Trung thành với lối thiết kế đơn giản, thiết thực, đề cao tính cải tiến nhưng vẫn giữ vững tinh thần nguyên bản, KTS/NTK Angelo Mangiaroti đã cho ra đời các tác phẩm không chỉ kết hợp công năng với thẩm mỹ mà còn lồng ghép cả yếu tố thời đại trong từng bản thiết kế của mình. Ông được đào tạo chuyên ngành KTS và quy hoạch đô thị trong những năm đầu 1960, trải qua hơn sáu thập kỷ thực hành thiết kế với nhiều vai trò khác nhau, Angelo Mangiarotti tiếp cận nghệ thuật bằng sự linh hoạt và khối óc kĩ lưỡng trong việc tính toán chi tiết. Ông đã đóng cho nền kiến trúc/thiết kế những bước tiến quan trọng bằng ý tưởng đột phá, cách mạng hóa hệ thống xây dựng. Angelo Mangiarotti là người ủng hộ tính chặt chẽ, tôn trọng các nguyên tắc duy lý, đồng thời đề cao tính thuần khiết của đường nét. Chính nhờ tầm nhìn sâu rộng trong chuyên ngành sáng tạo, ông gần như phá vỡ các giới hạn thông thường, đưa tác phẩm của mình trở nên đặc biệt vào cuối thế kỷ XX.
Đối với Angelo Mangiarotti, công năng đóng vai trò trung tâm của thiết kế, bổ trợ cho công năng sẽ là cách thức sản xuất, kỹ thuật chế tác thủ công, vật liệu hay hình thức cuốn hút. BST Agapecasa được phát triển từ các bản vẽ và mô hình gốc trong những năm 1950 đến 1990. BST mang đến những thiết kế đặc biệt được Angelo Mangiarotti và người đồng sáng lập Agape – Giampaolo Benedini phân tích, chắt lọc nhằm đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn về chất lượng. Khoảng giữa những năm 1950, Angelo Mangiarotti bắt đầu thử nghiệm với ván ép, ông định hình các lớp ván mỏng theo dạng uốn lượn để tăng độ cứng, mang lại sức bền, tính ổn định cho vật liệu. Mẫu thiết kế bàn Compensato được phát triển từ nghiên cứu này và xuất hiện tại triển lãm Agapecasa, chiếc bàn cho thấy nguồn cảm cảm mang hơi hướng Scandinavia với sự tối giản và đề cao tỷ lệ phối hợp vật liệu.
Đã từng có một khoảng thời gian KTS Angelo Mangiarotti chỉ tập trung vào yếu tố công và độ linh hoạt. Thời điểm đó ông cho ra mắt bản thiết kế Cavalletto – hệ giá đỡ module làm từ gỗ cây dương tự nhiên. Thiết kế đã được cấp bằng sáng chế hơn 50 năm trước có giá đỡ hình chữ “V” hướng lên, cho phép từng kệ xếp chồng lên nhau bằng một khớp trọng lực. Thiết kế bàn More cũng được ứng dụng khớp trọng lực với mặt bàn bằng đá cẩm thạch hoặc ván ép với bốn chân thép, bàn More trở thành nền tảng cho các sản phẩm cải tiến sau này.
Phát minh khớp trọng lực được ứng dụng cải tiến nhiều nhất vào năm 1971 với loạt bàn đá cẩm thạch đặc trưng của Angelo Mangiarotti nhưng thay thế chi tiết ốc vít làm khớp nối cho cho sản phẩm. Bàn Eros thiết kế năm 1978 bởi Incas đã thay đổi đỉnh tròn và chân hình nón thành chân bàn hình chữ nhật, chân bàn có hình dáng kim tự tháp. Năm 1979, Eccentrico thay đổi mặt bàn hình elip thành mặt phẳng có chân trụ nghiêng. Vào năm 1981, bàn Asolo với thiết kế chân bàn hình thang có cùng độ dày với mặt bàn. Sự xuất hiện của nhiều phiên bản cải tiến cho thấy tầm quan trọng trong việc đặt nền tảng thiết kế đầu tiên của Angelo Mangiarotti.
KTS/NTK Angelo Mangiarotti đã thể hiện niềm yêu thích vật liệu cẩm thạch thông qua giá sách module Loico – một sản phẩm có thể tách rời thành nhiều đơn vị hình trụ nguyên khối, có thể xếp chồng lên nhau cùng với các mặt phẳng giá đỡ tạo thành kệ sách tùy chỉnh. Liên tiếp sau đó là sự ra đời của nhiều sản phẩm nổi tiếng khác như ghế Clizia ra đời năm 1990 bằng đá cẩm thạch nguyên khối được sản xuất công phu, ghế TRE 3 kết hợp vật liệu gỗ và da thuộc trong phom dáng tối giản, ghế bành Club 44 mô phỏng theo modul giá đỡ hình chữ “V” từ kệ Cavallletto và bàn SK 207 thiết kế từ năm 1959 có đế bằng đồng sản xuất theo kỹ thuật lâu đời. Tính độc đáo và sự cải tiến trong thiết kế của KST/NTK Angelo Mangiarotti được chắt lọc kỹ lưỡng, từ đó tạo nên tinh thần sang trọng, tỷ lệ cân đối và chất lượng hoàn thiện.
Bài: Giang Nguyễn | Theo: Yatzer | Ảnh: Agape.
Xem thêm: