu Tenmangu

Khu vực chánh điện diễn ra các nghi thức.

kien truc ton giao sou fujimoto Dazaifu Tenmangu mame kurogouchi

Bề mặt vải được chế tác thủ công theo phương pháp dệt những thước vải kimono đắt tiền vô cùng tinh xảo. Không những thế, các nghệ nhân tại Hosoo đã sử dụng màu nhuộm từ chính cây mơ, cây long não của đền Dazaifu Tenmangu và cả rễ cây kim tước quý hiếm.

Đằng sau những vật dụng thực hành nghi lễ là 5 tấm rèm mitobari có hình những cành mơ đang đơm hoa.

KTS Sou Fujimoto đã bắt đầu dự án từ hai năm trước. Đây là một thử thách với ông khi phải vừa tạo ra một công trình ngắn hạn mang nét truyền thống lẫn hiện đại, vừa phải gắn kết nó với tương lai. Ông nói: “Với dự án này, chúng ta tìm thấy những câu hỏi quan trọng rằng làm thế nào để kiến trúc hiện đại đáp lại lịch sử 1100 năm. Chúng tôi đã nghĩ đến thiên nhiên trù phú xung quanh và cả những truyền thống của ngôi đền nghìn tuổi này để tiếp cận với thiết kế mang khao khát lưu giữ những giá trị đó vào tương lai.”

rung kien truc ton giao sou fujimoto Dazaifu Tenmangu

Ý tưởng khu rừng lơ lửng của KTS Sou Fujimoto đến từ huyền thoại về cây mơ biết bay. Ông diễn tả cây cối hoa lá ở đây dường như biết bay và nhảy múa, tạo nên mái đền tại nơi cư ngụ của những vị thần. Và cứ mỗi độ chuyển mùa, chúng sẽ khoác lên mình những màu sắc mới. Cây mơ trên mái nhà cũng là loại cây nổi tiếng của thiên nhiên vùng này, gắn liền với tích truyện về cây mơ đã bay đến đây từ khu vườn ở Kyoto của học giả Michizane Sugawara vì nhớ chủ nhân bị lưu đày của mình.

Lễ đường sẽ được duy trì tại khuôn viên đền Dazaifu Tenmangu trong 3 năm. Trong thời gian đó, nơi đây sẽ được sử dụng để thực hiện các nghi thức của chánh điện trong lúc chánh điện của ngôi đền được trùng tu lần đầu tiên trong 124 năm.

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Wallpaper* | Ảnh: Dazaifu Tenmangu


Xem thêm

Điểm giao giữa tôn giáo-thiết kế-công nghệ

Sự thứ tha và chữa lành trong bức tượng ‘Marsyas’ của Tomáš Libertíny