Văn hóa Việt Nam thời art hub

Văn, trong bản nguyên về ngữ nghĩa của nó là đẹp đẽ, hiền lành, hòa nhã, ôn nhu, lễ độ; trái với Võ, là hung bạo, mãnh liệt. Hóa, trong ngữ nghĩa bản nguyên của nó là thay đổi. Hai chữ Văn và Hóa ghép lại, tôi cho rằng, là cái gì đó làm cho con người ngày càng trở nên cao quý hơn, đẹp đẽ hơn, thanh lịch hơn, làm cho người (hà tiện, xấu xa, u mê) hóa ra Người (cao quý, đẹp đẽ).

Ở Tây phương thì mượn khoa học hóa, kỹ thuật hóa là phương tiện để đi đến con người Văn Hóa. Ở Đông phương thì mượn những phép tu dưỡng, những thuật rèn luyện, hun đúc nên người, những triết lý thâm sâu cũng là để đi đến con người Văn Hóa. Vậy chúng ta nên đặt ra con đường Văn và Hóa nào cho Việt Nam? Thời xưa và Thời nay đang ứng xử, tiếp biến thế nào trong không khí thời đại mới? Đó là một câu hỏi tôi băn khoăn và luôn tìm kiếm lâu nay. Con đường Sáng tạo là con đường Văn Hóa. Nó khiến cho con người ta từ vị thế tầm thường, kém cỏi, trở nên Người (văn hóa). Một sự hướng thượng mà nhân loại chưa bao giờ ngừng nghỉ. Những tư tưởng đẹp đẽ này đều hướng con người ta đi đến “Tự do, Công bình, Bác ái”, và Cái Đẹp trở nên thuần khiết, mát lành.

văn hóa 12

Ảnh: Tư liệu.

Đi qua lịch sử Dân tộc bao nhiêu là thời kỳ và biến cố con người: chiến tranh, thiên tai, chính trị, tôn giáo, sắc tộc… Ở thì hiện tại, chúng ta lại chứng kiến thời kỳ khủng hoảng sinh học, kéo theo bao trầm trọng cam go khác về đời sống.

Chúng ta càng thấy rằng, chỉ có một con đường, ấy là con đường Văn Hóa, con đường sống đầy đủ ý nghĩa trong mọi thời kỳ cường bạo, đẫm lệ và máu. Con người càng phải trở nên đẹp đẽ, hiền lành. Con người càng phải trở nên Văn Hóa.

Dạo bước qua những ngã rẽ, những khúc quanh con đường Văn Hóa trên xã hội đương đại Việt Nam, tôi mạn phép nhắc đến vài hiện tượng thông qua đời sống chật hẹp của riêng cá nhân tôi. Những hiện tượng tôi muốn nêu ra đây, đều bằng ghi chép uyên nguyên của một công chúng, bằng những ý tình thủ thỉ của tình bằng hữu đẹp đẽ, biết được mà làm nên.

“TRONG XÃ HỘI DÙ LẨN KHUẤT NHẤT, NHỎ BÉ NHẤT, VẪN TỒN TẠI MỘT NHÓM NGƯỜI TIN RẰNG CÁI ĐẸP LÀ NƠI NGƯỜI TA ĐƯỢC THẬT THÀ ĐỂ CỞI MỞ TRÒ CHUYỆN CÙNG NHAU, KHÔNG PHE CÁNH, KHÔNG BÈ PHÁI.” – DA.


HIỆN TƯỢNG THỨ NHẤT, TÔI MUỐN NHẮC VỀ ƯƠM ART HUB

Đôi điều về các bạn trẻ đã tạo ra nơi chốn rong chơi và làm việc văn hóa – văn nghệ cho giới trẻ (bạn có thể tìm biết thêm trên các kênh tin tức hoặc mạng xã hội). Tôi chỉ muốn bày tỏ đôi điều về Ươm qua cuộc song thoại cùng DA. – một mầm hạt xanh tươi đã khởi lên vùng đất ẩn hình mang tên Ươm.

văn hóa 11

Ra mắt tháng 11/2021 tại 42/58 Hoàng Hoa Thám, P.7, Q. Bình Thạnh, TP.HCM, Ươm Art Hub là một tổ hợp nghệ thuật gồm các hoạt động và đơn vị sáng tạo từ tiệm sách, tiệm xăm đến trường dạy thiết kế, khu triển lãm nghệ thuật. | Ảnh: Tư liệu.

Cuộc song thoại diễn ra với các ý lòng cất lên về Ươm Art Hub như thế này:

• Ươm mang đến một vùng đất dung dị, cởi mở, đón nhận tất cả những ai yêu mến, muốn thưởng lãm và muốn thực hành về Cái Đẹp.

• Trong xã hội dù lẩn khuất nhất, nhỏ bé nhất, vẫn tồn tại một nhóm người tin rằng Cái Đẹp là nơi người ta được thật thà để cởi mở trò chuyện cùng nhau, không phe cánh, không bè phái. Điều ấy còn thiếu vắng ở xã hội đương thời. Ươm chỉ là nơi chốn để Cái Đẹp, tác phẩm và sự học về Cái Đẹp tồn tại để rồi trôi chảy theo thời đại.

• Sự kiện về tình giao hảo giữa DA. và H. gặp nhau, cùng vài người bạn hữu nữa đã khởi lên Ươm, như tiếng nói chung giữa hai lĩnh vực: marketing và art. Ranh giới không tồn tại giữa hai lãnh vực, mà như hai nhánh sông sẽ hòa thành một dòng. Dòng chảy chung ấy là Cái Đẹp phi giới hạn. Ươm tin vào sứ mạng là chảy giữa những nhánh sông, thu gom, lan tỏa và kết nối.

• Điều thú vị mà mình tin rằng đây là điều đáng mừng trên Con đường Văn Hóa của xã hội Việt Nam Đương đại, Ươm khởi lên từ những người rất trẻ, quy tụ công chúng là những người rất trẻ, nhiều người trẻ yêu chuộng Cái Đẹp, cầu thị, thích học, thích tìm biết những điều mới trong công việc và thể hiện Cái Đẹp. Ươm ví như vùng đất đầy tươi mới và giàu sinh khí sau một cơn đại hồng thủy. Đẹp đẽ, năng động và mến yêu.

Tôi biết ơn DA. và Ươm vì cuộc trò chuyện đầy tình bằng hữu, thật thà và rất đẹp.

văn hóa 10

Ươm cũng là nơi được chọn tổ chức các sự kiện mang tính nghệ thuật như triển lãm “Xon Xao” in Saigon, triển lãm sách ảnh Swiss Photobook Today, và LÔCÔ Art Market. Mở cửa từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, nơi đây đón chào tất cả các cá nhân và tổ chức có mong muốn “gieo mầm” sáng tạo hoặc đơn giản là đi tìm cảm hứng. | Ảnh: Tư liệu.

văn hóa 9

Ảnh: Tư liệu.


HIỆN TƯỢNG THỨ HAI, VỀ PHỐ BÊN ĐỒI, một dự án nghệ thuật đại chúng khởi sinh từ cao nguyên LangBiang – Đà Lạt. Tôi chọn đứng trên vai trò là một công chúng thưởng lãm những chuỗi tác phẩm mà Phố Bên Đồi mang lại suốt mấy năm qua. Cũng giống như cách nhìn về Ươm, tôi không có ý định biên một bài phóng sự để liệt kê về loại mục, phân loại và định lượng tác phẩm, nghệ sĩ hay số lượng công chúng đã đón nhận. Tôi chọn một buổi chiều thầm lặng, ngồi xuống nơi núi đồi Đà Lạt, cùng trò chuyện với anh H. – người đã khởi xưởng lên khung sườn và cơ thể cho Phố Bên Đồi.

văn hóa 8

Ảnh: Tư liệu.

văn hóa 7

Ảnh: Tư liệu.

Buổi hôm ấy, chúng tôi nói về:

• Sự trung tính trong những bước đi ban đầu của Phố Bên Đồi, không hẳn là một mong muốn tối thượng về nghệ thuật hàn lâm, hay nghệ thuật đương đại, mà Phố Bên Đồi hướng đến tính đại chúng. Đại chúng ở đây là công chúng bình dân cảm nhận được, những công chúng đầu ngành văn hóa hiểu được tác giả tác phẩm. Ý nghĩ này là mục đích, tạo ra sợi chỉ để kết nối đại chúng và chính quyền của xã hội đương đại. Với tôi, điều này trước tiên là tốt, ai cũng vui, mà hễ vui là một Cái Đẹp mang ý nghĩa cho dòng chảy lớn của các tác phẩm đại chúng.

• Vậy thì nghệ thuật có nên phân định là hàn lâm, từ chương, chính quy, với bình dân học vụ không? Cái Đẹp không có loại mục. Nhưng cảm thụ Cái Đẹp thì cần tri thức, tri kiến và cả trái tim có minh triết, nên Cái Đẹp luôn là một dòng chảy, cần thời gian để tuôn ra từ suối khe, chảy ra sông bãi, rồi về biển mênh mông. Phố Bên Đồi tin vào sứ mệnh của từng bước đi dù nhỏ bé nhất.

• Đà Lạt là một nơi chốn tuyệt đẹp, nơi để yêu, để tựa vào như một bảo tàng về ký ức, ý niệm, và thiên nhiên thanh lành. Phố Bên Đồi mang các văn nhân – giai phẩm thời hiện tại tề tựu về nơi chốn này. Ấy là điều không riêng Phố Bên Đồi, cả công chúng thưởng lãm cần gìn giữ để yêu và nhớ.

Những tâm tình thẳm sâu từ anh H. thật quý giá.

văn hóa 6

Phố Bên Đồi Creative Studio chính thức mở cửa vào tháng 12/2021 tại tầng 3, số 10 Lý Tự Trọng, P.2, Thành phố Đà Lạt. Với thời gian hoạt động từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối, không gian này mang trong mình mục đích kiến tạo một cộng đồng sáng tạo tại Đà Lạt qua nghệ thuật đương đại, công nghệ, hoạt động cộng đồng và du lịch. | Ảnh: Tư liệu.

văn hóa 5

Nhiều dự án được giới thiệu tại đây như Artbook – Dalat Strolls in Arts, “City of Arts” kết hợp cùng Behalf Studio, Chương trình trải nghiệm STEAM kết hợp cùng STEMax, Chương trình lưu trú nghệ thuật cùng Viện Pháp TP.HCM 2022, và Chương trình lưu trú điện ảnh In The Field residency cùng UNESCO 2022. | Ảnh: Tư liệu.

CÁI ĐẸP THÌ KHÔNG CÓ LOẠI MỤC. NHƯNG CẢM  THỤ CÁI ĐẸP THÌ CẦN TRI THỨC, TRI KIẾN VÀ CẢ TRÁI TIM MINH TRIẾT…” – ANH H.


HIỆN TƯỢNG THỨ BA, VỀ THƯ VIỆN NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC ĐÀ LẠT (Dalat Art Architecture Library – DAL), một nơi chốn được tạo nên để chúng ta say sưa học và đọc. Đà Lạt hiển nhiên đã là vùng đất để đọc sách, tươi mát cho những suy tư việc học và ngâm cứu. Buổi hôm ấy tôi trò chuyện cùng một người bạn mến, là người yêu quý sự học và cái đẹp ở Đà Lạt, cũng là một người (trong số) đã chung tay tạo dựng ra phần thân thể cho DAL, nhưng lặng thầm như chính tình yêu với sự học nơi đây. Chúng tôi trò chuyện về sách, về sự học của những người trẻ và về không khí học thuật ở Đà Lạt.

văn hóa 4

Thư viện Nghệ thuật Kiến trúc Đà Lạt mở cửa từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối, trưng bày các đầu sách về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, triết học, cũng như tạo không gian cho việc đọc, tra cứu, trao đổi thông tin tại chỗ, đào tạo chuyên đề và thảo luận chuyên ngành. | Ảnh: Tư liệu.

• Đà Lạt dù có đi qua bao cuộc tao loạn, vẫn minh chứng là vùng đất tuyệt vời cho sự học và sự sáng tạo. DAL ra đời như một hiện tượng để tiếp nối “thiên đường sáng tạo” của Đà Lạt.

• Không phải vô tình mà các văn nhân – giai phẩm nhiều thế hệ trước, đều khởi lên từ Đà Lạt. Nơi đây tựa như một linh sơn của nơi chốn tâm hồn, để người ta tìm đến, suy ngẫm, đọc biết, thẩn thơ và tự do trong chính sự học. Cái sự học manh nha âm thầm mà lạ lùng, người ta tinh tấn từ chính cái thế giới bên trong mình, mà chỉ có Đà Lạt mới tạo ra được cái thứ không khí bên ngoài ấy, bảo bọc, ôm ấp và bình yên.

• Tinh thần là một Đại học viện xứ Đông Dương khởi lên, tin yêu và trao quyền cho giới trẻ. Lối học thuật truyền thống từ sách báo, vẫn là tôn chỉ cho sự thấm nhuần và tường tận mọi tri thức. DAL đang là môi trường xứng đáng để tin yêu giới trẻ và trao quyền ấy.

• Sự chung tay từ Nam chí Bắc, trong và ngoài nước, để quyên góp sách, trang thiết bị cho Thư viện… ấy là một dấu hiệu đáng mừng cho công việc săn sóc sự học. Chỉ có sự học, mới làm cho xã hội tươi mới, đẹp đẽ và hiền lương.

Cảm ơn cuộc trò chuyện ngắn trước giờ bay, và những dòng thư dài cùng nhau suốt mùa Đông này. Thầm lặng, khiêm cung mà đầy quý mến.


HIỆN TƯỢNG THỨ TƯ, VỀ 7th ART SPACE, nơi chốn chứa đựng những tác phẩm thủ công, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của tự nhiên. Xã hội càng nhanh, 7th Art Space mong ước người trẻ hãy càng chậm. Khác nhiều về lối thể hiện so với Ươm, nhưng tựu trung ý nghĩa vẫn là sự học, thực hành bằng chính đôi bàn tay, thật thà trong sáng tạo Cái Đẹp. Nơi đây còn là nơi để những thi ca, văn nhân giai phẩm, những trước tác thất lạc, tìm về với những người trẻ, bằng góc nhìn mới, đầy đón nhận và hòa ái. Trò chuyện cùng TrTr. khiến tôi nhận ra, nơi chốn này nhắc người ta ở hai thứ:

• Hãy ăn cây trái thanh lành, hãy uống nguồn nước sạch mát, và hãy hít thở bầu không khí trong lành. Sức khỏe thân xác và tinh thần đều quan trọng như nhau, và cần được cẩn trọng chăm sóc.

• Hãy biết nhớ về nghề thủ công. Thủ công là cái nôi của Nghệ thuật. Chúng ta cần yêu chuộng Cái Đẹp và trân trọng những món đồ thủ công. Đôi bàn tay là sự kỳ diệu của chúng ta trong hành trình văn hóa. Yêu mến những điều nhỏ nhắn, tưởng chừng không còn ở xã hội đương đại của Việt Nam, mà vẫn cứ âm thầm chảy, bền bỉ và đầy sức sống.

văn hóa 3

Nhằm tạo ra một không gian đào tạo và thảo luận chuyên môn cho cộng đồng chuyên ngành kiến trúc, nghệ thuật, Thư viện Nghệ thuật Kiến trúc Đà Lạt được thành lập và ra mắt vào ngày 20/11/2021 tại 85E Nguyễn Văn Trỗi, P.2, Thành phố Đà Lạt. | Ảnh: Tư liệu.

văn hóa 2

Ảnh: Tư liệu.


Đây là bốn câu chuyện mà tôi được biết, trò chuyện và thưởng lãm, nhưng chắc hẳn cả Việt Nam ba miền, sẽ còn nhiều vùng đất, nhiều nơi chốn đang khởi sinh những dòng chảy của Cái Đẹp và Sáng Tạo.

Con đường Văn Hóa ở Việt Nam như bước vào một thời đại, phải nói là tươi mới. Rất đẹp và rất lạ. Một đường đi, mà không theo Đông, cũng không theo Tây, chọn lọc và quy nạp những tinh tuyền ở cả Đông lẫn Tây trên con đường sáng tạo của mình: văn hóa Việt Nam là do người Việt Nam sáng tạo ra, săn sóc và xây đắp nên, nó làm cho người Việt Nam trở nên là Người. Hành trình đó là hành trình Văn Hóa, chúng ta chưa biết được sẽ như thế nào, bởi mỗi ngày nó một thay đổi. Nó là cuộc vận động thường xuyên của tinh thần, trái tim và khối óc. Văn Hóa phải làm sao cho cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ, thẩm thấu dần vào lý trí, tình cảm, bản năng, cơ thể của mọi người, của mọi chế độ, của mọi tương quan xã hội. Ví như một sinh thể trù phú không bao giờ ngừng nhịp chuyển.

văn hóa 1

7th Art Space xoay quanh sự thưởng thức những sản phẩm giúp con người cảm thấy dễ chịu và có cảm hứng đi vào những hoạt động hướng nội. Studio workshop: các tác phẩm cảm hứng từ tự nhiên tái chế, các lớp học tạo kỹ năng sáng tạo nghệ thuật và làm đồ thủ công. | Ảnh: Tư liệu.

Lương tri sẽ là gốc rễ ở người. Khoa học, văn chương, triết học, nghệ thuật, luân lý, tôn giáo… là nhánh cành. Còn Văn hóa là nhựa sống trong thân cây, trong quả trái. Vô hình mà hữu hình, Văn hóa liên tục chuyển động và bừng bừng sức sống. Phải hiểu được hàm ý sâu xa và ẩn dụ ấy, thì cái đẹp mới tồn tại, sự sống thiện lành tồn tại mà mở ra vĩnh cửu miên man.

CON ĐƯỜNG VĂN HÓA Ở VIỆT NAM NHƯ BƯỚC VÀO MỘT THỜI ĐẠI TƯƠI MỚI. RẤT ĐẸP VÀ RẤT LẠ. MỘT ĐƯỜNG ĐI, MÀ KHÔNG THEO ĐÔNG, CŨNG KHÔNG THEO TÂY, CHỌN LỌC VÀ QUY NẠP NHỮNG TINH TUYỀN Ở CẢ ĐÔNG LẪN TÂY TRÊN CON ĐƯỜNG SÁNG TẠO CỦA MÌNH…

Điều ấy làm tôi tin vào vĩnh cửu của nơi chốn nhân gian, dù chúng ta có đứng trong thời đại tang tóc điêu tàn nào, dù chúng ta có đứng trước ba câu hỏi lớn của Pierre Emmanuel:

1. Một bậc thánh nhân có cân nặng như thế nào?

2. Tại sao vĩnh cửu màu xanh lá cây?

3. Tại sao đêm tối nằm trong một giọt nước mắt đơn độc?

(Ba câu hỏi lớn, nằm trong bài thơ: “Seuls comprennent les fous” – Chỉ những người điên mới hiểu được). Chúng ta luôn có thánh nhân, không đơn độc và vĩnh cửu mãi màu xanh lá cây. Chúng ta đang ở trong một Thời đại Văn Hóa tươi mới.


Bài: Huyền Đan | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Graphic novel: Berlin & Aya – Lời tự sự qua kiến trúc

Từ nhà máy cũ đến không gian ươm mầm nghệ thuật