Ngôi nhà là khởi nguồn năng lượng

Có hai câu trích dẫn, có lẽ đủ để gói gọn toàn bộ hiểu biết của nhân loại về phong thủy, dù tác giả không cố tình làm việc đó. Một, là trích trong Nhà Giả Kim của Paulo Coelho: “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ hợp lại giúp bạn đạt được nó”. Và hai, là câu khởi đầu của “triết gia nông nghiệp” Masanobu Fukuoka – tác giả Cuộc cách mạng một cọng rơm: “Núi, sông, cỏ cây đều là Phật”.

Mùi hương ngày giáp Tết

Cứ mỗi mùa giáp Tết, tôi thường kiếm cớ ra Hà Nội, làm việc gì đó và tranh thủ một chút thời gian để đến căn nhà bé tẹo đối diện chợ Đồng Xuân, nơi chứa đựng toàn bộ “mùi Tết” của mình. Nhà này bán nhang quanh năm, nhưng chỉ có dịp này mới làm một mẻ “hương Tết”, vừa thơm, vừa ấm, vừa mang tính thanh tẩy của ngày cuối năm. Không chỉ mua nhang, tôi thích đứng nấn ná trong tiệm, nghe giọng nói của mọi vùng miền, đủ mọi câu chuyện lửng lơ về những người chọn loại hương thơm thuần từ cỏ cây, dược liệu và kèm theo là nắng của vùng quê Kinh Bắc này. Có lần, tôi còn gặp ông Lộc, truyền nhân cuối cùng của nhà làm nhang hơn 100 năm nay. Ông bảo: “Nghề làm hương cũng giống như nghề thuốc vậy, phải lựa chọn các vị thuốc, phối lại cho phù hợp tùy thời tiết, phải biết tính hướng nắng, hướng gió và phơi hương ở góc nào để có thể đón được những ánh nắng “già” mà không quá “gắt” trong ngày. Đã se hỗn hợp thành nén, thành cây thì phải phơi ngay, và phải phơi nắng tự nhiên hoàn toàn, còn nếu dù sấy hay hong cũng đều sẽ làm “bay” đi mùi vị đặc biệt của hương…”.

Và tất nhiên, cửa tiệm nhỏ này lúc nào cũng đầy ắp mùi Tết ngọt ngào, lan cả ra phố chợ náo nhiệt ngoài kia. Tôi đã có duyên đi qua bốn con phố thơm nhất: phố Lãn Ông của Hà Nội dậy mùi thuốc Bắc, thuốc Nam; con dốc mù sương trước nhà thờ Sapa ngập hương táo mèo; con đường ven biển Tel Aviv thoảng mùi hương thảo và đường Trần Phú, Hội An vấn vương mùi trầm mỗi sáng tối. Mùi hương, vốn là một thứ kỳ lạ nhất trong đời sống con người, nó không nắm bắt được, không nhìn thấy được, mà vẫn hiện hữu, cả về vật lý tác động lên mũi, lên tóc và cả về cảm xúc.

Có lần tôi hỏi nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, vì sao tất cả những nơi trang nghiêm, người ta đều phải xông hương, dù là đốt một thẻ nhang, hay lọ trầm, ông cười: “Đầu tiên, hương có tính hỏa, nghĩa là nóng, ấm và bốc lên cao. Thứ hai, hương phối trộn từ nhiều loại thảo dược khác nhau, mang tính thanh tẩy. Và quan trọng hơn, sự lửng lơ không nắm bắt được của hương lại luôn bốc lên cao, như mang theo cả lời nguyện cầu của con người tan vào không trung…”.

Tôi không rõ ông Trảng nói đúng hay sai, nhưng điều thú vị nhất mà ông chỉ ra được, là sự tự nhiên của các loại hương và dược tính của các nguyên liệu phối trộn từ nhiều vị thuốc. Tiệm bán nhang ở chợ Đồng Xuân cũng thế, hay tại một phiên chợ cuối tuần ở Bhutan cũng có quầy bán nhang đặc biệt như vậy. Vùng đất Phật trên đỉnh Hymalaya này tự nhận mình là “thung lũng dược liệu”, bởi 70% diện tích đất của họ là núi rừng nguyên sinh. Có hai cách để mua nhang: mua từng loại bột thảo dược về, tự trộn lại để thắp, hoặc mua loại đã được các nhà sư đóng sẵn thành từng thẻ nhang nhỏ. Điểm khác nhau duy nhất là thẻ nhang chứa đựng một câu chuyện và một câu cầu nguyện. Toàn bộ quá trình làm nhang được tuân thủ nghiêm mật theo công thức của Mật Tông Tây Tạng, và phải có nhà sư đứng bên cạnh trì chú để thêm năng lượng cầu nguyện cho từng que nhang…

Nói dông dài như thế để dẫn vào một việc quan trọng với phong thủy: Cây nhang có thể đảm nhiệm ba việc quan trọng trong nhà, mà thường bị lãng quên: Nó là công cụ kiểm tra phong thủy hiệu quả nhất, nó là “máy điện tín” để con người giao tiếp với thế giới tâm linh, và nhà có vượng khí, hãy làm thơm ngôi nhà.

Kết nối với thiên nhiên

Bất kỳ loại động vật nào cũng hiểu được những tín hiệu của thiên nhiên một cách hiệu quả hơn con người. Chuồn chuồn bay cao hay thấp dựa vào lượng nắng mưa của ngày hôm đó. Kiến luôn dời tổ cả mấy hôm trước trận mưa to. Cọp, beo, chồn, nai đều biết cách chọn một cái hang kín gió, thoáng khí và an toàn để làm chỗ sinh con. Ngay cả những con chó nhà mình, vốn gần gũi với cuộc sống của loài người nhất, mỗi khi bệnh cũng biết đi tìm vài cái lá để nhai, mỗi khi muốn sinh con thì sẽ chọn cái chỗ nằm thuận tiện nhất. Con người, hình như trước đây cũng am hiểu về đất trời lắm, cho đến ngày chúng ta bật máy lạnh lên, đóng cửa lại và cắt đứt kết nối với tự nhiên. Mất đi cái kết nối này, cũng là mất đi quyền năng hiểu được sự hài hòa của những yếu tố trong tự nhiên, thì không thể tận dụng sức mạnh, nguồn năng lượng và sức mạnh chữa lành của tự nhiên vốn thuộc về chúng ta.

Một tổ chức tên là Healing Forest – tạm dịch là Khu rừng Chữa lành, đã làm bộ phim ngắn 4 phút, một bộ phim khiến bạn muốn chạy vào rừng liền tức thì khi xem xong. Họ gọi đó là hành trình khám phá sự nhiệm màu của việc chữa lành từ thiên nhiên. Sự chữa lành này, bắt đầu một cách đơn giản nhất: kết nối lại với thiên nhiên. Với họ, mục tiêu của tất cả những ai tham gia vào hành trình này giản đơn lắm: Giúp mọi người chữa lành mọi vết thương trần thế, và giúp những khu rừng chữa lành những thương tổn do thế gian gây ra. Vết thương trần thế mà khu rừng có thể chữa lành không chỉ là những vết thương lòng đâu. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, một khu rừng nhỏ chứa nhiều quyền năng hơn một cái bệnh viện nữa. Nó đánh thức yếu tố tự nhiên hoang sơ nằm ẩn bên trong mỗi người, làm cho ai cũng cảm thấy thoải mái và thư thái. Những đo đạc phức tạp được thực hiện để chứng minh một điều có vẻ hiển nhiên: vô rừng, đứng thở một chút thì não bộ chúng ta sẽ hoạt động khác đi – nghĩa là nó dịu xuống, làm giãn ra những căng thẳng của toàn bộ cơ thể, làm những dòng suy nghĩ trở nên chậm rãi hơn, hơi thở cũng dài hơn.

Đôi mắt được tưới tắm một màu xanh. Làn da được thoát khỏi khói bụi. Lỗ tai được giải phóng khỏi tiếng ồn đô thị. Não bộ cũng ngưng phải xử lý mớ thông tin bất tận của bảng hiệu quảng cáo, của truyền thông, của Facebook. Chúng ta đang thực sự “về nhà” – theo đúng nghĩa đen của nó – về một chốn nương náu cho bản thân mình. Dòng máu chảy trong huyết quản sẽ từ tốn để những cơn stress dần tan ra, và các bác sĩ xác nhận các tế bào xấu trong máu như tế bào ung thư cũng đồng thời bị biến mất. Cùng lúc đó, những thất vọng về cuộc sống, những thăng trầm công việc cũng lặng lẽ lùi xa. Chúng ta đang “ở nhà” mà, có giông bão nào muốn ghé qua đâu…

Điều này cũng chính là triết lý xưa nay của ông bà mình để lại liên quan tới phong thủy: học cách sống hòa hợp với tự nhiên, thiên nhiên và đất trời. Bạn không cần biết nhiều về phong thủy đâu, chỉ cần bước vào một căn nhà mà bạn thấy thoải mái sảng khoái thì nó đã đạt 7 – 8 điểm về phong thủy rồi. Vì sao vậy? Vì phong thủy tốt là sự cân bằng và hài hòa của các yếu tố ngũ hành, vị trí và cả phần “âm” nữa. Nếu bạn nhớ lại, sẽ phát hiện ra có những nơi mình tới là mê liền, còn có những chỗ bước vào là thấy âm âm u u mệt mệt bực bực.

Đi tìm “nguồn năng lượng” phong thủy

Có chị bạn nhắn tin, hỏi: “Có nên trồng hoa hồng ngoài ban công nhà không?”. A ha, chắc là chị lo hoa hồng có gai, là vật nhọn mang lại điều không may mắn. Mình bèn nói: “Trồng gì cũng được, miễn là làm mình vui”. Xong thấy nói vậy thì hơi vô trách nhiệm với vị khách đầu tiên, nên xin viết dông dài chút… Xin ví dụ bằng câu chuyện rất dễ thương sáng nay, đọc trên Facebook của một chú người quen đang sống ở Úc: “Thơm (dứa) cỡ này, mua tiền Úc, tính ra khoảng 26.000 đồng VN một trái mà được cho là rẻ. Cha tiếc tiền, nhận xét: Trời đất sinh ra trái thơm chưa hợp lý, phần phải gọt bỏ đi nhiều, uổng phí quá! Con cãi: Nhưng trời sinh trái thơm là để nó sống với tự nhiên, chớ đâu phải cho con người gọt ăn? Ôi, triết học ngay trong nhà bếp”.

Lại kể chuyện bữa nọ, đi nghe thiền sư Minh Niệm nói chuyện về hoa hồng. Thầy hỏi: “Này đóa hồng nhung, em ở đâu ra?”. Câu trả lời, có thể giản đơn là từ cây hoa hồng nhung. Lại cũng có thể phức tạp hơn, vì để có một cánh hồng nhung đẹp đẽ như vậy, thì cần có nắng, có gió, có khí trời, có dưỡng chất từ đất, và có cả công chăm bón. Cuối cùng, có thêm cái tình của người thưởng thức nữa. Vậy đóa hồng nhung là tạo vật tinh hoa của đất trời, thiên nhiên và cả con người. Bởi vậy, chúng ta nên trồng hoa hồng, hay trồng một cây dại cũng được, nếu ta muốn trồng, và chịu khó dành công chăm bón, dành tình cảm cho nó, cảm nhận một chút niềm vui nho nhỏ khi nhìn nó lớn lên, và nở một bông hoa. Đó là thứ năng lượng tích cực mà cây hoa trao tặng cho bản thân mình, và cho cả ngôi nhà. Còn ngược lại, trồng mà không chăm, để cây hoa buồn, giận và héo tàn, thì rõ ràng là chẳng có năng lượng tốt nào được tỏa ra, mà còn là một chậu hoa xấu xí…

Vậy thôi, thấy vui thì trồng. Gai là của hoa hồng, và là một phần của vẻ đẹp hoa hồng, đâu có gì để lo lắng. Người yêu hoa, thì chẳng bị gai hoa hồng đâm vào tay bao giờ…

Ngôi nhà là một hệ sinh thái

Phong thủy, cần được nhìn theo yếu tố động, tức là có sự dịch chuyển, biến thiên và tương hỗ lẫn nhau giữa các đối tượng cùng tồn tại trên một môi trường địa lý nhất định. Bởi vậy, khái niệm rõ nhất để xét về phong thủy của một ngôi nhà là phải xem nó như một hệ sinh thái.

Hệ sinh thái, vốn là một từ đang rất thịnh hành hiện nay, lấy từ trong ngành khoa học trái đất và khoa học môi trường, dùng để chỉ mối quan hệ hữu cơ với nhau của các thành tố trong cùng không gian. Do đó, điều quan trọng nhất không phải là “con gì”, “cây gì” mà quan trọng là ở mối quan hệ.

Để dễ hiểu, chúng ta lấy ví dụ về Tràm Chim ở Đồng Tháp. Những mùa khô, đó là một nơi xấu chết được, toàn cỏ lác xác xơ. Nhưng chính cái xấu xí đó lại đang chuẩn bị sẵn sàng cho tới mùa thì đàn sếu đầu đỏ hiếm quý sẽ về, mang lại những cảnh đẹp mê hồn mà chỉ có nơi này mới có.

Vậy ngôi nhà của chúng ta, để xem xét về phong thủy, thì không chỉ coi cái nhà, cái cửa, cái giường, cái phòng tắm, cái nhà bếp hay là cây cối xung quanh, mà phải xem xét về mối quan hệ của những món này với nhau và với những thành viên đang sống trong ngôi nhà đó.

Không chỉ là những thứ hữu hình cầm nắm được, ánh sáng, âm thanh hay mùi hương cũng cần được xem xét cẩn thận thì mới nắm được sự phù hợp hay chưa của yếu tố phong thủy. Vậy nên nếu ai phán cái cửa này không đúng, cái giường kia bị sai, cái bếp nọ không chuẩn, thì chỉ mới chạm tới phần thô nhất của hệ sinh thái ngôi nhà mà thôi.

Đặc điểm lớn nhất của hệ sinh thái, là sự nương tựa lẫn nhau, cung cấp năng lượng cho nhau để cùng phát triển. Nên một ngôi nhà được chăm chút mỗi ngày, tiếp cho nó năng lượng yêu thương thông qua bữa cơm đỏ lửa, thông qua nụ cười khi trở về, chính là đang “sạc pin” cho nguồn năng lượng quan trọng nhất của mỗi người.


TỰ KIỂM TRA PHONG THỦY NHÀ MÌNH

Nhiều người quen hay nhờ qua coi giùm cái nhà coi “ổn không”. Mình thường từ chối và hướng dẫn họ tự kiểm tra. Đơn giản lắm, lại không tốn kém gì. Có 3 cách cơ bản nhất như sau:

1. Phòng khách: Mở cửa chính, cửa sổ và lúc trời lặng gió, đốt một cây nhang (dùng loại nhang thảo dược hoặc nhang trầm, miễn là không phải loại có ướp tẩm hóa chất hay nước hoa rất độc). Sau đó, bạn hãy theo dõi cây nhang cháy. Nhang cháy đều, khói lên nhẹ nhàng, uyển chuyển và hướng lên trên chứng tỏ không khí trong nhà ổn định, bình yên và ít xáo động. Ngược lại, bạn sẽ tự trải nghiệm luồng khói nhang bị tán loạn, bị xoay vòng có nghĩa “khí” đang động quá, không tốt.

2. Phòng tắm / phòng ngủ: Dùng một chiếc khăn bông loại vừa (nên mua mới, vì cũng đến lúc thay khăn tắm rồi), xả với nước, vắt khô và treo lên. Nếu sau 24 giờ mà chiếc khăn không tự khô ấm thì có nghĩa là căn phòng thiếu khí, không khí không lưu thông tốt hoặc bị ẩm. Nếu vậy thì làm sao tốt cho sức khỏe được, tất nhiên là phong thủy kém rồi.

3. Nhà bếp: Để vài củ khoai tây, hoặc hành tím, hoặc tỏi (nhớ mua loại của nông dân mình trồng, không được dùng loại nhập của Trung Quốc). Nếu sau một tuần, hai tuần mà các củ này không tự nảy mầm được, thì gian bếp bị thiếu sinh khí. Hoặc đơn giản là bạn đã mua đồ thực phẩm không an toàn. Trong cả hai trường hợp này, phong thủy và sức khỏe đều không ổn.

Bài: TRẦN BUNG. Minh họa: HỒNG NGUYÊN